Mối quan hệ giữa tác giả, tác phẩm văn học và người đọc, nghiên cứu người đọc là hướng nghiên cứu mang lại những kết quả có tính phức hợp và khó dự đoán hơn cả. Người đọc không hoàn toàn là một thực thể có hình hài ổn định bất biến. Đời sống lâu dài của tác phẩm văn học được định dạng phụ thuộc vào người đọc, mà người đọc - công chúng, lại là một thực thể sống động, biến hóa nhiều nhất theo thời gian và không gian. Lý thuyết tiếp nhận văn học, với hệ khái niệm quan trọng như tầm đón đợi, kinh nghiệm thẩm mỹ, chân trời tiếp nhận, động cơ tiếp nhận, vai trò của công chúng,… đã trở thành một trong những lý thuyết có sức hấp dẫn khi định hướng nghiên cứu người đọc. Trong sự phát triển của lý luận nghiên cứu phê bình văn học, cũng như sự phát triển của nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới, có thể nhìn thấy một mối quan hệ gần gũi, có một tiềm năng khai thác lớn, giữa lý thuyết tiếp nhận văn học và lý thuyết quan hệ công chúng.
Mối quan hệ giữa tác giả, tác phẩm văn học và người đọc, nghiên cứu người đọc là hướng nghiên cứu mang lại những kết quả có tính phức hợp và khó dự đoán hơn cả. Người đọc không hoàn toàn là một thực thể có hình hài ổn định bất biến. Đời sống lâu dài của tác phẩm văn học được định dạng phụ thuộc vào người đọc, mà người đọc - công chúng, lại là một thực thể sống động, biến hóa nhiều nhất theo thời gian và không gian. Lý thuyết tiếp nhận văn học, với hệ khái niệm quan trọng như tầm đón đợi, kinh nghiệm thẩm mỹ, chân trời tiếp nhận, động cơ tiếp nhận, vai trò của công chúng,… đã trở thành một trong những lý thuyết có sức hấp dẫn khi định hướng nghiên cứu người đọc. Trong sự phát triển của lý luận nghiên cứu phê bình văn học, cũng như sự phát triển của nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới, có thể nhìn thấy một mối quan hệ gần gũi, có một tiềm năng khai thác lớn, giữa lý thuyết tiếp nhận văn học và lý thuyết quan hệ công chúng.
Quan hệ công chúng (Public Relation, PR) đang trở thành một khái niệm quen thuộc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ hoạt động kinh doanh đến các hoạt động phi kinh doanh, chính trị, xã hội, giáo dục, và văn học nghệ thuật, kỹ nghệ giải trí. Khối kiến thức nền tảng của ngành này được tích hợp từ nhiều lĩnh vực nghề nghiệp đã phát triển trước đó, trong đó càng ngày người ta càng nhận ra vai trò đóng góp quan trọng của khối kiến thức khoa học xã hội nhân văn nói chung, và văn học nói riêng. Tích hợp các lĩnh vực nghề nghiệp đã có để hình thành các nghề mới đang là xu hướng mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu ngày càng phức tạp, đa dạng của đời sống xã hội. Trong quá trình nghiên cứu xác định hệ thống lý thuyết nền cho đào tạo ngành này, hoàn toàn có thể nghĩ đến xu hướng tích hợp liên ngành giữa văn học và quan hệ công chúng. Với văn học, là một thử nghiệm giải quyết vấn đề nghiên cứu công chúng, tầm đón đợi, kinh nghiệm thẩm mỹ của người đọc,… Với quan hệ công chúng, đó là nền tảng hiểu biết về con người, về văn hóa, để xây dựng nội dung trong các hoạt động của mình. Nói cách khác, tiếp cận văn học từ góc độ quan hệ công chúng là một cách học văn, làm văn “mở” hơn, trong một bối cảnh kinh tế - xã hội đã đổi khác hơn. Trong thực tế, cách tiếp cận này mang đến nhiều kết quả thú vị, và lợi ích thiết thực cho cả hai: Văn học và Quan hệ công chúng.
1. Văn học trong thị trường xuất bản phẩm
Năm 2016, một cuộc hội thảo về văn học trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đã được tổ chức ở tầm quốc gia, đơn vị chủ trì là Viện Văn học. Trước thực tế văn học Việt Nam đương đại đang hình thành một thị trường, chịu những tác động mạnh mẽ từ thị trường, giới nghiên cứu đã xác định trách nhiệm của mình: cần có những phân tích, lý giải một cách khách quan, khoa học về thực trạng này. Hội thảo nhằm mục tiêu nhận diện, phân tích, đánh giá tình hình phát triển thị trường văn học và văn học thị trường, với một chủ đề tập trung, trực diện: “Thị trường văn học và văn học thị trường: lý luận và thực tiễn”.
Hội thảo này cho thấy mối quan ngại về xu hướng thị trường hóa văn học, nhưng mặt khác, kết quả của các ý kiến trao đổi tại hội thảo và sau hội thảo cho thấy thực chất sự phát triển của văn học thị trường là theo quy luật riêng của nó và không thể tránh né. Hội thảo có một trong các mục tiêu quan trọng là đánh giá thực trạng và các xu hướng phát triển của văn học thị trường ở Việt Nam, vấn đề thị hiếu và nhu cầu của người đọc đối với văn học thị trường. Có những ý kiến khá thẳng thắn, như ý kiến của PGS.TS. Trần Văn Toàn, cho rằng, “văn học Việt Nam hiện đại, thực chất là bàn về văn học thị trường. Theo đó, văn học thị trường cần được xem xét là cơ chế hình thành và phát triển của văn học”(1). Rõ ràng, cái nôi hay cái phông nền của văn học, của tác phẩm tác giả văn học, đã được nhìn nhận trong mối quan hệ không thể tách biệt, trong những tác động tương hỗ và hữu cơ với những yếu tố của thị trường nói chung, và thị trường xuất bản phẩm nói riêng - một lĩnh vực mà trong một nghiên cứu công bố từ năm 1990, nhà nghiên cứu Huỳnh Vân đã cho rằng có một “sự dị trị”(2) nhất định mà văn học phải đối mặt.
Không lược lại những ý kiến của những người đi trước, chúng tôi chỉ lưu ý rằng bản thân chữ “thị trường” đã hàm nghĩa thực dụng, tiêu dùng, mua bán trao đổi. Nói “văn học thị trường” hay “thị trường văn học” cũng phần nào đó có sự kỳ thị nhất định. Trong khi đó, thực trạng xuất bản phẩm hiện nay không hoàn toàn chỉ bao gồm các hoạt động xuất bản chính thức, có chi phí in ấn, phát hành và các chi phí khác; mà gồm cả các hoạt động tự xuất bản, xuất bản online, các hiện tượng văn học mạng, mối liên hệ “dắt dây” từ sự thành công trên mạng đến sự thành công trên thị trường sách xuất bản chính thức và ngược lại. Nên chăng, có thể gọi đây là một quần thể xuất bản phẩm, trong đó có sách văn học. Trong một quần thể đa dạng và phức tạp như thế, giới nghiên cứu văn học đã có những lộ trình, những phương thức như thế nào để chủ động “vẫy gọi”, phát triển, khuyến khích và nâng đỡ những tác phẩm văn học thực sự? Đã có những nghiên cứu nào nhằm xây dựng một hệ kinh nghiệm thẩm mỹ, một “tầm đón đợi” của công chúng nói chung và công chúng văn học nói riêng? Hình như các nhà nghiên cứu phê bình văn học vẫn còn đang bối rối, khi mà đối tượng nghiên cứu quen thuộc trước nay của họ vẫn là tác phẩm, tác giả, chứ không phải là “công chúng”. Có chăng là các nhà sư phạm - những người đang có một đối tượng công chúng xác định là người học, và trong khuôn khổ trách nhiệm nghề nghiệp, cố gắng trang bị một phông nền văn học nhất định cho học sinh trong thực trạng là năng lực cảm nhận văn học của học sinh đang ngày càng đáng báo động. Giới nghiên cứu phê bình nói chung, và giới giảng dạy văn học nói riêng, đang nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp tiếp cận, đổi mới phương pháp đọc văn bản tác phẩm, giảng văn, làm văn, mà những kết quả thu được vẫn có tính giới hạn.
Tách biệt một cách hơi “kiêu kỳ” với quần thể xuất bản phẩm hiện hữu, giới nghiên cứu văn học cố gắng định hình diện mạo, trào lưu, xu hướng của nền văn học thông qua các giải thưởng văn học chính thức, các bài phê bình, các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành… Nhưng thực sự, diện mạo của nền văn học, thị hiếu của công chúng cũng chưa hẳn được định hình bởi các hoạt động phần nào duy ý chí này. Cần đặt vấn đề: tại sao không chọn lựa chủ động tham gia vào hệ sinh thái của quần thể xuất bản phẩm này? Ví dụ, nói riêng về hoạt động quảng bá sách. Bởi phó mặc cho sự tự phát của thị trường, nên hoạt động quảng bá sách hiện nay vẫn đang trong tình trạng mỗi nơi một kiểu, đơn lẻ, với những mục tiêu không mấy rõ ràng: giới thiệu tác giả trẻ, tác giả mới, giới thiệu sách và bán sách (giảm giá!)... Trong khi nhiều tác phẩm văn học dịch được gán nhãn “best seller”, các tác phẩm trong nước vẫn những trang bìa trống trơn, yên lặng trên giá sách, vừa ngấm ngầm tủi thân vừa kênh kiệu nửa vời. Vấn đề đặt ra là với tập quán đọc, mua sách, với văn hóa Việt Nam, với người đọc Việt Nam, để định dạng là một best seller, cần hệ thống tiêu chí như thế nào, cần hệ thống tổ chức đánh giá như thế nào? Người đọc hiện đại, bằng kinh nghiệm của mình, đã biết, đã thừa nhận không phải tất cả các best seller đều là các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Các tác phẩm đoạt Nobel văn chương lại càng thường không phải là các best seller. Người ta cũng biết rằng để xây dựng hệ thống tiêu chí của best seller, không thể sao chép nguyên xi cái người khác đã làm, mà cần xây dựng trên cơ sở đặc điểm công chúng, đặc điểm xã hội, điều kiện kinh tế cụ thể. Hệ thống tiêu chí này cần được cung cấp kiến thức để xây dựng, và đó là kiến thức văn học nghiêm túc - nếu muốn hệ thống tiêu chí kết hợp được các yêu tố trên mà vẫn lấy phẩm chất văn chương làm gốc rễ, cốt lõi. Ví dụ, ở góc độ này, cần chủ động cung cấp cho công chúng, thông qua hoạt động quan hệ công chúng, khối kiến thức lý luận về chức năng của văn học, trong đó lưu ý thích đáng đến chức năng giải trí. Văn học có chức năng giao tiếp và giải trí, và để cho chất giải trí này không xuống cấp, rẻ tiền, nó cần được xây dựng, nghiên cứu đến đầu đến đũa. Các best seller rõ ràng có nhiều tác dụng. Xét khía cạnh tương hỗ, để nuôi dưỡng, phát triển công chúng cho hoạt động đọc, cần có các best seller; để các best seller không thành chuyện nực cười hay đánh lừa công chúng, cần có đủ năng lực để xây dựng hệ thống đánh giá, xếp hạng.
Liên quan, là mảng hoạt động sống còn và thường xuyên của các nhà xuất bản: xây dựng thương hiệu cho xuất bản phẩm, định hình các dòng sách, phát triển hệ thống văn hóa phẩm… Không thể bỏ qua nhu cầu đọc, kể cả dù nó ở tầm thấp hay tầm cao, giải trí đơn thuần hay đang trên con đường phấn đấu nâng dần chất lượng nghệ thuật. Thực tế là nhu cầu văn học, nghệ thuật của công chúng ngày nay “đang tăng lên không ngừng, rất đa dạng và phức tạp. Đáp ứng hay không và đáp ứng như thế nào những nhu cầu này; chạy theo nó một cách cơ hội hay chống lại nó? Đến một lúc nào đó, theo tôi, đây sẽ là một vấn đề lý luận văn học cần bàn. Chúng ta không thể lẩn tránh được nó… Điều khó khăn là từ những nhận thức và đòi hỏi trên, làm thế nào tìm ra được những biện pháp thực tiễn hữu hiệu cho việc giải quyết mối quan hệ đầy mâu thuẫn này giữa sự tự trị tương đối và những tác động cửa sự dị trị, giữa những yêu cầu về giá trị thẩm mỹ – tư tưởng và sự giải trí. Rõ ràng giải pháp không phải là quay về với cơ chế bao cấp hay xóa bỏ khâu trung gian để trở lại với mối quan hệ trực tiếp giữa sáng tác và tiếp nhận”(3). Một cách nào đó, có thể coi quan hệ công chúng là một giải pháp cần nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc, trong tư duy tích hợp liên ngành.
2. Người đọc và công chúng
Một trong những nguyên tắc cơ bản của sự phát triển là tính kế thừa. Thực chất, nếu vượt qua được “tính mới” của thuật ngữ, hoạt động quan hệ công chúng trong lĩnh vực sách vở, tác phẩm văn học không phải không có mầm mống gốc rễ trong xã hội Việt Nam. Thực tế, hoạt động này đang di chuyển từ loại hình dành cho công chúng chọn lọc, sang thành hoạt động đại chúng, đông đảo hơn và ít chọn lọc hơn. Những năm 1930 - 1940 của thế kỷ XX, các cuộc tranh luận văn học salon, các cuộc bút chiến trên mặt báo diễn ra khá sôi nổi, và thường chỉ dành cho một đối tượng người đọc có chuyên môn. Nay thì các cuộc này được sự tham gia đông đảo của công chúng, dễ thấy nhất là cư dân mạng - tiêu chí để chọn lọc họ khá mơ hồ, song mức độ tham gia sâu vào các cuộc tranh luận này là đáng kể. Từ truyền thống “trọng văn” của xã hội Việt Nam, các sinh hoạt văn học, các hoạt động nói chuyện văn chương của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài vốn quen thuộc với người yêu văn chương… đã được đánh giá cũng là một dạng hoạt động quan hệ công chúng, “cũng là một lối đi ấy thôi”(4). Trước đây, các sự kiện với các nhân vật của công chúng này được tổ chức theo định hướng, rộng nhất là trong đối tượng học sinh các trường phổ thông, sinh viên các trường đại học, các câu lạc bộ văn học, các sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức. Nay thì các lọai hình cà phê sách, giới thiệu sách, ra mắt sách do tác giả tự tổ chức, do nhà xuất bản tổ chức, do các câu lạc bộ người hâm mộ (Fanclub) tổ chức, đã thay thế hoạt động nói chuyện văn học chính thống. Đây không phải chỉ là sự thay đổi hình thức, mà là sự thay đổi của công chúng. Trong các hoạt động trước, công chúng là thành viên của một tổ chức (trường, cơ quan…), được tập hợp lại bởi sự quan tâm của tổ chức hoặc bởi những ích lợi mà tổ chức đó nhìn thấy, sự tự nguyện của công chúng không phải là tiêu chí hàng đầu. Trong các hoạt động hiện nay, công chúng là tự do, sự quan tâm tự nguyện của họ là động lực đầu tiên và duy nhất tập hợp họ đến với các sinh hoạt này. Nhìn thấy sự khác biệt này, cũng là nhìn thấy một phần bản chất của hoạt động quan hệ công chúng.
Thực chất thì sự khiên cưỡng, phần nào áp đặt của các sinh hoạt văn học thời kỳ trước là một thực tế không khó nhận ra. Cùng với sự phát triển của xã hội, sự trưởng thành nhất định của người đọc đòi hỏi một không khí dân chủ, tự do và có tính cá nhân hơn trong quan điểm, động cơ tiếp nhận. “Công chúng thích thú hay chối từ trong văn nghệ, điều đó không dễ ai đoán định được. Trừ đi mọi ngộ nhận do thị hiếu bất thường, do quảng cáo, điểm chung của công chúng thời kỳ hiện đại trong nền kinh tế thị trường là do có trình độ, nhiều sở thích, thị hiếu không ổn định theo “mùa” theo “cơn”(5) - khái niệm “mùa”, “cơn” mà nhà nghiên cứu Hà Minh Đức sử dụng ở đây gợi nhắc một thời mà văn học - cả sáng tác và nghiên cứu phê bình, đều được định hướng theo những chủ trương, đường lối. Cuối thập niên 80, thời kỳ “mở cửa”, “cởi trói” từng được chào đón như một giai đoạn mới, cởi mở, tự do hơn. Nhưng thực ra, xét cho cùng, cũng là không tưởng nếu nghĩ đến tự do tuyệt đối, “mở” tuyệt đối. Định hướng công luận là một bản tính của truyền thông, luôn tồn tại, chỉ ở dạng này hay dạng khác mà thôi. Trong một xã hội mà truyền thông ngày càng phát triển mạnh, nếu sáng tác và phê bình văn học buông quyền định hướng công luận, thì quyền ấy, một cách tự nhiên, sẽ di chuyển sang khu vực lưu thông, khu vực mà ở đó tác phẩm tồn tại với tư cách là hàng hóa sách - một hàng hóa trên thị trường. Chưa hẳn cách này đã tốt hơn.
Quần thể xuất bản phẩm luôn cần những luồng, những dòng, những sự định hướng nhất định nhằm phát triển lành mạnh, hướng thượng. Tuy nhiên, khi cốt lõi của vấn đề không thay đổi, vấn đề là thay đổi cách làm. Cái thời triển khai định hướng công luận thô thiển, có tính khiên cưỡng áp đặt đã qua rồi. Cuối những năm 70 của thế kỷ XX, Manfred Nowman đã chỉ ra trong “Song đề của mỹ học tiếp nhận”, rằng “nếu như việc viết lịch sử văn học và lý luận văn học về sau này cùng với những động cơ tư tưởng phụ thêm đã hùa với âm mưu chống lại công chúng, thì điều đó cũng chỉ đươc xem như là một sự “áp bức” người đọc trong nghĩa bóng”(6). Để tránh “áp bức người đọc”, để nhận thức và kiến tạo một “tầm đón đợi” thực sự của một công chúng hiện thực, phải nghĩ đến hoạt động quan hệ công chúng một cách có hệ thống hơn, sâu hơn, phù hợp hơn; đồng thời nếu hoạt động quan hệ công chúng xuất phát từ nền tảng văn học, sẽ mang lại những kết quả phù hợp với hệ giá trị mà giới nghiên cứu văn học đã xác định.
Được định nghĩa là những nỗ lực mang tính hệ thống của tổ chức, cá nhân nhằm thiết lập chiếc cầu nối về thông tin, truyền tải những thông điệp; xây dựng, chia sẻ và duy trì những thiện cảm nhất định của công chúng đối với mình, trên cơ sở cung cấp thông tin trung thực và kịp thời, quan hệ công chúng có thể được coi như một lĩnh vực tích hợp giữa kinh tế, truyền thông và văn hóa, với đối tượng hướng đến là cộng đồng. Sức mạnh thực tiễn của quan hệ công chúng có thể nhận thấy rõ rệt trong “pha” tiếp nhận, lưu thông hơn là “pha” sáng tạo tác phẩm, nhưng chủ động tham gia “pha” tiếp nhận này, tác giả và tác phẩm sẽ có được kênh tiếp cận với đời sống thực tế, tiếp cận được công chúng của mình, góp phần hạn chế tình trạng tác phẩm bị coi như một loại hàng hóa mà lĩnh vực lưu thông của nó hoàn toàn nằm ngoài văn học.
Là một lĩnh vực mới, quan hệ công chúng du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 90 của thế kỷ XX. Trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, ngành này đã được đào tạo chính thức ở bậc đại học trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, thực tế, đội ngũ người làm Quan hệ công chúng và hoạt động Quan hệ công chúng ở Việt Nam còn đang trong thời kỳ xây dựng, tìm đường phát triển. Nhu cầu Việt hóa nghề nghiệp cho phù hợp với nền tảng văn hóa, con người và thị trường Việt Nam đang thu hút nhiều nghiên cứu nhằm cố gắng định nghĩa quan hệ công chúng theo góc độ tiếp cận của mình, nhằm xác định nền tảng kiến thức lý luận nghề nghiệp của ngành này gần với lĩnh vực của mình. Trang bị kiến thức văn học cho người làm quan hệ công chúng không phải là điều các nhà quản lý đào tạo chưa nghĩ đến, nhưng để quá trình trang bị đó đạt hiệu quả mong muốn, đòi hỏi phải tiếp cận văn học từ góc độ quan hệ công chúng, đòi hỏi một quá trình nghiên cứu nghiêm túc, tỉ mỉ. Nên chăng, với thế mạnh là bề dày nghiên cứu của mình, giới nghiên cứu văn học nên chủ động. Các nhà nghiên cứu văn học vẫn phải nắm lấy quyền định hướng công luận của mình, thông qua việc trang bị cho những người đứng giữa - những người làm quan hệ công chúng - những kiến thức và hệ thống giá trị chính thức, đồng thời thừa nhận vai trò trung gian quan trọng và tích cực của các chuyên gia quan hệ công chúng, để rồi đến lượt họ, đội ngũ người làm quan hệ công chúng có thể tác động đến người đọc, chuyển tải các kiến thức và giá trị này, hòa vào nỗ lực xây dựng và nâng dần chuẩn mực văn hóa chung của toàn xã hội.
Trong quá trình học văn trong trường phổ thông, cùng với sự dẫn dắt, gợi mở của giáo viên, người học được kỳ vọng đạt được một ngưỡng nhất định nào đó về cảm quan thẩm mỹ với tác phẩm văn học. Hệ thống tác phẩm chọn đưa vào làm nguồn văn liệu trong chương trình được tổ chức trên cơ sở học sinh được nâng dần tầm đón đợi, nâng dần năng lực cảm thụ theo từng cấp học. Tuy nhiên, các giá trị kinh điển luôn luôn có một sự cách biệt tất yếu với thực tế, vì vậy, có thể nghĩ đến việc sau giáo dục phổ thông, vẫn cần một đội ngũ người làm quan hệ công chúng có thể dẫn dắt, khơi gợi, nâng đỡ những năng lực cảm nhận ở nhiều tầm mức khác nhau trong xã hội, duy trì nỗ lực và công sức của các nhà giáo dục. Thực tế cần nhiều hơn thế: các nhà quản lý, các đại diện xuất bản, đại diện tác giả, các “đại sứ thương hiệu”, các nhà tổ chức sự kiện văn hóa... trong quần thể xuất bản phẩm là cần thiết, kể cả khi họ chỉ dừng lại nhiệm vụ giải phóng nhà văn khỏi những trách nhiệm, công việc sự vụ, để tập trung toàn tâm toàn sức vào hành trình sáng tạo của mình. Khi không thể tránh khỏi tính thực dụng của thị trường, thì việc kết nối nó theo một cách chủ động nhất, tốt nhất với lĩnh vực sáng tạo là chuyện phải tiến hành nghiên cứu, chứ không thể phó mặc nhà văn và tác phẩm cho sự dập vùi của sóng gió công luận, rồi thất vọng vì sao họ không vượt qua được những sóng gió này mà đóng góp cho văn học những tác phẩm đạt đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, ngày một cao hơn và hơn nữa.
*
Việc tồn tại một “thị trường” hàng hóa sách, hay một quần thể xuất bản phẩm đa dạng, phong phú; ý thức “tự xuất bản” của không chỉ những người viết chuyên nghiệp, và thực trạng văn học và “cận văn học” đang tồn tại rất gần nhau... xét cho cùng, có ý nghĩa tiến bộ. Nó không đóng kín hoạt động sáng tạo và giao tiếp văn học trong những giới hạn của “tháp ngà”, nó thử thách và kiểm chứng các giá trị nghệ thuật qua nhiều thang đo có tính xã hội. Họat động xuất bản sôi động, đa dạng thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật. Nhưng thực tế, chất lượng của sự phát triển ấy còn chưa được như mong đợi. Tìm kiếm nhiều hướng gắn kết để đổi mới hoạt động dạy và học văn, đổi mới cách tiếp cận văn học, gìn giữ tập quán và văn hóa đọc của cộng đồng... là những cố gắng thử nghiệm cần được ghi nhận. Nghiên cứu phê bình văn học đang có những chuyển mình, ít kinh viện hơn, gần với đời sống đương đại hơn, trong bối cảnh xã hội thông tin và toàn cầu hóa. Việc mạnh dạn đề xuất hướng tiếp cận văn học từ góc độ quan hệ công chúng là xuất phát từ nhu cầu, từ thực tế đào tạo và hoạt động nghề nghiệp. Hy vọng, đây sẽ là một hướng đi thú vị cho những người học văn làm văn.
Văn học, nơi lưu giữ tâm hồn dân tộc, chiếc nôi di sản văn hóa, có một thế mạnh đặc biệt trong hiểu biết về con người, về xã hội - một trong những yêu cầu cơ bản để tiến hành hoạt động quan hệ công chúng hiệu quả. Muốn thực sự thể hiện được thế mạnh này, những người làm nghiên cứu phê bình văn học cần chủ động tham gia vào hoạt động đào tạo những người làm quan hệ công chúng; nhằm đào tạo nên một lực lượng lao động có chuyên môn, có phẩm chất nhân văn, có hiểu biết sâu rộng về văn học dân tộc, có khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt sáng tạo, có phông văn hóa rộng và thái độ nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp, hoạt động theo những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp phù hợp với thực tiễn văn hóa, kinh tế chính trị xã hội Việt Nam.
-----------------------------
(1) Hội thảo quốc gia Thị trường văn học và văn học thị trường: lý luận và thực tiễn, 2016. Website Viện văn học:http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/TinTucSuKien/View_Detail.aspx?ItemID=191
(2), (3) Huỳnh Vân, Nhà văn, bạn đọc và hàng hóa sách hay văn học và sự dị trị. Tạp chí Văn học, Số 6, 1990, tr.10
(4) Bùi Việt Phương, Sự đọc và PR văn học, 2011. Website Nxb Công an nhân dân
(5) Hà Minh Đức, Nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần của xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2, 2009, tr 11
(6) Manphơret Naoman (Manfred Nowman), Song đề của “mỹ học tiếp nhận”, Tạp chí Văn học số 4, 1978, tr.123.
---------Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Khoa Ngữ văn---------
Nguồn: http://www.khoanguvandhsphue.org