NGỤY BIỆN TRONG TRUYỆN CƯỜI
FALLACIES IN JOKES
PGS.TS Trần Kim Phượng
(Trường Đại học Sư phạm HN)
1. KHÁI QUÁT VỀ NGỤY BIỆN
Để hiểu về ngụy biện, trước hết cần hiểu các khái niệm liên quan đến lập luận và các thành phần trong lập luận.
1.1. Khái niệm lập luận, luận điểm, luận chứng, luận cứ
Theo Đỗ Hữu Châu, lập luận là đưa ra những lí lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một kết luận hay chấp nhận một kết luận nào đấy mà người nói muốn đạt tới” [2, tr155].
Một lập luận bao gồm luận cứ và kết luận. Luận cứ (tiền đề) là bản thân các lí lẽ và dẫn chứng phục vụ cho kết luận. Kết luận (luận điểm) là các vấn đề mà người viết muốn trình bày và ý kiến của người viết về các vấn đề ấy. Giữa luận cứ và kết luận tồn tại một quan hệ lập luận, được gọi là luận chứng. Nói cách khác, luận chứng (hay suy luận) là cách đưa lí lẽ và dẫn chứng, là cách suy luận lôgíc để chứng minh cho luận điểm. Luận chứng tồn tại một cách ngầm ẩn.
Cần phân biệt lập luận logic với lập luận đời thường. Cả hai lập luận này đều có thể có hình thức của một tam đoạn luận với đại tiền đề, tiểu tiền đề và kết luận. Trong lập luận logic, khi hai tiền đề đúng và thao tác suy luận đúng thì chắc chắn sẽ dẫn đến kết luận đúng. Còn trong lập luận đời thường, các tiền đề được dựa trên những lẽ thường là kinh nghiệm của cá nhân, mang tính chủ quan và phổ biến nhưng không phải tất yếu, cho nên nó có thể đúng, có thể sai tùy từng góc nhìn. Do vậy, lập luận đời thường luôn chứa đựng những phản lập luận.
Theo Đỗ Hữu Châu, lập luận đời thường có tính tranh biện, tính phản lập luận và tính phi logic [2]. Chúng tôi nhận thấy những đặc điểm này thường được sử dụng để tạo nên ngụy biện trong truyện cười.
1.2. Khái niệm ngụy biện (Fallacy/ Sophism)
Thông thường, một văn bản có logic là văn bản mà lập luận ở đó mang tính chặt chẽ, hợp lí. Trong một cuộc tranh luận, người chiến thắng là người đưa ra lập luận một cách có căn cứ, không ai bắt bẻ được. Trong thực tế cuộc sống, chúng ta cũng thường đưa ra những nhận xét về lập luận của người khác như Cậu nói có lí, Cậu nói chí phải hay Cậu nói vô lí, Cậu chỉ được cái lí sự cùn, Cậu nói năng đầy mâu thuẫn,… Tất cả những nhận xét này đều liên quan tới lập luận, trong đó, có những nhận xét liên quan tới những sai lầm trong lập luận mà ta gọi là “ngụy biện”.
“Ngụy biện” là một từ Hán Việt, một thuật ngữ vốn thuộc phạm trù logic học. Hiểu theo lối chiết tự, ngụy nghĩa là giả dối, biện nghĩa là tranh luận. Ngụy biện là sử dụng lập luận một cách sai lầm, vi phạm quy tắc của lập luận, nhằm làm cho người khác hiểu sai sự thật. Nói cách khác, ngụy biện là một lập luận mang một lỗi nào đó khiến nó trở nên không hợp lí. Tuy nhiên, cái lỗi này rất “kín đáo”, khi nghe qua, khó có thể nhận ra được.
1.3. Bản chất của ngụy biện
Có hai trường hợp dẫn đến ngụy biện: (1) Người nói cố tình tạo ra một sai lầm nào đó để đánh lừa người nghe, nhằm giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận, và (2) Người nói vô tình vi phạm nguyên tắc của lập luận nên rơi vào ngụy biện (Trường hợp này còn được gọi là ngộ biện). Hình thức của ngụy biện là “biến sai thành đúng”, “biến đúng thành sai”. Cần lưu ý rằng về mặt bản chất, ngụy biện không phải là một lập luận có căn cứ với những tiền đề sai. Ngụy biện là một lập luận sai.
Một lập luận đúng cần có những yêu cầu sau:
Vd1: Chó có bốn chân. Dê cũng có bốn chân. Vậy, Dê là Chó.
Nếu đọc sơ qua, ta thấy như sau:
Luận cứ 1: Chó có bốn chân. (Đúng)
Luận cứ 2: Dê có bốn chân. (Đúng)
Kết luận: Vậy, dê là chó. (Sai)
Hai luận cứ đúng mà lại dẫn tới kết luận sai thì thật là “kì cục”. Phân tích kĩ, ta thấy kết luận Dê là chó phải dựa trên một căn cứ suy luận (ngầm ẩn): “Tất cả những con vật nào có bốn chân cũng đều là chó”. Đương nhiên, suy luận này sai. Do vậy, Dê là chó là một kết luận sai. Lập luận này không thỏa mãn điều kiện (b) như đã nói ở trên. Đây chính là một kiểu ngụy biện.
1.4. Các kiểu ngụy biện
Aristotle là người đầu tiên nghiên cứu về ngụy biện. Ông xác định có 13 kiểu ngụy biện (ngụy biện khái quát hóa vội vã, ngụy biện lợi dụng cảm xúc, ngụy biện kết luận vội vã,…). Logic học sau này bổ sung vài chục kiểu ngụy biện. Tên gọi cho các kiểu ngụy biện cũng khá phong phú và không hoàn toàn đồng nhất giữa các nhà nghiên cứu (ngụy biện cảm tính, ngụy biện bất khả tri, ngụy biện chủ quan, ngụy biện tổng thể, ngụy biện rẽ đôi, ngụy biện lòng trắc ẩn,…). Trong cuốn sách Phương pháp biện luận – Thuật hùng biện, tác giả Triệu Truyền Đống cũng dành một chương riêng (chương 4) để nói về ngụy biện, với tiêu đề “Thắng bằng vạch trần ngụy biện”. Trong chương này, ông đề cập tới 117 kiểu ngụy biện [4].
Khi nghiên cứu truyện cười, chúng tôi nhận thấy có nhiều kiểu ngụy biện được sử dụng trong truyện cười. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một bài báo, chúng tôi chỉ đề cập tới những kiểu ngụy biện dễ nhận thấy nhất. Đó là 7 kiểu sau đây:
Truyện cười là nơi thể hiện khá rõ những vấn đề liên quan đến ngụy biện. Có nhiều truyện cười thể hiện những sự đối đáp giống như một cuộc tranh luận. Tuy nhiên, trong truyện cười luôn chứa những lập luận đời thường, không phải lập luận logic, nên luôn có tính tranh biện, tính phản lập luận và tính phi logic. Ở đó, ngụy biện có thể được sử dụng như một cơ chế gây cười. Đây là kiểu dùng ngụy biện một cách cố ý. Chính vì cái lập luận vô lí được che đậy bởi “cái vỏ” có lí khiến người đọc luôn cảm thấy bất ngờ, thú vị khi đọc một truyện cười.
Về ngữ liệu, chúng tôi sử dụng một ngữ liệu trong cuốn sách “Danh nhân ảnh hưởng tới hậu thế”, còn lại chủ yếu là các truyện cười trên Internet, truyện dân gian Việt Nam. Một số ngữ liệu khác được dẫn lại của Nguyễn Đức Dân, Triệu Truyền Đống, Phan Trọng Hòa,… Dẫn lại ngữ liệu nhưng chúng tôi khai thác theo góc độ mới, để phục vụ cho những luận điểm của mình.
2. PHÂN TÍCH NGỤY BIỆN TRONG TRUYỆN CƯỜI
Như đã đề cập ở trên, điều làm nên tính hấp dẫn của truyện cười chính là ở chỗ người ta có thể nhận ngay ra một kết luận sai nhưng kết luận sai ấy lại dựa trên một cơ sở “có lí”. Còn chỗ “vô lí” thì được “che đậy” một cách khéo léo mà chúng ta không dễ gì phát hiện ra được. Phân tích một ví dụ:
Vd2. Một cụ già đi khám bác sĩ:
- Cái chân phải của tôi đau nhức quá!
- Đó là do tuổi già đấy cụ ạ.
- Thế cái chân trái của tôi cũng già bằng chân phải, sao nó không đau?
(Dẫn theo Nguyễn Đức Dân [3, tr7])
Đoạn thoại ngắn này có hai lập luận. Lập luận thứ nhất (lời của bác sĩ) là một lập luận giản đơn, gồm một luận cứ và một kết luận: Cái chân phải của cụ đau, đó là do tuổi già. Ta rất dễ dàng chấp nhận lập luận này vì nghe nó có lí.
Lập luận thứ hai (lời của cụ già) là một lập luận phức – một tam đoạn luận. Lập luận này lấy kết luận ở lập luận thứ nhất làm luận cứ.
Luận cứ 1: Chân phải đau vì tuổi già.
Luận cứ 2: Chân trái già.
-> Kết luận: Chân trái cũng phải đau.
Kết luận này chỉ đúng khi các luận cứ đưa ra là đúng. Luận cứ 2 - chân trái già - là luận cứ đúng. Còn luận cứ 1 đã được ông bác sĩ khẳng định và cụ già chỉ việc lấy điều đó để lí giải cho việc cái chân phải đau nhức kia. Tuy nhiên, luận cứ 1 chỉ đúng trong những trường hợp nhất định, tức là nó là một đòi hỏi có điều kiện, nếu không sẽ rơi vào “ngụy biện ngẫu nhiên”. Trong trường hợp này, theo chúng tôi, đối với một người bình thường thì có thể dùng luận cứ này để giải thích (Chúng ta vốn rất dễ dàng công nhận tính đúng đắn của một điều vốn được xem như lẽ thường: Tuổi già thì mọi bộ phận đều đau nhức), còn đối với bác sĩ thì không dùng luận cứ này được. Điều này dẫn tới việc lập luận của cụ già rơi vào ngụy biện. Đây là mấu chốt để gây cười bởi đến đây thì chúng ta lại nhận ra lời nói của bác sĩ không ổn. Ông bác sĩ chắc chắn không thể trả lời được câu hỏi mà cụ già đưa ra vì cụ đã lập luận dựa vào chính kết luận của bác sĩ.
2.1. Đánh tráo khái niệm
Gây cười bằng thủ pháp đánh tráo khái niệm đã được chúng tôi đề cập đến trong một bài viết trước đây. Thông thường, có thể hiểu đánh tráo khái niệm là sự hoán đổi hai khái niệm (không tính đến yếu tố vô tình hay cố ý), dẫn tới sự thay đổi về nghĩa. Việc đánh tráo có thể diễn ra một cách hoàn toàn (từ khái niệm này sang khái niệm khác), cũng có thể diễn ra trong một bộ phận (một số nét nghĩa nào đó) của khái niệm – đánh tráo không hoàn toàn. Việc đánh tráo cũng có thể thực hiện ở việc hoán đổi giữa nghĩa đen và nghĩa bóng của khái niệm. Xét ví dụ sau:
Vd3. Ngày xưa có anh chàng mượn của hàng xóm một cái vạc đồng. Ít lâu sau, anh ta trả cho người hàng xóm hai con cò, nói là vạc đã bị mất nên đền hai con cò này. Người hàng xóm đi kiện. Quan gọi hai người đến xử. Người hàng xóm thưa: "Bẩm quan, con cho hắn mượn vạc, hắn không trả." Anh chàng nói: "Bẩm quan, con đã đền cho anh ta cò."
- Nhưng vạc của con là vạc thật.
- Dễ cò của tôi là cò giả đấy phỏng? - Anh ta trả lời.
- Bẩm quan, vạc của con là vạc đồng.
- Dễ cò của tôi là cò nhà đấy phỏng?
Ở đây, anh chàng mượn vạc đã cố tính đánh tráo các khái niệm sau dựa trên cơ chế của từ đồng âm:
+ Vạc 1: con vạc
+ Vạc 2: chiếc vạc
+ Đồng 1: bằng kim loại
+ Đồng 2: cánh đồng
Sự ngụy biện của anh ta trở nên “có lí”, không dễ gì bắt bẻ. Đây thuộc kiểu đánh tráo hoàn toàn.
Còn ví dụ dưới đây thuộc kiểu đánh tráo bộ phận.
Vd4. Đàn ông là người chung thủy. Lí do là:
Năm 18 tuổi, anh ta thích cô 18.
Năm 28 tuổi, anh ta thích cô 18.
Năm 78 tuổi, anh vẫn thích cô 18.
Chung thủy được hiểu là trước sau vẫn một lòng, vẫn có tình cảm gắn bó với một người duy nhất. Trong ví dụ trên, khái niệm chung thủy đã bị đánh tráo một yếu tố thành trước sau vẫn có tình cảm với một độ tuổi duy nhất. Như vậy, đây là kiểu đánh tráo không hoàn toàn, chỉ diễn ra ở một nét nghĩa nào đó. Kiểu đánh tráo này tạo ra ngụy biện.
Cách tránh ngụy biện kiểu này là các khái niệm cần được hiểu một cách thống nhất trong toàn bộ văn bản.
2.2. Vi phạm nguyên lí phi mâu thuẫn
Lập luận chỉ đúng khi nó không chứa đựng những mâu thuẫn. Mâu thuẫn này có thể xảy ra giữa các luận cứ với nhau hoặc có thể mâu thuẫn nằm ở luận chứng (mâu thuẫn ngầm ẩn).
Vd5. Dung dịch vạn năng
Người giúp việc trẻ tuổi nói với nhà bác học tài danh:
- Tôi có ý định là phát minh ra một dung dịch vạn năng, làm tan chảy mọi thứ trên đời.
- Đó là một ý tưởng hay – Nhà bác học ôn tồn nói – Nhưng có một điều rất nhỏ mà tôi cần hỏi.
- Điều gì ạ?
- Thế cô định đựng dung dịch đó vào cái gì?
Câu hỏi của nhà bác học đã làm cho người giúp việc hiểu được một kết luận đơn giản: Chẳng thể có một dung dịch vạn năng nào có thể làm tan chảy mọi thứ trên đời, bởi phát minh (trong ý nghĩ) của cô chứa đựng mâu thuẫn. Lập luận này được hiểu như sau:
Luận cứ 1: Dung dịch nào cũng cần có một thứ để đựng;
Luận cứ 2: Dung dịch của cô làm tan chảy mọi thứ.
-> Kết luận: Sẽ không thể có cái để đựng nó. Từ đó suy ra hàm ý: Không thể có loại dung dịch đó (Vì nếu có thì sẽ mâu thuẫn với luận cứ thứ nhất).
Vd6. Chuyện Edison
Bạn bè của Edison thường kể câu chuyện về ông như sau: Tôi đã gặp Edison hai lần. Mấy năm trước, khi tôi nhìn thấy Edison, tôi nói:
- Nhìn cái áo khoác của ngài kìa! Ngài nên thay cái áo mới đi thôi!
- Có cần không? Dù sao thì người New York cũng chẳng ai biết đến tôi.
Mấy năm sau, Edison đã thành một nhà phát minh:
- Lần này thì dù thế nào ngài cũng phải thay cái áo khoác mới đi thôi!
- Có cần không? Dù sao thì người New York nào cũng biết tôi rồi.
(Danh nhân ảnh hưởng tới hậu thế - NXB Văn học)
Có hai luận cứ mà Edison đưa ra mâu thuẫn nhau: Dù sao thì người New York cũng chẳng ai biết đến tôi và Dù sao thì người New York nào cũng biết tôi rồi. Hai luận cứ khác nhau nhưng lại cùng đi đến một kết luận: Tôi không cần thay áo mới. Thực ra, cả hai luận cứ này dựa trên hai lẽ thường:
Đây cũng là một kiểu ngụy biện. Cách tránh ngụy biện kiểu này là phải đưa ra những luận cứ hay luận chứng không mâu thuẫn nhau.
2.3. Lập luận xuất phát từ luận cứ sai lầm
Như đã nói, luận cứ đúng là điều kiện đầu tiên phải thỏa mãn để có một lập luận đúng. Ví dụ:
Tất cả các loài chim đều biết bay. Gà là loài chim. Như vậy, gà biết bay.
Có thể thấy luận cứ đầu tiên là một phán đoán sai: Không phải loài chim nào cũng biết bay.
Có những truyện cười đưa ra những luận cứ sai lầm một cách khéo léo để gây cười.
Vd7. Có một chàng trai đi bán rùa. “Rùa đây! Rùa đây! Ai mua nào? Rùa sống vạn năm. Giá rất rẻ.”
Một ông trung niên nghe nói rùa sống được vạn năm, liền mua một con. Nhưng chẳng may hôm sau, rùa đã chết. Và ông ta liền chạy ra chợ, tìm người bán rùa, bực tức nói:
‘Này, thằng lừa đảo! Mày bảo rùa sông được vạn năm, sao tao mua về mới qua một đêm đã chết?”
Chàng trai bán rùa cười ha hả, trả lời: “Thưa ông, như vậy thì xem ra đúng vào đêm qua, rùa tròn một vạn năm tuổi”.
(Dẫn theo Triệu Truyền Đống [4])
Lập luận của chàng trai bán rùa như sau:
Luận cứ 1: Rùa sống được vạn năm.
Luận cứ 2: Đêm qua rùa chết.
Kết luận: Đêm qua, rùa tròn một vạn năm tuổi.
Lập luận này sai do luận cứ thứ nhất Rùa sống được vạn năm là sai. Hay nói cách khác, luận cứ này chưa được kiểm chứng và đang là thắc mắc của chính người mua rùa. Người bán cố tình nhập nhằng chi tiết này để ngụy biện cho lập luận của mình.
Vd8. Nói láo
Sếp hỏi nhân viên:
- Anh có vợ rồi hả?
- Báo cáo sếp, đúng vậy!
- Nói láo! Tôi đã cho người kiểm tra và thấy trong túi anh có tiền.
Ông sếp dựa trên lập luận sau để cho rằng anh nhân viên nói láo:
Luận cứ 1: Người có vợ thì trong túi luôn không có tiền.
Luận cứ 2: Trong túi anh ta có tiền.
Kết luận: Anh ta chưa có vợ.
Luận cứ 1 không đúng vì nó dựa trên một lẽ thường mang tính giải trí: Vợ thường hay moi tiền của chồng. Do vậy kết luận Anh chưa có vợ là kết luận sai.
Để tránh lập luận kiểu này, cần đưa ra những luận cứ đúng.
2.4. Ngụy biện ngẫu nhiên
Kiểu ngụy biện ngẫu nhiên có thể xem là ở cấp độ cao hơn (kín đáo hơn) so với kiểu ngụy biện xuất phát từ luận cứ sai lầm. Cụ thể là luận cứ ở đây không sai nhưng có điều kiện ràng buộc là nó chỉ áp dụng được trong những trường hợp nhất định. Nói cách khác, nó là một loại chân lí có điều kiện. Nếu vi phạm thì lập luận trở thành ngụy biện.
Vd9. Trong một lớp học:
- Thưa thầy, người ta có bị phạt vì những thứ việc mà người ta chưa làm không?
- Tất nhiên là không.
- Vậy thì thưa thầy, em chưa làm bài tập ạ.
Lập luận trong câu chuyện này được phân tích như sau:
Luận cứ 1: Người ta không bị phạt vì những thứ người ta chưa làm.
Luận cứ 2: Em chưa làm bài tập.
-> Kết luận: Em không bị phạt.
Cậu học trò láu cá cố tình đưa thầy vào cái bẫy của lập luận ngẫu nhiên mà luận cứ thứ nhất đã được thầy vô tình xác nhận là đúng. Trong lập luận này, luận cứ thứ nhất chỉ đúng trong những trường hợp nhất định, không đúng theo quy định của việc học trong nhà trường.
Vd10. Cô Chiêu đi đò với cái Nụ. Cái Nụ ăn trầu, lỡ tay đánh rơi ống vôi bạc của cô Chiêu xuống sông. Để cô Chiêu khỏi mắng mình, nó rón rén hỏi:
- Thưa cô, cái gì mà mình biết nó ở đâu rồi thì có thể gọi là mất được không, cô nhỉ?
Cô Chiêu cười bảo: - Cái con bé này hỏi đến lẩm cẩm. Đã biết là ở đâu rồi thì sao gọi là mất được nữa!
Cái Nụ nhanh nhảu tiếp luôn:
- Thế thì cái ống vôi của cô không mất rồi. Con biết nó nằm ở dưới đáy sông đằng kia. Con vừa đánh rơi xuống đấy.
(Ngữ văn 6, tập 1)
Từ “mất” trong câu chuyện trên có các nghĩa: (1) không còn thuộc về mình nữa (mất của), (2) không có, không thấy (mất tín hiệu), (3) không có ở mình nữa (mất lòng tin). Trong trường hợp này, “mất” cần được hiểu theo nghĩa thứ nhất. Cái Nụ đã cố tình đánh tráo khái niệm - dùng “mất” theo nghĩa thứ 2 (mất có nghĩa là không thấy).
Nếu hiểu theo nghĩa 2 thì cô Chiêu vô tình rơi vào bẫy lập luận của cái Nụ. Bởi thực tế, có những trường hợp một vật đã biết nó ở đâu nhưng không lấy lại được thì vẫn gọi là mất. Không lấy lại được chính là điều kiện ràng buộc cho tính đúng của lập luận này.
Như vậy, có thể thấy không phải mọi phán đoán đều đúng trong mọi trường hợp. Khi lập luận, cần lưu ý những điều kiện ràng buộc của nó.
2.5. Lập luận ngược chiều
Lập luận ngược chiều là vận dụng những tiền đề đã có để suy luận theo chiều ngược lại. Luận cứ có thể đúng. Nhưng suy luận theo chiều ngược lại không phải bao giờ cũng đúng.
Theo Hoàng Phê, câu “Chiều nay, nếu trời đẹp, tôi sẽ đi chơi” thường có thể hiểu rằng “Nếu trời không đẹp (trời mưa) thì tôi sẽ ở nhà, có phần chắc chắn như vậy”. Đây là kết luận của một suy ý, theo quy tắc: Nói “Nếu P thì Q”, có thể hiểu là “Nếu không P thì có phần chắc chắn không Q” [5, tr168]. Tuy nhiên, ngụy biện sẽ sử dụng cái phần “không chắc chắn” ít ỏi đó để đưa ra kết luận theo ý muốn của mình: Suy luận ngược lại chưa chắc đã sai.
Vd11.
- Tôi nghĩ trên đời này có ma.
- Bằng chứng đâu?
- Thế cậu có đưa ra được bằng chứng là không có ma không? Không chứ gì? Tức là trên đời này có ma.
(Nguồn: Internet)
Muốn chứng minh trên đời này có ma thì cần đưa ra bằng chứng khoa học. Ở đây, người nói suy luận theo kiểu ngược lại: Nếu không đưa được ra bằng chứng chứng tỏ trên đời này không có ma thì có nghĩa là trên đời này có ma. Đó là ngụy biện.
Ngụy biện kiểu này còn được gọi là “ngụy biện nghĩa vụ chứng minh”. Nguyên tắc của nó là muốn khẳng định X thì phải chứng minh rằng X đúng, chứ không phải vì không ai chứng minh được X sai.
Vd12. Steinhauss là nhà toán học Ba Lan nổi tiếng thế giới. Ông cũng nổi tiếng về những giai thoại không thích đi họp của mình.
Một lần, viên thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan nói với ông:
- Nếu ngài không đi họp thì cũng cần viết giải thích cho chúng tôi biết vì sao ngài không đi họp chứ?
Steinhauss hỏi lại:
- Thế những người đi họp có viết giải thích cho ông vì sao họ đi họp không?
(Ngữ liệu dẫn theo Nguyễn Đức Dân, [3, tr10])
Theo Hoàng Phê, Nếu thông báo một điều gì không có gì đáng thông báo cả thì thường phải hiểu là điều đó thật ra là có cái gì đó không bình thường” [5]. Như vậy, những người đi họp thì đương nhiên không cần phải giải thích lí do, vì đó là điều bình thường. Nhưng Steinhauss lại cố tình suy luận theo kiểu: Nếu những người đi họp không phải giải thích lí do thì tôi nghỉ họp cũng không cần phải giải thích.
Như vậy, một phán đoán đúng không có nghĩa là suy luận theo chiều ngược lại cũng đúng.
2.6. Luận chứng phiến diện
Lập luận chỉ đúng khi nó dựa trên suy luận đúng - luận chứng hợp lí và toàn diện. Nếu không, nó sẽ rơi vào ngụy biện theo lập luận phiến diện.
Vd13. Truyện vui thời Covid:
Ta bắt đầu nghi ngờ phụ nữ là người tạo ra virus Covid 19. Lí do là:
(Nguồn: Internet)
Xét trong giai đoạn hiện nay - đại dịch Covid 19 đang hoành hành - thì cả 5 luận cứ trên đều đúng. Các luận cứ này được xây dựng dựa trên các tiền giả định (lẽ thường) như sau: Luận cứ thứ nhất có tiền giả định là không ai tự tiêu diệt giới của mình. Bốn luận cứ còn lại đều có tiền giả định liên quan đến sở thích của phụ nữ: Phụ nữ không thích đàn ông mê mải vào việc xem bóng đá, đi nhậu, đi bar, tới tiệm cắt tóc, massage, tán gẫu và tóm lại là không có mặt ở nhà. Những lẽ thường này rõ ràng mang tính chủ quan. Do vậy, dù vận dụng tới 5 lẽ thường thì cũng không đủ để đưa ra một kết luận mang tính khoa học “Phụ nữ là người tạo ra Covid 19”.
Truyện cười này dựa trên nguyên lí về tính tranh biện của lập luận đời thường. Lập luận đời thường sử dụng hàng loạt luận cứ cho một kết luận. Lập luận logic thì không như vậy: chỉ cần một luận cứ đúng là có thể đi đến một kết luận đúng, không cần tranh biện. Lập luận trong ví dụ 13 có tới 5 luận cứ mà vẫn phiến diện.
Vd14. Giai thoại “Einstein không biết chữ”
Một lần Einstein vào quán ăn. Nhưng ông quên không mang kính nên đã phải nhờ người hầu bàn đọc giúp thực đơn. Người hầu bàn ghé vào tai ông thì thầm:
- Xin ngài thứ lỗi. Tôi rất tiếc là cũng không biết chữ như ngài.
Lập luận của người hầu bàn được hiểu như sau:
Luận cứ 1: Người không biết chữ thì không thể đọc thực đơn.
Luận cứ 2: Einstein không đọc được thực đơn.
Kết luận: Einstein không biết chữ.
Cả hai luận cứ đưa ra đều đúng nhưng luận chứng lại sai. Người hầu bàn cho rằng một hiện tượng là kết quả của một nguyên nhân duy nhất. Thực tế, nguyên nhân của việc Einstein không đọc được thực đơn không phải chỉ do một nguyên nhân. Lập luận này được hiểu như sau: A là nguyên nhân dẫn đến B; vậy nếu cứ thấy B xuất hiện thì nguyên nhân là do A. Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến B, trong đó A chỉ là một mà thôi.
Muốn khắc phục ngụy biện loại này thì cần phải khảo sát toàn diện các mặt sự vật hữu quan.
2.7. Lập luận vòng quanh
Lập luận vòng quanh có nghĩa là đưa ra lập luận mà kết luận nằm trong chính tiền đề của lập luận đó. Hoặc có thể là kiểu lập luận khiến đối phương không nhận ra được đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả, làm mọi thứ rối tung lên.
Vd15. Lí sự sinh viên nghèo
Một sinh viên nghèo đói bụng quá không biết làm thế nào, liền đánh liều chui vào một quán nước.
- Cho tôi một cái bánh giò.
- Có ngay – chủ quán bê ra một cái bánh giò.
- Bánh bao thì giá cả thế nào?
- Như bánh giò.
- Thế thì đổi cho một cái bánh bao.
Chàng ăn xong cái bánh bao đứng dậy định đi về.
- Ơ kìa, không trả tiền à?
- Tiền nào?
- Tiền bánh bao.
- Nhưng tôi đổi bánh giò rồi cơ mà.
- Nhưng đã trả tiền bánh giò đâu?
- Ơ hay! Nhà chị buồn cười thật! Bánh giò nhà chị vẫn ở nguyên kia, tôi có ăn đâu mà bảo trả tiền?
(Nguồn: Internet)
Khái niệm “trả tiền” vốn được hiểu là “đưa cho người khác số tiền để đổi lấy hàng hóa” đã được cậu sinh viên hoán đổi thành “đưa cho người khác một vật ngang giá”. Đến đây, lập luận của cậu hoàn toàn có lí nếu cái “vật ngang giá” đó (tức cái bánh giò) là của cậu. Song khi tiếp tục bị đòi trả tiền thì cậu xoay sang lí luận: không ăn không phải tiền. Lập luận này đúng vì cậu không ăn bánh giò. Nhưng không trả tiền bánh giò thì đương nhiên bánh giò không phải là sở hữu của cậu nên không có giá trị quy đổi. Cậu học trò đã “tung hỏa mù” bằng cách đánh tráo lòng vòng để “ăn không” cái bánh bao. (Xem thêm Trần Kim Phượng – Trịnh Thị Anh Đào [6])
Vd16. Vòng tròn kinh tế
- Này ông, chiếc bình này đắt thế ư?
- Đúng thế, vì nó rất cổ!
- Có thật nó rất cổ không? Làm sao mà biết được điều đó?
- À, vì nó rất đắt!
(Dẫn theo Phan Trọng Hòa [5])
Hai lập luận trong câu chuyện này mang tính “vòng quanh”.
Lập luận 1: Chiếc bình này đắt vì nó cổ.
Lập luận 2: Chiếc bình này cổ vì nó đắt.
Người bán hàng đã lấy cái kết luận của lập luận này làm luận cứ cho lập luận kia và ngược lại, tạo ra ngụy biện.
Như vậy trong lập luận, phải xác định rõ đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả, đâu là luận cứ, đâu là kết luận.
Kết luận
Trong một cuộc tranh luận, người chiến thắng là người làm cho người kia tâm phục khẩu phục. Tuy nhiên, có thể, người chiến thắng chỉ đơn giản là người làm cho người kia bị lạc vào “hỏa mù” và tạm thời không bắt bẻ được. Ngụy biện thuộc trường hợp thứ 2.
Để tránh những sai lầm trong lập luận, cần có những nguyên tắc sau:
Tuy nhiên, truyện cười sử dụng ngụy biện như một cơ chế gây cười. Cho nên đây là sử dụng ngụy biện một cách cố ý. Hiểu được ngụy biện sẽ giúp chúng ta lí giải được truyện cười một cách sâu sắc hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
NGỮ LIỆU KHẢO SÁT