Thanh Thảo với trường ca

THANH THẢO VỚI TRƯỜNG CA

 

CHU VĂN SƠN

 

Kẻ viết giống như người đi đường mà mỗi bước đi lại vung vãi tác phẩm của mình cho đời. Đến cuối đường, ai cũng cố lượm lặt những gì viết ra, tỉ mẩn sắp lại mong có tấm có món để đời. Số đông chỉ được mớ hẩu lốn, đỡ hơn, thì được mẹt hàng xén. Dạng này khó thành tác giả (dù có thể có thẻ hội viên). Số còn lại, cực ít. Cái họ tung ra như những miểng vụn bừa bộn, đôi khi văng rất xa nhau, nhưng xem kĩ, mỗi miểng kia lại là một mảnh ghép của một bức tranh toàn vẹn. Chỉ dạng ấy mới thực là tác giả. Trường hợp lớn, thì họ đã là tác giả ngay từ miếng ghép đầu tiên.

Điều gì khiến những sáng tác rời rạc, rải rác, bề bộn kết thành một bức tranh duy nhất, những mảnh vỡ gắn thành nhất thể ? Kẻ viết nào mới là tác giả ?

Mượn cách nói của Chế Lan Viên: kẻ ấy phải có cái lõi trầm trong ruột. Khi trong ruột đã có lõi trầm, thì mỗi cái được viết ra, dù rất không đâu, rất xa nhau cũng đều là một làn hương từ một thứ trầm duy nhất đó.

Lõi trầm ấy còn có thể là gì khác hơn một tư tưởng nhân văn riêng? Mỗi tác giả chân chính xuất hiện là sự cất tiếng của một tư tưởng nhân văn thực sự nào đó. Không có điều này, anh chỉ là kẻ a dua, là bản sao, là cái bóng của ai đó mà không tự biết, cái viết ra sẽ chỉ là những vay mượn, vá víu không tự biết (dù có thể rất hồn nhiên)

Phần cốt lõi nhất của tư tưởng nghệ sĩ là gì nếu không phải là những quan niệm riêng ? Quan niệm nào vậy ? – Quan niệm nhân sinh và thẩm mỹ. Nếu quan niệm nhân sinh trả lời câu hỏi về hạnh phúc, thì quan niệm thẩm mỹ trả lời câu hỏi về cái đẹp. Cả hai tìm thấy nhau trong cùng một băn khoăn chung: thế nào là giá trị người, giá trị sống. Mỗi nghệ sĩ chân chính phải là một niềm băn khoăn, một câu trả lời. Tất nhiên, bằng sáng tác của mình. Băn khoăn ấy là cái lõi trầm trong ruột người nghệ sĩ. Dù có thể anh ta không ý thức rõ về nó, dù có khi bất lực trước nó. Kẻ viết có thành tác giả hay không, lớn hay bé, phụ thuộc vào điều anh có hay không mối băn khoăn ấy và tầm cỡ nó thế nào.

Trong thế hệ mình, Thanh Thảo thuộc số ít người viết đã có băn khoăn như thế ngay từ sáng tác đầu tay:

Hạnh phúc nào cho tôi ?

Hạnh phúc nào cho anh ?

Hạnh phúc nào cho chúng ta ?

Hạnh phúc nào cho đất nước?

Những câu hỏi chưa bao giờ nguôi được.

                                 (Thử nói về hạnh phúc)

Đó cũng là những câu hỏi đeo bám suốt đời thơ Thanh Thảo. Cho đến tận sáng tác gần đây nhất, trường ca Metro, sau 40 năm lăn lộn trường văn trận bút, câu hỏi ấy đâu đã chịu buông tha anh: “nhưng hạnh phúc là gì?”,”không ai đủ sức trả lời / dù còn cả cuộc đời trước mặt”. Cũng đeo bám như thế là băn khoăn khôn cầm về cái đẹp. Lúc này: “Cái đẹp là sự thật”, lúc kia: “Nhìn cái đẹp hiện diện, thơ linh cảm cái đẹp sẽ hiện diện”, chỗ khác:“Cảm giác về cái đẹp thường gắn liền với cảm giác nuối tiếc, nó hướng ta nhìn lại cái đã qua bằng cái nhìn sâu xa hơn” (Khối vuông rubich) v.v… Cả hai là những băn khoăn song sinh, song hành. Chúng thường nhập làm một trong niềm băn khoăn về giá trị sống, giá trị người:“Mong một ngày hiện rõ / chất thật mỗi con người”, “phải trả giá cho mỗi phẩm chất người / dù rất nhỏ” (Đêm trên cát)... Toàn bộ sáng tác Thanh Thảo, xét đến cùng, mượn cách hình dung của chính anh, cũng là một khối rubích, mà mỗi tiếng thơ tựa một ô màu, tất cả những ô màu ngỡ rất hỗn loạn, kì thực lại xoay quanh một cái trục bí mật duy nhất là mối băn khoăn ấy thôi.

Vỡ lẽ của Thanh Thảo cho mối băn khoăn ấy là gì? Cất công tìm kiếm, người đọc sẽ thấy ẩn trong thế giới nghệ thuật phong phú của anh hai chìa khóa: lấp lánh và lặng lẽ. Chơi chữ chăng? giật gân chăng? Không. Lặng lẽ tỏa sáng, lặng lẽ làm người, đó là cái đẹp và hạnh phúc, đó là giá trị sống, giá trị người theo quan niệm Thanh Thảo. Trong cái thế giới ồn ào đầy rẫy những bạo tàn, phàm tục, giả trá này, cái đẹp thuộc về sự lặng lẽ. Những tinh thể quí giá thường kết tinh trong lặng lẽ. Những phẩm giá cao quí thường lấp lánh trong lặng lẽ. Vẻ đẹp cứ lặng lẽ làm chính nó. Con người cứ lặng lẽ là mình. Không màu mè, không ồn ào, không phô phang, không diễn. Không được ai biết đến, không cần ai biết đến. Hiện diện thế là đẹp, được sống như thế là hạnh phúc. Lặng lẽ tỏa sáng là vẻ đẹp thiên nhiên, lặng lẽ làm người là vẻ đẹp nhân cách cuốn hút hồn thơ Thanh Thảo. Chẳng phải thế sao ? Ai đọc cũng có thể thấy vô vàn những hình sắc khi thì bất ngờ hực sáng, lấp lóa, lấp loáng, khi thì long lanh, lóng lánh, lấp lánh trong cỏ cây, sông nước, biển núi, mây rừng của thế giới thi ảnh Thanh Thảo, dù ở thời trận mạc hay thời bình, dù trong quá khứ lịch sử hay trong cuộc sống đương thời (“Ngước nhìn mút mắt khoảng trời long lanh”, “Mỗi chúng ta là giọt nước / Uống đất bùn và mặt trời long lanh”, Cây ngời sáng long lanh như hồi chuông”, “Chim sẻ ơi từ đâu đến đậu ban công nhà ta lung linh như giọt nước”, “Lem luốc niềm vui lóng lánh vẩy cá”…). Ai đọc cũng sẽ thấy những vẻ đẹp người mà Thanh Thảo cả đời say mê khám phá như lòng nhân hậu, đức hi sinh, đặc biệt là tính can đảm, trung thực, nghĩa khí của thế giới nhân vật trên mọi chặng thơ anh, dù của những người lính hay người mẹ, nghệ sĩ hay nghĩa sĩ, nhà thơ hay trẻ thơ… bao giờ cũng hiện ra trong lặng lẽ (“Màu đỏ thật không ồn ào / máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo”, “Nhìn mắt bạn thấy bóng mình lẳng lặng / mối hận bỗng trào lên cuộn xoáy con thuyền”, “Từ cơn ho của mẹ một mình khuya khoắt”…). Mỗi vẻ thiên nhiên ấy khác nào một giọt nước mắt vầng trăng/ long lanh trong đáy giếng/ ! Mỗi chất người ấy khác nào một đạo hào quang ấp ủ trong cõi sâu lặng lẽ của con người ! Lấp lánh mà lặng lẽ, lặng lẽ mà lấp lánh, là giá trị cũng là hạnh phúc, vì thế, nó là vẻ đẹp thơ suốt đời Thanh Thảo. Ngay từ sáng tác đầu tay, nó đã đến với anh. Và anh sẽ cứ tìm kiếm nó, tôn vinh nó suốt cả đời thơ mình. Bởi thế, đó chẳng phải là cái trục bí mật của khối rubích thơ anh sao ? đó chẳng phải cái lõi trầm trong hồn thơ anh sao?

                                       *

Lõi trầm trong hồn thi sĩ chắc chắn sẽ nhạt hương nếu thiếu đi thành phần này: quan niệm riêng về thơ. Quan niệm thơ, quan niệm nhân sinh, quan niệm thẩm mĩ của chính kẻ viết bao giờ cũng đồng hành và chuyển hóa lẫn nhau để cùng làm nên cái lõi trầm bí mật của đời thơ tác giả. Có thể xem đó là tam vị nhất thể của một quan niệm nghệ thuật toàn vẹn ở một kẻ viết chân chính.

Trong thơ, kẻ viết nào chỉ chờ chờ chộp từng ý tưởng, lượm từng thi tứ, vớt từng cảm xúc, rồi dùng chút kĩ nghệ nào đó chế ra bài nọ bài kia, kiểu ăn đong, ăn may, chắc chắn không thể đi đường dài. Kẻ đi đường trường tựa như cây lớn, ít bận tâm ở cành nhánh, mà chăm lo nhiều cho gốc rễ. Ngay từ rất sớm, Thanh Thảo đã xem cái gốc của thơ chính là nhân cách thơ. Thơ là sự cất tiếng của nhân cách nhà thơ, đó là xác tín của thi sĩ này. Có nhân cách thơ, tất sẽ ra thơ, có gốc tất sẽ đâm cành. Khi nhân cách nhà thơ lên tiếng, đó đã là thơ rồi. Quan niệm này được anh phát biểu ngay từ đầu những năm 80 thế kỉ trước: “Thơ bắt đầu từ đâu ? Từ ý tưởng, thực tế, từ cái nhìn hay cảm xúc? Theo tôi, thơ phải bắt đầu từ chính nhân cách của nhà thơ, nó là xương sống của cả đời thơ. Sau đó tới tài năng và lao động. Dĩ nhiên chỉ có nhân cách không đủ thành thơ, cũng như chỉ có xương sống chưa đủ thành người. Nhưng sẽ ra sao nếu con người thiếu xương sống ? Đối với nhà thơ, nhân cách vừa là tiền đề, vừa là kết quả của tài năng và lao động. Có một quan hệ biện chứng giữa những điều này(…) Thơ kín đáo ngay ở chỗ nhà thơ khi viết buộc phải phơi trần tâm hồn mình trên trang giấy, ở chỗ nhà thơ không còn nơi trú ẩn nào khác cho nhân cách của mình, ngoài bộc lộ nó thành tâm[1]. Đây chưa chắc là quan niệm độc đáo, song, chắc chắn là quan niệm đúng đắn. Đáng nói hơn, nó giúp ta lí giải được nhờ đâu thi sĩ có thể đi đường dài với thơ. Khi xem nhân cách thơ vừa là tiền đề, vừa là kết quả của tài năng và lao động, đồng thời thấy rõ có một quan hệ biện chứng giữa những điều này, Thanh Thảo không chỉ đem đến một cách hiểu riêng về nhân cách thơ mà còn hé mở một mong cầu: người thơ thứ thiệt phải sống thơ trước khi làm thơ. Đời sống hàng ngày của một nhân cách như thế, tự nó đã là sự chưng cất, sự kết tinh thơ rồi. Coi gốc của thơ là nhân cách thì trữ lượng thơ của một hồn thơ xem như đồng nhất với số phận người thơ. Chừng nào còn sống thơ, chừng ấy còn nguồn thơ. Phải có một nguồn thơ như thế mới có thể đi đường dài, mới có thể trường kì với thơ ca.

Quan niệm về gốc của thơ thường nhất quán với quan niệm về sản phẩm thơ. Coi trọng việc sống thơ, Thanh Thảo cho rằng thơ là dòng sống thực của cá thể từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Một nhà thơ có nhân cách, chỉ cần nắm bắt và thể hiện được những dòng sống thực đó của mình, bản thân nó đã là thơ. Dù từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc kia có thể rất bất chợt, bất định, có vẻ hỗn loạn, nhưng mỗi khoảnh khắc ấy lại bật lên từ một gốc chung, xoay quanh một trục chung là nhân cách người thơ. Do đó, đời sống thực của một nhân cách thơ cũng có cấu trúc tựa hồ rubich. Chỉ cần thành thực phơi trải, tự nó đã là thơ thứ thiệt, thơ quí. Bởi nó là dạng thơ khước từ mọi trang sức thỏn mỏn thường tình. Và Thanh Thảo đã bình tĩnh đem đến cho thi đàn thứ thơ như thế. Người ta đã nhận thấy thơ anh là những dòng sống thực của chính tâm hồn anh. Một dòng sống đầy những đứt nối, bất chợt rất gần với quan niệm của các nhà siêu thực: “âm thanh vỡ vụn mảnh gương lấp lánh trong khuya / nước mắt nhà thơ độc hành / những vệt sao thấm nhanh vào cát/ cát vang khô khốc”, “hãy kêu tới đáy lòng Cao Bá Quát / bàn tay nhà thơ nắm chặt dòng sông / vung thành gươm trên cát bỏng”, “họ lấm láp sình lầy bước vào thơ Đồ Chiểu / họ để lại những vệt bùn làm vinh dự cho thơ”, “những cây bàng chợt rùng mình cảm thấy / một khung trời gãy gập của mùa đông”,”những con cá bơi cả vào giấc ngủ / những ngôi sao vàng óng ánh tiếng cười”, “trên khuôn mặt cày sâu những nếp nhăn nghèo đói / ta gặp lại niềm vui trong trẻo của nước mưa” … Nhưng, vẻ “siêu thực” nọ không hẳn xuất phát từ lí thuyết, mà có lẽ từ sự trải nghiệm thơ của bản thân anh nhiều hơn. Những vẻ đẹp sáng của thiên nhiên, của con người cứ lấp lánh trong âm thầm, long lanh trong lặng lẽ rồi bất chợt bừng lên vào khoảnh khắc nào đó, từng khoảnh khắc như thế cứ dệt nên dòng sống thực của hồn thơ, dệt nên mỗi bài thơ Thanh Thảo.

                                      *

Một hồn thơ như Thanh Thảo không thể không bén duyên với trường ca. Bởi dòng sống thế kia chỉ thực sự thoải mái khi thả sức trong một hình thức phóng khoáng với một cấu trúc luôn mở thôi. Mà trường ca chính là một thể đầy hứa hẹn cho hình thức ấy, cấu trúc ấy. Quan niệm và nhân cách thơ của Thanh Thảo đã giúp anh thoải mái marathon với trường ca, mặc sức "đi tới biển" cùng trường ca.

Về thể loại, sự bùng nổ của trường ca có lẽ là hiện tượng đáng kể nhất của thơ Việt Nam từ nửa sau thế kỉ XX đến giờ. Người ta đã đưa ra nhiều cách định nghĩa, định danh khác nhau. Người sính dùng những lí thuyết tít từ thời Heghen để áp vào hôm nay. Người bận tâm phân định nó với những anh hùng ca và sử thi thời cổ. Người loay hoay khu biệt nó với thơ dài, truyện thơ, khúc ngâm. Gặp gỡ có, bất đồng có. Thái độ với trường ca cũng vậy: lắm người hoài nghi, khối người hài lòng, không hiếm người nghiện. Song, bất chấp những phân hóa, chia rẽ, trường ca vẫn cứ trường ca, cả trong nước lẫn ngoài nước. Từ quan sát của mình, tôi thấy khi thơ trữ tình muốn trình bày suy cảm về những vận động lớn lao, thậm chí kì vĩ của đời sống bằng một hình thức lớn, khi ấy trường ca xuất hiện. Nói gọn hơn, khi thơ trữ tình muốn chiếm lĩnh thực tại ở cấp độ cái kì vĩ thì trường ca bắt đầu lên tiếng. Các trường ca hiện đại của ta manh nha từ thời Thơ Mới, lác đác trong cuộc chống Pháp, rộ lên suốt thời chống Mỹ và bội thu sau chống Mỹ, chẳng phải là một bằng chứng sinh động hay sao?

Không phải thi sĩ nào cũng có thể là tác giả trường ca. Không ít người định dấn thân vào thể này, sau đã bỏ cuộc. Người thì đã lên những đề cương tỉ mỉ cho các bản đại trường ca, cuối cùng đề cương hoen rỉ trong ngăn kéo. Người thì gắng kẽo kẹt cho hết một bản, rồi cạch đến già. Sự ấy cũng thường tình. Trong điền kinh, cùng môn chạy thôi, có người vô địch cự li ngắn, nhưng chìm nghỉm khi marathon. Trong trận mạc, có người giỏi đoản binh mà bí trường trận. Có tạng thơ chỉ sở trường ở những thể vừa vừa trung trung. Có tạng chỉ thực là nó ở những thể nhỏ nhỏ xinh xinh. Hễ họ bén mảng sang thể lớn là lập tức hẫng chân, cụt hơi. Ấy cũng là thường.

Do mấu chốt của trường ca là ở chữ “trường”, nên một tác giả trường ca, theo tôi, ít nhất phải có đủ “tam trường”: trường vốn, trường lực và trường hơi. Vốn trải nghiệm, vốn tri thức, vốn nhân văn phải dồi dào; năng lực sáng tạo hình thức trong ngôn ngữ phải sung mãn; và phải nuôi được cảm hứng, cảm xúc thật bền, không đuối, không hụt, không cụt. “Tam trường” đó phải hiện ra thành kiểu tư duy trường ca. Không phải ai cũng có tư duy này! Người có tư duy trường ca thường phải xử lí thật biến hóa mối tương tác giữa những cặp đối cực sống còn này: cái bi - cái hùng, cái kì ảo - cái hiện thực, cái kì vĩ - cái đời thường, chính sử - huyền sử, tính tượng trưng - tính tả thực, tính hồn nhiên - tính tổ chức cao, cả đường bay - từng nhịp vỗ cánh… Ở đây, tay nghề rất quan trọng. Nhưng khối người sành sỏi mọi ngón nghề mà vẫn bại. Dường như hơn cả chuyện tay nghề, là chuyện tạng thơ. Trong khi tạng thơ này vất vả đến bế tắc trước những đòi hỏi phản trái đó, thì tạng thơ khác lại thoải mái tung hoành giữa những nguyên tắc gò bó khắt khe kia. Với họ, trường ca cứ tuôn trào dễ dàng như thơ ngắn, thậm chí, còn dễ hơn thơ ngắn. Cứ thế, họ thành tác giả trường ca, thành cây trường ca. Tóm lại, kẻ viết phải có gốc trường ca mới mong thành cây trường ca.

Thanh Thảo đã trường ca ngay từ cái đầu tay. Chẳng phải thế sao? “Thử nói về hạnh phúc” chào đời như một bài thơ ngắn, nhưng nó đã tràn đầy hơi thở trường ca rồi. Những trải nghiệm chiến trường ác liệt, bề bộn được soi chiếu, chưng cất bằng một tầm nhân văn cao, thể hiện trong những băn khoăn về hạnh phúc và giá trị người trước sự sống còn của đất nước, được phơi trải trong một hình thức mở của thơ dài. Đó chẳng phải là những nhịp thở hào sảng của trường ca rồi sao ? Và chùm thơ kỉ lục gồm 13 bài được trình làng trên Tác phẩm mới, cũng như tập “Dấu chân qua trảng cỏ” tập hợp những bài thơ ngắn, về thực chất là những mảnh vỡ khác nhau của một bản trường ca. Có thể xem chúng như là những tiền thân, phân thân khác nhau của trường ca “Những người đi tới biển” được viết sau đó. Nói vậy không phải cố vơ vào cho đầy một ôm, mà chính bởi chúng mang một hơi thở chung, một phong độ sáng tạo chung, thuộc một kiểu tư duy chung với trường ca này và với cả những trường ca sau này của Thanh Thảo như “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, “Bùng nổ của mùa xuân”, “Khối vuông rubich”, “Đêm trên cát”, “Cỏ vẫn mọc”… và mới đây là “Metro”.

Tôi biết giới nghiên cứu đã chỉ ra nhiều đặc sắc của thơ Thanh Thảo. Đã có không ít luận văn cử nhân, thạc sĩ, luận án tiến sĩ ngữ văn đào sâu vào các bình diện khác nhau của trường ca Thanh Thảo như tư tưởng nhân dân, chất tự sự và chất trữ tình, yếu tố hiện thực và yếu tố triết luận, hình tượng và biểu tượng, giọng điệu và ngôn ngữ… Bản thân tôi cũng đã viết và hướng dẫn dăm ba cái về cả thơ ngắn lẫn trường ca mà điểm nhấn là chất nghĩ, hệ thống biểu tượng, tính phức điệu như một thứ đặc sản Thanh Thảo trong các trường ca đó. Nhưng, đọc Thanh Thảo lần nào cũng vậy, cái khiến tôi lạ nhất vẫn là việc xử lí cặp đối cực này trong tư duy của anh: tính hồn nhiên và tính tổ chức cao. Trong sáng tạo, hai gã này chúa là xung khắc nhau, thậm chí vật lộn nhau. Liệu có gây cọc cạch mâu thuẫn gì không nhỉ ?

Rõ ràng, một mặt Thanh Thảo xem thơ là dòng sống thực từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, nghĩa là đề cao tính hồn nhiên gần như tuyệt đối của thơ. Mặt khác, anh lại được biết đến như một nhà cách tân hình thức, không ngừng săn tìm những cấu trúc mới cho mỗi bản trường ca. Nghĩa là liên tục tìm tòi ứng dụng và phát kiến những hình thái tổ chức tân kì cho thể loại, trong đó có cả những dạng tổ chức rất phức tạp, rất gò bó. Thật trái khoáy. Vậy mà vẫn đâu vào đấy. Lạ.

Có lẽ, trong các tay bút duyên nợ với thể loại đồ sộ này, Thanh Thảo là người coi trọng và dấn thân vào cấu trúc nhiều hơn cả, thành hơn cả. Khước từ những hình thái tổ chức quen thuộc của trường ca như kéo dài thơ ngắn ra thành trường thi, gia tăng sử kiện để thành sử ca, bám riết vào tự sự để thành truyện thơ, mượn hơi khan để thành khan đời mới, nương theo sân khấu để thành hoạt cảnh thơ, kết những thi khúc rời thành tổ khúc thơ, nối các trường đoạn thành liên khúc thơ, pha trộn các thể mà thành dạng trường thiên hỗn thể v.v…, Thanh Thảo đã bứt hẳn sang những địa hạt khác để nhập về những hình thái thật phá cách, như giao hưởng (Những người đi tới biển, Bùng nổ của mùa xuân, Trẻ con ở Sơn Mỹ, Đêm trên cát… mỗi trường ca như một giao hưởng thơ), rubích (Khối vuông rubích là một dạng ru bích trường ca), điện ảnh (Cỏ vẫn mọc là trường ca trong hình hài một kịch bản phim tài liệu nghệ thuật), kịch (Trò chuyện với nhân vật của mình tựa vở kịch một nhân vật thực đối thoại vòng tròn với cả loạt nhân vật ảo), gần đây còn tìm sang cả… metro (Metro là trường ca với cấu trúc song tuyến trái chiều). Toàn những cấu trúc lạ hoắc và kì khu. Cứ y như một lối “chơi” sáng tạo, “chơi” cấu trúc. Vậy mà, đọc vẫn vào. Người đọc vừa bị cuốn theo dòng sống thực từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc của mạch thơ, vừa có khoái thú vì đang được dạo trong những công trình kiến trúc lạ, được thưởng ngoạn những dạng cấu trúc tân kì. Nhờ đâu mà những phản trái lại hòa hợp được vậy ? Nhạc trưởng Thanh Thảo đã dùng chiếc đũa chỉ huy nào? Tôi nghĩ rằng, chiếc đũa ấy chẳng thể là gì khác hơn một năng lực mạnh mẽ ở anh: năng lực phát giác sự hài hòa giữa cái hỗn loạn và cái trật tự.

Tìm kiếm trật tự cho cái hỗn loạn dường như là sở trường lớn của hồn thơ này. Trước hết là trong tư tưởng. Thơ Thanh Thảo, nhất là chất thơ của sự lặng lẽ, chẳng phải là vẻ đẹp của cái trật tự muôn đời giữa sự hỗn loạn đó sao? Chẳng phải toàn bộ thơ anh, nhìn từ mỹ học, chính là mong cầu khôn nguôi về một trật tự nhân văn trước cái loạn của thời chiến và cả cái loạn của thời bình nữa đó sao? Mong cầu ấy cũng là một cái trục bí mật của khối rubich thơ Thanh Thảo vậy.

Nhưng thôi. Hãy trở lại với chuyện hỗn loạn-trật tự riêng trong hình thức. Dòng sống thực vốn đầy những bất định, bất chợt, ngẫu nhiên, ngẫu hứng, ngẫu cảm… là hỗn loạn. Còn những hình thái cấu trúc lại là các dạng trật tự. Phóng túng trong trật tự, trật tự mà phóng túng. Chúng hòa hợp bằng cách nào? Giải pháp của Thanh Thảo: dòng sống thực luôn phải là hơi thở tràn trề trong sinh thể trường ca, còn trật tự vừa là bộ khung sườn ẩn vừa là những đường viền linh hoạt. Dòng sống thực (cảm xúc, ý tưởng, thi ảnh…) thì vẫn phóng túng hồn nhiên, còn tổ chức vĩ mô (cấu trúc hình tượng, cấu trúc chương khúc, hệ thống chủ đề…) thì tuân thủ trật tự. Dường như đó cũng là dạng tổ chức phổ biến trong nhiều hình thức của sự sống thì phải ? Hẳn có người sẽ nghi ngờ về tính tự nhiên, chân cảm trong lối viết như vậy. Họ cho rằng cấu trúc gò bó thế dễ giết chết chân cảm hồn nhiên, và “chơi” cấu trúc thế liệu thơ có còn nghiêm túc? Họ quên rằng, nghệ thuật nghiêm túc nhất cũng ít nhiều mang tính trò chơi. Lí thuyết hiện đại chẳng nói vậy sao! Họ cũng quên rằng, trong âm nhạc chẳng hạn, còn gì gò bó hơn cấu trúc chặt chẽ của một bản giao hưởng ? Nhưng mỗi giao hưởng tuyệt tác vẫn cứ là dòng chảy tràn trề hồn nhiên của cảm xúc âm nhạc đó thôi. Hồn nhiên mà có tổ chức, phóng túng mà chặt chẽ, hỗn loạn mà trật tự, đó là thách thức muôn thuở của việc sáng tạo cái đẹp. Dường như, nghệ thuật chính là việc đi trên những lằn ranh mỏng manh giữa những điều phản trái đó ? Và tài năng chính là người xác lập được sự hòa hợp sống động cho những đối cực đó. Khỏi nói những bản trường ca thành công đã được ghi nhận và nghiên cứu nhiều của anh. Chỉ nói riêng cái vừa ráo mực chưa lâu và mang một dáng dấp hơi hậu hiện đại là “Metro”. Nghĩa lí nào trong cấu trúc này ?  Metro là con tàu chạy ngầm trong lòng đất. Nội điều đó đã có ý nghĩa khi trường ca nói về cái tâm thức Trường Sơn vẫn ngầm chảy trong lòng cuộc sống bề bộn, hỗn tạp này rồi. Tuy nhiên, cái đáng nói là, con tàu này có thể và luôn chạy được cả hai chiều trái nhau. Chính tính trái nhau này đã hấp dẫn nhà cách tân. Bằng sự nhạy cảm của một thi sĩ săn lùng cấu trúc cho thơ, Thanh Thảo đã mượn nó để tổ chức nên trường ca “Metro” với hai dòng chảy trái chiều trong nội dung: dòng chảy tới của thời gian và dòng chảy ngược của kí ức. Đúng hơn là có hai dòng thời gian: thời gian sống (với tâm tư, thuộc quá khứ, qua những chặng đời một người lính Trường Sơn) và thời gian viết (với văn bản, thuộc hiện tại, qua từng cột mốc thời gian trong tiêu đề, mỗi cột mốc gợi một nhà ga mà chiếc metro của thơ cứ liên tục băng qua). Cả hai song hành và chuyển hóa trong dòng sống thực từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc của tâm tư một thi sĩ đang trầm mình trong những kỉ niệm Trường Sơn với những trăn trở về hạnh phúc, băn khoăn về giá trị sống qua việc duyệt lại những cái được cái mất của dân tộc, của thế hệ và của cá nhân mình trong và sau cuộc chiến. Cấu trúc song tuyến trái chiều đó đã liên kết các mảng tâm tư tản mạn, bất chợt thành một mạch liền. Vì thế, phức điệu mà rành rẽ, tán lạc mà mạch lạc, ngẫu hứng phóng tay mà vẫn theo điệu theo bè. Đấy chính là một hấp dẫn không nhỏ của bản trường ca này.

Nghĩ cho cùng, tổ chức cao mà hồn nhiên, hỗn loạn mà trật tự, kiểu hấp dẫn mang thương hiệu Thanh Thảo đó đâu chỉ ở trường ca này và đâu chỉ riêng ở trường ca !

                                                  *

Người đọc đã “phong vương” cho nhiều cây bút xứng đáng. Đã có Xuân Diệu vua Thơ Mới, Vũ Trọng Phụng vua phóng sự, Nguyễn Tuân vua tùy bút, Thạch Lam vua truyện ngắn trữ tình, v.v… Ở triều đại sau, bên cạnh những “vì vua” khác, như Nguyễn Duy vua lục bát, Nguyễn Huy Thiệp vua truyện ngắn, Lưu Quang Vũ vua kịch nói, vv… cũng có thể gọi Thanh Thảo là vua trường ca chứ sao ! Việc “phong” một ai đó, đâu chỉ bằng vào người ấy chuyên chú hay viết được nhiều, mà quan trọng hơn là ở thành tựu thuộc về hàng đầu với những cách tân không thể phủ nhận của họ.

Ném mình vào thể này mấy chục năm trời bền bỉ, quyết liệt, đến nay, gia tài trường ca Thanh Thảo, tính chi li, phải vượt con số chục bản, bản nào cũng gây ấn tượng. Con số ấy ở một thể loại như trường ca là chưa đồ sộ sao ? là chưa đủ bảo hành cho vị thế của kẻ viết sao ? Anh chỉ tuyển vào đây chín trường ca ưng ý nhất. Có lẽ, thế là đẹp. Đấy có phải là chín nhánh cửu long cùng ra tới biển của một con sông trường ca không ? Có phải là chín bậc thang anh đã lần lượt bước qua để lên đài không ? Có phải là chín chiếc đỉnh bày trên sân chầu của nghiệp thơ anh không ? Mọi ẩn dụ có thể tới cũng có thể không. Nhưng có điều chắc: đó là chín thi phẩm đầy tâm huyết của một đời sáng tạo mà đứa con thi sĩ đã chọn ra như biện một mâm lễ vật thành kính dâng lên Thầy Má mình, Nhân Dân mình. Lời đề đầu tuyển tập đã nói cùng ta điều đó.

Cách làm tuyển thế, xui tôi nghĩ tới chàng Lang Liêu xưa.

                                                 Văn Chỉ - Làng quốc tế Thăng Long,

                                                                  Mùa Hè Kỉ Sửu

 


[1] Văn học trong giai đoạn cách mạng mới, NXB Tác phẩm mới, 1984,  tr. 216-218


Source: 
11-10-2020
Tags