PHONG DAO TẠP THÁI
MỘT QUYỂN CA DAO CỔ
PGS.TS Nguyễn Đăng Na
Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội
Phong dao tạp thái là một quyển ca dao cổ, viết bằng chữ Nôm, ra đời khoảng giữa thế kỷ XIX - đầu năm 1872. Sách cung cấp cho ta một số tư liệu về thơ ca dân gian, cũng như các tư liệu về ngôn ngữ, về chữ Nôm... Bởi vậy, chúng tôi thấy cần giới thiệu công trình sưu tập này.
1. Phong dao tạp thái nằm trong bộ gia phả họ Đặng thuộc chi thứ 3, quê tại xã Hành Cung nay là Hành Thiện(1). Bài tựa cho biết, Đặng Đức Cường biên soạn bộ gia phả này, viết xong ngày 21/ 10 năm Thành Thái thứ 10, tức là năm 1898 tại lỵ sở Bắc Giang và người sưu tập quyển Phong dao tạp thái là cụ huyện Tam Nông.
Cụ huyện Tam Nông là ai? Theo Hành Thiện xã chí, thì Đặng Đức Cường đỗ cử nhân năm 1888. Gia phả chỉ ghi lại 4 đời và đời cuối cùng là Đặng Đức Chính - Tri huyện huyện Tam Nông, cha của Đặng Đức Cường. Đặng Đức Chính sinh được 10 con trai, Đặng Đức Cường là con thứ 3. Vậy trước hết theo gia phả có thể khẳng định rằng tác giả Phong dao tạp thái không phải ai khác, chính là Đặng Đức Chính.
Đặng Đức Chính tự là Thiên Phủ, hiệu là Bỉnh Đạo sinh năm Quý Dậu 1813, mất năm Nhân Thân (1872) đỗ Cử nhân khoa Tân sửu (1841), từng làm giáo thụ Hoằng Hóa và Thọ Xuân (Thanh Hóa) và thăng tới chức tri huyện huyện Tam Nông. Năm 1854 quân khởi nghĩa Mỹ Lương đã chiếm huyện Tam Nông. Bởi để Tam Nông thất thủ, tri huyện Tam Nông Đặng Đức Chính bị truất chức. Sau một thời gian ông lại được gọi ra, phục bổ Hàn lâm điển tịch, rồi về hưu, vui thú cùng với tùng, cóc ở nhà làm thơ, dạy dỗ con cái. Trong gia phả còn chép một số bài thơ chữ Hán của ông. Như vậy, Phong dao tạp thái không thể ra đời sau 1872 - năm Đặng Đức Chính mất. Xét về thời gian, Phong dao tạp thái ra đời sau Nam Phong giải trào của Trần Danh án(2), trước Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh(3) và gần như đồng thời với Quốc phong thi tập hợp Thái của các tác giả Nguyễn Đăng Tuyển(4) Ngụy Khắc Tuân(5)…, NhưngThanh Hóa quan phong khắc in năm 1903 còn Nam phong giải tràovà Quốc phong thi tập hợp Thái lại khắc in năm 1910. Đứng về mặt văn bản học mà nói, có thể coi Phong dao tạp thái là văn bản giữ được trạng Thái cổ nhất so với các tác phẩm kể trên vì nó được cố định hóa từ 1872. Trên mặt văn bản không hề có sự sửa chữa, khuyết điểm.
2. Sách Phong dao tạp thái dày 33 tờ, khổ 27,5x15,5cm, không có bìa, không đánh số tờ, không lời tựa, mỗi tờ viết 2 mặt, mỗi mặt viết 7 dòng thẳng đứng từ trên xuống dưới, từ phải sang trái và nổi rõ mấy đặc điểm sau:
a) Chữ Nôm trong Phong dao tạp thái được viết theo 2 kiểu thông thường: kiểu chữ đơn và kiểu chữ có thể chia thành thành thành tố với 2 xu hướng ghi âm và biểu ý. Tuy nhiên, ta cũng nhận thấy rõ một số nét:
- Chữ “thời” bị viết húy dưới 2 dạng: bớt nét hoặc đảo trật tự.
- Chữ “cuội” được ghi âm bằng 2 con chữ: tử + hội (Một trăng mấy chú cuội ngồi); chữ “chữa” trong câu “Thầy khỏe thầy chữa người ta” được ghi âm bằng một tín hiệu biểu ý và một chữ Nôm; chữmuôn trong câu “Tiền bạc muôn sự của chung” được ghi âm bằng chữ man (man rợ).
- Khá nhiều chữ có phụ âm đầu vần là “l” được ghi thành “n”. Chẳng hạn chữ “lên” trong câu:
Nên ra bà mối bà manh;
Chẳng nên bà mối lên cành ngọn tre, thì “lên” được ghi âm thành “nên” gồm 2 thành tố niên + thành. Chữ “lên” trong câu “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên cũng được ghi như vậy. Song không phải người viết bị ngọng, hoặc không phân biệt được l với n bởi chữ “lên” trong các câu:
Ước chi ta được lên trời
Ta làm ông sấm cho người trần kinh
hoặc
Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai.
vẫn viết đúng là “lên” (chữ thăng + chữ liên).
b) Phong dao tạp thái còn tại khá nhiều từ cổ. Xin dẫn ra vài trường hợp.
Tay tiên bợ chén rượu đào,
Chẳng uống thì tiếc, uống vào thì say.
Nước trong ai chẳng vả chân,
Hoa thơm ai chẳng đứng gần gốc cây.
Bây giờ rồng mới gặp mây
Sao rồng chẳng thở với mây vài lời v.v...
hoặc các câu:
Tha hồ Thiên hạ đồn hòa
Bao giờ trăng tỏ vào nhà sẽ hay.
Chim khôn đỗ ót nhà quan,
Trai khôn tìm vợ gái ngoan tìm chồng...
3. Phong dao tạp thái gồm 310 bài (không kể 1 bài trùng) trong đã có 78 bài có từ 4 câu đến 6 câu(6), được viết cùng một kiểu chữ trên cùng một thứ giấy. Điều đó chứng tỏ rằng, sách do một người viết, không có sự thêm thắt của đời sau. Người sưu tầm đã chia sách thành 57 đề mục theo nội dung, như: Những câu nói ước ao; Những câu nói về đường danh lợi; Những câu khuyên đàn bà; Nói về tình cảm người lính v.v... Nhưng do tác giả sưu tầm đến đâu thì ghi vào đến đấy, nên nhiều đề mục bị trùng, chẳng hạn Những câu nói phong tình lặp 4 lần ở các đề mục số 2, 6, 48 và 57. Do vậy, số đề mục thực chất chỉ còn ngót 30. Cách phân chia các bài tuy còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng theo chúng tôi, cho đến nay, có lẽ Phong dao tạp thái là công trình sưu tầm ca dao đầu tiên được phân loại theo nội dung chủ đề.
Khuynh hướng chung thể hiện trong Phong dao tạp thái là tác giả thiên về sưu tầm những bài ca tình nghĩa: đạo làm người; tình vợ chồng; nghĩa bè bạn; tình yêu trai gái... Nói về tình vợ chồng (82 bài) tình yêu trai gái (54 bài) tỷ lệ chiếm ngót 44 % (236/310 bài). Phần lớn những bài ca dao trong Phong dao tạp thái bình dị, đậm đà chất dân dã. Đọc nó, ai cũng dễ nhận thấy:
a) Không có bài nào nói về Hà Nội hoặc cảnh vật, phố phường Hà Nội, phải chăng tác giả chưa từng ở Hà Nội nên không sưu tầm được. Hơn nữa, trong số 310 bài không thấy có bài nào nói đến hình ảnh con cò, mặc dù có nhiều bài nói đến con trâu, con bò, con chó, con rùa... Nên bài “Con cũ lặn lội bờ sông” ra đời từ thời Mạc, thì lẽ nào không lọt vào Phong dao tạp thái lấy 1 câu ? Phải chăng những bài ca về con cò chỉ được phát triển sau bài:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đề đông ?
của cụ Tú?
b) Phong dao tạp thái rất ít bài dùng điển cố. Chỉ có 4 điển dùng trong 5 bài, nhưng toàn là những điển thông thường, lại được đặt trong những câu dễ hiểu. Đó là các điển: gương Tư mã, gió Cát Đằng, cầu Ô trong các câu:
- Hoài tiên cho cú nó vò,
Hoài gương tư mã cho bò nó loi.
Ai lên cho đến cung trăng,
Để ta mượn gió Cát Đằng đưa duyên.
Muốn sang thì bắc cầu Ô,
Muốn con hay chữ tìm cô cho thầy...
Nhìn chung Phong dao tạp thái rất mộc mạc. Ta hãy đọc thêm các câu:
Ai ơi từ vãi chí sư,
Chẳng lên Hương Tích cũng hư mất đời.
Có con mà gả chồng gần,
Nửa đêm đánh đuốc đưa phần cho cha...
Ngoài ra, tác phẩm cũng không có những bài mượn hoặc mang dấu tích các truyện Nôm như kiểu: “Đôi ta là ngãi Phan Trần”, “đôi ta như thể Kim - Kiều”. Duy có hai bài giống trong Truyện Kiều, đã là:
Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng.
Nhưng thật thà vị rằng, chính bài này cũng có trong Thanh Hóa quan phong. Bài thứ hai là:
Miệng thì nói nói cười cười,
Bụng thì thâm hiểm giết người không gươm
Miệng thì thưa thớt đãi người,
Bụng thì như cửa đóng mười lần then.
Vậy thì, những bài này từ Truyện Kiều đi ra dân gian hay từ dân gian đi vào Truyện Kiều ?
c) Tính dị bản là đặc trưng của văn học dân gian. Nhưng nếu có những văn bản được định hình sớm, ta có thể đối chiếu để đi tìm con đường phát triển của thơ ca dân gian.
Trước hết, những dị bản trong Phong dao tạp thái so với những bài ca dao sưu tầm sau này phần nhiều chỉ ở từ ngữ diễn đạt những ý cụ thể, trực cảm, chẳng hạn:
Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu nặng mình.
Trai nuôi vợ đẻ gầy mòn
Gái nuôi chồng ốm lưng tròn như vo.
Vai kia gánh lắm cũng chồn,
Người kia nói lắm có khôn đâu mà.
Hơn nữa, những dị bản trong Phong dao tạp thái phần nhiều mộc mạc, thô sơ. Ta có thể coi bài sau đây là một ví dụ tiêu biểu:
Ba năm trên thủ lưu đồn,
Ban ngày canh điếm, tối dồn việc quan.
Chém tra, đẵn gốc trên ngàn,
Than thân rằng, biết phàn nàn cùng ai.
Phàn nàn những trúc cùng mai,
Măng giang, nứa ngộ lấy ai bạn cùng!
(bài này cũng có trong Thanh Hóa quan phong nhưng 3 câu cuối có khác).
Tuy nhiên, có những dị bản khá hay và độc đáo. Chẳng hạn bài:
Yêu nhau cau nõn bỏ ba
Ghét nhau cau nõn bỏ ra làm mười.
Đặc biệt dị bản bài sau đây giúp ta hiểu thêu đáo hơn một bài ca bấy lâu nay vẫn được truyền tụng:
Rủ nhau lên nói đốt than
Anh đi Tam Điệp, em men non Trình
Củi than nhem nhuốc với tình
Ghi lời vàng đá xin đừng xa nhau.
“Anh đi Tam Điệp, em men non Trình” thì đúng là một đôi tình nhân “rủ nhau lên núi đốt than” (chữ men được viết là man (man rợ), còn chữ non vẫn viết là non để chỉ núi, không thể đọc nón là cái nón như sau này: Anh đi Tam Điệp, em mang nún Trình. TrongThanh Hóa quan phong thì lại viết là chữ mang: Anh đi Tam Điệp em mang nón Trình. Nhưng ở Thanh Hóa xưa, a đọc thành e.
Có một số dị bản khá đặc biệt liên quan đến quá trình phát triển thơ ca dân gian.
Bài thứ nhất:
Đêm hôm qua thiếp mới hỏi chàng:
Tre non đủ lá đan sàng được chăng?
Đan sàng thiếp cũng xin vâng,
Tre non đủ lá chưa đan được sàng!
Bài này trong Thanh Hóa quan phong nguyên văn vẫn như vậy. ở đây không thể có sự lầm lẫn, bởi viết Nôm hai chữ thiếp và chàng rất khác nhau, hơn nữa cả hai văn bản của Vương Duy Trinh và Đặng Đức Chính đều viết giống nhau. Ta loại trõ khả năng viết nhầm. Tre non đủ lá đan sàng được chăng? ” là câu người con trai hỏi người con gái, và giờ đây người con gái đem chính câu hỏi đó để hỏi lại người con trai. Thực ra “đan sàng thiếp cũng xin vâng” nhưng vì chàng kênh kiệu trút hỏi hớ hênh Tre non đủ lá đan sàng được chăng? nên người con gái tỏ rõ cái đáo để của mình bằng cách đạy lại:
Tre non đủ lá chưa đan được sàng !
Nếu không có bài thứ 2 sau đây rất có thể cho rằng người viết suy diễn:
Trách cha trách mẹ nhà nàng,
Cầm cân chẳng biết rằng vàng hay thau.
Vàng đây chẳng phải thau đâu,
Xin đừng thử đá mà đau lòng vàng.
Trước hết chúng ta có thể khẳng định rằng, không có sự nhầm lẫn giữa chữ nàng với chàng được bởi hai chữ rất khác nhau như đã trình bày trên kia. Như vậy, nhân vật trữ tình trong bài phải là người con trai. Điều này càng được khẳng định trong cách xưng hô ở câu 3:
Vàng đây chẳng phải thau đâu
Phải chăng đây là bài ca nằm trong hệ thống những bài than thân của các chàng trai phải đi ở rể:
Nhà em lắm ruộng nhiều đồng,
Bắt anh tát nước cực lòng anh thay.
Thân anh làm rể Chương Đài,
Một năm ăn hết 12 vại cà...
Khi chế độ nam tôn nữ ti ra đời thì những bài ca than thân của người con trai chuyển thành bài than thân của người con gái, bởi chuyển đổi chàng thành nàng.
Ngoài những dị bản nêu trên, trong Phong dao tạp thái có một số bài ít người biết đến, chẳng hạn:
- Mưa râm chẳng lọ là cơn,
Có chồng đểnh đoảng còn hơn không chồng.
Hoài tiền mua pháo xịt ngòi,
Mua hương chẳng cháy, mua còi chẳng kêu.
CHÚ THÍCH
(1) Sách do ông Đặng Đức Thọ, kỹ sư công trình cầu Thăng Long cất giữ. Xin xem thêm Nguyễn Đặng Na Một cuốn ca dao cổ mới tìm thấy, báo Nhân dân, số 11763 ngày 21/ 9/ 1986.
(2) Trần Danh án người Bảo Triệu, Gia Bình, Hà Bắc, sinh năm 1751, mất năm 1794 đỗ Hoàng Giáp năm 1781.
(3) Vương Duy Trinh, người Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, đậu Cử nhân năm 1870, làm tổng đốc Thanh Hóa.
(4) Nguyễn Đăng Tuyển, người Hoài Thượng Tiên Sơn, Hà Bắc, đậu Tú tài năm 1836, từng làm Tri phủ Thuận Thành, Hà Bắc.
(5) Ngụy Khắc Tuần, người Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, sinh năm 1789, đỗ Tiến sĩ năm 1828, từng làm Thượng thư bộ Hộ.
(6) Chúng tôi tạm dùng khái niệm “bài”, có người gọi là “đoạn” hoặc “khổ”. Chúng tôi tạm dùng khái niệm “câu” để chỉ một dòng ca dao./.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 1/1990.