THẦY TÔI - THẦY CỦA CHÚNG TA

Thầy giáo của tôi là một người rất đặc biệt. Trong thâm tâm, tôi luôn coi thầy là sư phụ suốt gần 30 năm qua. Thầy đã cho tôi niềm kính yêu và tự hào không bao giờ vơi cạn. Thầy cho tôi cảm hứng để sống vui, để kiêu hãnh, để rộn ràng trên bục giảng mỗi ngày. Thầy cho tôi ký ức về sự hài hước trong từng ánh mắt. Viết về thầy thật khó, tôi đành thầm xin  phép thầy để kể lại một đôi kỷ niệm...

Thầy thẳng thắn

Lần đầu, tôi đến nhà thầy là từ thời sinh viên. Thầy sống tại một căn gác trên tầng cao phố cổ Hà Nội, thuộc nhóm phố “Hàng…”, xưa đến mức dọc cả phố không còn bán loại hàng đó từ rất lâu rồi. Ngồi xuống chiếc ghế trong căn phòng nhỏ hẹp nhưng nhiều sách xếp rất ngăn nắp, tôi vụng về khen: “Nhà thầy đẹp quá ạ!”. Thầy bảo: “Chật thế này, có gì đẹp đâu!”. Tôi trầm trồ thực lòng: “Những giá sách ạ!”. Thầy đáp: “Sách ở đâu chả như thế,giá thì đóng bằng gỗ tạp, gỗ thùng ấy mà”. Tôi vẫn cố: “Nhưng rất vuông vắn ạ”. Thầy đáp: “Không vuông thì nó đổ à!”. Hết khéo, hết khách sáo. Từ đó, gặp thầy, tôi không còn dám nói những câu vòng vo giao đãi nữa. Đó cũng là bài học thầy dạy tôi từ tuổi 18, sau này tôi biết “tự phanh” và bỏ hẳn kiểu nói cho đẹp lòng như đã khen giá sách ở nhà thầy.

Thầy chu đáo

Thầy như ông già noel suốt tuổi thơ của con trai tôi (cháu sinh năm 1991), có lần tôi đưa con đến thăm thầy, thầy cho ăn kẹo sô-cô-la, thấy cháu ăn “nhiệt tình” nên thầy nhớ và mỗi lần đến chơi với gia đình tôi, thầy vẫn mua nhiều và đều. Lương “ông thầy” (con tôi gọi thầy như thế) ngày ấy rất thấp để mua những phong kẹo ngoại nhập như vậy. Thời đó, hay “quy ra gạo” nên khi vào siêu thị biết giá mỗi phong kẹo đáng giá hàng chục kg gạo loại ngon, tôi đã thấy rất ngại! Tôi chỉ muốn bảo đứa con nhỏ tuổi: “Không được tỏ ra thích sô-cô-la, làm ông tốn tiền”.

Thầy tốt hơn cả chữ “tốt”

Nhớ năm ấy, tôi mua nhà, Vì không đủ tiền, nên tôi đã phải đi vay để mua. Tất nhiên là tôi không dám vay thầy. Vui vì mua được nhà, tôi gọi điện thoại khoe thầy: “Thầy ơi, em mới mua nhà. Cũng được, nhưng…” Thầy ngắt lời: “Thiếu tiền phải đi vay à?”. Tôi “Vâng ạ”. Thầy bảo luôn: “1h chiều mình đi Nghĩa Lộ, trước 1h bạn qua, có ít tiền để dành mình sẽ đưa cho, bạn cầm trả trước cho người nào bạn không tiện vay lâu. Thế nhé”. Nói rồi, thầy ngắt máy. Tôi cảm động và nghĩ, dù thế nào mình cũng cần đến nói cảm ơn thầy. Vừa gõ cửa, thầy đã bước ra bảo: “Đây, bạn cầm lấy. Mình vội đi ngay đây”. Rồi thầy xách túi, khép cửa. Tôi về, mở ra: 1000 USD (ngày ấy là 11 triệu đồng). Căn hộ tập thể nhỏ mà tôi mua năm ấy có giá 27,5 triệu.

Mấy tháng sau đó, một buổi tối, điện thoại reo, đầu dây kia giọng thầy nghẹn ngào: “Mẹ mình mất rồi!”. Tôi thương bà, thương thầy lắm nhưng tâm lý canh cánh nghĩ đến khoản nợ, trong lúc hỏi thêm một số câu, đầu tôi lóe lên giải pháp sẽ bán xe máy. Tôi mạo muội hỏi: “Thầy ơi, em xin hỏi thật ạ. Thầy có cần tiền để lo việc của bà, để em thu xếp gửi thầy ạ”. Vẫn đang chìm trong nỗi thảng thốt chuyện đau buồn, thầy nghẹn lời:“Không, mình chỉ báo cho bạn biết thế thôi. Còn nếu bạn cần thêm, thì đến đám tang mình đưa thêm cho…” Tôi tự thấy chán mình quá, thoáng nghĩ đến một kẽ đất. Để chui xuống.

Thầy tự tại

Mấy chục năm, tôi lao vào guồng quay của công việc, bận rộn với gia đình và cuộc sống thường nhật nên không đến thăm thầy nhiều như trong lòng muốn được. Tôi chỉ giữ nếp nhất định Tết nào cũng đến thăm thầy. Và mỗi Tết càng mỗi thương thầy hơn. Dù bận thế nào, suốt từ thưở sinh viên đến nay, tôi vẫn giữ lệ đến thăm thầy trước Tết Nguyên Đán. Một vài lọ ô mai hay một ít nấm hương thật nhỏ nhoi, không đáng kể gì cho mỗi dịp Tết. Song đến thầy là một việc mà tôi chưa bao giờ bỏ. Ngay cả năm tôi sinh con, chồng tôi cũng tự nguyện thay tôi đến thăm thầy.

Gần đây, đã 5 cái Tết, thầy dọn đến một khu đô thị khá xa so với vị trí trung tâm Hà Nội thầy vẫn ở, căn hộ rộng và đẹp hơn, nhưng sao tôi lại càng thấy nao nao. Mái tóc thầy nay đã bạc trắng nhưng nụ cười vẫn rất tươi, như có năng lượng tỏa căng trên má. Và ánh mắt thông minh luôn lấp lánh đầy hóm hỉnh. Bao thế hệ sinh viên có ý định làm “mai mối” cho thầy đều thất bại, đều tự thấy như mắc nợ trong lòng. Thầy của tôi và chúng ta vẫn một mình như thế.

Cuối tháng chạp hằng năm, tôi luôn hỏi thăm “Thầy đã chuẩn bị Tết đến đâu rồi?”. Thầy tôi luôn trả lời: “Cũng có gì lắm đâu. Năm nào chả thế!”. Khi đến, tôi luôn đề nghị thầy để hai mẹ con tôi dọn nhà đỡ thầy một chút! Thầy luôn bảo: “Mình có bận gì đâu, từ từ làm là xong, mình tự dọn thì khi cần gì mới tìm được chứ”.

Và lần nào, khi ra về tôi cũng băn khoăn không hiểu tại sao thăm một người cao niên, một bậc tiền bối sống một mình mà trở về ăn Tết tôi lại thấy lòng ấm áp như thế. Như thể nhìn thấy thầy là điều kiện đón xuân của tôi và gia đình tôi vậy. Những ngày giáp Tết bận cuống cuồng, nhưng cứ nói là đi đến nhà thầy thì cả gia đình tôi cùng thấy: không có việc gì cần hơn.

Tôi là ai không quan trọng, nhưng tôi chưa nói thầy tôi là ai. Vậy mà tôi tin ai đọc đến đây đều đã đoán ra. Thầy tôi cũng là thầy kính yêu của tất cả chúng ta - PGS Lê Trường Phát, người giảng Truyện thơ dân gian thiểu số, giảng Chèo, giảng Cổ tích, giảng Sử thi ấn tượng đến không thể nào quên..., và thầy là người mà mỗi học trò lứa chúng tôi dù dần luống tuổi, vẫn phải ngước nhìn.

Hà Nội tháng 8/2016
Học trò Nguyễn Kim Anh - K37


Source: 
28-07-2021
Tags