MOTIF FOLKLORE TRONG TIỂU THUYẾT 1Q84 CỦA HARUKI MURAKAMI

  Haruki Murakami từng khẳng định rằng ông không nợ một giọt mực nào của văn chương truyền thống. Tuy nhiên, đọc tác phẩm của Murakami, độc giả thường gặp lại những yếu tố văn hóa dân gian trong hình thức nghệ thuật tiểu thuyết của ông. Lí giải điều này không khó bởi đúng như Franz Boas, nhà folklore học nổi tiếng đã từng khẳng định vai trò của huyền thoại với tư cách là chất liệu nghệ thuật góp phần tạo nên những sáng tác huyền ảo ngoài folklore: “Dường như thế giới thần thoại được xây dựng nên chỉ là để lại tan vỡ ra và các thế giới mới lại được xây dựng nên từ các mảnh vỡ1. Nếu Y. Kawabata tiếp thu những yếu tố kĩ thuật phương Tây như kiểu nhân vật liên truyện, nghệ thuật dòng ý thức, phép biện chứng tâm hồn… tích hợp với những yếu tố nghệ thuật của văn học truyền thống để “thể hiện bản chất của cách tư duy Nhật Bản” (Hội đồng xét duyệt giải thưởng Nobel 1968) thì Haruki Murakami có khuynh hướng sử dụng (có ý thức mà cũng có thể là vô thức) những thi pháp dân gian để biểu đạt những vấn đề của thời đại, của nhân loại vĩnh cửu. Tiểu thuyết 1Q84 tập trung phản ánh cuộc đấu tranh Thiện – Ác, một vấn đề có tính chất vĩnh cửu trong văn học nhân loại, mà theo cách nói của Murakami là cuộc đấu tranh giữa Trứng và Tường. Cũng như trong các tiểu thuyết khác, trong 1Q84, Murasaki đã thể hiện thái độ dứt khoát đứng về phe Trứng, bênh vực, bảo vệ phe Trứng, khẳng định chiến thắng nhất định thuộc về cái Thiện. Để biểu đạt chủ đề đó, Murakami đã tiếp thu và sử dụng sáng tạo thành công rất nhiều motif có nguồn gốc từ những tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa dân gian khác nhau. Bài viết trên cơ sở minh định khái niệm motif, xác định một số motif folklore cơ bản được tái sinh mới mẻ trong tiểu thuyết 1Q84 như diệt ác quỷ, chạy trốn, lạc vào xứ sở khác, sinh nở kì lạ, phân thân thoát xác..., phân tích giá trị của chúng trong việc biểu đạt tư tưởng chủ đạo của tiểu thuyết.

1.     Khái niệm motif

       Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “motif, từ Hán Việt là mẫu đề, có thể chuyển thành các từ khuôn, dạng hoặc kiểu trong tiếng Việtnhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian2.

        Nguyễn Tấn Đắc trong Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif cho rằng: Motif là thuật ngữ chỉ bất kì một phần nào mà ở một tiết (item) của folklore có thể phân tích ra được... Motif truyện kể đôi khi là những khái niệm rất đơn giản, thường gặp trong truyện kể truyền thống. Có thể đó là những tạo vật khác thường như thần tiên, phù thủy, rồng, yêu tinh, người mẹ ghẻ ác, con vật biết nói... có thể đó là những thế giới diệu kì, hoặc ở những nơi ma thuật luôn có hiệu lực... Bản thân motif cũng có thể đã là một mẫu kể ngắn và đơn giản, một sự việc đủ sức gây ấn tượng hoặc làm vui thích cho người nghe3.

       Type được S. Thomson định nghĩa là những cốt kể (narative) có thể tồn tại độc lập trong kho truyện truyền miệng. Còn motif là thuật ngữ chỉ bất kì một phần nào mà ở một tiết (item) của folklore có thể phân tích ra được… Như vậy, type được hiểu là cốt truyện còn motif là những chi tiết cấu thành nên cốt truyện. Giữa motif và type có mối quan hệ yếu tố - hệ thống.

         Khi motif là những tạo vật khác thường thì nó gần như chính là biểu tượng (thần tiên, phù thủy, rồng, mẹ ghẻ...). Ngoài ra còn có những motif là một mẫu kể ngắn, đơn giản, có hành động cụ thể đi kèm với đối tượng (rắn hóa người, rắn báo oán...).

       Trong tiểu thuyết 1Q84, nhà văn đã sử dụng một số motif dân gian như diệt ác quỷ, chạy trốn, lạc vào xứ sở khác, sinh nở kì lạ, phân thân thoát xoát... một cách sáng tạo để thể hiện đắc địa chủ đề chính trong sáng tác của ông.

2.     Motif diệt ác quỷ (G510. Ogre killed, maimed, or captured)

       Tiểu thuyết 1Q84 phản ánh cuộc đấu tranh Thiện Ác – một vấn đề vĩnh cửu của nhân loại – tiếp tục phản ánh cuộc đấu tranh đã bắt đầu từ thời thần thoại ẩn dưới hình thức đấu tranh giữa Thần và Quỷ.

          Cái ác trong 1Q84 hiện ra dưới muôn hình vạn trạng. Đó đều là những vấn đề nhức nhối của nhân loại trong thế kỉ XX, XXI: kì thị tôn giáo, bạo hành gia đình, bạo lực học đường về thể xác và tinh thần, lạm dụng tình dục, nội chiến, thảm sát giữa các dân tộc... Cái ác có sức mạnh vô hình và có khả năng lây lan như một loại virus, lặng lẽ đục ruỗng tinh thần con người từ bên trong. Nhà văn đã dùng hình tượng Người Tí Hon để biểu tượng cho ý nghĩa này. Bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, trong bất cứ con người nào cũng có thể xuất hiện Người Tí Hon và như lời nhân vật Lãnh Tụ thì “từ thời viễn cổ, chúng ta đã luôn chung sống với họ rồi”. Cái ác hiện hình thành những người đàn ông ích kỉ, tàn nhẫn với vợ. Đó là con rể của bà chủ lâu đài Azabu. Anh ta hành hạ vợ khiến người vợ lâm vào tình trạng u uất và cuối cùng treo cổ tự tử năm 36 tuổi cùng với cái thai 6 tháng. Đó là chồng của Tamaki – bạn gái thân nhất của Aomame. Anh ta đối xử tàn tệ với Tamaki dẫn đến kết cục Tamaki cũng treo cổ tự vẫn. Đó là chồng của thiếu phụ tá túc trong lâu đài Azabu. Anh ta đã khiến vợ khiếp sợ phải chạy trốn khỏi gia đình. Là nhân tình của mẹ Tengo, kẻ đã giết chết mẹ anh trong khách sạn. Là người tình của nữ cảnh sát Ayumi, kẻ đã còng tay cô vào thành giường rồi xiết cổ cô đến chết trong tình trạng không mảnh vải che thân. Cái ác khủng khiếp hiện hình thành Lãnh Tụ giáo phái Sakigake – một thủ lĩnh giáo phái biến thái, thường xuyên ấu dâm với những cô bé mười tuổi, con của các tín đồ trong giáo phái, thậm chí với cả con gái của mình. Lãnh Tụ là một kẻ được Người Tí Hon chọn làm đại diện, khống chế. Chính Lãnh Tụ thừa nhận rằng: “Người Tí Hon sợ mất tôi... Tôi rất hữu dụng ở vị trí làm đại diện cho họ4.

       Cái ác có sức mạnh hủy diệt đáng sợ khi âm thầm khi hung hãn. Trong khi cái thiện hiện ra mong manh, nhỏ bé, là những thân phận trẻ em, thiếu nữ, phụ nữ xinh đẹp, là hạnh phúc, tình yêu. Hai nhân vật chính Kawana Tengo - Aomame và tình yêu trong trẻo, đẹp đẽ của hai con người cô độc, thánh thiện đại diện cho cái Thiện, cái Đẹp. Họ gặp nhau, cùng học với nhau hai năm tiểu học lớp 3 và 4. Số phận nghiệt ngã, sự kì thị và những tín điều tôn giáo mù quáng đã chia cách họ 20 năm. Truyện được chia làm hai mạch song song theo kiểu cốt truyện phân mảnh. Cứ một chương kể về Tengo, một chương tiếp theo kể về Aomame thể hiện sự chia li, xa cách giữa hai đứa trẻ cô đơn, đáng thương. Chương cuối kể lại cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Kawana và Aomame sau hai mươi năm chia li. Như vậy, mạch tự sự cũng được cấu trúc theo kiểu truyền thống gồm các giai đoạn gặp gỡ - lưu lạc – đoàn viên.

        Aomame như là thiên sứ thực hiện sứ mệnh tiêu diệt cái ác. Trên đường đến khách sạn để giết chết một gã đàn ông bạo hành vợ khiến vợ phải đến ẩn náu trong lâu đài Azabu, do tắc đường, Aomame đã rời taxi, đi bộ leo xuống một chiếc thang dài sâu hun hút, từ năm 1984, Aomame đã lạc vào năm 1Q84, thế giới của cái ác. Tại đây, cô đã liên tiếp thực thi trách nhiệm chống lại cái ác và tìm lại được người bạn trai xa cách đã 20 năm – tình yêu đích thực của mình. Cuộc chiến chống lại cái ác của Aomame bắt đầu bằng việc cô được bà chủ lâu đài ở Azabu giao nhiệm vụ giết chết một gã đàn ông bạo hành vợ. Trong hình hài một người đàn ông trí thức là tâm địa của một con quỷ, anh ta thường xuyên hành hạ người vợ đáng thương của mình. Người vợ đã bỏ nhà và tìm đến trú ngụ ở lâu đài Azabu và được bà chủ cưu mang. Khi anh ta đi công tác, đến ở khách sạn, Aomame đã giả làm nhân viên khách sạn, dùng kim điểm vào huyệt đạo trên gáy, đưa hắn về thế giới của ác quỷ. Đỉnh cao của cuộc chiến là việc Aomame nhận nhiệm vụ giết chết thủ lĩnh của giáo phái Sakigake, kẻ vẫn được gọi bằng cái tên Lãnh Tụ. Nhờ bản lĩnh kiên cường, trí thông minh và sự nhạy cảm khác thường, Aomame đã giết chết Lãnh Tụ.

      Với tâm hồn trong sáng, tình yêu thánh thiện, thủy chung từ thuở lên 10 dành cho Tengo, Aomame trở thành biểu tượng của cái thiện, đương đầu với cái ác. Tengo – chàng trai cường tráng đẹp đẽ có tâm hồn dịu dàng, năng lực xuất chúng, đã hợp lực với Aomame tạo ra sức mạnh để tiêu diệt cái ác. Chính tình yêu bí ẩn, vô hình giữa họ đã dẫn dắt Aomame tiếp cận với Lãnh Tụ và giết chết ông ta. Tengo do chấp bút sửa lại truyện Nhộng không khí nên đã phơi bày bản chất của Người Tí Hon – cái xấu, cái ác trước thế giới. Anh trở thành kẻ thù của Người Tí Hon. Họ tìm cách tiêu diệt anh. Aomame đã đến và giết chết Lãnh Tụ - kẻ làm cầu nối Người Tí Hon với thế giới này. Và vì thế cô đã bảo vệ được Tengo. Lãnh Tụ đã nhìn ra điều đó: “Tengo với tư cách người tiếp thụ, dường như cũng sở hữu năng lực xuất chúng. Năng lực ấy hẳn đã đưa cô (Aomame) đến đây (gần Lãnh Tụ và có cơ hội giết ông ta)”. Tình yêu, cái thiện, cái đẹp trở thành kháng thể chống lại cái ác.  Ở trang 232, tập 2, nhân vật Lãnh Tụ đã khẳng định ý nghĩa này: “Có thể nói, hai người họ đã chế tạo được kháng thể chống lại một loại virus. Nếu coi hành vi của Người Tí Hon là virus, thì họ đã chế tạo được loại kháng thể tương ứng, và cho lan truyền rộng rãi5. Hai người mà Lãnh Tụ nói đến là Tengo và Fukaeri, con gái Lãnh Tụ. Tuy nhiên Fukaeri chỉ là cầu nối cho tình yêu của Tengo và Aomame. Sự kết hợp giữa Tengo và Fukaeri thực chất là sự kết hợp giữa Tengo và Aomame. Lãnh Tụ đã chỉ rõ điều này cho Aomame: “Người yêu cô và con gái tôi đã hợp lực mà hoàn thành công việc ấy. Cũng có nghĩa là, trong thế giới này, cô và Tengo nối bước theo nhau”... “Bởi cô và Tengo có lực hấp dẫn nhau rất mạnh6. Cái mà Tengo và Aomame hợp sức làm ra thông qua cây cầu nối Fukaeri chính là tình yêu và cả văn chương. Lãnh Tụ cho rằng: “Tengo đã viết một câu chuyện về Người Tí Hon và những hành vi của họ. Eri cung cấp các tình tiết, Tengo biến chúng thành một tác phẩm văn chương hiệu quả. Đây là công trình chung của hai người. Nó có tác dụng như một kháng thể, đối kháng với ảnh hưởng của Người Tí Hon. Câu chuyện đã được xuất bản thành sách, bán chạy, và kết quả là, mặc dù chỉ là tạm thời, Người Tí Hon nhận thấy có rất nhiều con đường đóng lại trước mắt họ7. Theo Murakami, văn học nghệ thuật có vai trò thức tỉnh, giúp nhân loại nhận thức về cái ác, từ đó có hành động chống lại cái ác.

      Trong cuộc chiến chống lại cái ác, Aomame không đơn độc. Nàng được những lực lượng phù trợ như vệ sĩ thông minh, bản lĩnh, gan góc Tamaru, bà chủ lâu đài ở Azabu giàu có, quyền lực và nhất mực nhân hậu. Xuất phát từ nỗi xót xa trước bi kịch mà con gái bà đã từng âm thầm chịu đựng trong thời gian dài sống ở nhà chồng và tự kết liễu đời mình, đồng cảm với những phụ nữ đồng cảnh ngộ với con gái bà, bà chủ lâu đài đã dành hẳn một khu nhà trong ngôi biệt thự cưu mang những người phụ nữ bất hạnh, nạn nhân của tình trạng bạo hành. Phẫn nộ trước hiện thực những kẻ tàn ác mà không bị pháp luật trừng trị thích đáng, bà đã tìm đến Aomame, một huấn luyện viên thể thao có năng lực đặc biệt nhưng cũng là một phụ nữ cô độc có cuộc đời đáng thương, nhờ cô ra tay tiêu diệt chúng. Với thế lực và sự giàu có của mình, bà đã bảo vệ và đem lại công lí cho những người phụ nữ yếu đuối. Bà chủ lâu đài Azabu, vệ sĩ Tamaru biểu tượng cho lực lượng phù trợ cái Thiện.

       Câu chuyện kết thúc có hậu giống như cổ tích. Tình yêu thánh thiện mà mong manh giữa Tengo và Aomame tưởng chừng bị chết yểu trong lạnh lùng, vô cảm của cuộc đời cuối cùng đã nảy mầm kết quả. Cái Thiện, cái Đẹp cuối cùng đã chiến thắng cái ác, thể hiện niềm tin của nhà văn vào sức mạnh bất diệt của cái Thiện.   

     3Motif chạy trốn (R210. Escapes)

          Chạy trốn là một motif phổ biến trong truyện cổ. Khi bị rơi vào một môi trường sống, hoàn cảnh sống đáng sợ, con người thường tìm cách chạy trốn, tìm đến nơi an toàn hơn, tốt đẹp hơn. Trong truyện cổ, người chạy trốn thường được hỗ trợ bởi một sức mạnh nào đó còn trong tiểu thuyết 1Q84, Aomame, Tengo, cô bé Eriko chạy trốn trong tình trạng cô đơn tuyệt đối vì đó là chạy trốn khỏi gia đình mình. Cả Aomame, Tengo và cô bé Fukada Eriko đều chạy trốn khỏi gia đình năm 10, 11 tuổi. Aomame sinh ra trong một gia đình mà cả nhà là tín đồ nhiệt thành của hội Chứng nhân Jehovah. Cô bé không chịu đựng được cảnh ngày ngày phải theo cha mẹ đi thuyết giáo người khác tham gia vào giáo phái và bị bạn bè xa lánh, bắt nạt, bài xích một cách thô bạo, cô đã bỏ nhà ra đi, tự tay chặt đứt mọi mối ràng buộc giữa mình và người nhà, mà theo những người thân của cô (bố, mẹ, anh trai) là cô đã phản bội họ. Họ đã đoạn tuyệt với Aomame hai mươi năm và trong hai mươi năm đó, họ không có bất cứ mối liên hệ nào với Aomame. Kể từ năm 11 tuổi, Aomame đã hầu như phải tự dựa vào chính mình để sinh tồn.

          Tengo cũng có số phận không khác nhiều so với Aomame, cô độc ngay trong chính ngôi nhà của mình, chẳng biết nguồn cội của mình. Mẹ anh mang theo anh khi đó mới một tuổi rưỡi, chạy theo một người đàn ông trẻ tuổi, đẹp đẽ. Nhưng sau đó mẹ anh đã chết trong khách sạn nghe đâu là vì bị hành hạ rồi bị giết chết bởi chính gã nhân tình đó. Cha anh đến đón anh về nuôi. Cha anh vốn xuất thân là nông dân, có cuộc đời cay đắng, cơ cực. Vất vả lắm, cha anh mới xin được vào làm ở đài truyền hình NHK với công việc là đi thu phí. Đó là một công việc vô cùng tủi nhục, bị mọi người hắt hủi, xua đuổi vì không ai muốn chi một đồng tiền phí. Có lẽ cuộc đời cay đắng, bị phản bội đã tạo nên một người cha vô tâm, lạnh lùng đối với tất cả kể cả Tengo. Vì thế Tengo luôn cảm thấy mình không phải là con đẻ của ông, hơn nữa bởi anh nhận thấy mình hoàn toàn trái ngược với ông về ngoại hình, tính cách, tài năng, tâm hồn... Sống cùng mái nhà, họ như hai thế giới hoàn toàn xa lạ. Mỗi tuần vào chủ nhật, trong khi các bạn được vui chơi trong công viên, đi du lịch... thì Tengo phải lẽo đẽo theo cha đi thu phí hết nhà này đến nhà khác trong tiếng xua đuổi và ánh nhìn căm ghét của những khách hàng chây ì. Cậu bé xin cha cho ở nhà nhưng ông nổi cáu giận dữ vì cậu chính là vũ khí lợi hại để ông thu phí dễ dàng hơn. Người ta sẽ ngượng ngùng mà không nói những lời lẽ nhục mạ ông trước mặt một đứa trẻ rồi sẽ phải miễn cưỡng trả tiền. Ông không biết và có lẽ không cần biết rằng chuyện này gây tổn thương đến tâm hồn nhạy cảm của Tengo như thế nào. Không chịu nổi, Tengo cũng chạy trốn khỏi cuộc sống đó, vào ở nội trú trong trường sau khi anh giành được học bổng về nhu đạo.

      Cô bé Fukaeri (cũng gọi là Eriko), con gái của Lãnh Tụ, thủ lĩnh giáo phái Sakigake cũng chạy trốn khỏi gia đình và lãnh địa của giáo phái đó khi mới 10 tuổi. Cha của cô, một trí thức đã biến thành Lãnh Tụ của một giáo phái bí ẩn quái dị kể từ khi Người Tí Hon – cái ác xuất hiện trong giáo đoàn. Ông ta tự cho mình đã lãnh một sứ mệnh cao cả là trở thành “thông linh” làm cầu nối tín đồ với thế lực bí ẩn siêu hình. Ông ta có thể lắng nghe được tiếng nói của thế lực bí ẩn đó và truyền đạt lại cho tín đồ giáo phái. Để duy trì sức mạnh, và lấy cớ thức tỉnh linh hồn các cô bé, ông ta đã thực hiện hành vi ấu dâm với những cô bé chỉ mới 10 tuổi, con của những tín đồ trong giáo phái, thậm chí với cả con gái của mình. Cô bé đã chạy trốn khỏi gia đình và lãnh địa của giáo phái khi mới 10 tuổi và đến nương náu ở nhà một người bạn của cha – thầy giáo Ebisuno.

      Gia đình tưởng chừng là thành trì an toàn cuối cùng của mỗi con người nhưng trong 1Q84 cũng như trong các tiểu thuyết khác của H. Murakami đã sụp đổ hoàn toàn. Con người hoàn toàn không tìm được hạnh phúc ngay trong chính gia đình, dưới mái nhà mình, thậm chí là cô đơn và bị bạo hành, bị tổn thương và chỉ còn cách chạy trốn. Chạy trốn thể hiện sự vùng vẫy kháng cự của con người trước thực tại bất toàn để tìm đến một thế giới, một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng trong 1Q84, những cuộc đào tẩu này khiến người đọc đau xót vì đó là cuộc tháo chạy của những đứa trẻ khỏi chính gia đình. Đâu sẽ là chốn dung thân khả dĩ cho con người?

        Trong hai tiểu thuyết phi lí Người đàn bà trong cồn cát và Trong vòng vây nhân gian, “cùng sử dụng motif chạy trốn, Kobo Abe và Nguyễn Danh Lam đều cho thấy quan niệm cuộc đời là hành trình trốn chạy không ngừng nhưng không thể thoát được, và khi thoát ra có nghĩa con người chạm đến cái chết. Trần gian là một "vòng vây" vừa đe dọa vừa quyến rũ, dù phi lí, dù bi thương con người cũng vẫn phải chấp nhận, thích ứng để có thể tồn tại8. Còn trong 1Q84, nhân vật chạy trốn khỏi những gia đình không xây dựng trên nền tảng tình yêu để cuối cùng đã đến với tình yêu đích thực. Nhà văn không bi quan trước thực tại và luôn mở cánh cửa ra một thế giới hi vọng.

4.     Motif đi tới xứ sở bên dưới  (F80. Journey to lower world)

        Trong công trình Folktale, Stith Thompson, nhà folklore học đã đề cập đến sự di chuyển không gian trong truyện kể dân gian: “Ta đã từng biết đến những câu chuyện mà trong đó người anh hùng thực hiện một hành trình đi đến một thế giới khác. Đôi lúc đó là những thế giới ở dưới thấp như địa ngục của Dante hoặc có thể là thế giới ở trên cao như thiên đường. Đôi khi hướng di chuyển của những hành trình đến thế giới khác không được chỉ ra một cách rõ ràng. Không hiếm khi đó chỉ là những hành trình đi xuyên qua thế giới của nước9. Nhận định về giá trị của yếu tố nghệ thuật này, ông cho rằng việc di chuyển đó “không chỉ được dùng như là những nền tảng cơ bản của thế giới tưởng tượng mà còn được dùng để tạo ra tính hấp dẫn của các câu chuyện kể”10. Trong tiểu thuyết 1Q84, nhân vật lạc vào thế giới thấp dưới mặt đất, ẩn dụ cho địa ngục, nơi cư ngụ của yêu quỷ, nơi cái ác ngự trị.

        Trên đường đến khách sạn để thực thi việc giết chết gã đàn ông trí thức bạo hành vợ, do tắc đường, Aomame đã rời taxi, đi bộ leo xuống một chiếc thang sâu hun hút, từ năm 1984, Aomame đã lạc vào năm 1Q84. Hành động xuống thang lạc vào xứ sở dưới mặt đất như là lạc vào địa giới, tầng thế giới thấp nhất.

        Triết học hiện sinh quan niệm người “vốn là vật bị bỏ rơi giữa cõi đời trầm luân. Sự có mặt của con người trong cuộc đời là một cái gì ngẫu nhiên và sự tồn tại của con người là một sự phi lí đến tàn nhẫn11. Thế giới mà các nhân vật trong 1Q84 lạc vào là một thế giới nơi cái ác ngự trị.

        Trong thế giới 1Q84, có lần Tengo mơ thấy mình lạc vào thành phố mèo nơi chỉ có mèo sinh sống. Thành phố mèo cũng được tổ chức như xã hội loài người. Tengo lưu lại đó một đêm trong trạng thái vô cùng hoảng sợ, bị bọn mèo truy đuổi. Sáng hôm sau, anh chạy trốn khỏi thành phố mèo. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, “ở Nhật Bản, mèo là con vật báo điềm dữ, có khả năng giết chết những người đàn bà và nhập vào thân xác12. Hình ảnh thành phố mèo biểu tượng cho một thế giới cái ác ngự trị, những người phụ nữ yếu đuối mảnh mai, không vũ khí, không khả năng tự bảo vệ trở thành nạn nhân đáng thương.

        Trong thế giới 1Q84, nơi cái ác ngự trị, tình yêu bị cắt chia phũ phàng. Vì vậy trên bầu trời trong thế giới 1Q84 kì lạ có tới hai vầng trăng, một vầng trăng lớn và một vầng trăng nhỏ. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, trăng “là thiên thể lớn lên, nhỏ đi, rồi biến mất, có cuộc sống tuân thủ quy luật của sự tiến triển, sự sinh thành và sự chết… nhưng cái chết của nó không bao giờ là chết hẳn… Việc mãi mãi quay trở lại hình dạng ban đầu đó, tính tuần hoàn bất tận đó khiến trăng là thiên thể cầm nhịp tốt nhất cho sự sống13. Là “thiên thể của ban đêm, trăng lại gợi lên theo lối ẩn dụ hình ảnh cái đẹp, và cả ánh sáng trong khoảng mênh mông tăm tối14. Một số dân tộc cầu xin trăng ban hạnh phúc và may mắn. Trong tiểu thuyết 1Q84, hình ảnh hai vầng trăng xuất hiện trên bầu trời thế giới 1Q84 rồi lại hóa nhập thành một ở cuối tiểu thuyết khi hai nhân vật Tengo và Aomame trở về năm 1984 gặp lại nhau sau 20 năm xa cách tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc của hai người, tuy mong manh, hư ảo như ánh trăng trong mênh mông đêm tối nhưng nó cũng bất diệt như ánh trăng. Nó cũng là niềm tin mãnh liệt của nhà văn vào sức mạnh huyền diệu của hạnh phúc, tình yêu dù nó bị dập vùi trong giông gió.

5.     Motif sinh nở kì lạ (T540. Miraculous birth)

       Sinh nở kì lạ là một motif nghệ thuật độc đáo của truyện cổ tích. Nó rất phong phú đa dạng với nhiều hình thức khác nhau và rất giàu ý nghĩa. Tùy từng truyện mà motif này lại hàm chứa những nét nghĩa khác nhau. Bên cạnh những motif sinh nở do tiếp nhận những nguồn sức mạnh từ thế giới tự nhiên như: sinh đẻ do uống nước từ những vật lạ như sọ, đá..., do ướm thử chân, ăn trái cây, ăn cá, hay sinh ra từ những quả trứng… trong truyện cổ tích còn có một hình thức khác, đó là sự luân hồi của con người. Người chết được đầu thai lại ở những kiếp sau. Nguồn gốc kì lạ đã tạo nên một vầng hào quang thần linh, huyền bí, kì ảo cho cuộc đời của nhân vật nhằm giải thích những năng lực siêu nhiên mà nhân vật có được. Đồng thời, motif này cũng tạo nên những nhân vật mang sứ mệnh thể hiện ước mơ lí tưởng của tác giả dân gian.

      Trong 1Q84, Murakami đã tiếp thu vận dụng sáng tạo motif này. Tengo và Aomame học cùng lớp với nhau năm lớp 3 và 4 ở trường tiểu học. Tengo là một cậu bé cao lớn đẹp đẽ, xuất sắc ở tất cả các môn. Riêng ở môn Toán, cậu được coi là thần đồng. Vì vậy cậu được tất cả các thầy cô và bạn bè trong trường, trong lớp yêu mến và ngưỡng mộ coi là thần tượng. Trong khi đó, cô bé Aomame bị tất cả các bạn xa lánh, hắt hủi. Cô bé sống lầm lũi giữa đám bạn học. Có lần, Tengo đã đứng ra bênh vực cô bé khiến cô xúc động sâu xa. Không kìm được tình cảm yêu mến, biết ơn, khi cả lớp đã ra về, Aomame đã nắm lấy tay cậu bé Tengo trong giây lát rồi bỏ chạy. Dù hành động ấy chỉ diễn ra trong tích tắc vậy nhưng đã để lại trong tâm khảm cả hai người những xúc cảm không lời, mong manh mà dữ dội. Rồi Aomame chuyển trường, họ bặt tin nhau hai mươi năm. Biết bao biến cố xảy ra trong cuộc đời mỗi người trong ngần ấy năm. Họ đã trưởng thành, trở thành những chàng trai, cô gái đẹp đẽ, có năng lực riêng nhưng chưa bao giờ họ thôi cô đơn. Mỗi người cũng tìm đến nhiều những người bạn tình khác nhau nhưng dường như họ không tìm được tình yêu đích thực. Một lần, trong một đêm giông tố, trong một trạng thái kì dị, Tengo đã quan hệ với cô bé Furaeko – mà sau này độc giả mới biết đó là mẫu thể - là phần tâm linh trong con người cô bé phân thân thoát xác mà ra. Nhưng sau đó, người có thai lại là Aomame. Chính vì cái thai đó Aomame đã trì hoãn 3 tháng so với kế hoạch đã định để đi đến một nơi bí mật, phẫu thuật thẩm mĩ, biến thành người khác, chạy trốn sự truy lùng của giáo phái Sagikage vì tội giết Lãnh Tụ của họ. Nhờ thời gian trì hoãn đó, Aomame đã gặp lại Tengo – một việc tưởng như mò kim đáy biển. Mẫu thể của cô bé Fukaeri thực ra chỉ đóng vai trò như cầu nối Tengo và Aomame, giúp hai người yêu nhau tìm lại được nhau, để tình yêu đích thực hiện hữu giữa cõi đời tưởng chừng như không còn nơi dung thân cho tình yêu này. Hoạt động tính giao dưới ngòi bút Murakami trở thành một hành vi tín ngưỡng thiêng liêng nuôi dưỡng kết nối tình yêu và sự sống. Ý nghĩa này có từ thời cổ biểu hiện tín ngưỡng phồn thực, thờ phụng Mẫu - mẹ Sáng tạo, coi hành vi tính giao là có thiên chức cao cả, cội nguồn của mọi sáng tạo.

6.     Motif phân thân, thoát xác (E720. Soul leaves or enters the body)15

      Cũng trong thế giới 1Q84, xuất hiện hiện tượng phân thân, thoát xác. Quan niệm linh hồn và thể xác bắt nguồn từ Hindu giáo từ 1.500 năm trước Công nguyên. Thể xác có thể bị hủy diệt nhưng linh hồn tồn tại mãi mãi. Tiếp thu quan niệm này, văn học đã có nhiều câu chuyện kể về sự phiêu du của linh hồn ngoài thân xác, thể hiện khát vọng vượt lên thân xác hữu hạn của con người.

       Cô bé Fukaeri đã kể lại câu chuyện về nhộng không khí, Azami - con gái thầy giáo ghi lại, rồi sau đó, họ tham dự cuộc thi truyện ngắn dành cho các nhà văn trẻ của một tạp chí. Tengo được một biên tập viên kì cựu bí mật giao nhiệm trau chuốt lại cuốn sách, sau đó nó giành được giải nhất cuộc thi và trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong một thời gian dài, giúp tạp chí thu bộn tiền.

      Sự kiện trong câu chuyện có tên Nhộng không khí đó dường như là đã xảy trong thực tế, trong chính cuộc đời của Fukaeri khi cô 10 tuổi. Trong truyện Nhộng không khí, Fukaeri kể rằng, năm lên 10, cô bé đã làm chết một con dê mù già mà theo những người trong giáo đoàn, đó là một con vật thiêng, vì thế cô đã bị phạt bằng cách nhốt vào trong một ngôi nhà kho cùng với xác con dê, cách li khỏi tập thể. Trong một đêm, bất ngờ cô thấy từ trong miệng xác dê bước ra những người Tí Hon. Họ lấy không khí làm thành một cái nhộng, nhộng lớn dần lên. Khi nhộng nứt ra, Fukaeri thấy bên trong là hình hài của chính mình. Những Người Tí Hon gọi đó là tử thể, là cái bóng của tâm linh mẫu thểCô bé – mẫu thể hoảng sợ đã chạy trốn khỏi thế giới kì dị của Người Tí Hon, bỏ lại tử thể. Những Người Tí Hon đã dùng tử thể của cô bé Fukaeri làm đường hầm đến với thế giới này, biến cô bé – tử thể thành người cảm tri. Thông qua hành vi cưỡng bức tử thể của con gái, cha cô đã trở thành người tiếp thu, thành kẻ ác, đại diện cho cái ác, dẫn cái ác đến thế giới này. Từ đó, giáo đoàn đã bị cái ác thống trị, khống chế. Những Người Tí Hon đã đẩy các thành viên Akebono (một phần giáo đoàn tách ra) vào một cuộc tự sát đẫm máu, biến phần còn lại là Sakigake thành một đoàn thể tôn giáo ranh ma, quân phiệt để tạo môi trường tồn tại cho chúng. Mẫu thể của cô bé chạy trốn để tạo lập lực lượng chống lại Người Tí Hon. Cô bé – mẫu thể đã kể lại và nhờ người bạn ghi chép thành truyện, phơi bày trước thế giới sự tồn tại của cái xấu, cái ác. Trong khi tử thể của cô trở thành cây cầu dẫn cái ác đến với thế giới thì mẫu thể của cô trở thành cây cầu kì lạ kết nối tình yêu kì lạ giữa hai nhân vật chính Tengo và Aomame, để họ có thể hợp sức đấu tranh và chiến thắng trong cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác.

       Motif phân thân, thoát xác trong 1Q84 ám chỉ sự đa diện trong mỗi cá nhân. Trong mỗi con người cũng có phần thiện và rất có thể có phần bị lợi dụng biến thành ác. Con người luôn tìm cách vượt thoát khỏi cái xấu cái ác, đấu tranh với chính nó trong chính con người mình. “Người vinh quang nhất chính là người chiến thắng chính bản thân mình” (Kinh Pháp cú).

       Tóm lại, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những motif dân gian như diệt ác quỷ, chạy trốn, lạc vào xứ sở khác, sinh nở kì lạ, phân thân thoát xác, nhà văn đã nêu lên tư tưởng của ông về cuộc đấu tranh thiện ác, Trứng và Tường – một vấn đề vĩnh cửu của nhân loại. Trong thời hiện đại, đấu tranh thiện ác vừa là đối đầu trực diện giữa hai phe trên hai chiến tuyến như cuộc chiến giữa Thần và Quỷ thời thượng cổ vừa là cuộc chiến diễn ra âm thầm dai dẳng khi thì dữ dội quyết liệt trong chính mỗi con người chúng ta. Cái Đẹp - Tình Yêu như Ánh Trăng mong manh mà vĩnh cửu chính là lực lượng có thể chiến thắng cái Ác, có thể xua đi Bóng Tối mênh mông. Tiểu thuyết bộc lộ cái nhìn hi vọng tràn đầy tư tưởng nhân văn của nhà văn về cuộc đời cũng như khả năng tiếp biến, tái sinh sáng tạo những motif dân gian của ông.

.............................................

CHÚ THÍCH

1Chuyển dẫn Ngô Đức Thịnh (cb) (2005), Folklore thế giới, một số công trình nghiên cứu cơ bản, NXB KHXH.

 2Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Lê Bá Hán (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Hà Nội, tr. 197.

3 Nguyễn Tấn Đắc (2011), Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif, NXB KHXH, Hà Nội, trang 27.

4,5, 6,7 H. Murakami (2012), 1Q84, Tập 2, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 236, 236. 

8Nguyễn Thái Hoàng, Sự gặp gỡ của một số motif trong tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian (Nguyễn Danh Lam) và Người đàn bà trong cồn cát (Kobo Abe), Văn học Nghệ thuật Quảng Trị, Thứ tư, 02 Tháng 12 2015, vhntquangtri.vn.

9,10 S. Thompson (1946), Folktale, The Dryden press, New York, tr 256.

11 Lê Thành Trị, Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa xuất bản,  Sài Gòn, 1969, tr. 349.

12,13,14 Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, tr. 598, 936, 937.

15 Những motif này được xác định dựa trên bảng motif văn học dân gian của S.Thompson (1955-1958), Motif-index of folk-literature: a classification of narrative elements in folktales, ballads, myths, fables, medieval romances, exempla, fabliaux,  jest-books, and local legends, Revised and enlarged, edition: Bloomington, Indiana University Press, www.ruthenia.ru/folklore/thompson.


Source: 
18-10-2020
Tags