NGƯỜI THƠ PHONG VẬN NHƯ THƠ ẤY

Đằng sau vóc dáng gầy gò, nhỏ bé là tinh thần nhập thế nhiệt thành, hào sảng, sống và làm việc hết mình, hết mình trong công việc nghiên cứu và giảng dạy, hết mình với các thế hệ học trò.

Thầy Lưu Đức Trung vốn là chuyên gia văn học Trung Quốc. Thầy đã từng có thời gian tu nghiệp ở mảnh đất Hoa Hạ, nơi con người sống thiên về lí trí, nhấn mạnh khuynh hướng tinh thần nhập thế. Khi khóa sinh viên chúng tôi được thụ giáo thầy thì thầy đã chuyển qua giảng dạy văn học Ấn Độ rồi Nhật Bản - những nền văn học có phong khí thật khác xa nhau: xứ Ấn Độ huyền bí, uyên áo, duy linh trong khói hương siêu thoát , xứ Phù Tang duy mĩ, duy tình trong niềm yêu sống dạt dào giữa lòng trần thế. Trên hành trình miên viễn qua những miền văn hóa đậm đà bản sắc của Á Đông, dường như hương hoa nồng đượm của mỗi miền mà thầy đã chắt chiu ấp ủ đều thẩm thấu rồi kết tinh trong cốt cách cuả người lữ khách mà cuộc đời tựa áng mây trôi. Hay là trong thẳm sâu con người đã có căn cốt nên người đến với văn chương những xứ ấy như một mối lương duyên. Mà cũng có thể là cả hai chăng.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, thực vật, cây và ngoài trời

 

Đằng sau vóc dáng gầy gò, nhỏ bé là tinh thần nhập thế nhiệt thành, hào sảng, sống và làm việc hết mình, hết mình trong công việc nghiên cứu và giảng dạy, hết mình với các thế hệ học trò. Căn hộ của thầy trên gác Năm ở khu tập thể Giảng Võ như lời của anh Lê Từ Hiển chưa thể gọi là nhà chứ đừng nói là căn nhà rộng trong ước mơ của thi thánh Đỗ Phủ, ấy vậy mà đã là nơi trú gió mưa cho «thiên hạ».

Đằng sau cặp kính lão lấp lánh cái độ lượng của một người hiền đã trải đời mình qua những ái, ố, hỉ, nộ của một kiếp người để có cái «thiền tâm hoa» an nhiên bình thản giữa cõi nhân gian.

Ấy vậy mà trong tim vẫn «ửng đỏ một sắc hoa đaò», động lòng trước cái đẹp đơn sơ, bình dị của tạo vật, của tình đời, tình người giữa lòng cuộc sống mà dù thế nào chăng nữa thầy vẫn yêu tha thiết như lời thơ mà thầy lấy làm đề từ cho tập hồi kí Kỉ niệm ấm lòng: «Tôi đã đau khổ/đã từng biết chết chóc / nhưng tôi sung sướng / vì đã được sống trong cõi đời này (R. Tagore).

Không có văn bản thay thế tự động nào.
 

Ở khúc hạ nguồn, nơi dòng sông cuộc đời mênh mang mà lặng chảy sắp hòa vào biển lớn, người đã cô đơn, lặng lẽ mà say mê bước đi trên con đường hài cú đạo, nhặt những cánh hoa bên đời để kết nên những đóa Hoa bốn mùa, Tươi mãi với thời gian. Người thơ phong vận như thơ ấy, hài cú của người hướng tới những cái đẹp mà người Nhật đề cao nhưng phải chăng cũng là phong vận của người thơ?

Thế giới hài cú của người thanh thoát vẻ đẹp miyabi - tao nhã trong mối quan hệ với thiên nhiên, nâng niu, trân trọng nhành hoa, ngọn cỏ, cội rễ đơn sơ. Đọc thơ nguời mà như lạc bước vào thế giới của những người hiền xưa nơi mà bóng trăng không sợ vỡ bởi tay người không động chèo, cành không sợ gãy vì tay người bợ cây, hoa không sợ đau vì tay người không quét...

Cánh đào rơi/vương trên vai áo/mắt lệ nhòa.

Thương hoa tiếc ngọc là cảm xúc chung của những tâm hồn nhạy cảm. Một xác ve sầu rỗng không lúc mùa thay áo đổi cũng gợi lên trong lòng người cảm giác nao nao: 

Hạ đi/thu đến để lại xác ve sầu.

Người xưa say mê thiên nhiên, luyến tiếc thời gian đang trôi, đời người ngắn ngủi thoảng qua như giấc mộng không kịp ngắm vẻ đẹp của cảnh vật xuân thì nên đã «thắp đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân, «canh khuya những sợ rồi hoa ngủ/khêu ngọn đèn cao ngắm vẻ hồng». Người nay cũng tiếc vẻ đẹp của hoa, nên đêm đã khuya mà người không ngủ, bước vào vườn hồng lặng ngắm:

Dưới ánh trăng trong/Bóng nguời lữ thứ/Nhẹ bước vườn hồng.

Nhờ ánh trăng trong nên người không thắp đuốc khêu đèn. Sợ làm kinh động giấc ngủ của hoa, sợ làm ánh trăng xao động nên người lữ thứ nhón chân bước nhẹ...

Thời gian như thoi đưa, người đã bước vào tuổi bát tuần. Vậy nhưng tâm hồn nguời vẫn trẻ, thấy mùa xuân bất tận, thấy mình xanh lại khi cuộc đời bước sang thu:

Cảm ơn thời gian/ta xanh lai/giữa thu vàng

Nhìn lại cuộc đời, người chiêm nghiệm thấy mình như vị du tăng khất thực giữa mùa xuân cuộc đời, để được đời ban tặng đầy túi hoa thơm quả ngọt:

Kẻ hành khất/ du xuân/ hoa quả đầy túi

Cuộc đời qua cái nhìn dịu nhẹ của người mới đáng yêu, đáng sống làm sao.

Dẫu mới chỉ là những thử nghiệm đầy ngẫu hứng, sáng tác haiku như là bước vào một cuộc chơi, những vần thơ haiku của thầy phong kín bao nỗi niềm thầm lặng, thấm đượm phong khí, cốt cách của người thơ. Qua vài dòng đơn sơ, người viết muốn gửi tới thầy lời tri ân sâu sắc. Thầy đã truyền tới bao thế hệ học trò tình yêu nền văn hóa phương Đông thâm trầm, uyên áo cùng phong cách sống hiền hòa. Thầy đã tin cậy trao y bát chọn con làm đệ tử chân truyền và gửi gắm những học trò ưu tú nhất cho con. Nguyện cầu thầy luôn bình an, thanh thản!

Không có văn bản thay thế tự động nào.


Source: 
01-10-2020
Tags