Phát triển bền vững: Nguồn gốc và khái niệm

Trong bài viết này tôi sẽ cố gắng làm ba việc. Thứ nhất, tôi sẽ trình bày một cách ngắn gọn khái niệm phát triển bền vững, như đã được nêu ra ban đầu trong báo cáo Brundtland1. Sau đó tôi sẽ xem xét lịch sử và nguồn gốc của khái niệm phong phú và mơ hồ này. Trong phần thứ ba, tôi sẽ cố gắng chỉ ra rằng khái niệm phát triển bền vững này không chỉ hàm chứa một sự hòa giải đơn giản giữa kinh tế và sinh thái, giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Ở phần kết luận, tôi sẽ đề cập một cách ngắn gọn tới việc thao tác hóa và áp dụng khái niệm phát triển bền vững.

Khái niệm Phát triển bền vững

Kể từ khi báo cáo Brundtland được xuất bản vào năm 1987, thuật ngữ "phát triển bền vững" đã trở thành phổ biến và được truyền bá trong các tổ chức phát triển và môi trường phi chính phủ, và thuật ngữ này còn được lan truyền nhanh hơn trong các viên chức chính phủ và các chính trị gia đang khao khát các lá phiếu cử tri cũng như trong các ban quan hệ công cộng của các công ty lớn. Khái niệm phát triển bền vững thậm chí trở thành tiếng kêu đồng thanh của hầu hết những ai quan tâm tới việc theo đuổi đồng thời phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Mối quan hệ giữa những người ủng hộ bảo vệ môi trường và những người bảo vệ phát triển kinh tế thường tương đối khó khăn, nhưng phát triển bền vững cố gắng tập hợp họ lại theo hướng lâu dài.

Theo báo cáo Brundtland: Phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của hiện tại mà không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo và tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, động và thực vật. Nhưng ở một mức độ nào đó, nó cũng hàm chứa sự bình đẳng giữa những nước giầu và nước nghèo, và giữa các thế hệ. Thậm chí nó còn bao hàm sự cần thiết giải trừ quân bị, coi đây là điều kiện tiên quyết nhằm giải phóng nguồn tài chính cần thiết để áp dụng khái niệm phát triển bền vững.

Rõ ràng là báo cáo Brundtland không có ý định hợp pháp hóa các hoạt động kinh tế hiện hành của các công ty công nghiệp lớn, có xu hướng khai thác một cách nhanh chóng những nguồn tài nguyên không được tái tạo, nhằm có được những khoản lợi nhuận khổng lồ trong thời gian ngắn. Nó cũng không kêu gọi những công ty này tạo ra một số thay đổi mang tính hình thức trong các hoạt động của mình. Báo cáo Brundtland tỏ ra tương đối gay gắt đối với những công ty như vậy và đòi hỏi những thay đổi sâu sắc trong cách thức hoạt động của chúng. Mặt khác, báo cáo cũng không hợp pháp hóa quan điểm điền viên của một số nhà sinh thái học không tưởng, những người muốn bảo tồn toàn bộ thiên nhiên trong trạng thái hoang sơ và những người mơ ước quay trở về lối sống lý tưởng của thời kỳ đồ đá mới, về một thiên đàng đã mất, một vườn địa đàng được tái thiết, nơi con người sẽ sống hài hòa hòan toàn với thiên nhiên nguyên thủy và được tôn thờ. Nếu khái niệm phát triển bền vững loại trừ được hai quan điểm cực đoan này, cụ thể là: tư tưởng không ngừng tăng trưởng kinh tế và tư tưởng quá nghiêng về môi trường sinh thái, thì khái niệm này vẫn còn mơ hồ và bao quát đủ để hàm chứa quan điểm của hầu hết những nhà bảo vệ môi trường và những nhà sinh thái học xã hội cấp tiến, những người tạo ra những khuynh hướng hết sức phong phú của phong trào hòa bình xanh ngày nay.

Về mặt xã hội học, khái niệm này giữ nhiều chức năng đối với các nhà hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị trong lĩnh vực môi trường và phát triển. Ví dụ, hai nhà xã hội học Ann P.Hawkins và Frederick H.Buttel biện luận rằng khái niệm phát triển bền vững cần được hiểu trong phạm vi bốn vai trò mà nó thực hiện: 1. Hệ tư tưởng của phong trào môi trường; 2. Xu thế phát triển nhất thời và biểu tượng trung tâm của xung đột về chính sách phát triển; 3. Sự hướng dẫn cho việc thiết kế và đánh giá những chương trình và chính sách phát triển và 4. Phạm trù lý thuyết.

Theo tôi, khái niệm này chủ yếu là một phạm trù lý thuyết mơ hồ và phức tạp, được sử dụng một phần là hệ tư tưởng và một phần là một khái niệm được thao tác không chặt chẽ đối với những nhóm người quan tâm đa dạng khác nhau.

Hawkins và Buttel đưa ra quan điểm rằng những người tiến bộ thuộc thế giới thứ ba đã sử dụng khái niệm phát triển bền vững như một con đường vòng để khắc phục rào cản đối với những lời kêu gọi về một sự công bằng xã hội rõ ràng hơn và những nhu cầu liên quan đến những chính sách phát triển thịnh hành, và là một phương tiện nhằm huy động sự trợ giúp của những liên minh hùng mạnh (đặc biệt là những nhóm môi trường) của những nước công nghiệp hóa. Cùng lúc đó khái niệm phát triển bền vững đã được các tổ chức như Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế chấp nhận một cách hời hợt và được thể chế hóa cùng với cách thức mà chính các tổ chức này đã sử dụng một cách quan liêu những thuật ngữ của các xu thế phát triển nhất thời trước đây như "nhu cầu cơ bản", "công nghệ thích hợp", "tham gia vào phát triển" và "phụ nữ trong phát triển".

Đối với tôi, khái niệm phát triển bền vững giống như một tấm chăn, một phần mang tính khoa học và một phần mang tính tư tưởng mà ai cũng có thể kéo về phía mình; nó là tiếng kêu đồng thanh của những người quan tâm đến cả hai lĩnh vực: hoạt động phát triển và bảo vệ môi trường, trong sự hài hòa giữa kinh tế và sinh thái. Khái niệm này là một hình thức thỏa hiệp nổi lên dần dần vào giữa những năm đầu thập kỷ 70 và những năm cuối thập kỷ 80 trong số những nhà hoạt động môi trường và những nhà ủng hộ phát triển. ủy ban Brundtland và các thành viên của mình đã tìm ra con đường, một mặt, hòa giải những nhà môi trường và những nhà phát triển từ những nước giầu và nước nghèo, mặt khác, hòa giải những nhân viên chính phủ có tầm nhìn xa trông rộng và những doanh nhân hiểu biết, có tư tưởng tự do. Uỷ ban Brundtland do Đại hội đồng Liên hiệp quốc lập ra vào năm 1983. ủy ban gồm 6 thành viên phương Tây, 3 thành viên Đông âu và 12 thành viên thuộc các nước phương Nam. Tất cả các thành viên này hoạt động hòan toàn độc lập với chính phủ nước họ. Chính cấu trúc này đã giải thích cho một vài sự mơ hồ về định nghĩa được nêu ra trong báo cáo và nó cũng giải thích cho sự chấp nhận rộng rãi báo cáo của mọi tầng lớp nhân dân trên toàn thế giới.

Nguồn gốc của khái niệm

Để có thể hiểu rõ hơn khái niệm phát triển bền vững và thành tựu kỳ lạ của nó, nhất thiết cần xem xét nguồn gốc của khái niệm và những khái niệm tương tự ra đời trước đó. Trong lịch sử, từ những nhà triết học tự nhiên Hy Lạp và La Mã cổ đại cho tới những tu sĩ Benedictibne thời kỳ trung đại, những nhà kinh tế chính trị như Malthus và Ricardo, những nhà bảo vệ môi trường đầu tiên ở châu Âu và châu Mỹ, luôn luôn có những người ủng hộ việc sử dụng một cách khôn ngoan và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ, năm 1915, ủy ban bảo vệ môi trường Canada, được thành lập vào năm 1909, đã khuyến khích tôn trọng những chu kỳ tự nhiên, và cho rằng mỗi thế hệ có quyền khai thác lợi ích từ nguồn vốn thiên nhiên, nhưng nguồn vốn này phải được duy trì nguyên vẹn cho những thế hệ tương lai để họ được hưởng thụ và sử dụng theo một cách thức tương tự.

Mối quan hệ giữa bảo vệ thiên nhiên và sử dụng tài nguyên thiên nhiên là chủ đề chính của Hội nghị quốc tế về bảo vệ thiên nhiên, họp tại Pari vào năm 1923. Trong báo cáo nhan đề "Toàn thế giới bảo vệ động vật hoang dã", Paul Sarasin, nhà bảo vệ môi trường Thụy Sĩ và là nhà tổ chức chính của Hội nghị, đã biện hộ cho việc bảo vệ thiên nhiên nhưng đồng thời cũng bênh vực cho việc sử dụng hợp lý động vật hoang dã. Tại cuộc Hội thảo quốc tế do UNESCO và Chính phủ Pháp tổ chức ở Fontainebleau, Hiệp hội bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên quốc tế đã được thành lập dựa trên giả thuyết cả thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên đều cần được bảo tồn vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Năm 1951, tổ chức này đã xuất bản một tài liệu đáng lưu ý nhan đề "Thực trạng bảo vệ môi trường thiên nhiên trên thế giới vào những năm 50", gồm 70 báo cáo của rất nhiều quốc gia. Tài liệu này được cập nhật vào năm 1954 và được coi như một trong những "tiền thân" của báo cáo Brundtland. Tổ chức quốc tế này cũng phối hợp với UNESCO và các tổ chức quốc tế khác như WHO, FAO và ICSU (Hội đồng các Hiệp hội khoa học quốc tế) để tổ chức tại Paris năm 1968 một Hội thảo chuyên gia liên chính phủ về cơ sở khoa học của việc sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên sinh quyển. Được xuất bản vào năm 1970, báo cáo của Hội thảo cho rằng: "những biện pháp bảo vệ môi trường... phải nhằm mục đích duy trì... những điều kiện cho phép phát triển những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người"2.

Báo cáo đầu tiên gửi tới Câu lạc bộ Rome vào năm 1968 đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về khái niệm tăng trưởng zero. Khái niệm này gây thù địch với những ai mong muốn sự phát triển được duy trì, đặc biệt là ở Thế giới thứ ba, nhưng cũng còn ở cả những nước công nghiệp hóa. Để chuẩn bị cho Hội thảo Stockholm năm 1972, một cuộc hội thảo đã được tổ chức tại Founex, Pháp, vào tháng 6/1971, về chủ đề phát triển và môi trường nhằm tìm ra con đường thỏa hiệp giữa trường phái phát triển và tư tưởng tăng trưởng zero mới. Maurice Strong, người đã triệu tập cuộc họp sơ bộ này, mong muốn tránh trường phái phát triển không quan tâm tới môi trường và trường phái môi trường phớt lờ nhu cầu phát triển, đặc biệt là ở những nước thế giới thứ ba. Trên thực tế, một số người tham dự hội thảo tại Founex đã đề nghị lựa chọn loại phát triển tôn trọng tài nguyên thiên nhiên3.

          Cũng năm đó, Viện nghiên cứu Môi trường và Phát triển quốc tế đã được thành lập dưới sự chủ trì của Bà Bacbara Ward Jackson, người sau đó là đồng tác giả cuốn sách "Chỉ có một trái đất" cùng với René Dubos4. Cuốn sách này do một nhà nhân văn- kinh tế học và một nhà sinh vật - môi trường học viết và đã được sử dụng như Tuyên ngôn của Hội thảo Liên hiệp quốc tại Stockholm năm 1972 về môi trường con người. ý tưởng "phát triển sinh thái" được đề xướng vào thời điểm như con đường để một mặt hòa giải những nhà ủng hộ môi trường phương Tây và mặt khác, hòa giải những ủng hộ phát triển cấp tiến của thế giới thứ ba và những nhà công nghiệp phương Tây. Với 109 điểm được nêu ra trong Kế hoạch hành động của Hội thảo Stockholm, loại phát triển tôn trọng môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên đã giành được quyền ưu tiên. Nhu cầu bảo vệ khả năng tạo ra nguồn tài nguyên được tái tạo tối cần thiết của trái đất đã được khẳng định. Hội thảo đã yêu cầu Liên hiệp quốc lập ra những cơ chế được thể chế hóa trong lĩnh vực môi trường.

Kết quả là Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã được lập ra và được coi như một phương tiện bổ sung cho Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP). Những cơ quan của tổ chức này được đặt tại Nairobi, Kenya dường như để chỉ ra rằng bảo vệ môi trường và phát triển ở thế giới thứ ba đã được liên kết một cách mật thiết. Kể từ đó Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) được các Chính phủ tự nguyện đóng góp tài chính thông qua quỹ môi trường của các nước này. Tại cuộc hội thảo đầu tiên của UNEP, ông Maurice Strong - Giám đốc điều hành của tổ chức - đã khẳng định nhu cầu phát triển sinh thái, loại phát triển có tính tới những hạn chế dài hạn về môi trường. Strong đã trấn an cả những nước thế giới thứ ba và những nhà công nghiệp phương Tây rằng bảo vệ môi trường không có nghĩa là tăng trưởng Zero mà nó có thể cùng tồn tại với phát triển chừng nào sự phát triển bảo tồn được nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai sử dụng.

Năm 1975, Ignacy Sachs, một nhà khoa học xã hội Ba Lan làm việc tại Pari, đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Phát triển quốc tế và một năm sau đó đã bắt đầu xuất bản Tạp chí mang tên Sổ tay phát triển sinh thái. Viện nghiên cứu bắt đầu cho ra mắt một tạp chí định kỳ khác vào năm 1973, một bản tin có nhan đề Tin tức phát triển sinh thái. Năm 1980, Sachs tóm tắt những ý tưởng của mình trong cuốn sách nhan đề Chiến lược phát triển sinh thái 5. Sachs nói về sự hài hòa giữa môi trường và kinh tế, về việc ra các quyết định kinh tế chấp nhận sự cần thiết cấp bách đối với việc bảo vệ môi trường. Nhằm đẩy mạnh phát triển sinh thái vào những năm 70, đặc biệt là ở thế giới thứ ba, bằng lao động của mình. Cùng với Maurice Strong, Ignacy Sachs, đã trở thành một trong những người tiên phong trong sự nỗ lực làm hài hòa môi trường và phát triển. Tuy nhiên, không phải khái niệm phát triển sinh thái của họ, mà là khái niệm về một xã hội bền vững nhất là ở các nước nói tiếng Anh, đã dành được sự quan tâm. Trong những năm 70 có rất nhiều cuộc thảo luận về một trật tự kinh tế thế giới mới, về "một loại khác" của phát triển và đặc biệt là về phát triển sinh thái. Đây là những con đường khác nhau nhằm thúc đẩy ý tưởng làm hài hòa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Cuối cùng, ý tưởng về sự bền vững đã trở nên phổ biến nhất.

Khái niệm về một xã hội bền vững nổi lên dần dần vào cuối những năm 70, trong các công trình của Barry Commoner về nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên được tái tạo và công nghệ ít gây hại và của Herman Daly về kinh tế học Nhà nước mạnh6, của Edward Goldsmith, Sicco Mansholt và Kimon Valaskakis về bảo tồn xã hội, trong Tuyên ngôn năm 1976 của Đảng sinh thái Vương quốc Anh và trong tác phẩm của Amory Lovins về những con đường sử dụng năng lượng mềm7.

Khái niệm phát triển bền vững cũng xuất hiện nổi bật trong công trình của Laster Brown, đặc biệt là trong cuốn sách "Xây dựng một xã hội bền vững"8. Theo Brown, một xã hội bền vững kéo theo một dân số ổn định, bảo vệ và sử dụng khôn ngoan đất đai và tài nguyên được tái tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, bảo vệ sinh vật biển và rừng và bảo vệ sự đa dạng sinh học và toàn bộ sự sống.

Tôi có thể tìm thấy thuật ngữ "phát triển bền vững" được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1980, trong Chiến lược bảo tồn thế giới do Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế, Quỹ động vật hoang dã thế giới và Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc đề xuất, cùng với sự trợ giúp của UNESCO và FAO:

"Chiến lược này dự đoán rằng phát triển bền vững cần phải tính đến những yếu tố xã hội và sinh thái cũng như những yếu tố kinh tế, cơ sở tài nguyên sinh học và không sinh học và cũng phải tính đến những lợi ích và phiền phức của những giải pháp thay thế ngắn hạn và dài hạn"9.

Sau thất bại của Hội thảo Liên hiệp quốc về môi trường tại Nairobi, năm 1982, Đại hội đồng Liên hiệp quốc quyết định thành lập vào năm tiếp theo ủy ban phát triển và môi trường thế giới - ủy ban Brundtland nổi tiếng. Trong bản báo cáo của ủy ban vào năm 1987 nhan đề "Tương lai chung của chúng ta", thuật ngữ phát triển bền vững được phổ cập hóa và đã mở đường cho Hội thảo về phát triển và môi trường Liên hiệp quốc và Diễn đàn toàn cầu được tổ chức tại Rio de Janeiro vào tháng 6/199210.

Khái niệm phát triển bền vững, như đã được đề cập trong báo cáo Brundtland, không chỉ là nỗ lực nhằm hòa giải kinh tế và môi trường, hay thậm chí phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Nó còn hàm chứa những khía cạnh chính trị xã hội, đặc biệt là bình đẳng xã hội, như nhiều người, nhất là những nhà khoa học xã hội đã chỉ ra.

Mặc dù không loại trừ sự cần thiết của một số hình thức tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở những nước nghèo nhất, nhưng báo cáo Brundtland vẫn nhìn nhận phát triển như một quá trình phức tạp vượt ra ngoài sự tăng trưởng kinh tế giản đơn.

     "Phát triển bao hàm một sự biến đổi kinh tế và xã hội không ngừng,... Ngay cả khái niệm hẹp về sự bền vững vật chất cũng hàm chứa mối quan tâm đối với bình đẳng xã hội giữa các thế hệ, mối quan tâm cần phải được mở rộng một cách hợp lý tới sự bình đẳng trong các thế hệ"11.

Báo cáo Brundtland cũng nhấn mạnh tới ý tưởng không thể đạt được phát triển bền vững mà không có giải trừ quân bị trong chương 11. Mặc dù hầu hết các nhà xã hội học môi trường vẫn xem xét phát triển bền vững như là "một nỗ lực nhằm hòa giải và tổng hợp những mối quan tâm về môi trường và phát triển kinh tế - xã hội"12 nhiều nhà xã hội học cũng khẳng định ý tưởng phát triển kinh tế - xã hội không hề tương đương với tăng trưởng kinh tế. Khía cạnh con người và xã hội vốn có trong thuật ngữ phát triển kinh tế - xã hội và ngay cả trong chính từ phát triển, đã thúc đẩy một số nhà xã hội học, như Michael Redclift, trình bày nó như một khái niệm vượt ra ngoài phạm vi kinh tế học và cần phải "tính đến những mối quan hệ qua lại và bao quát lẫn nhau của xã hội loài người trong môi trường sinh thái tự nhiên"13.

Peter Jacobs, Julia Gardner và ngay cả David Munro cũng cho rằng chúng ta nên sử dụng thuật ngữ "phát triển công bằng và bền vững" hơn là “phát triển bền vững”14. Khía cạnh thứ ba của khái niệm phát triển và môi trường càng ngày càng hay được đề cập đến, thậm chí vượt xa ý tưởng bình đẳng thuần túy. Đó là khía cạnh chính trị xã hội rộng lớn hơn, bao gồm ý tưởng bình đẳng về những lĩnh vực chính trị - xã hội khác như giải trừ quân bị, quyền con người và sự tham gia dân chủ.

Năm 1981, Robert Riddell đã miêu tả phát triển sinh thái với ba yếu tố đặc trưng: bình đẳng kinh tế, hài hòa xã hội và môi trường cân bằng. Trong nhiều tiểu luận của mình, Barry Sadler đã trình bày ba khía cạnh của phát triển bền vững như ba vòng tròn giao nhau hay như ba hình tam giác nằm trong một tam giác đều lớn hơn15. Và theo David Pearce và những người khác thì phát triển bền vững bao gồm không phải hai mà là ba yếu tố: (1) Giá trị của môi trường; (2) Sự bền vững của phát triển kinh tế; và (3) Sự bình đẳng giữa-và trong các thế hệ16. Những hình thức bình đẳng trong các thế hệ mà báo cáo Brundtland nêu ra, là bình đẳng giữa Bắc và Nam - tức là giữa các nước giàu và nước nghèo; nhưng đó không phải là kiểu bình đẳng duy nhất được hàm ý trong khái niệm phát triển bền vững do Báo cáo Brundtland và hầu hết những bình luận viên có thẩm quyền của khoa học xã hội và tự nhiên về môi trường và của các tổ chức khác nhau hoạt động vì sự phát triển bền vững đề xướng. Báo cáo Brundtland tuyên bố “Sự bình đẳng như vậy có thể sẽ được trợ giúp bởi các hệ thống chính trị bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của người dân vào việc ra quyết định và bởi chế độ dân chủ lớn hơn trong việc ra các quyết định quốc tế”17. Tôi đã xây dựng lại hình tam giác nhằm chỉ ra rằng bản than khía cạnh chính trị xã hội thứ ba của phát triển bền vững cũng bao gồm 3 lĩnh vực chính, cụ thể là: dân chủ và quyền con người, giải trừ quân bị và hòa bình, và bình đẳng.

Đến lượt nó, bình đẳng có thể gồm 3 loại: giữa các thế hệ (giữa người trẻ và người già, giữa thế hệ hiện tại và tương lai), giữa các quốc gia (tức là giữa Bắc và Nam, giữa những nước giầu và nước nghèo), và trong các thế hệ và trong các quốc gia (tức là bình đẳng xã hội giữa nam giới và phụ nữ, giữa các giai tầng xã hội- giầu và nghèo, có quyền lực và không có quyền lực,.v.v... giữa các nhóm dân tộc và tôn giáo).

Kết luận

Không nên xem công việc làm sáng tỏ khái niệm mà tôi đã cố gắng thực hiện trong ba phần trên đây của bài viết là mục đích tự thân. Vấn đề quan trọng nhất đối với phát triển bền vững không phải ở chỗ khái niệm này được hình thành như thế nào, mà là nên áp dụng nó như thế nào, ở cấp quốc tế, khu vực và địa phương, và trong những lĩnh vực khác nhau của môi trường và xã hội. Để đi từ lý thuyết tới thực tế, khái niệm phát triển bền vững trước tiên cần phải được định nghĩa, xác định chiều cạnh và thao tác hóa, và sau đó phải được áp dụng theo một cách thức cụ thể đối với những lĩnh vực hoạt động phong phú khác nhau của con người. Chỉ khi khái niệm này được trình bày một cách rõ ràng thì những thành tựu của việc thao tác hóa và áp dụng khái niệm mới có thể được đo lường một cách chính xác với các chỉ số thích hợp.

Trước khi báo cáo Brundtland được xuất bản thì nhiều nước, tỉnh, thành phố, tổ chức chính trị và doanh nghiệp đã vạch kế hoạch đưa khái niệm phát triển bền vững vào thực tế. Đây là quá trình còn đang tiếp diễn và nó đã nhận được sự thúc đẩy mới từ Chương trình nghị sự 21 của Hội nghị thượng đỉnh Rio và những thỏa hiệp thay thế của Diễn đàn toàn cầu.

Một thử nghiệm địa phương đã cho thấy: phát triển bền vững không chỉ là một khái niệm đòi hỏi những sự điều chỉnh cần thiết, mà là một quá trình đang được áp dụng từ từ nhưng vững chắc ở tất cả các cấp độ. Vấn đề đặt ra là: dưới ánh sáng của bằng chứng hiện có thì những vấn đề về môi trường đang tăng lên ở mọi cấp độ, vậy phải chăng mọi nỗ lực đang được thực hiện nhằm đạt được phát triển bền vững là có giá trị hay toàn bộ điều đó là quá nhỏ bé, quá chậm trễ?

 

Chú thích:

* Jean-Guy Vaillancourt - Đại học Montreal, Canada.

1. Báo cáo được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hội Nghiên cứu Quốc tế. 3/1994, tại Washington D.C.

2. Hội thảo chuyên gia quốc tế về cơ sở khoa học của việc sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên sinh quyển. (Paris: UNESCO, 1970, tr.307).

3. Phát triển và Môi trường (Founex, 4-12/6, 1971) (The Hague: Mouton, 1972).

4. Barbara Ward và Reré Dubos, Chỉ có một trái đất (New York: WW. Norton and Co, 1972).

5. Ignacy Sachs, Chiến lược phát triển sinh thái (Paris: Editition Ouveières, 1980).

6. Barry Commoner, Vòng tròn khép kín (New York: Knoft, 1971), Human E. Daily chủ biên, Kinh tế học nhà nước mạnh (San Francisco: Freeman, 1973).

7. Xem Đảng sinh thái, Tuyên ngôn về một xã hội bền vững (Sheffield, Anh, 25-26/ tháng 9/1976, và Amory Lovins, Những con đường sử dụng năng lượng mềm: Về một nền hòa bình lâu dài (New York: Ballinger Publishing Co, 1977).

8. Lester Brown, Xây dựng một xã hội bền vững (New York: W W Norton and Co, 1981).

9. Hiệp hội quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên, Chiến lược bảo tồn thiên nhiên thế giới: bảo vệ tài nguyên tối cần thiết nhằm phục vụ cho sự phát triển lâu dài (Gland, Thuỵ Sĩ, U.I.C.N, 1980).

10. Jear - Guy Vaillancourt “Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu tại Rio, 1992”, Xã hội và tài nguyên thiên nhiên, tập 6 (1993) tr. 81- 88.

11. Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới, sách đã dẫn, tr. 43.

12. Frederick H. Buttel, “Phát triển bền vững” trong Từ điển bách khoa tóm tắt về tham gia và cùng quản lý, G. Szell chủ biên (New York: Walter de Gruyter, 1992), tr. 831.

13. M. Redclift, Phát triển bền vững: Khám phá những mâu thuẫn (New York: Methuen, 1987).

14. Peter Jacobs, Julia Gardner và David A. Munro, “Phát triển bền vững và công bằng: Một mô hình đang nổi lên” trong Bảo vệ thiên nhiên và Bình đẳng: Chiến lược vì sự phát triển bền vững, P. Jacobs và D. Munro chủ biên (Cambridge: Cambridge University Press, 1988).

15. Peter Jacobs và Barry Sadler chủ biên, Phát triển lâu dài và đánh giá môi trường: quan điểm về kế hoạch hóa một tương lai chung. Ottawa. Hội đồng nghiên cứu về đánh giá môi trường Canada.

16. David Pearce, Anil Markanda và Edward B. Barbier, Cẩm nang về một nền kinh tế xanh (London. Earthscan Publications, 1989).

17. Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới, sách đã dẫn, tr. 8.

NguồnXã hội học số 2 (70), 2000


Source: 
15-10-2020
Tags