KỈ NIỆM 34 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN VÀ 79 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Ngày 22/12 là ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại, là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhân kỉ niệm 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023), Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội kính chúc các đồng chí Cựu chiến binh, Thanh niên Xung phong là cán bộ, sinh viên khoa Ngữ văn qua các thời kì lời tri ân chân thành. Xin kính chúc các đồng chí và gia đình mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc!

Khoa Ngữ văn xin thành kính tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Trước thềm Ngày lễ trọng đại này, Khoa Ngữ văn đã tổ chức cho cán bộ và sinh viên một số hoạt động về nguồn: Tưởng niệm, tri ân tại một số Nghĩa trang Liệt sĩ ở Miền Trung, Tưởng niệm và tri ân các Anh hùng liệt sĩ Trung đoàn Tây Tiến. Khoa Ngữ văn xin giới thiệu một số hình ảnh và bài viết của TS. Nguyễn Thị Hồng Ngân. Trân trọng!

Nằm cách nghĩa trang Trường Sơn 30km về phía Đông Nam, nghĩa trang Đường 9 là nơi yên  nghỉ của gần 10.000 liệt sĩ trong đó có khoảng 1/3 là liệt sĩ vô danh. Các thế hệ cha anh đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hi sinh trong các mặt trận khốc liệt Khe Sanh, đường 9 và mặt trận Nam Lào.

Trong kháng chiến chống Mĩ, Đường số 9 là con đường chiến lược nối biên giới Việt-Lào với Đông Hà. Dọc trục Đường số 9, đế quốc Mĩ cho xây dựng rất nhiều căn cứ quân sự, cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt con đường chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường tiền tuyến lớn miền Nam. Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh thực hiện nhiệm vụ thu hút, giam chân và làm tiêu hao một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của địch (chủ yếu là lính Mỹ), góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho toàn miền Nam, trước hết là khu vực Bình Trị-Thiên-Huế thực hiện đòn chiến lược tổng tiến công Tết Mậu Thân năm1968. Mặt trận Khe Sanh rất quan trọng bởi nếu không có chiến thắng ở Khe Sanh thì Mĩ sẽ không chịu rút quân khỏi Việt Nam. Và chỉ 1 chút nữa thì Khe Sanh đã là một Điện Biên Phủ thứ 2 của dân tộc Việt Nam dành cho đế quốc Mĩ. Mĩ và chư hầu đã phải dồn mọi sức lực để cứu Khe Sanh. Nhắc đến chiến tranh chống Mĩ lịch sử không thể không nhắc đến mặt trận bỏng rát Khe Sanh - Quảng Trị- Đường 9- Nam Lào. (Theo lời kể của một thương binh, CCB bố - người có một thời gian trực tiếp tham gia chiến trường khốc liệt này)

Trên quả chuông tại lễ đài có 4 câu thơ của GS Vũ Khiêu:

" Hồi chuông vị quốc rung Nam Bắc

Ngọn lửa anh linh rực góc trời

Muôn dặm từng vang đường số 9

Ngàn thu còn mãi tuổi 20"

Quảng Trị một ngày mưa. Xin kính dâng một nén nhang thơm tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ!

TS. Nguyễn Thị Hồng Ngân

 

 

 

 


Source: 
21-12-2023
Tags