Nguyễn Văn Bổng là nhà văn đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Những dịp kỷ niệm lớn 10 năm ngày mất (2011) và 15 năm ngày mất, tháng 7 năm nay (2016), là thời điểm để chúng ta tưởng nhớ và tri ân một nhà văn – chiến sĩ cách mạng, người đã sống và viết, đã cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp văn học thời đại mới.
Tôi đọc Con trâu từ sớm, nhưng sau đó mới được gặp Nguyễn Văn Bổng – tác giả của tiểu thuyết được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1965.
Thực ra, tôi được gặp gỡ, trao đổi với nhà văn không nhiều. Chỉ đôi ba lần thôi, tôi đã ghi lại trong tập sách Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX (Giáo dục, 2007). Nhà văn khi vào Nam, khi lại ra Bắc – “Nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao...” (Tố Hữu ). Nhưng chính vì vậy, gặp ông là được biết rất nhiều chuyện lý thú, đặc sắc, sôi động, giàu tính thời sự.
Đó là ấn tượng được hỏi chuyện nhà văn giữa khoảng thời gian ông phân thân và dấn thân sống với hai miền...
Chắp nối với những điều đã đọc trên trang viết là cảm nhận khá đầy đủ, chân thật về chân dung tiêu biểu một nhà văn – chiến sĩ hàng đầu của một thời.
-1-
Nguyễn Văn Bổng (1/1/1921) thực ra là thế hệ người cầm bút từ khá sớm, cùng trang lứa với Bùi Hiển, Tô Hoài.
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho, theo học đến bậc thành chung và đậu tú tài ở Huế, Nguyễn Văn Bổng đã từng đi dạy học tư thục và viết báo (từ 1942). Ông viết trên một số báo, cả trong Nam và ngoài Bắc – Thanh niên ở Sài Gòn và Thanh Nghị ở Hà Nội các bài Dưới đáy sông Hương, Làm lại cuộc đời (1944 )và hai tập truyện ngắn Chuyện ba người bạn, Say nửa chừng ( từ 1942, 1943).Đây chỉ là thời gian “thử bút” cũng là thử sức của người mới cầm bút.
Tham gia Cách mạng tại Đà Nẵng từ năm 1945, và sau đó đi vào hoạt động báo chí tuyên truyền, Nguyễn Văn Bổng thực sự được trưởng thành và trở thành nhà văn thế hệ đầu tiên của nền văn học mới, chủ yếu là trong giai đoạn 1945 – 1975.
Gắn bó với hiện thực đời sống, và chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, Nguyễn Văn bổng đã viết được cuốn tiểu thuyết đầu tay, làm nên tên tuổi của một cây bút mới. Con trâu đã được trao giải thưởng Phạm Văn Đồng, và sau đó nằm trong giải thưởng văn nghệ rất tiêu biểu như hoa quả đầu mùa của văn học kháng chiến – bộ ba truyện Vàng mỏ (Võ Huy Tâm), Con trâu (Nguyễn Văn Bổng ), Xung kích (Nguyễn Đình Thi ) phản ánh các mặt trận sản xuất và chiến đấu ở các vùng miền trong chiến tranh nhân dân.
Nguyễn Văn Bổng là con người rất năng động. Ông từng hoạt động trong các lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, giáo dục, văn hoá, văn nghệ.
Chuyển hẳn về văn nghệ từ năm 1948, ông trở thành người viết chuyên nghiệp và tham gia sáng lập Hội Nhà văn từ 1957. Nguyễn Văn Bổng được tín nhiệm vào các cương vị lãnh đạo: Hội Văn nghệ Việt Nam ( Phó Tổng thư ký), Hội Nhà văn Việt Nam ( Ủy viên Ban Chấp hành Khoá 1,2,3 )
Năm 1962, Nguyễn Văn Bổng trở về miền Nam mang bút danh Trần Hiếu Minh, hoạt động với cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Năm 1966, ông hoạt động bí mật trong vùng Sài Gòn, viết cho một số báo công khai (như Tin văn ), công tác trong phong trào Bảo vệ văn hoá dân tộc, cùng với lớp người cầm bút yêu nước dũng cảm như Vũ Hạnh là một đại diện tiêu biểu.
Đây là thời kỳ ông tích luỹ được nhiều vốn sống quý giá về hiện thực đấu tranh ở các vùng giải phóng, và cả vùng đô thị bị tạm chiếm dưới chế độ thực dân mới.
Trở ra miền Bắc cuối năm 1968, nhà văn đảm nhận cương vị Chủ nhiệm báo Văn nghệ.
Một dịp may hiếm có trong đời: năm 1975, Nguyễn Văn Bổng trở lại miền Nam, dự chiến dịch Đông Xuân, sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đất nước thống nhất, nhà văn lại trở ra Bắc, làm Tổng biên tập báo Văn nghệ và tham gia Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khoá cho đến năm 1983.
Nhìn chung lại, Nguyễn Văn Bổng nổi bật là nhà văn – chiến sĩ rất tiêu biểu, luôn sẵn sàng làm theo yêu cầu và tiếng gọi của nhiệm vụ cứu nước.
Là một nhà văn quê miền Nam, Nguyễn Văn Bổng trước sau đều gắn bó với sự nghiệp kháng chiến, từ thời chống Pháp đánh giặc giữ làng, giữ đất đến thời chống Mỹ – chiến tranh ác liệt ở khắp các vùng miền – cả vùng tự do đã giải phóng và các đô thị bị tạm chiếm. Nguyễn Văn Bổng cầm bút và kết hợp cầm súng, lăn lộn cả ở hậu phương và tiền tuyến, có mặt trong cuộc chiến đấu thầm lặng trong lòng địch, tham dự các trận đánh và chiến dịch lớn vang dội ở miền Nam.
Nhà văn xứng đáng ở hàng tiên phong của những nhà văn đấu tranh thống nhất, của hoạt động văn học trực tiếp vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Chúng ta biết rằng, những chuyến trở về miền Nam, tham gia hoạt động là những cuộc đấu tranh dứt khoát và quyết liệt của một cây bút – người chủ gia đình khá vất vả và cực nhọc thời ấy. Ông không hề nhẹ gánh chút nào: Nguyễn Văn Bổng từng để lại hậu phương lớn một cơ sở “hậu phương” gia đình nhỏ, gồm vợ - cũng là nhà báo, nhà văn và bốn đứa con nhỏ.
Sáng tác của Nguyễn Văn Bổng tập trung vào hai mảng đề tài, chủ đề lớn. Trước tiên là người nông dân, vấn đề nông thôn trong cách mạng dân tộc, dân chủ: Con trâu – 1952, Cắm thẻ đồng Câu – 1955, Bếp đỏ lửa ( I,II ) – 1955, 1956…Sau đó là kháng chiến chống Mỹ cứu nước : nhân dân cac tầng lớp nhất là trí thức vùng giải phóng và đô thị miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn: Cửu Long cuộn sóng – 1965, Rừng U Minh – 1966, Ghi chép về Tây Nguyên – 1978, Sài Gòn ta đó – 1969, Áo trắng – 1973, Sài Gòn 67 – 1983, Chuyện bên cầu chữ Y – 1985... Nguyễn Văn Bổng mạnh về ký như sản phẩm của một nhà báo năng động, ngoài ra còn có truyện ngắn và tiểu thuyết.
Nhà văn đã đi nhiều, gần như khắp nước, từ Tây Nguyên đến các vùng sông nước và cả bưng biền của quê hương miền Nam. Vì thế, vốn sống thật giàu có, sống động như một tiềm năng dồi dào cho cây bút rất sung sức.
Đó là lý do của sự xuất hiện những sáng tác thể hiện một ngòi bút đã và đang còn gắn bó với cuộc sống sôi động vào những năm 90 của thế kỷ XX: Tiểu thuyết cuộc đời (1991), Thời đã qua (bút ký, 1995),...
Cũng như thế hệ đồng đội, Nguyễn Văn Bổng khi ghi lại diễn biến lịch sử của nhân dân, thì đồng thời, qua đó cũng để lại dấu ấn của lịch sử cá nhân. Đó là quá trình làm nên bản thân, tìm ra chính mình, là hành trình trưởng thành một nhân cách chiến sĩ của ngòi bút chiến đấu.
Thực ra, nhà văn ít nói về mình. Tuy nhiên, qua đôi điều tự thuật và hồi ức của bạn văn, ta có thể hình dung rõ về hoàn cảnh sống, viết như chiến đấu của ông.
Nguyễn Bá kể lại đôi điều về những ngày gian khó trong thời kỳ Nguyễn Văn Bổng xuống miền Tây Nam Bộ trong năm 1965 – tham gia công tác tập huấn trại văn cho Tiểu ban Văn nghệ Khu. Đó là hình ảnh con người “luôn áp sát thực tế, sẵn sàng xông pha nơi nguy hiểm để lấy tài liệu viết sách”. Theo lời kể, ở Cà Mau, Nguyễn Văn Bổng từng đi sâu vào vùng sông Cái Tàu, từng ngủ sông, ngủ bụi ngoài vạt lá với ông già đồng chí Năm Viết, khai thác tư liệu của đội du kích xã Lương Hoà. Những nhân vật anh hùng Tô Thị Huỳnh, Kiên Thị Nhẫn đã xuất hiện trong bút ký của nhà văn.
Người viết cũng từng xông vào khu ấp chiến lược Tân Sinh để được ghi chép về nơi hiểm nguy. Cũng đã có lần, nhà văn gặp nạn, dính chết hụt.
Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhà văn ở Sài Gòn, tham gia vào việc đưa một số nhân sĩ, trí thức ra vùng giải phóng. Ông đã vận động được thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải về với Cách mạng, nhưng cụ giữa đường đau bệnh phải quay về. Có lần, Nguyễn Văn Bổng đã bị địch bắt giam ở bót, may được cơ sở giải cứu. Nếu không cũng sẽ vào tù ra tội như nhà văn Vũ Hạnh ở nội đô .
-2-
Nguyễn Văn Bổng, riêng tư một mảng đời là bài viết nêu một phần đặc biệt trong chân dung tổng thể của nhà văn (Nguyễn Văn Bổng – nhà văn chiến sĩ, Hội Nhà văn, 2010).
Thực ra, với một nhà văn, thường bạn đọc không chú ý và quan tâm nhiều đến đời tư, mặc dù hai phần riêng – chung đều góp phần nói lên chân dung đích thực của người viết. Trong Sống như Anh, nhà văn Trần Đình Vân chỉ nêu đôi điều về quan hệ vợ chồng của Nguyễn Văn Trỗi mà gây xúc động hàng triệu tấm lòng.
Đối với Nguyễn Văn Bổng, đây là những trang viết hiếm hoi và quý giá.
Như bài viết dẫn ở trên, Phan Quang đã tập trung khắc hoạ một mảng đời riêng của nhà văn chiến sĩ trong tư cách con người gia đình , người chồng, người cha của bốn đứa con. Hai người làm sách thì có một là Hồ Vân, người bạn đời – và cũng là bạn văn của Nguyễn Văn Bổng. Đó là nguồn tư liệu chân thật, bí mật đời riêng được công bố nên rất quý hiếm là vì thế.
Người viết chỉ qua tư liệu – một loạt thư từ gửi về gia đình để làm nổi bật chân dung một người bạn đời tri kỷ trong tình yêu đương thắm thiết nghĩa tình: “Vân ơi, thường nghĩ đến em, anh thấy trước nay em phải gánh nặng về con. Từ đây em phải gánh một mình. Điều đó anh suy nghĩ rất nhiều, và có lẽ đó là điều khiến anh thương nhớ em nhất”. Đáp lại là tấm lòng thương cảm của vợ: “Vân thấy anh nói ít về anh quá... Còn anh, anh càng nói ít Vân càng thấy lo nhiều”. Tình yêu dồn hết vào nghĩa vụ giáo dục các con. Những đứa con là tiêu điểm quan thiết nhất của tình vợ chồng.
Điều kiện viết thư và gửi thư ra Bắc hết sức khó khăn, ít ỏi –cả về hoàn cảnh và cả về thời giờ. Tuy nhiên, chắt chiu được những giờ phút riêng tư nào, thì Nguyễn Văn Bổng cũng giành để trò chuyện tâm tình về việc nuôi dạy con cái. Nhà văn còn dặn vợ mua cuốn sách Làm mẹ (tập 2) và kể cho con trai lớn nghe. Rồi khuyên vợ học thêm ngoại ngữ, viết văn.
Thư viết nhiều nhất là cho các con, đủ cả cho bốn đứa. Từ lúc bé Phương mới 10 – 11 tuổi, cho đến lúc vào Đoàn, đi học ở nước ngoài. Từ hồi bé Nam còn sún răng đến khi khôn lớn. Nhà văn có tâm tình, có tự kiểm về chuyện có lúc la mắng con vì quá nóng nảy. Ngoài tình cha con ruột thịt, nhà văn còn là nhà giáo dục không những chân tình mà con nghiêm khắc với những quan điểm hướng dẫn có tầm cỡ. Ngoài việc chỉ vẽ hứng thú, và ý chí học tập cho các con, nhà văn chú trọng thêm mục tiêu làm người... Khi con lớn, người cha đối xử với con như người bạn.
Cách dạy con của hai vợ chồng ông có nét rất hiện đại: dạy con thành người phát triển toàn diện, phát huy được cá tính, tài năng, tức là con người tự do và sáng tạo. Họ có những trao đổi hết sức táo bạo: “Không nên sợ các con nghịch quá/ Không nên gò bó các con/ Anh muốn các con được nghịch nhiều, chơi nhiều, biết nhiều... Chỉ có điều, muốn chúng được nghịch thì mình phải khổ hơn...”
Nhờ sự đồng tâm, nhất trí và quan điểm, hành động đúng đắn mà vợ chồng nhà văn đã đạt được nhiều phần thưởng vô cùng quý giá.
Cả bốn người con trai đều thành đạt, nên người. Họ đều vượt qua trình độ đại học ở trong và ngoài nước. Ra đời, họ được tín nhiệm giao nhiều nhiệm vụ lãnh đạo đúng với tài đức khi còn rất trẻ. Nguyễn Văn Bổng không chỉ là một nhà kỹ sư tâm hồn tài giỏi, mà ông còn là chuyên gia thiết kế cả cuộc đời tương lai cho các con.
-3-
Nhà văn con người đời thường còn được thể hiện rõ nét qua quan hệ bạn bè, đồng chí và rộng ra là với cộng đồng, tập thể, quần chúng nhân dân.
Vì có nhiều năm công tác văn nghệ, lại ở cương vị lãnh đạo, Nguyễn Văn Bổng có mối quan hệ rộng rãi và thân tình với tất cả. Bạn văn quý mến vì nhà văn làm việc hăng hái, cần mẫn và ăn ở có tình nghĩa với bè bạn. Mọi người còn thêm trân trọng, vì cùng với lứa nhà văn chiến sĩ như Lý Văn Sâm, Bảo Định Giang..., ông là người luôn xông xáo ở hàng đầu – cả về sống, dấn thân và sáng tác.
Đương thời, Nguyễn Văn Bổng thân thiết với các bậc được coi là ở hàng “chiếu trên” như Tô Hoài, Nguyễn Tuân; các bạn cùng trang lứa, hoặc dưới một chút; bậc đàn em như Ngô Văn Phú, Trần Ninh Hổ… Chính vì vậy, khi ra đi, nhiều người đã ghi lại những dòng ký ức rất tâm huyết – Bùi Hiển, Phạm Hổ, Viễn Phương, Tô Hoài, Nguyễn Chí Trung, Đoàn Minh Tuấn, Lê Văn Thảo, Lê Minh Khuê...
Ngô Văn Phú nhớ về Nguyễn Văn Bổng như một người anh bao dung, đã giúp “giải toả” tâm lý, và cũng là “giải thoát” dư luận sau vụ “Sẹo đất” khá tai tiếng cho mình. Còn Trần Ninh Hồ lại nhớ chuyện dễ tính, hoà đồng của một con người có trải nghiệm trong ứng xử đời và văn. Đoàn Minh Tuấn lại tôn vinh Nguyễn Văn Bổng là nhà văn như “Một dũng sĩ có sức đi phi thường” (Nguyễn Văn Bổng – nhà văn, chiến sĩ, Hồn Việt, 2011).
Cái sức đi phi thường ấy khiến cho bạn bè rất khâm phục: năm lần vượt Trường Sơn từ Nam ra Bắc và ngược lại, trải dài qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ – hai cuộc trường chinh ác liệt trong lịch sử.
Cái hứng thú xông xáo ấy đã bắt gặp thích thú đi và viết của lớp bạn viết một thời. Đặc biệt, phần nào đã có sự đồng cảm sâu xa của nhà văn đã từng có “máu xê dịch” – Nguyễn Tuân vả cả “tính phiêu lưu” như Tô Hoài.
Vì thế, dễ hiểu vì sao Tô Hoài đã đề tựa cho Tuyển tập Nguyễn Văn Bổng: “Ở Nguyễn Văn Bổng, ý thức sống và ngòi bút gắn bó kiệt cùng với đời viết”.
Chính vì một đời đi và viết đã khiến cho Nguyễn Văn Bổng có mối thân tình đặc biệt với Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Đó là lý do để cụ Nguyễn phải mời nhà văn làm chuyến công du thú vị cùng đoàn văn nghệ sĩ trên chiếc tàu hải quân T.154 lênh đênh trên các đảo ở Vịnh Bắc bộ. Rồi, sau này, họ có những ngày rong ruổi “tháng rộng, ngày dài” cùng Đoàn Minh Tuấn, Tế Hanh ở miền đồng bằng Lục tỉnh Nam Kỳ và đảo Phú Quốc. Họ gặp nhau ở một lẽ sống: “đi để viết”, “đi và viết”...
Quan hệ với nhau bằng tâm hồn, bằng tấm lòng và hứng thú văn chương. Đó là con người đam mê nghề văn, nghiệp viết như cốt cách, cũng là nhân cách lớn của Nguyễn Văn Bổng – con người của chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng thời đại mới.
Sự cảm thông thắm thiết giữa hai nhà văn thật cảm động. Tô Hoài gặp lại Nguyễn Văn Bổng bốn mươi năm sau qua Sương mù Đà Lạt và Tiểu thuyết Cuộc đời.
***
Nguyễn Văn Bổng là nhà văn đã được nhiều tưởng lệ xứng đáng từ tác phẩm đầu đời văn chương cách mạng. Từ giải thưởng Phạm Văn Đồng – Liên khu V (1952) và giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955, rồi giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1960 – 1965 ) cho tập bút ký Cửu Long cuộn sóng, cao nhất là giải thưởng Hồ Chí Minh (2000). Con trâu và nhiều tác phẩm đã được đi vào trường học các cấp, kể cả đại học. Áo trắng (1973) còn vượt biên giới, được giới thiệu ở nước ngoài. Đặc biệt là ở Hàn Quốc, tác phẩm như tìm thấy một tiếng nói đồng điệu trong lịch sử, trở thành hiện tượng best seller, được tìm đọc nhiều ở xứ bạn, tới nay đã 4 lần tái bản. Trước đã có bản dịch sang tiếng Nga, rồi tiếng Anh, lần mới nhất là từ tiếng Việt.
Năm 2006, theo GS – TS Bae Yang Soo, Trưởng khoa tiếng Việt trường Đại học Ngôn ngữ quốc tế Pusan ( PNU), thì ở Hàn Quốc, Áo trắng từng được “chuyên tay, săn lùng rất dữ”, thậm chí còn có tác dụng dấy lên “phong trào học tập cuốn sách như tinh thần đấu tranh yêu nước, ứng xử khôn khéo, bản lĩnh của người làm cách mạng” (theo Trần Gia Bách, Nhà văn Nguyễn Văn Bổng: Trầm lặng và tinh tế, CAND, 2011).
Nguyễn Văn Bổng là nhà văn đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Những dịp kỷ niệm lớn 10 năm ngày mất (2011) và 15 năm ngày mất, tháng 7 năm nay (2016), là thời điểm để chúng ta tưởng nhớ và tri ân một nhà văn – chiến sĩ cách mạng, người đã sống và viết, đã cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp văn học thời đại mới.
CHÚ THÍCH
(*) PGS – TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.