KÍ HIỆU HỌC GIỚI/GIỚI TÍNH

Tóm tắt: Bài viết giới thiệu lí luận và thực hành phân tích về kí hiệu học giới/giới tính của Darlene M. Juschka trong cuốn “Kí hiệu học giới: thân thể chính trị/ chính trị thân thể”. Với quan niệm coi giới/giới tính là thứ được kiến tạo trong lịch sử, Juschka chỉ ra con người đã dùng kí hiệu – tượng trưng, thần thoại, nghi thức để kiến tạo giới/giới tính. Kí hiệu – tượng trưng, thần thoại, nghi thức lại mượn công cụ ngôn ngữ tương ứng là đề dụ, ẩn dụ và hoán dụ và thể hiện trong các lĩnh vực tương ứng là siêu hình học, xã hội, và sinh vật học. Hệ thống kí hiệu giới/giới tính luôn được tái kiến tạo trong lịch sử và luôn được diễn giải lại khiến cho nội hàm ý nghĩa của nó luôn được mở rộng, phong phú thêm. Từ khóa: kí hiệu học, giới tính, thần thoại, nghi thức, tượng trưng.                                                                            

I. Mở đầu

Giới/ giới tính là một vấn đề được nhiều ngành khoa học quan tâm, có điều, các ngành khoa học xuất phát từ các góc độ khác nhau để nghiên cứu: sinh học xuất phát từ các nhân tố thuộc về cơ thể; Dân tộc học xuất phát từ góc độ nghi thức thần thoại và ý chí dân tộc; Chủ nghĩa Mác lại xuất phát từ góc độ kinh tế chính trị; Phân tâm học xuất phát từ góc độ tính dục; Chủ nghĩa hậu cấu trúc xuất phát từ tính kiến tạo và tính quy ước của ngôn ngữ văn hóa, coi giới là thứ kiến tạo diễn ngôn; Chủ nghĩa nữ quyền lại muốn làm rõ sự vận hành của hình thái ý thức, muốn tìm thấy tiếng nói của giới mình trong thế giới được cấu tạo bởi diễn ngôn của đàn ông, giải phóng thân thể bị đè nén… Nghiên cứu về giới/giới tính từ góc độ kí hiệu học cũng đã được quan tâm, nhưng rất ít chuyên luận riêng về “kí hiệu học giới/giới tính”. Có thể nói, cho đến nay, cuốn Kí hiệu học giới: thân thể chính trị/ chính trị thân thể (Political bodies/body politic: the semiotics of gender, Equinox Publishing ltd 2009) của Darlene M. Juschka là “chuyên luận duy nhất lấy “kí hiệu học giới/giới tính” làm tiêu đề”[1]. Tác giả đã vận dụng kí hiệu học và phương pháp phân tích hệ thống để nghiên cứu giới/giới tính. Bài viết này chủ trương giới thiệu bộ công cụ lí luận lí giải hệ thống kí hiệu giới/ giới tính và những thực hành nghiên cứu của Juschka trong chuyên luận trên với hi vọng giới thiệu một hướng nghiên cứu kí hiệu học cũng như những kiến giải về vấn đề giới/ giới tính.

2. Nội dung

            Darlene M. Juschka, tiến sĩ hiện tượng học tôn giáo (nghi thức, thần thoại và kí hiệu) tại đại học Toronto, từng chủ trì đề tài Nghiên cứu phụ nữ và giới tính, hiện công tác tại khoa Nghiên cứu tôn giáo Đại học Regina, Canada[2]. Khi viết chuyên luận Kí hiệu học giới bà đã tiếp thu nhiều nguồn lí luận, như: lí luận hình thái ý thức của Adonor, Gramsci, lí luận diễn ngôn của Focault, triết học ngôn ngữ của Barthe, lí luận Chủ nghĩa nữ quyền của Judith Butler… và các thành quả nghiên cứu của nhân loại học, thần thoại học, mĩ học điện ảnh. Bà muốn thông qua kí hiệu học góp thêm một cái nhìn về vấn đề giới/ giới tính, xây dựng mô hình phân tích riêng để khảo sát sự sinh thành, phát triển và phát huy tác dụng của giới/giới tính.

2.1. Công cụ lí luận nghiên cứu giới/ giới tính

            Trước khi tiến hành xây dựng bộ công cụ lí luận nghiên cứu giới/giới tính dưới góc độ kí hiệu học, Juschka đưa ra giới thuyết về giới/ giới tính. Về vấn đề giới/giới tính, đến nay, trên thế giới tồn tại hai quan điểm, một quan điểm cho rằng giới là phạm trù thuộc lĩnh vực tự nhiên (giới – sex), một quan điểm cho rằng giới là phạm trù thuộc lĩnh vực xã hội (giới – gender), giới/giới tính với tư cách là phạm trù thuộc lĩnh vực tự nhiên thì được coi là vĩnh hằng bất biến, còn giới với tư cách là phạm trù xã hội lại biến đổi không ngừng cùng với sự biến đổi văn hóa xã hội. Juschka không tách bạch hai khái niệm đó, bà tán đồng với quan niệm cho rằng giới/ giới tính là phạm trù được quyết định bởi lịch sử xã hội, được cấu thành trong diễn ngôn chính trị, hai thứ có quan hệ bổ sung cho nhau cùng sản sinh ra hệ thống kí hiệu giới/ giới tính hoặc hình thái ý thức giới/ giới tính. Bà thừa nhận giá trị trong nghiên cứu về giới của nhân loại học nhưng không đồng tình với cách đóng khung giới trong ngữ cảnh ban đầu, coi nó là chỉnh thể cố định và riêng biệt. Bà tán thành với nghiên cứu văn hóa và các hướng nghiên cứu chịu ảnh hưởng của nghiên cứu văn hóa đã phân tích hình thái ý thức xã hội giới/ giới tính, coi giới/ giới tính là kí hiệu ngôn ngữ cấu thành chủ thể xã hội. Nhưng bà cho rằng, những nghiên cứu này chưa đánh giá đúng mức nội hàm thực sự của “giới/ giới tính”. Bà hứng thú với việc lí giải cơ chế và logic của hình thái ý thức giới/ giới tính, khẳng định giới/ giới tính là một phạm trù quan trọng quyết định tổ chức xã hội, xuyên thấu chủ thể xã hội.

            Với quan niệm giới/giới tính do diễn ngôn kiến tạo, Juschka cho rằng sự kiến tạo này dựa vào ba loại tự sự tiêu biểu là kí hiệu - tượng trưng, thần thoại, nghi thức. Kí hiệu - tượng trưng, thần thoại, nghi thức là cơ chế kí hiệu hóa, cung cấp, trần thuật ý nghĩa xã hội, trở thành bộ phận cấu thành hệ thống tín ngưỡng và thực tiễn trong chủ thể cấu tạo xã hội. Ba loại tự sự này tương ứng với ba lĩnh vực: lĩnh vực siêu hình học, lĩnh vực xã hội và lĩnh vực sinh vật học. Ba loại tự sự này lại mượn ba công cụ ngôn ngữ tương ứng là đề dụ, ẩn dụ và hoán dụ. Đề dụ liên kết kí hiệu – tượng trưng và siêu hình học, ẩn dụ liên kết thần thoại và xã hội, hoán dụ liên kết nghi thức và sinh vật học. Thần thoại là trung gian giữa nghi thức và kí hiệu – tượng trưng, đồng thời thông qua quan hệ với chúng mà có được tính quyền uy và tính chân thực.

            Ở đây, Juschka cho rằng thần thoại là loại hình truyện kể có kết cấu đặc thù, chú trọng tìm ra chân tướng của tồn tại, giới/ giới tính, nhân loại…. Những thần thoại này trở thành một bộ phận cấu thành hệ thống tín ngưỡng và thực tiễn. Bên cạnh đó còn có những thành tố của thần thoại được coi là chân lí sâu sắc, thường được vận dụng trong tiêu chuẩn văn hóa dân gian và cũng có thể trong bất kì bộ phận nào của chủ thể xã hội, trở thành những quy phạm. Theo Juschka, “ở phương diện giới tính, những thành tố của thần thoại như “đàn ông săn bắn, đàn bà hái lượm”, phần lớn được người châu Âu dùng để lí giải chân tướng của giới/ giới tính[3]Thần thoại và thành tố thần thoại có vai trò quan trọng trong việc tạo hình và giám sát chủ thể xã hội. Theo Juschka, nghi thức “cũng giống như thần thoại, bị coi là thuộc về truyền thống, được xây dựng dựa trên những thứ được tin là tiêu chuẩn chân thực, như vậy, nghi thức có giá trị hình thái ý thức”[4]. Nghi thức thường được dùng để lí giải và nhận thức những thứ tiềm chất nào đó của nhân loại. Loại giới tính điển hình được vẽ ra trong kết cấu nghi thức và được giả thiết thành quyền uy bất biến. Chẳng hạn, nghi thức trưởng thành đưa trẻ con vào trạng thái giới/ giới tính hóa. “Đương nhiên, ngay từ đầu quá trình này đã giả thiết giữa đàn ông và đàn bà tồn tại sự khác biệt cơ bản và tất yếu. Giả thiết này đã có cơ sở từ trong thần thoại, được xác lập trong nghi thức và hữu hình trong kí hiệu – tượng trưng”. Còn kí hiệu – tượng trưng là “hình tượng, hình trạng, đối tượng, từ ngữ, đoản ngữ hoặc tư thế được phú cho ý nghĩa văn hóa, được thực hiện trong ngôn ngữ và thông qua ngôn ngữ”[5]. Kí hiệu – tượng trưng được tạo hình thông qua quan hệ với thần thoại, nghi thức, mang ý nghĩa rộng hơn nghĩa mặt chữ. Chẳng hạn cái cuốc trong hôn lễ của người Nso tượng trưng cho giới/ giới tính, huyết thống, tổ tiên, đất đai… Thần thoại, nghi thức, kí hiệu – tượng trưng tương tác lẫn nhau, làm cho toàn bộ việc sử dụng ý nghĩa kí hiệu luôn sinh thành, biến động. Từ đó có thể thấy, hình thái ý thức giới/ giới tính không phải là cái có sẵn, mà là cái được kiến tạo. Khi coi ý nghĩa là do ngôn ngữ cấu thành, giới/giới tính được cấu tạo trong diễn ngôn, những bàn luận của Juschka về giới/ giới tính trở thành bàn luận về sự sinh thành, truyền bá và tích lũy ý nghĩa, bàn luận về sự sinh thành, phát triển và phát huy vai trò của giới/ giới tính.

2.2. Thực hành phân tích hệ thống kí hiệu giới/ giới tính

            Kí hiệu học giới đã khám phá sự sản sinh và vận hành của hình thái ý thức giới/giới tính trong các hiện tượng và văn bản khác nhau, bao gồm văn bản văn tự, nghi thức tôn giáo, chính trị hiện đại, từ đó cho thấy hình thái ý thức giới/ giới tính đã thấm thấu vào các tầng diện như thế nào.

Trước hết, Juschka quan tâm đến vấn đề vai trò của thần thoại trong hệ thống kí hiệu giới/ giới tính. Bà nhận ra, lí luận đối lập nhị nguyên giữa đàn ông và đàn bà đã tiềm ẩn trong thần thoại. Các cặp đối lập dã man/ văn minh, đàn ông/ đàn bà, phi lí tính/ lí tính… đều đã có trong thần thoại và chúng có được ý nghĩa trong sự đối lập.  Bà đã nghiên cứu tìm ra sự gặp gỡ giữa thần thoại và những người theo Chủ nghĩa nữ quyền thông qua trường hợp của Angela Carter. Trong Anh hùng và côn đồ (1969), nữ văn sĩ này trước hết đã hóa giải giới/ giới tính, sau đó lại thần thoại hóa giới/giới tính. Thông qua khảo sát tác phẩm của Carter tác giả nhận ra Carter đã làm nổi bật tầm quan trọng của thần thoại và kí hiệu – tượng trưng, coi nó là một bộ phận không thể thiếu trong khái niệm tính chủ thể giới/ giới tính ở Tây Âu. Sở dĩ thần thoại có quyền lực trong hệ thống kí hiệu giới/ giới tính là vì thần thoại là lịch sử bị áp chế. Với tư cách là lịch sử bị áp chế, sức mạnh của thần thoại nhiều khi vượt xa lịch sử. Với tư cách là vô thức của lịch sử, thần thoại tiềm tàng trong lịch sử và những thứ liên quan, xây dựng lên những chân lí không được thấy rõ ràng, không thể kiểm chứng nhưng lại rất xác định. Gốc của tự sự lịch sử nằm ở chỗ thông qua quan hệ với thần thoại và bị thần thoại hóa. Vì thế, một phương diện quan trọng trong sức mạnh của thần thoại đến từ quan hệ giữa thần thoại và lịch sử. Cũng như thần thoại nguyên thủy, thành tố của thần thoại cũng trở thành sợi dây độc lập hoặc chủ đề cơ bản của tự sự thần bí về chân tướng văn hóa. Carter đã sử dụng tự sự phản không tưởng đầy sự hoài nghi và tưởng tượng của chủ nghĩa siêu thực để làm lộ ra quan hệ giữa thần thoại và lịch sử, giữa vô thức và ý thức. Nhà văn hi vọng sách lược tự sự này cuối cùng có thể thách thức lí luận nhị nguyên có nguồn gốc từ thần thoại.

            Hệ thống kí hiệu giới/ giới tính xuất hiện dựa trên những kí hiệu ngôn ngữ như đàn ông(man)/ đàn bà (wonman), nam tính (masculine)/ nữ tính (feminine), đực (male)/ cái (female). Nữ tính gắn với phi lí tính, còn nam tính gắn với lí tính, đàn bà gắn với tái sản xuất, còn đàn ông gắn với sản xuất, giống cái thì mềm mại còn giống đực thì cứng cáp. Trong xã hội nam quyền, giá trị phụ diện được gán cho đàn bà, nữ tính, giống cái, còn giá trị chính diện thì gán cho đàn ông, nam tính, giống đực. Bất kì khái niệm nào được phát triển trong hệ thống kí hiệu giới/ giới tính hoặc trong logic nhị nguyên đều mang theo giá trị chính và giá trị phụ đó. Các nhà nữ quyền chủ nghĩa đã phê phán kịch liệt điều này, nhưng điều họ không chú ý là, từ nửa cuối thế kỉ 18, sự đối lập nam và nữ chỉ là sự tái kiến tạo của thành tố thần thoại. “Trong hệ thống kí hiệu giới/ giới tính, tự sự thần thoại được vận dụng tồn tại trong lĩnh vực xã hội và được nhấn mạnh thông qua công cụ ngôn ngữ ẩn dụ, trở thành cơ sở cho sự sinh thành quan hệ xã hội nam nữ. Khi được miêu tả trong lĩnh vực siêu hình và lĩnh vực sinh vật học, những tự sự thần thoại này được hợp pháp hóa và tự nhiên hóa, đến nỗi, nam tính, nữ tính, đực, cái được chuyển hóa thành cái gọi là bản tính của con người”. Carter thông qua sáng tác của mình tỏ ra nghi ngờ nhị nguyên đối lập đó, nhân vật trong tác phẩm của nhà văn cũng muốn tiến hành đối kháng với những điều có trong thần thoại. Trong tiểu thuyết của Carter, chủ thể bản chất chủ nghĩa, nhân tính vĩnh hằng bị bài trừ.

            Mô hình phân tích đối lập nhị nguyên tương đối điển hình là mô hình “thợ săn và vật bị săn” tồn tại trong Iliad và Odyssey của Homer. Bà cho rằng, đối lập nhị nguyên giữa thợ săn và vật bị săn có liên quan đến khí chất đàn ông, săn bắn và hạt nhân của chiến tranh. Đối lập nhị nguyên này đã liên kết thành tố thần thoại “đàn ông – thợ săn” và thành tố thần thoại “đàn ông – chiến sĩ” (cả hai đều là mô hình được giới/ giới tính hóa). Chính mô hình “thợ săn/ vật bị săn” đã mang đến quan hệ ẩn dụ cho khí chất đàn ông, săn bắn và chiến tranh. Như vậy sẽ có thể khẳng định, trong quan hệ ẩn dụ, giống đực/ đàn ông/ nam tính tương quan với thợ săn, còn giống cái/ phụ nữ/ nữ tính lại tương quan với vật bị săn. Tác giả muốn tìm hiểu đối lập nhị nguyên “thợ săn /vật bị săn” làm thế nào có thể liên kết với thành tố thần thoại “đàn ông – thợ săn”. Tác giả cho rằng, thành tố thần thoại “đàn ông – thợ săn” xuyên suốt suy luận ở Tây Âu, cái chết của thợ săn là sự hi sinh sinh mệnh mình cho các thành viên khác trong cộng đồng. “Đàn ông – thợ săn” và “đàn ông – chiến sĩ” là thành tố thần thoại có sức sống mạnh mẽ. Trong chiến tranh, con người đồng thời là thợ săn và vật bị săn. Tiếp nữa, chiến tranh bị giới/ giới tính hóa một cách điển hình. Trong chiến tranh, cho dù phụ nữ được vũ trang hóa thì cũng luôn bị coi nhẹ, bị coi là đội tùy tùng mà thôi. Với tư cách là người có khí chất nữ/ giống cái, phụ nữ không được đánh dấu nhận dạng là chiến sĩ. Ngay cả khi đội quân nữ amazon của Hi lạp cổ đại cũng bị coi là phụ nữ đàn ông hóa và bị bài trừ. Khí chất đàn ông được thực hiện thông qua đảm nhiệm vai trò thợ săn. Đàn ông với tư cách là chiến sĩ được coi là biểu trưng cho khí chất đàn ông, tự sự về anh hùng hi sinh bản thân mình cho tập thể được tuyên truyền cho các chiến sĩ. Bản thân việc dấn thân vào chiến tranh chính là quá trình nghi thức hóa, trại huấn luyện tân binh giống như nghi thức trưởng thành, sau thời kì huấn luyện, họ chính thức được coi là chiến sĩ, là một thành viên của tập thể, sẵn sàng hi sinh vì tập thể, coi sự hi sinh cho tập thể là vinh quang, cao cả. Chiến tranh cổ đại và hiện đại đã sử dụng tự sự bi kịch về anh hùng để cổ vũ đàn ông. Như vậy, thần thoại là một phương thức quan trọng trong việc mã hóa chủ thể xã hội. Cả về vĩ mô lẫn vi mô, thần thoại đều bàn đến vấn đề tồn tại - tồn tại của con người, hình thức tồn tại thích đáng…. Thần thoại là một phương tiện làm cho hình thái ý thức giới/ giới tính sinh thành và hợp pháp hóa. Chúng ta dùng giới/ giới tính để nhận thức bản thân, hiểu được giới, cái gì là quan trọng của giới, giống như nam thanh niên cần hi sinh sinh mệnh để hiểu được ý nghĩa của việc mình là một người đàn ông “đích thực”.

            Về nghi thức, tác giả nghiên cứu quan hệ giữa nghi thức và thân thể giới. Nghi thức cũng là cơ chế làm cho hình thái ý thức hợp pháp hóa. Trên phương diện giới/ giới tính, nghi thức là cơ chế hữu hiệu nhất, vì nghi thức vận dụng trên thân thể và thực hiện thông qua thân thể. Juschka tập trung phân tích biểu diễn nghi thức hóa về giới/giới tính thông qua việc ma nhập và trừ ma. Thân thể phụ nữ bị coi là nhiều lỗ và mềm yếu, ẩm ướt nên dễ bị tà ma xâm nhập, còn thân thể đàn ông kín, khô nên không dễ bị ma nhập, nhưng một khi đã bị nhiễm khí chất phụ nữ thì cũng dễ trở thành đối tượng bị tấn công. Tác giả khẳng định “trong kết cấu diễn ngôn cơ bản nhất, ma nhập và trừ ma, vu thuật và trừng phạt ngay từ khi xuất hiện đã là sự mã hóa của giới/ giới tính”[6]. Nghi thức là một phương tiện quan trọng, thông qua nghi thức, thân thể bị ma nhập hoặc nữ chủ tế nói ra chân tướng. Nghi thức không chỉ là sự lí giải về ma nhập, trừ ma, vu thuật, mà còn có vai trò quan trọng trong việc lí giải sự mã hóa giới/ giới tính. Thân thể là hạt nhân của mã hóa giới/ giới tính, ma nhập, trừ ma, nghi thức. Trong nghi thức trừ ma, khí chất phụ nữ - nữ tính và khí chất đàn ông – nam tính đối lập nhau. Phụ nữ dễ bị ma nhập, cần phải được giải cứu và quy phạm. Những người phụ nữ sa ngã này là nỗi hổ thẹn của cộng đồng. Nghi thức là thứ được biểu diễn, thông thường là biểu diễn công khai, trong biểu diễn nghi thức, giới/ giới tính được trần thuật, được xác lập và thể hiện ra thông qua hình thức cụ thể. Trong quá trình hình thành quan niệm này, thân thể phụ nữ trở thành thứ quốc gia, giáo hội, đàn ông muốn khống chế và thao túng.            

            Về tượng trưng – kí hiệu, Juschka coi thân thể là kí hiệu – tượng trưng để nói về giới/ giới tính. Tác giả dùng hiện tượng võ sĩ giác đấu thời cổ đại La Mã để lí giải giới/ giới tính được mã hóa như thế nào trong thế giới hiện đại.  Juschka bàn luận về việc khí chất đàn ông – giống đực được tượng trưng hóa và kí hiệu hóa trong chiến đấu. Đồng thời tác giả cũng chú ý bàn luận về vấn đề kí hiệu khí chất đàn ông – giống đực trong điện ảnh, và bàn luận về vấn đề La Mã cổ đại kiến tạo những ý niệm lịch sử như như thế nào. Bà cho rằng bộ phim Võ sĩ giác đấu (2000) của đạo diễn Ridley Scott là một điển hình cho kí hiệu về khí chất đàn ông – giống đực. Qua quan hệ giữa cổ đại và hiện đại có thể thấy La Mã cổ đại thường đảm nhiệm nhiệm vụ cung cấp cơ sở thần thoại cho đàn ông, khí chất đàn ông, giống đực. Đấu trường La Mã hình tròn thể hiện sự sắp xếp diễn ngôn quyền lực, vị trí ghế ngồi được phân đẳng cấp dựa theo giai cấp và giới/ giới tính. Hoàng đế ở vị trí tối cao, còn võ sĩ giác đấu tượng trưng cho khí chất đàn ông mất khả năng kiểm soát bản thân, vì thế, ở phương diện phóng túng, họ cùng loại với giới nữ. Họ thể hiện khí chất đàn ông phản nghịch, mất khả năng kiểm soát, thể hiện sự tàn bạo, thái quá và dã man. Võ sĩ giác đấu trở thành kí hiệu - tượng trưng cho giới/ giới tính thiếu lí trí dẫn đường. Trên phương diện xã hội và siêu hình, trong hình thái ý thức giới/ giới tính của La Mã cổ đại, hình tượng võ sĩ giác đấu là kí hiệu biểu hiện giá trị phụ diện, thể hiện sự không cao quý, không quyền uy. Đặc trưng tàn bạo, dã man khiến họ bị kí hiệu hóa thành tột cùng của xấu xa. Chỉ trong đấu trường, - đấu trường với tư cách là nơi biểu diễn nghi thức, sức mạnh tiềm tại của khí chất đàn ông của họ mới được hợp pháp hóa. Bộ phim Võ sĩ giác đấu đã diễn giải lại thần thoại, mang đến một khái niệm mới về đế quốc La Mã và về võ sĩ giác đấu. Bộ phim đã ngầm chỉ ra sự tương đồng giữa đế quốc La Mã và đế quốc Mĩ, thần thoại La Mã trở thành công cụ để nói về thần thoại nước Mĩ. Bên cạnh đó, bộ phim sử dụng lịch sử La Mã trong tưởng tượng để kí hiệu hóa khí chất đàn ông vĩnh hằng chân chính trong thời hiện đại. Nhân vật Maximus được thần thoại hóa với đặc điểm chính nghĩa, trung thực, trung thành, dũng cảm, tiêu biểu cho hình thái ý thức giới/ giới tính trong chế độ phụ quyền mang tính lí tưởng từ thời La Mã. Dường như khí chất đàn ông thời La Mã cổ là nguồn cội chân thực chân chính của khí chất đàn ông, nó cần phải được tìm lại, kí hiệu hóa để khôi phục trật tự tự nhiên - đàn ông thống trị. Rõ ràng, trong Võ sĩ giác đấu, thần thoại và kí hiệu – tượng trưng về võ sĩ giác đấu đã được tái kí hiệu hóa.

3. Kết luận

             Kí hiệu học giới/ giới tính của Juschka đặt trọng tâm nghiên cứu là vấn đề giới/giới tính. Với tư cách là một phạm trù xã hội, giới/giới tính luôn bị quyền lực, chính trị chi phối, thẩm thấu. Giới/ giới tính trở thành bộ phận cấu thành chủ thể xã hội, có mặt khắp nơi và liên quan đến nhiều lĩnh vực. Các quy phạm liên quan đến giới/giới tính như đàn ông, đàn bà, khí chất đàn ông cùng những đặc tính liên quan luôn được kiến tạo và vận động trong lịch sử. Thông qua thần thoại, nghi thức, kí hiệu – tượng trưng, hình thái ý thức giới/giới tính được lí tính hóa, công thức hóa, hợp pháp hóa, trở nên chân thực và được ứng dụng thông qua lĩnh vực xã hội, sinh vật và siêu hình, và được phú cho ý nghĩa thông qua các công cụ ngôn ngữ như ẩn dụ, hoán dụ, đề dụ. Phạm trù giới/giới tính đã được kí hiệu hóa trong lịch sử, và trong các thời kì khác nhau với các điều kiện lịch sử văn hóa chính trị khác nhau, kí hiệu này được tái diễn giải, tái kí hiệu hóa, kế thừa hoặc phú cho ý nghĩa mới khiến cho nội hàm của kí hiệu trở nên phong phú. Nghiên cứu vấn đề này chính là mục đích của kí hiệu học. Nói như Triệu Nghị Hành, nhà nghiên cứu Kí hiệu học Trung Quốc: mục đích của kí hiệu học là “làm rõ phương thức con người biểu đạt và nhận thức ý nghĩa”, “kí hiệu học chính là ý nghĩa học”[7]. Chuyên luận của Juschka mang lại những gợi ý rất có giá trị trong việc vận dụng kí hiệu học vào nghiên cứu vấn đề giới/giới tính.

                                                                                                              Đ.V.H

                                                                         Dương Nội, 23 tháng 07 năm 2016

                                        (Bài đã in trong Kỉ yếu hội thảo Kí hiệu học, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội)

Chú thích


[1] Trình Lệ Dung [Trung Quốc], Con đường Orlando: Kí hiệu học giới, Tạp chí Khoa học Đại học Dân tộc Tây Nam, Trung Quốc, số 10 năm 2012, trang 184

[2] Darlene M. Juschka[Canada],Kí hiệu học giới: thân thể chính trị/ chính trị thân thể,Trình Lệ Dung dịch sang tiếng Trung, Nhà xuất bản Dịch Lâm, 2015, bìa trong.

[3] Sđd, tr 26

[4] Sđd, tr 29

[5] Sđd, tr 30

[6] Sđd, tr 108

[7] Triệu Nghị Hành [Trung Quốc], Kí hiệu học: Nguyên lí và vấn đề, Nhà xuất bản Đại học Nam Kinh, 2011, tr 1, 3


Source: 
15-10-2020
Tags