KỈ NIỆM 70 NĂM KHOA NGỮ VĂN: TỰ HÀO VÀ BƯỚC TIẾP

Nhưng có lẽ chúng tôi khác với tác giả trong bài thơ trên. Vì mỗi lần có dịp đi qua Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chúng tôi không thấy mình già đi, cũng không thấy Khoa Ngữ văn có gì khác lạ hơn, mà thấy thân quen, gần gũi vô cùng, vẫn tựa như mới ngày hôm qua thôi - khi chúng tôi vẫn là những cô cậu sinh viên cắp sách đến giảng đường. Nhưng rồi chợt nhận ra: cũng đã hơn chục năm, kể từ ngày chúng tôi tốt nghiệp đại học, xa thầy cô, xa mái trường... Chúng tôi là những sinh viên của Khoa Ngữ văn khóa 56 (2006 - 2010).

Khoa Ngữ văn giờ đây khang trang hơn trước, có những chiếc biển hiệu chỉ dẫn đường xinh xinh, nhưng khuôn viên Khoa vẫn vậy. Trước cửa Khoa vẫn là thảm cỏ xanh mướt quanh năm, những cây thuộc họ lá cọ mọc lúp xúp tỏa bóng mát mà hồi xưa lũ sinh viên chúng tôi mỗi khi đi học sớm vẫn ngồi dưới tán cây để đọc sách, để bình thơ và khúc khích cười với nhau; vẫn cây hoàng yến bung nở hoa vàng rực mỗi độ hạ về và cũng là chứng nhân cho biết bao cuộc chia tay của các khóa sinh viên ra trường...

Chúng tôi là thế hệ “êm ả” của Khoa Ngữ văn, vì chúng tôi được học tập ở Khoa vào thời hòa bình, đất nước đã lặng im tiếng súng. Đất nước đã mở cửa với nền kinh tế thị trường. Thế hệ chúng tôi sống đầy đủ hơn, không phải chịu cảnh bom đạn, đói khổ nh biết bao nhiêu thế hệ thầy cô, cô chú, anh chị các khóa trước. Sau này, khi tìm hiểu về lịch sử của Khoa Ngữ văn từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi không chỉ ngưỡng mộ mà còn thầm cảm ơn những thế hệ đi trước đã dệt nên bề dày truyền thống của Khoa, không chỉ trên giảng đường, bằng mực đen phấn trắng mà còn bằng xương máu của mình cho Tổ quốc.

Khóa 56 cũng là một khóa “gặp may” hơn những khóa khác. Sau khi chúng tôi nhập học không lâu, Khoa và trường đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (1951-2006). Đây cũng là dịp để những tân sinh viên vừa “chân ướt chân ráo” bước vào giảng đường như chúng tôi có cơ hội để tìm hiểu và biết thêm về truyền thống lịch sử đầy tự hào của Khoa.

Những tháng ngày bỡ ngỡ ban đầu của sinh viên năm thứ nhất qua nhanh, để rồi không rõ từ khi nào, giảng đường nhà B đã trở thành ngôi nhà chung quen thuộc của hơn 100 sinh viên khóa 56. Giờ đây, những ngày tháng trên giảng đường của 4 năm đó, chúng tôi sẽ không bao giờ lấy lại được nữa, mãi mãi trở thành phần ký ức đẹp, lưu giữ trong tâm trí mỗi người. Đó là những giờ học bộ môn Văn học dân gian và Văn học trung đại với những phân tích sâu sắc của cô Phạm Thu Yến, thầy Nguyễn Đăng Na, thầy Vũ Anh Tuấn, thầy Nguyễn Việt Hùng, thầy Lã Nhâm Thìn; là những giờ học Văn học Việt Nam hiện đại với những lời bình giảng ấm áp của thầy Chu Văn Sơn, Trần Văn Toàn, Trần Đăng Xuyền, Nguyễn Văn Hiếu, cô Nguyễn Phượng...; là những giờ giảng về Văn học nước ngoài của các thầy Đỗ Hải Phong, Lê Huy Bắc; là những giờ học về ngôn ngữ và từ vựng của thầy Đỗ Việt Hùng, cô Lương Thị Hiền...; là những giờ học bộ môn Lý luận văn học của thầy Trần Ngọc Hiếu mà điều khiến chúng tôi thích thú là những danh mục sách tham khảo thầy hướng dẫn tìm đọc và suy ngẫm; là những giờ học bộ môn Hán Nôm của thầy Vũ Huy Vĩ, cô Nguyễn Thị Tú Mai với nhiều sinh viên chúng tôi khi đó là “nỗi kinh hoàng” vì... không nhớ mặt chữ. Có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với các thầy các cô, thật khó để kể hết bằng lời.

Sinh viên khóa 56 chúng tôi cũng là một khóa “đặc biệt” khi được học trong bối cảnh “giao thời” giữa các thế hệ thầy cô. Sau này, chúng tôi được biết, bắt đầu từ năm 2002, Khoa Ngữ văn bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ lớn nhất trong lịch sử của Khoa (chỉ tính riêng trong năm 2002 đã có tới 9 GS, 7 PGS nghỉ hưu). Khi ấy, 1/3 các thầy cô giảng dạy của Khoa ở độ tuổi dưới 30. Khi chúng tôi nhập học, các thầy cô của thế hệ giảng viên trẻ là những người trực tiếp giảng dạy, bên cạnh các thầy cô “gạo cội”. Chúng tôi thường nói vui với nhau rằng chúng ta được đào tạo bởi cả hai thế hệ của các thầy cô Khoa Ngữ văn, là “đứa con của buổi giao ca thế hệ”.

Nhưng cũng chính điều này đã giúp Khoa Ngữ văn trở nên thú vị hơn, như được tiếp thêm luồng sinh khí mới: các phong trào Đoàn, phong trào thể thao, văn nghệ của Khoa bao giờ cũng sôi động hơn, mạnh mẽ hơn nhờ sự cổ vũ của các thầy cô giáo trẻ làm công tác Đoàn. K56 khi ấy được cho là đông con trai nhất trong các khóa (con trai Khoa Văn xưa nay vốn như “lá mùa thu”), song vẫn đủ thành lập một đội bóng đá của Khoa. Được sự khích lệ của các thầy cô, và cũng để chứng minh rằng phong trào bóng đá của Khoa Ngữ văn “không phải dạng vừa đâu”, những năm 2008-2009, đội bóng đá nam đã lọt vào vòng chung kết, sau đó đã thắng đội bóng đá của Khoa Toán - Tin (con trai Khoa này vốn “đông như quân Nguyên”) và giành cúp vô địch trong giải bóng đá của trường. Đám sinh viên nam Văn khoa khi đó vui lắm, tuyên bố rằng đây là “bước ngoặt lịch sử” của bóng đá Khoa Ngữ văn. Nhưng quả thực, phải thừa nhận một cách đầy tự hào rằng, bên cạnh việc giảng dạy và học tập, các phong trào Đoàn, phong trào thể thao và văn nghệ của Khoa Ngữ văn bao giờ cũng sôi động, đầy nhiệt huyết, từ các thầy cô trẻ phụ trách cũng như từ các khóa sinh viên như vậy.

Cứ thế, thế hệ sinh viên Ngữ văn khóa 56 đã cùng nhau học tập, vui chơi dưới mái giảng đường nhà B với biết bao kỷ niệm. Để rồi một ngày kia, chúng tôi hụt hẫng khi nhận ra 4 năm học đã trôi qua tự khi nào, đã đến lúc chúng tôi phải rời xa Khoa, rời xa thầy cô, bạn bè...

 Sau hơn chục năm, đến nay mỗi người đều theo đuổi những công việc và xây dựng cuộc sống riêng của mình. Có người đi dạy học, có người chuyển sang ngành khác. Nhưng tất cả đều mang trong mình hành trang kiến thức và những kỷ niệm đầy ắp từ Khoa Ngữ văn thân yêu. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn nhớ trong lần nói chuyện với sinh viên K56 khi vừa nhập học, thầy Lã Nhâm Thìn, Trưởng Khoa Ngữ văn khi đó đã hỏi: “Các em có biết người học Khoa Văn, nhất là sau này làm những người thầy cô giáo dạy văn, thứ quan trọng nhất và khác biệt với những ngành nghề khác là gì không?”. Lũ sinh viên chúng tôi khi đó đứa thì đáp “là kiến thức ạ”, đứa thì trả lời “là chuyên môn ạ”, đứa thì bảo “là tác phong sư phạm ạ”... Thầy Thìn chỉ cười và nói: “Là tính nhân văn trong mỗi con người chúng ta các em ạ. Người học văn là phải có tính nhân văn”.

Thỉnh thoảng, chúng tôi có dịp gặp nhau, bên cạnh việc kể lại chuyện cũ thời sinh viên, hỏi thăm thầy cô trong Khoa, nhiều người còn kể vừa đọc một cuốn tiểu thuyết hay quá. Và không hiểu sao đọc xong, gấp cuốn sách lại rồi, nước mắt cứ ứa ra, rồi thút thít khóc như đứa trẻ. Có lẽ tâm hồn của người đó nhạy cảm quá chăng? Thiết nghĩ, khi tâm hồn con người ta còn biết rung động trước cái đẹp, biết phẫn uất trước những cái xấu, cái bất công, tức là chúng ta vẫn là Con Người theo đúng nghĩa. Cơm áo gạo tiền đè nặng cùng với bao cám dỗ của xã hội thời buổi kinh tế thị trường hỗn tạp, may thay, đến hôm nay, sinh viên khóa 56 chúng tôi vẫn chưa ai bị sa ngã... Có lẽ thứ níu giữ chúng tôi cũng chính là lời thầy cô đã dạy, đó là “giữ lấy tính nhân văn của người học văn”.

Hôm nay, viết lại những dòng kỷ niệm nho nhỏ này, một lần nữa, thế hệ sinh viên khóa 56 (2006 - 2010) xin được gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các thầy cô. Cảm ơn mái nhà Văn khoa đã đem đến những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất, đầy ắp yêu thương, ân tình và ấm áp của cuộc đời con người!

 


Source: 
25-03-2022
Tags