Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam

Mĩ học tiếp nhận là lí thuyết văn học từng gây ảnh hưởng lớn trên thế giới suốt từ những năm cuối thập kỉ 60 đến cuối thập kỉ 80 ở phương Tây và rầm rộ ở Trung Quốc từ những năm 80 của thế kỉ 20 đến giữa thập niên đầu tiên của thế kỉ 21. Ở Việt Nam, mặc dù lí thuyết này xuất hiện khá sớm (1985), nhưng cho đến nay, dấu ấn của nó vẫn chưa thật sự rõ ràng, có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, tận dụng. Tái hiện chỉnh thể diện mạo của Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam và lí giải nguyên nhân dẫn đến diện mạo đó là cơ sở quan trọng để luận bàn về vấn đề tiếp nhận lí thuyết ngoại lai. Làm thế nào để lí luận văn học Việt Nam có thể hòa nhập, đối thoại với lí luận văn học thế giới; làm thế nào có thể vận dụng hiệu quả nhất lí luận phương Tây vào giải quyết các vấn đề văn học nước nhà; làm thế nào để có thể xây dựng được một nền lí luận mang bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa… là những vấn đề mà bài viết này quan tâm.

RECEPTION AESTHETICS IN VIETNAM

Summary:

Reception aesthetics is a literary theory which has ever made a major impact throughout the world from the late 60s to the late 80s in the Westand strongly in China from the 80s of the 20th century to the first decade of the 21st century. In Vietnam, although this theory appeared quite early(1985), but until now its mark is not really clear, a lot of potential has not been discovered and utilized. Recreating the complete appearance ofreception aesthetics in Vietnam and explaining the cause of thatappearance is the important basis for discussion about foreign theory reception. How to make Vietnam literature theory integrated and communicated with the world literature theory; how to use the Western theory the most effectively in solving the problems of the local literature;how to build a national theory background in the context of globalization …is the matter the writing concerns.

  1. 1. Tiếp nhận lí thuyết văn học nước ngoài – Câu chuyện chưa bao giờ có hồi kết ở Việt Nam

          Một sự thật không thể phủ nhận là nước ta không có truyền thống lý thuyết, trong thời cổ đại thì tiếp thu lí thuyết của Tầu, từ khi va chạm với văn minh phương Tây thì tiếp thu lí thuyết của Tây, khi chịu ảnh hưởng của Liên Xô thì tiếp thu lí thuyết của Liên xô, và hiện nay thì tiếp thu từ nhiều nguồn, trong đó nguồn chủ yếu vẫn là lí thuyết đến từ phương Tây. Việc không có truyền thống lí thuyết, toàn phải đi tiếp thu từ nước ngoài cũng không có gì đáng phải buồn phiền, bởi vì có phải nước nào cũng tạo ra được lí thuyết riêng đâu, và chuyện các quốc gia khác nhau vay mượn lí thuyết của nhau là việc hết sức bình thường từ xưa đến nay, chẳng hạn như Chủ nghĩa hình thức xuất phát từ Nga rồi chu du khắp thế giới, hay Mĩ học tiếp nhận khởi nguồn từ Đức rồi có mặt ở hầu hết các quốc gia. Nhưng mỗi quốc gia tiếp thu lí thuyết của nước khác như thế nào mới là điều đáng bàn. Giới học giả Trung Quốc từng tự cảnh báo về tình trạng “thất ngữ” của lí luận văn học nước mình trước lí thuyết phương Tây. Tôi nghĩ, lí luận văn học Việt Nam cũng đang trong tình trạng “thất ngữ”, không cất lên được tiếng nói riêng để có thể đối thoại với lí luận phương Tây hiện đương đại đang hiện diện ở nước mình. Những năm gần đây, trong các hội thảo khoa học về lí luận phê bình văn học thường xuyên xuất hiện các bài tham luận về vấn đề này, chẳng hạn như những bài viết của Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân, Lộc Phương Thủy, Lê Văn Dương…Các bài viết đều hướng tới chỉ ra ảnh hưởng to lớn của lí thuyết văn học phương Tây hiện đại đối với lí luận phê bình nước ta từ đầu thế kỉ 20 đến nay, đều nêu lên những hạn chế trong tiếp nhận và đề xuất những giải pháp nhằm hướng tới xây dựng một nền lí luận văn học hiện đại. Mặc dù được bàn luận khá nhiều, nhưng các vấn đề dường như vẫn không được cải thiện là bao. Trong bài viết này, tôi muốn tiếp nối dòng trăn trở đó trên cơ sở khảo sát phân tích cụ thể số phận của một khuynh hướng lí thuyết phương Tây khi du nhập vào Việt nam, chứ không bàn luận chung chung, từ đó không chỉ luận bàn về bản chất của tiếp nhận lí thuyết, chỉ ra những nguyên nhân tạo nên số phận của một lí thuyết ngoại lai, đồng thời đề xuất những giải pháp tích cực nhằm  khắc phục hạn chế trong tiếp nhận lý thuyết nước ngoài ở Việt nam. Chính vì thế, trước tiên, tôi muốn tái hiện diện mạo của Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam, để xem một khuynh hướng lí thuyết vốn được thế giới thừa nhận là có vai trò làm thay đổi hệ hình nghiên cứu văn học, thúc đẩy nghiên cứu văn học chuyển trọng tâm từ nghiên cứu tác giả – văn bản sang nghiên cứu độc giả, hay chính xác hơn là nghiên cứu sự giao lưu tương tác giữa người tiếp nhận và văn bản – sẽ có diện mạo như thế nào ở Việt nam, đã được giới nghiên cứu văn học Việt Nam tiếp nhận và phát huy tác dụng của nó như thế nào.

  1. 2. Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam – sớm đến nhưng chậm phát triển

Mĩ học tiếp nhận ra đời vào những năm 60 của thế kỉ 20 ở Đức gắn với nhân vật tiêu biểu là Hans Robert Jauss và Wolfwang Iser, hai giáo sư trẻ trường đại học Konstanz. Trong khi văn học sử lúng túng với việc giải quyết mâu thuẫn giữa yếu tố lịch sử và yếu tố thẩm mĩ, nghiên cứu bản thể luận bộc lộ hạn chế khi tập trung nghiên cứu văn bản tách rời các liên hệ bên ngoài, Mĩ học tiếp nhận với việc đề cao vấn đề tiếp nhận, đề cao vai trò của độc giả đã góp phần giải quyết bế tắc trong nghiên cứu văn học thời kì đó. Mĩ học tiếp nhận hưng thịnh vào những năm 70, lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới và thu được những thành tựu nghiên cứu quan trọng, tiêu biểu là ở Mĩ, chủ yếu chịu ảnh hưởng tư tưởng của Iser đã hình thành nên khuynh hướng Phê bình theo phản ứng của người đọc. Đến những năm 80, do tình hình nghiên cứu văn học trên thế giới có nhiều biến đổi, đặc biệt là xuất hiện sự chuyển dịch trung tâm sang nghiên cứu văn hóa, do vậy, những nhân vật chủ chốt của Mĩ học tiếp nhận Đức cũng có những điều chỉnh trong tư tưởng học thuật của mình. Sự tự điều chỉnh này không chỉ cho thấy sự vận động trong tư tưởng của các học giả, mà còn cho thấy phần nào sự vận động của bản thân lí thuyết này (rất tiếc là ở Việt nam không hề có chút giới thiệu nào về điều này).

Mang tính chất khởi động về vấn đề tiếp nhận văn học ở Việt nam, phải kể đến bài viết Ý kiến của Lênin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống của Nguyễn Văn Hạnh trên Tạp chí văn học số 4 năm 1971. Quan tâm đến vai trò của “thưởng thức” đối với việc hình thành giá trị của tác phẩm là hướng đi có tính chất tiên phong trong thời điểm bấy giờ. “Nếu chúng ta lưu ý tới một điều là trong thời gian này, nghĩa là vào những năm 70, lý thuyết tiếp nhận mới bắt đầu thịnh hành ở nhiều nước trên thế giới, thì chúng ta sẽ thấy sự nhạy cảm của tác giả và ý nghĩa thời sự của vấn đề do tác giả đặt ra”[1]. Rất tiếc, tư tưởng này ngay sau đó không có cơ hội để phát triển. Cũng cần lưu ý rằng ở miền Nam, ngay những năm 60 Nguyễn Văn Trung cũng nhắc đến vấn đề tiếp nhận văn học trong cuốn Lược khảo văn học tập 2, và cũng rất tiếc là do hoàn cảnh đặc thù lúc bấy giờ nên những nghiên cứu của ông đã không được hưởng ứng rộng rãi. Phải đợi đến năm 1980, giáo sư Hoàng Trinh mới nhắc đến vấn đề tiếp nhận văn học, nhưng ông lại bàn từ góc độ nền văn học này tiếp nhận một nền văn học khác, tức là nó thuộc về lĩnh vực của văn học so sánh. Mặc dù những bài viết trên còn khá khiêm tốn, nhưng ít nhiều đã đánh thức giới nghiên cứu ý thức đến một vấn đề lí thuyết không kém phần quan trọng khi nghiên cứu văn học, đó chính là lí thuyết tiếp nhận.

Trên cơ sở mỏng manh đó, năm tháng 11 năm 1985 Mĩ học tiếp nhận của trường phái Konstanz Đức lần đầu tiên được Nguyễn Văn Dân giới thiệu ở Việt nam trong bài Tiếp nhận Mĩ học tiếp nhận như thế nào ?[2]Trong bài này, ông chỉ giới thiệu một số tư tưởng của Jauss qua thuật ngữ “Tầm đón đợi”, “Khoảng cách thẩm mĩ ”, chứ không bàn gì đến đại diện tiêu biểu khác là Iser. Đến năm 1986 chính tác giả lại trình bày sơ qua về khái niệm “tầm đón nhận” của Jauss và xuất phát từ tâm lí tiếp nhận thử nghiệm đưa ra khái niệm “ngưỡng tiếp nhận” trong bài viết Nghiên cứu sự tiếp nhận văn học trên quan điểm liên ngành[3] .Đáng tiếc là tiếp sau đó, Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam không được chính thức nghiên cứu với tư cách là một khuynh hướng lí thuyết riêng, mà chủ yếu được hòa vào trong hướng nghiên cứu chung – nghiên cứu vấn đề Tiếp nhận văn học. Chẳng hạn, cùng năm 1986 Hoàng Trinh viết một bài khá dày dặn về Giao tiếp văn học (Tạp chí Văn học số 4) nhưng không nhắc gì đến Mĩ học tiếp nhận. Sang thập niên 90, Nguyễn Lai viết Tiếp nhận văn học một vấn đề thời sự (Báo Văn nghệsố 27, ngày 7-7-1990), Nguyễn Thanh Hùng viết Trao đổi thêm về tiếp nhận văn học (Báo Văn nghệ số 42, ngày 10-10-1990) đều nhấn mạnh đến tính chất chủ quan năng động của người đọc. Cũng cần lưu ý rằng, bài viết của Nguyễn Lai nghiên cứu vấn đề tiếp nhận từ góc độ đa ngành, mà chủ yếu là từ góc độ kí hiệu học, còn bài viết của Nguyễn Thanh Hùng, mặc dù liệt kê tên của khá nhiều nhà nghiên cứu tiếp nhận văn học trên thế giới, nhưng đối tượng nghiên cứu trung tâm vẫn không phải là Mĩ học tiếp nhận. Để đối thoại với việc nhấn mạnh vai trò chủ quan của người tiếp nhận trong hai bài viết trên, Trần Đình Sử viết một bài đăng trên Văn nghệ số 50 năm 1990 thừa nhận “kẻ có quyền cắt nghĩa tác phẩm thuộc về lịch sử, thuộc về các thế hệ người đọc hiện tại và mai sau”, nhưng bên cạnh “phần mềm là sự cảm thụ, giải thích đời sống xã hội, phụ thuộc vào “lòng”người đọc thì tác phẩm vẫn còn “phần cứng là văn bản, là sự khái quát đời sống có chiều sâu, một hệ thống ý nghĩa đã được mã hóa”. Thực chất trong bài viết này, Trần Đình Sử hướng tới điều chỉnh giữa chủ quan và khách quan trong tiếp nhận, phản đối khuynh hướng cực đoan, đề cao quá mức chủ quan của người tiếp nhận. Trước sự tương đối sôi động trong bàn luận về tiếp nhận văn học từ năm 1985 đến 1990, năm 1991 Viện thông tin khoa học xã hội cho xuất bản cuốn Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận, nhưng trong đó chỉ có bài viết của Trần Đình Sử (Mấy vấn đề lí luận tiếp nhận văn học) và của Nguyễn Văn Dân (Lý luận tiếp nhận văn học với sự tiếp nhn văn học – nghệ thuật thế giới ở Việt Nam ta hiện nay), 10  bài còn lại đều là dịch, lược dịch, lược thuật những bài viết của Schifirnet, Morar, Pascadi, Marian… Mục đích bài viết của Trần Đình Sử là giới thiệu tổng quan về Lý thuyết tiếp nhận, ông chỉ nhắc đến Mĩ học tiếp nhận một cách khiêm tốn trong mục “Lý luận tiếp nhận hiện đại”, còn bài viết của Nguyễn Văn Dân do hướng tới tổng quan vấn đề lí thuyết tiếp nhận ở Việt nam (tính đến năm 1991), nên cũng chỉ nhắc sơ sơ đến Mĩ học tiếp nhận với khái niệm “Tầm đón nhận” và “Khoảng cách thẩm mĩ” của Jauss. Năm 1995 Trương Đăng Dung công bố bài viết Từ văn bản đến tác phẩm văn học và giá trị thẩm mĩ[4] tập trung nghiên cứu vấn đề “văn bản”, “tác phẩm” và sự tạo nghĩa thông qua hành động đọc. Trong bài viết này, ông vận dụng quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu tiếp nhận văn học, trong đó có nhắc qua đến Jauss.

Cuối thập niên 90, đáng chú ý nhất là cuốn giáo trình Tiếp nhận văn học (1997)[5]viết cho trung tâm Đào tạo từ xa Đại học Huế của Phương Lựu, chuyên luận Từ văn bản đến tác phẩm văn học (1998)[6] của Trương Đăng Dung và bài Lý thuyết tiếp nhận và phê bình văn học (số 124 tháng 06-1999). Trong cuốn giáo trình của mình, Phương Lựu đã dành một chương để giới thiệu về Tiền đề sinh thành, về tư tưởng của Hans Robert Jauss và Wolfgang Iser, đồng thời sơ bộ đánh giá những điểm“khả thủ” và “cực đoan phiến diện” của Mĩ học tiếp nhận. Với 28 trang kể cả phần “câu hỏi hướng dẫn học tập”, Phương Lựu cũng đã giới thiệu được một số tư tưởng nòng cốt của Mĩ học tiếp nhận, đồng thời ở chương 3, Tiêu thụ văn học, một sự tiếp nhận vi mô, cũng đã vận dụng khái niệm “bạn đọc ẩn tàng” và “tầm đón nhận” để nghiên cứu quá trình tiếp nhận văn học. Tuy vậy, nhìn chung, phần viết về Mĩ học tiếp nhận trong giáo trình của Phương Lựu mới dừng lại ở “giới thiệu sơ lược” về khuynh hướng nghiên cứu này. Cuốn chuyên luận Từ văn bản đến tác phẩm văn học của Trương Đăng Dung thực chất không tập trung nghiên cứu tiếp nhận văn học, trong 14 bài, chỉ có 2 bài nhắc đến tư tưởng của khuynh hướng này trong những luận bàn chung về Văn bản – tác phẩm – bạn đọc, trong đó bàiTừ văn bản đế tác phẩm văn học và giá trị thẩm mĩthực ra đã được công bố vào năm 1995, còn bài Tác phẩm văn học như là quá trình (tác giả đề là hoàn thành năm 1996) thực chất đã dùng tiêu đề một bài viết của M.Markov viết năm 1970. Trong bài viết này, ông cũng nhắc đến quan niệm về hoạt động tiếp nhận và vấn đề văn bản của hai đại diện lớn của Mĩ học tiếp nhận là Jauss và Iser. Tuy nhiên, Trương Đăng Dung chỉ nêu lên tư tưởng của Mĩ học tiếp nhận như một căn cứ để chứng minh cho luận điểm khác của mình, ngay lời đề từ của bài viết ông cũng dùng câu nói của đại diện tiêu biểu cho Hiện tượng học – một trong những tiền thân của Mĩ học tiếp nhận – Roman Ingarden, chứ không phải của Jauss hay Iser. Còn Trần Đình Sử, mặc dù không nhắc gì đến Mĩ học tiếp nhận trong bài viết công bố năm 1999 của mình nhưng cũng đã nhắc đến những vấn đề cơ bản của tiếp nhận, như vấn đề đồng sáng tạo của người đọc, tuy vậy, ông vẫn theo đuổi quan điểm cho rằng ý nghĩa của tác phẩm văn học vừa phụ thuộc vào tiếp nhận, vừa phụ thuộc vào văn bản.

Có thể thấy, những năm 90 ở Việt Nam, vấn đề Tiếp nhận văn học đã trở thành chủ đề được bàn luận khá sôi nổi, tuy nhiên, một đặc điểm rất dễ nhận thấy là các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa trên những tri thức tổng hợp về Tiếp nhận văn học nói chung trên thế giới, cùng với sự nhạy bén khoa học của mình để bàn luận vấn đề một cách chung nhất, chưa có những nghiên cứu sâu giúp người đọc thực sự hình dung cụ thể về một lí thuyết tiếp nhận, ngoại trừ những bài mang tính giới thiệu sơ lược.

Sang đầu thế kỉ 21, bóng dáng của Mĩ học tiếp nhận được xuất hiện trong hai chuyên luận Đọc và tiếp nhận văn chương(2002)[7] của Nguyễn Thanh Hùng và Tác phẩm văn học như là quá trình (2004)[8] của Trương Đăng Dung. Trong công trình của mình, Nguyễn Thanh Hùng có một mục viết về Trường phái tiếp nhận Konstanz và ý nghĩa của tên gọinêu lên sơ lược về các khuynh hướng nghiên cứu tiếp nhận nói chung, trong đó có Mĩ học tiếp nhận. Mặc dù đây là chuyên luận trên cơ sở tiếp thu tổng hợp lí thuyết tiếp nhận nước ngoài kết hợp với thực tế văn bản văn học trong nước đã trình bày khá sâu sắc về vấn đề “đọc và tiếp nhận văn chương”, nhưng Mĩ học tiếp nhận không phải là đối tượng nghiên cứu trọng tâm mà chỉ là một ví dụ, một phần rất nhỏ. Trương Đăng Dung trong chuyên luận lần này đã nhắc nhiều hơn đến tư tưởng của trường phái Konstanz khi bàn đến vấn đề “Kinh nghiệm thẩm mĩ và tầm đón đợi”, “Sự đọc và quá trình cắt nghĩa văn bản”, “Tính lịch sử của quá trình tiếp nhận”. Nhưng có thể nhận thấy Trương Đăng Dung nhắc nhiều hơn đến tư tưởng tiền thân của Mĩ học tiếp nhận là Giải thích học và Hiện tượng học với những tên tuổi như Husserl, Heideger, Gadamer, Ingarden. Đáng ghi nhận nhất là năm 2002 Trương Đăng Dung đã dịch tuyên ngôn của Jauss Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học, và cho đến nay, đây vẫn là văn bản duy nhất của Mĩ học tiếp nhận được dịch ra tiếng Việt và công bố ở Việt Nam. Dưới ảnh hưởng của các công trình trên, trong thập niên đầu tiên của thế kỉ mới cũng rải rác có các bài viết của Phạm Quang Trung đăng trên website cá nhân (pqtrung.com) như Lý thuyết tiếp nhận trong đời sống văn chương hiện nay (2009), Chung quanh khái niệm tầm đón nhận của H.Jauss (2010), ngoài ra có một xu hướng tương đối nổi trội là Vận dụng một số vấn đề của lí thuyết tiếp nhận vào việc giảng dạy và học môn văn trong nhà trường(2009)[9]. Tuy nhiên, những bài viết kiểu này không có đóng góp gì mới mẻ về mặt nghiên cứu lí thuyết. Cuối thập niên đầu tiên của thế kỉ mới, đáng chú ý hơn cả là cuộc tranh luận nhỏ giữa Đỗ Lai Thúy và Trần Đình Sử quanh bài viết Khi người đọc xuất hiện[10] của Đỗ Lai Thúy. Để phản đối tiêu chí phân loại “độc giả cổ điển” và “độc giả hiện đại” của Đỗ Lai Thúy, Trần Đình Sử đã vận dụng tri thức tổng hợp tri thức về tiếp nhận văn học, trong đó có tư tưởng của Mĩ học tiếp nhận, để viết thành bài Những luận lí khó tin[11], và sau khi Đỗ Lai Thúy thanh minh yếu ớt bằng bài Người đọc như là… thì Trần Đình Sử liền công bố bài Cần có tiêu chí khoa học để phân biệt người đọc hiện đại và người đọc cổ điển(2010). Cuộc tranh luận này đã được “xem như một trong những tư liệu có ý nghĩa khởi xướng cho chủ đề hội thảo”[12] Người đọc và công chúng nghệ thuật đương đại của khoa Văn học ĐH KHXH & NV. Cũng năm 2010 Huỳnh Như Phương cho xuất bản cuốn Lý luận văn học[13], đã dành chương 6 viết về Người đọc và tiếp nhận văn học, trong sự trình bày của mình tác giả thể hiện rất rõ dấu ấn của Mĩ học tiếp nhận khi “Nghiên cứu tiếp nhận văn học, vai trò của người đọc qua khái niệm “chân trời chờ đợi” và số phận lịch sử của tác phẩm văn học qua lăng kính của sự tiếp nhận”. Gần đây nghiên cứu Mĩ học tiếp nhận đáng chú ý nhất là những bài viết của Hoàng Phong Tuấn, năm 2010 anh đã công bố bài viết Về sự khác nhau giữa “Lý thuyết tiếp nhận” và “Mỹ học tiếp nhận” của Hans Robert Jaub[14] và 2012 công bố bài: Một số điểm chính trong lý thuyết tiếp nhận của Wolfgang Iser[15]. Bốn bài tranh luận, hai bài viết, một chương trong giáo trình lí luận văn học và một cuộc hội thảo cho thấy vấn đề Tiếp nhận văn học trong 2,3 năm gần đây trở nên khá sôi động.

Qua lược thuật ở phần trên, có thể nhận thấy, trong gần 30 năm, thành tựu nghiên cứu về Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam vẫn vô cùng khiêm tốn, trừ những bài mang tính chất giới thiệu sơ lược trực tiếp, phần lớn giới nghiên cứu văn học Việt Nam chủ yếu nhắc đến Mĩ học tiếp nhận trong tổng thể chung về vấn đề Tiếp nhận văn học, các bài viết chủ yếu là góp nhặt mỗi nơi một chút, rất hiếm những bài viết lấy Mĩ học tiếp nhận làm đối tượng trung tâm, có nhiều ý tưởng vay mượn nhưng cội nguồn tư tưởng của nó cũng không được ghi rõ ràng. Và hệ quả tất yếu là việc áp dụng lí thuyết này vào nghiên cứu thực tiễn văn học nước nhà cũng vô cùng khiêm tốn. Ngoài ra, bổ sung, điều chỉnh về mặt lí thuyết sao cho thích hợp với thực tiễn Việt nam cũng rất hạn chế. Vậy điều gì đã tạo nên đặc điểm tiếp nhận lí thuyết trên, cũng như điều gì đã tạo nên những hạn chế trong việc tiếp nhận Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam ?

  1. 3.  Chưa tiếp nhận một cách có hệ thống

          Ở Việt Nam, tồn tại một cách hiểu cho rằng Mĩ học tiếp nhận chính là một phần thuộc Phê bình hiện tượng học. Chính hướng nghiên cứu mang tính chất tổng hợp, giới thiệu không thực sự rõ ràng về các trường phái lí thuyết đã dẫn đến những nhầm lẫn trong xác định “tư tưởng này thuộc khuynh hướng nghiên cứu nào”. Nguyễn Mạnh Tiến trong bài ca ngợi Trương Đăng Dung- chuyên gia về Mĩ học tiếp nhận đã khẳng định: “Mỹ học tiếp nhận ra đời, với các đại diện lớn như nhà nghiên cứu người Ba Lan Roman Ingarden (1893-1970)”[16]. Ingarden thực chất là một nhà hiện tượng học hiện đại, tư tưởng của ông được các nhà Mĩ học tiếp nhận, đặc biệt là W.Iser kế thừa và phát triển, chứ bản thân Ingarden không phải là những người sáng lập, xây dựng trường phái Mĩ học tiếp nhận. Cũng chính vì không tập trung giới thiệu tuần tự, ngọn ngành về các khuynh hướng lí thuyết, cho nên, nhiều người không xác định rõ được “mình đang đứng ở phương pháp nghiên cứu nào” để nghiên cứu. Và hệ quả tất yếu của nó chính là khó có thể cất lên tiếng nói đối thoại với lí thuyết phương Tây đang hiện hữu ở trong nước.

Đối với một đất nước không có truyền thống lí luận, một đất nước trải qua quá nhiều thăng trầm, nhiều biến động lịch sử đặc thù đã ngắt quãng việc phát triển cùng nhịp với nghiên cứu lí luận văn học thế giới, nếu muốn trong thời gian ngắn nhất có thể bắt kịp hành trình nghiên cứu lí luận văn học trên thế giới, việc đầu tiên nên làm chính là dịch giới thiệu một cách có hệ thống những trước tác kinh điển lí luận nước ngoài, việc này có vẻ như “rất mất thời gian”, nhưng thực chất, nó lại là cơ sở rất tốt cho sự hiện đại hóa nền lí luận nước nhà một cách bền vững. Dịch giới thiệu có hệ thống không chỉ đối với một khuynh hướng lí thuyết, mà còn cần dịch giới thiệu có hệ thống đối với hệ thống lí luận văn học nước ngoài. Bởi vì mỗi khuynh hướng lí thuyết ở phương Tây ra đời đều là sự kế thừa hoặc phản đối một khuynh hướng lí thuyết ra đời trước đó. Cũng có nghĩa là khi dịch một cách tuần tự hệ thống lí thuyết nước ngoài, chúng sẽ xây dựng được cơ sở lí luận để tiếp nhận một hệ thống lí thuyết ra đời sau. Làm cái gì có thể đi tắt đón đầu, nhưng với khoa học cơ bản, tôi nghĩ, cần phải có sự tuần tự và hệ thống. Khi không thực sự nắm tương đối toàn diện về lí luận nước ngoài, thì khó có thể vận dụng, tiếp thu một cách sáng tạo, thiếu cơ sở để bổ sung lí thuyết cho phù hợp với thực tế Việt nam, và tất nhiên cũng khó có thể cất lên tiếng nói đối thoại với họ.

Ở Việt Nam, dẫn đến sự lẫn lộn giữa Mĩ học tiếp nhận ra đời ở Đức tính từ năm 1967 với Phê bình hiện tượng luận, nguyên nhân cơ bản đầu tiên chính là việc dịch giới thiệu thiếu tính hệ thống ở Việt Nam. Tác giả Trịnh Nữ trong bài viết Phê bình hiện tượng luận ở Việt Nam đã khẳng định Trương Đăng Dung có “các công trình dịch thuật nhiều nhà lý luận kinh điển của Mỹ học tiếp nhận”. Trên thực tế, Mĩ học tiếp nhận ra đời trên cơ sở kế thừa tư tưởng triết học, mĩ học, lí luận văn học của rất nhiều khuynh hướng khác nhau, trong đó rõ nét nhất là Thông diễn học, Hiện tượng học, Chủ nghĩa hình thức, Chủ nghĩa cấu trúc, và cả Phê bình Mac xít. Người khởi xướng và là đại diện tiêu biểu của Mĩ học tiếp nhận là H.R.Jauss và W.Iser. Nếu Jauss chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tư tưởng thông diễn học hiện đại của Gadamer, thì Iser chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất tư tưởng Hiện tượng học hiện đại của Ingarden. Nói đến Mĩ học tiếp nhận không thể không nói đến hai nhân vật này, nếu Jauss nghiên cứu vấn đề tiếp nhận trên cấp độ vĩ mô, thì Iser lại nghiên cứu ở cấp độ vi mô, nghiên cứu hành động đọc. Công trình tiêu biểu của Jauss là :Hướng tới mĩ học tiếp nhận (bao gồm bài viết có tính chất tuyên ngôn sớm nhất của Mĩ học tiếp nhận : Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học, 1967 ), giai đoạn sau, cùng với sự phê bình và tác động của giới lí luận đối với mô hình độc giả làm trung tâm của Mĩ học tiếp nhận, ông đã tiến hành phản tư và làm sâu sắc hóa Mĩ học tiếp nhận qua các công trình tiêu biểu như Kinh nghiệm thẩm mĩ và thông diễn học văn học (1977), Mĩ học tiếp nhận và giao lưu văn học (1980). Công trình tiêu biểu của W.Iser là Kết cấu vẫy gọi của văn bản (1970),Người đọc tiềm ẩn (1974), Hành động đọc : lí luận hưởng ứng thẩm mĩ(1976) ; giai đoạn sau, từ góc độ nhân loại học ông truy tìm căn nguyên sâu sắc của nhu cầu sáng tác và đọc văn bản văn học của con người, với công trình chủ yếu là Hướng tới nhân loại học văn học (1989),Hư cấu và tưởng tượng : lãnh địa của nhân loại học văn học (1991) .Nhìn vào hệ thống các trước tác kinh điển của Mĩ học tiếp nhận thì ở Việt Nam mới chỉ dịch duy nhất một bài mang tính chất tuyên ngôn của Jauss, tất cả những gì chúng ta biết ở Việt Nam về khuynh hướng nghiên cứu này đến thời điểm hiện nay chủ yếu vẫn chỉ là thông qua các bài giới thiệu.

Một thứ lí thuyết ngoại lai muốn bắt rễ ở một nền văn hóa khác thì trước hết nó phải được phía tiếp nhận hiểu một cách tường tận. Thời điểm ra đời của lí thuyết và thời điểm nó đến một nền văn hóa khác có thể không trùng nhau, hơn nữa, lại xuất hiện ở hai nền văn hóa khác nhau, với những cơ sở lí thuyết không giống nhau, vậy nên, việc dịch giới thiệu, hoàn nguyên bối cảnh ra đời, tường tận về những nguồn ảnh hưởng của nó là vô cùng cần thiết. Biết được điều đó mới có thể tiến hành điều chỉnh khi ứng dụng. Không những dịch trực tiếp văn bản kinh điển, mà cũng cần phải dịch, tham khảo những thành tựu nghiên cứu của các nước khác, các học giả nước ngoài về khuynh hướng lí thuyết đó để có cách nhìn toàn diện hơn. Nhà phê bình người Anh Eagleton trong chương 2, cuốn Lí luận văn học phương Tây thế kỉ 20, cho rằng lí luận tiếp nhận của Iser là đại diện cho mô hình độc giả trung tâm, các nhà nghiên cứu Anh thường cho rằng Mĩ học tiếp nhận Đức là một phân nhánh của toàn bộ phê bình theo phản ứng của người đọc. Jane Tompkins viết một bài dài Từ lịch sử phê bình nhìn nhận sự «đối lập» giữa phê bình theo phản ứng của người đọc và Phê bình mới. Cả hai bài viết trên đều bàn luận một cách tường tận quan hệ tinh vi vừa đối lập vừa cùng hướng giữa Phê bình theo phản ứng của người đọc bao gồm trong đó cả Mĩ học tiếp nhận và phê bình mới Anh Mĩ. Học giả Hà Lan cũng có những nghiên cứu đáng chú ý về Mĩ học tiếp nhận, như ElrudIbsch với bài Sự phát triển của lí luận tiếp nhận : thực sự giải phóng độc giả. Rien Segers với Sự khiêu khích của Phê bình theo phản ứng của người đọc đối với nghiên cứu văn học. Ngoài ra, cũng cần dịch giới thiệu quan điểm của nội bộ học giả Đức đối Mĩ học tiếp nhận như thế nào. Chẳng hạn học giả Schober đã có bài Giản thuật mĩ học tiếp nhận,bài viết này đã luận thuật một cách toàn diện ngọn nguồn tư tưởng của Mĩ học tiếp nhận, trong đó đặc biệt là quan hệ phức tạp giữa nó với chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc Prague, chủ nghĩa hậu cấu trúc, chủ nghĩa Mác. Nếu như ở Việt Nam, Mĩ học tiếp nhận được dịch một cách có hệ thống và được giới thiệu một cách đầy đủ, chi tiết về bối cảnh ra đời, nguồn gốc tư tưởng cũng như toàn cảnh phát triển của nó, những người không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với văn bản kinh điển bằng ngoại ngữ sẽ có cơ hội hiểu sâu sắc hơn, toàn diện hơn về khuynh hướng lí thuyết này, không những tránh được hiểu lầm, ngộ nhận, hiểu không đến nơi đến chốn và quan trọng hơn là từ đó có thể chủ động nghiên cứu, bổ sung, đối thoại. Không phải ngẫu nhiên mà giới nghiên cứu lí luận văn học Trung Quốc sau đổi mới (1979) đã tận lực dịch hàng loạt các lí thuyết phương Tây hiện đương đại, và đến cuối thập niên 90 về cơ bản lí luận văn học Trung Quốc đã bắt cùng nhịp với nghiên cứu lí luận văn học trên thế giới. Trung Quốc giới thiệu Mĩ học tiếp nhận trước Việt Nam không xa (Trung Quốc : 1983 ; Việt Nam : 1985), nhưng cho đến nay, thành tựu về khuynh hướng nghiên cứu này ở Trung Quốc đã vượt quá xa Việt Nam. Một trong những lí do dẫn tới hiện tượng trên chính là ở Trung Quốc đã dịch hầu như tất cả trước tác kinh điển của Mĩ học tiếp nhận, công trình cuối đời của W.Iser là Làm lí luận như thế nào cũng được dịch ra tiếng Trung vào năm 1997.

Một thứ lí thuyết ngoại lai muốn phát triển ở một nền văn hóa xa lạ hay không phụ thuộc vào rất nhiều thứ, trong đó phải kể đến tiền đề tiếp nhận lí thuyết mới ở đất nước đó. Vì thế, việc dịch giới thiệu một cách có hệ thống các lí thuyết nước ngoài sẽ góp phần tạo tiền đề vững chắc cho việc tiếp cận những thứ lí thuyết tiếp theo. Một trong những lí do khiến Mĩ học tiếp nhận mặc dù đến sớm nhưng chậm phát triển ở Việt nam bởi vì Mĩ học tiếp nhận được giới thiệu vào Việt Nam đúng vào lúc nghiên cứu văn học Việt nam chưa hoàn toàn bắt nhịp vào nghiên cứu bản thể. Mà Mĩ học tiếp nhận ra đời chính là do muốn khắc phục hạn chế của  hướng nghiên cứu nội tại khép kín (chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc, phê bình mới), đề cao sự giao lưu giữa người đọc và văn bản, hướng tới kết nối tính thẩm mĩ với tính lịch sử xã hội trong nghiên cứu văn học. Như vậy, nó đã kế thừa không ít thành quả của hướng nghiên cứu bên trong. Ở Việt Nam, cụ thể là miền Bắc Việt Nam, một thời kì dài nghiên cứu văn học chìm đắm trong tư tưởng xã hội học văn học, văn học phục vụ chính trị, do đó, sau 1986 cái mà nó cần nhất không phải là Mĩ học tiếp nhận, mà là hướng nghiên cứu bản thể, nghiên cứu bên trong. Khi mà ở Việt nam nghiên cứu bản thể luận chưa được định hình, thì việc nhảy vọt sang nghiên cứu Mĩ học tiếp nhận cũng gặp không ít khó khăn. Điều này lí giải vì sao từ sau đổi mới cho đến những năm đầu của thế kỉ mới, nhìn tổng thể, ở Việt nam vẫn là sự ngự trị của hướng nghiên cứu bản thể; cũng lí giải vì sao trong suốt thời kì này, người ta chú ý nhiều hơn đến chủ nghĩa hình thức, tự sự học, chủ nghĩa cấu trúc, kí hiệu học…, chứ không phải là Mĩ học tiếp nhận. Thi pháp học do Trần Đình Sử đưa vào Việt Nam nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ một phần cũng chính do tình thế như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà ở Mĩ, nơi Phê bình Mới phát triển, tư tưởng của Iser ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tư tưởng của Jauss. Ở Trung Quốc, mặc dù được giới thiệu vào năm 1983 nhưng phải đợi đến cuối thập niên 80, sang thập niên 90 Mĩ học tiếp nhận mới thực sự phát triển, bởi vì nghiên cứu văn học ở quốc gia này phải dành một khoảng thời gian cho sự chuyển hướng nghiên cứu nội tại, khi nghiên cứu nội tại đã đạt đến một trình độ nhất định mới có sơ sở để phát triển hướng nghiên cứu đề cao sự giao lưu giữa văn bản và người đọc.

  1. 4. Cần bổ sung, điều chỉnh và thao tác hóa lí thuyết

Mục đích trước tiên của tiếp thu lí thuyết văn học nước ngoài chính là nhằm giải quyết những vấn đề được đặt ra bởi thực tiễn văn học nước nhà. Như vậy, tiếp thu bao giờ cũng thể hiện một quan điểm, một thái độ, một đòi hỏi của thực tiễn. Do vậy, khi tiếp thu lí thuyết ngoại lai, trên cơ sở tìm hiểu sâu sắc bối cảnh, tư tưởng chủ đạo, sự phát triển cũng như vai trò vị trí của nó trong lịch sử nghiên cứu văn học thế giới, nhà nghiên cứu cần phải bổ sung, điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của sáng tác và nghiên cứu văn học trong nước.

Việc dịch giới thiệu thiếu hệ thống, kèm theo lí do tại thời điểm giới thiệu, nhìn chung, nghiên cứu văn học Việt Nam mới bước đầu rục rịch chuyển sang hướng nghiên cứu nội tại, vì thế Mĩ học tiếp nhận rất khó có điều kiện trưởng thành. Nhưng đến đầu thế kỉ 21, khi nghiên cứu nội tại ở Việt Nam đã đạt được trình độ nhất định, khi Trương Đăng Dung đã dịch công bố bản dịch Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa văn học (2002), và trước đó đã có một số bài giới thiệu tổng quan, nhưng ảnh hưởng của nó đến nghiên cứu văn học vẫn chưa thực sự rõ ràng, cụ thể nhất là bản dịch của Trương Đăng Dung cũng hầu như không có nhiều ảnh hưởng tới nghiên cứu lịch sử văn học và việc biên soạn lịch sử văn học ở Việt Nam. Mặc dù tại thời điểm những năm đầu tiên của thế kỉ 21 ở nước ta đã dấy lên các cuộc thảo luận về yêu cầu đổi mới cách biên soạn lịch sử văn học, và thực tế là bao nhiêu năm, bao nhiêu bộ lịch sử văn học ra đời nhưng vẫn dùng chung một phương pháp, nếu có cái mới thì họa chăng chỉ là thêm bớt dữ liệu. Khi nhắc đến tư tưởng về văn học sử của Jauss, đại đa số các nhà nghiên cứu đều thiên sang phê phán mà không chú trọng hạt nhân hợp lí cũng như tính chất khả thi và tác dụng của nó trong việc đổi mới hướng biên soạn lịch sử cũng như góp phần làm cho diện mạo của lịch sử văn học được toàn diện hơn. Trong luận án bảo vệ năm 2009 Một thế kỉ nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam của Lê Quang Tư, tư tưởng của Jauss cũng chỉ được nhắc qua, và nhắc qua chỉ để phê phán. Vậy mấu chốt vấn đề nằm ở đâu ? Xin chớ vội khẳng định rằng tư tưởng của Jauss hoàn toàn không có hạt nhân hợp lí và hoàn toàn không thể dùng nó để nghiên cứu văn học Việt Nam. Bởi ngay cạnh nước ta, các học giả Trung Quốc đã dựa trên tư tưởng của Jauss biên soạn được những bộ văn học sử khá thú vị như Nghiên cứu lịch sử tiếp nhận thơ ca cổ điển Trung Quốc[17]  ; Lịch sử tiếp nhận văn học hiện đại Trung Quốc[18] ; ngoài ra còn có các bộ sách nghiên cứu lịch sử tiếp nhận Hồng lâu mộng, Tam Quốc, Thủy Hử, thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch, Đào Uyên Minh… Đành rằng trong văn học cổ điển Việt Nam số lượng các tác giả, tác phẩm có thể dùng làm đối tượng nghiên cứu lịch sử tiếp nhận không phong phú như ở Trung Quốc, nhưng không phải không có, chẳng hạn như Truyện Kiều, và văn học hiện đại Việt Nam cũng không ít tác phẩm có thể viết lịch sử tiếp nhận về nó. Tất nhiên, viết được một bộ lịch sử tiếp nhận văn học tương đối hoàn chỉnh về một nền văn học là vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức, nhiều thời gian, ngay bản thân Jauss cũng không thực hiện được điều đó. Tuy vậy, nếu tiến hành điều chỉnh, bổ sung lí thuyết sao cho phù hợp với thực tiễn văn học nước nhà thì vẫn có thể khai thác được những hạt nhân hợp lí.

Mặc dù cùng trong khuynh hướng Mĩ học tiếp nhận, nhưng tư tưởng của Jauss về văn học sử có mức độ ảnh hưởng thấp hơn so với tư tưởng về hành động đọc của Iser, lí do không chỉ đơn thuần nằm ở khó khăn lớn khi viết một bộ lịch sử tiếp nhận mang tính đầy đủ về một nền văn học, mà còn do Jauss đã không cung cấp một hệ thống thao tác khoa học rõ ràng để thuận lợi trong việc ứng dụng. Bản thân vấn đề lịch sử tiếp nhận mà Jauss đặt ra hướng tới sự thống nhất giữa yếu tố lịch sử và yếu tố thẩm mĩ trong nghiên cứu lịch sử văn học, tư tưởng này rất có giá trị đối với đổi mới phương pháp biên soạn lịch sử ở nước ta, nhưng sự thống nhất đó có diện mạo cụ thể như thế nào, thao tác cụ thể, đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, các bước nghiên cứu sẽ được giới định như thế nào ? Muốn làm được điều này, đòi hỏi phải có sự gia công nghiên cứu một cách công phu đối với lí thuyết. Mĩ học tiếp nhận là một khuynh hướng dung nạp trong nó rất nhiều loại lí thuyết khác nhau, rất khó đi đến khái quát “gọn gàng”, nó luôn nằm trong nhiều luồng tranh luận, vì thế, tiếp nhận khuynh hướng lí thuyết này, và muốn ứng dụng nó, các nhà nghiên cứu cần phải gia công, điều chỉnh, bổ sung. Rất tiếc là ở Việt Nam, vốn đã thiếu sự dịch giới thiệu một cách hệ thống, lại cộng thêm bản thân những người dịch giới thiệu đã không thực sự điều chỉnh, bổ sung, định hướng và trực tiếp ứng dụng đã khiến lí thuyết này khó phát triển được. Sở dĩ Lịch sử tiếp nhận ở Trung Quốc gặt hái được thành công như đã nêu trên bởi vì các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh lí thuyết của Jauss sao cho phù hợp với thực tiễn văn học nước họ. Các học giả Trung Quốc đã đưa ra bốn cách lí giải và vận dụng khác nhau về lịch sử tiếp nhận văn học. Chẳng hạn như Trần Văn Trung đã phân biệt lịch sử tiếp nhận và lịch sử học thuật truyền thống ở nhiệm vụ học thuật và chức năng văn hóa. Ông đã chi tiết hơn vấn đề loại hình độc giả. Jauss luôn sử dụng khái niệm độc giả và tiếp nhận theo nghĩa rộng, bao gồm người đọc thông thường, nhà văn chịu ảnh hưởng của nhà văn thế hệ trước, người viết văn học sử, nhà phê bình…nhưng trong quá trình khảo sát thực tế sự biến đổi của tầm đón nhận và quan hệ giữa đồng đại và lịch đại trong quá trình tiếp thu tác phẩm thì ông lại coi nhẹ vấn đề loại hình độc giả. Trần Văn Trung đã chia người tiếp nhận thi ca cổ đại Trung Quốc thành: người tiếp nhận thông thường, người bình thơ và thi nhân. Căn cứ vào đặc điểm tiếp nhận của ba loại hình đó để chia ra thành lịch sử hiệu quả, lịch sử diễn giải, và lịch sử ảnh hưởng, trong đó lịch sử diễn giải có vai trò chủ đạo. Tư tưởng loại hình học độc giả này phù hợp với thực tế phát triển của thi ca cổ đại Trung Quốc và bổ khuyết cho kẽ hở trong lí luận của Jauss, mang đến hệ quy chiếu mới cho lịch sử tiếp nhận. Đây chính là sự phát triển, sự thay đổi mang tính thích ứng của Mĩ học tiếp nhận trong ngữ cảnh Trung Quốc. Thực tế cho thấy, ngay lập tức biên soạn thành công một bộ lịch sử tiếp nhận văn học hoàn chỉnh là điều không thể, cho nên giới nghiên cứu văn học Trung Quốc chọn cách: trước hết tiến hành nghiên cứu đối với tác gia tác phẩm kinh điển, tiếp đó là nghiên cứu lịch sử tiếp nhận thể loại, cuối cùng mới có thể xây được một bộ lịch sử tiếp nhận mang tính hoàn chỉnh.

Khi tiếp nhận lí thuyết văn học nước ngoài, điều tối kị là vận dụng một cách rập khuôn máy móc. Muốn ứng dụng nó để nghiên cứu thực tiễn văn học nước nhà thì cần phải tiến hành bổ sung, điều chỉnh lí thuyết sao cho phù hợp với thực tiễn, và điều không kém phần quan trọng là cần phải thao tác hóa lí thuyết. Thực tế ở Việt Nam, những lí thuyết nào có thể bắt rễ và phát triển đều là những lí thuyết đã được thao tác hóa, chẳng hạn như Thi pháp học. Nếu không được nghiên cứu cụ thể, được điều chỉnh bổ sung, được thao tác hóa, thì lí thuyết ngoại lai chỉ dạo qua Việt Nam qua vài bài giới thiệu rồi im lìm mà thôi.

Kết luận

          Mĩ học tiếp nhận được giới thiệu vào Việt Nam sớm, nhưng trong suốt gần 30 năm qua, dấu ấn của nó trong nghiên cứu văn học Việt Nam chưa thực sự rõ ràng. Nó len lỏi vào nghiên cứu văn học Việt nam qua cách tiếp cận tổng thể về vấn đề tiếp nhận văn học, chứ chưa bao giờ thực sự được nghiên cứu như một đối tượng trung tâm, chưa bao giờ được các nhà lí luận định hướng ứng dụng như một khuynh hướng lí thuyết riêng biệt. Nếu có nói đến chút ảnh hưởng nào của Mĩ học tiếp nhận, có lẽ chỉ nhắc đến thiên hướng ứng dụng nó vào vấn đề dạy văn, học văn mà cơ bản là sự đọc. Nhưng thực tế cho thấy, trong lĩnh vực này, người ta cũng khó thấy đâu là dấu ấn cụ thể của nó. Chính vì cách tiếp cận này đã khiến nghiên cứu tiếp nhận văn học ở Việt Nam bề mặt có vẻ sôi động, nhưng thành tựu lại không rõ ràng, chủ yếu là những lời bàn qua bàn lại. Có thể coi đây là một ví dụ tiêu biểu cho một khía cạnh đáng lưu tâm trong việc tiếp nhận lí thuyết phương Tây ở Việt Nam.

(Bản tiếng Việt đã đăng trên Tạp chí Khoa học và phát triển công nghệ, ĐHQG tpHCM, X2 2012, và bản tiếng Trung Quốc đã đăng trên tạp chí Diễn đàn học thuật Nam Đô, Trung Quốc, ISSN 1002-6320, số 4 năm 2013 với tiêu đề: "Từ thực tiễn nghiên cứu văn học Trung Quốc nhìn nhận tình hình tiếp nhận Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam"

(从中国文学研究实践看越南接受接受美学的情况, 中国《南都学坛》ISSN 1002-6320, 2013年第4期)

xin xem link: http://www.cnki.net/KCMS/detail/detail.aspx?QueryID=0&CurRec=1&recid=&filename=LDXT201304006&dbname=CJFD2013&dbcode=CJFQ&pr=&urlid=&yx=&v=MDQxNjlEaDFUM3FUcldNMUZyQ1VSTHlmWnVWdkZpam1VcjNPS1NuVGVyRzRIOUxNcTQ5RllvUjhlWDFMdXhZUzc=


Source: 
15-10-2020
Tags