KỶ NIỆM VỀ THẦY TRƯƠNG TỬU

Nhân ngày Nhà giáo 20 - 11 - 1999, theo lệ thường, một nhóm học sinh cũ chúng tôi đã đến thăm thầy Trương Tửu. Thầy đang nằm, nhờ người đỡ ngồi dậy để tiếp chuyện học trò. So với năm trước, thầy đã yếu nhiều nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, lạc quan. Thầy nói: “Trong số các thầy chỉ còn ông Trần Văn Giàu và tôi là còn sống. Thầy Giàu, nghe nói còn khoẻ, còn tôi thì cũng sắp ra đi rồi”. Phải chăng với vốn tri thức của một thầy thuốc Đông y và sự chiêm nghiệm bản thân, thầy đã cảm thấy ngày cuối cùng của mình đang đến gần. Thầy khoe với chúng tôi một bộ sách dịch triết học cổ của Trung Quốc, rất đẹp, và nói: “Mắt mờ rồi, phải nhờ người đọc cho nghe từng đoạn. Hay lắm!

            Một bạn hỏi: “Trong các sách thầy viết ra, thầy thích nhất cuốn gì?”. Thầy trả lời, không một chút do dự: Kinh Thi Việt NamVăn nghệ bình dân Việt Nam, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ.

            Thầy đã không kể đến ba cuốn về Truyện Kiều, phải chăng vì nghĩ rằng, đó là ba cuốn còn bị tranh cãi?

            Và thầy đã mất ngày 16 - 12 - 1999.

            Tôi học với thầy ở trường Thiếu sinh quân Liên khu IV, niên khoá 1949 - 1950, ở trường Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV, niên khoá 1952 - 1953, nhưng trước đó, ở trường Trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ, Vinh, tôi đã từng đọc và ghi chép kỹ cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều của Nguyễn Bách Khoa. Tôi không ngờ về sau lại được học trực tiếp với tác giả công trình đó và cũng có ít nhiều duyên nợ với Truyện Kiều.

            Có thể nói, thầy là người có biệt tài về khoa sư phạm. Những bài thơ như Tây tiến của Quang Dũng, Đèo Cả của Hữu Loan, thầy chỉ đọc diễn cảm một lần mà chúng tôi hầu như đã có thể thuộc lòng. Thầy lại giỏi ngâm thơ. Mỗi câu lục bát thầy có thể ngâm nhiều kiểu khác nhau. Bài giảng được trình bày cẩn thận, với chữ to, chữ nhỏ, dòng lùi ra, dòng thụt vào, sáng rõ, minh bạch, hình như đã chuẩn bị cho cách thuyết giảng luôn mang tính logic và tính luận chiến của thầy. Thầy giảng say mê, hấp dẫn, nhưng vẫn luôn coi trọng một nguyện vọng đơn giản của học trò là muốn kết thúc bài giảng đúng giờ. Cho đến nay, sau nửa thế kỷ, tôi vẫn còn giữ ấn tượng đẹp về những bài giảng rất hay của thầy về bài Thu điếu của Yên Đổ, bài Phá đường của Tố Hữu. Thầy đã cùng ban giáo vụ của nhà trường tổ chức thi sáng tác cho học sinh. Nhà thơ Phùng Quán, lúc đó là học sinh lớp 7, đã đoạt giải nhất về truyện ngắn Đôi mắt. Đó là Đôi mắt của một cô bé, con gái viên đồn trưởng Pháp, tóc vàng, tay cầm vợt bắt bướm, hồn nhiên hỏi một chú bé liên lạc của Việt Minh: - Tại sao anh lại bị giam? - Tại vì hay trốn học đi bắt bướm.

            Trong thời gian Thầy giảng dạy ở trường Thiếu sinh quân Liên khu IV cũng đã xảy ra một sự việc khá tế nhị. Về Nguyễn Du và Truyện Kiều hầu như thầy vẫn trình bày nguyên xi các luận điểm cũ của Nguyễn Bách Khoa. Để cung cấp cho học sinh một cách hiểu khác, ban giám đốc trường đã mời Thiếu tướng Nguyễn Sơn đến nói chuyện ngoại khoá về Truỵên Kiều. Cuộc nói chuyện được tổ chức tại đình làng Sim, huyện Nông Cống, và theo thói quen của người nói, đã diễn ra suốt một ngày! Nguyễn Sơn đã điểm lại các ý kiến bình phẩm Truyện Kiều của Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Hoài Thanh và đã phê phán mạnh mẽ quan điểm của Nguyễn Bách Khoa. Sau cuộc nói chuyện đó, có dư luận cho là thầy Trương Tửu sẽ thôi giảng dạy ở trường, nhưng việc đó đã không xảy ra. Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV là một trường văn hoá của quân đội nhưng vẫn có lối ứng xử mềm dẻo với các trí thức cũ. Còn một vài giáo sư khác đến với trường từ những hoàn cảnh đặc biệt như Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng, nhưng trong thời gian đó vẫn chấp nhận phục vụ kháng chiến.

            Ở trường Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp, chúng tôi được học triết học với thầy Trần Văn Giàu, sử học với thầy Đào Duy Anh, địa lý với thầy Trần Đình Gián, Pháp văn với thầy Cao Xuân Huy, về văn học, thầy Đặng Thai Mai giảng về văn học Hy La, thầy Nguyễn Lương Ngọc về Lý luận văn học, thầy Trương Tửu về văn học Việt Nam hiện đại. Thầy phải tự mình nghiên cứu, nhằm bước đầu phát hiện ra con đường phát triển của văn học hiện đại Việt Nam để làm cơ sở giảng dạy. Xen vào nội dung giảng về lịch sử văn học có nguy cơ trở thành khô khan, với tư cách một người đã sống, đã hoạt động trong môi trường văn học đó, thầy đã kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện có thật mà như giai thoại, chẳng hạn chuyện “Phở quán”của Nguyễn Công Hoan, chuyện “Kỳ Khôi”giữa ông Khôi  (Phan Khôi) vác ô đi đòi tiền nhuận bút ông Kỳ (Diệp Văn Kỳ)… có chuyện thì chính thầy là người trong cuộc, như uống rượu với Tản Đà. Trong hoàn cảnh kháng chiến, tài liệu hiếm hoi, dựa vào vài số tạp chí Văn học Xô Viết, vài cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Pháp, từ chiến khu Việt Bắc gửi về, thầy đã giới thiệu cho chúng tôi các luận điểm của Ivasencô về tính nhân dân của văn học, hoặc tổ chức nói chuyện ngoại khoá về cuốn tiểu thuyết Xa Mạc Tư Khoa. Do điều kiện sức khoẻ và hoàn cảnh kháng chiến, thầy chỉ có một cách di chuyển duy nhất là đi bộ từ Quần Tín đến Cầu Kè, xa hàng chục cây số, để dạy học, nhưng không bao giờ thầy đến lớp muộn.

            Trong cuộc đời khá dài của mình, thầy đã làm nhiều nghề, nhiều việc: viết tiểu thuyết, viết phê bình, nghiên cứu, làm xuất bản, dạy học, làm nghề châm cứu. Cái quan định luận, người đời chắc còn bàn luận nhiều về các công việc thầy đã làm, từ nhiều góc độ khác nhau. Kết thúc cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), thầy đã viết: “Thấy một người đi qua hay đọc một cuốn sách, ta sẽ phải hỏi: Nó có ích gì không? Phải, con người kia, cuốn sách kia có ích gì không, trong cái trầm luân mênh mang và trong cái ước vọng thân thiết của loài người”. Thầy là một người đã đi qua cõi đời này, phải chăng với thời gian, những cái vẩn đục của cuộc sống sẽ dần lắng xuống, và vĩnh viễn còn lại là những cống hiến cho đời?.


Source: 
01-10-2020
Tags