HUẾ VỚI LỄ TẾT ĐOAN NGỌ

Tôn Nữ Khánh Trang

Trên bán đảo Trung Ấn, Việt Nam với vị thế nằm liền kề về phía Bắc, giao thoa văn hóa Trung Việt là một quá trình tất yếu của lịch sử và dấu ấn ảnh hưởng thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó có vấn đề lễ hội. Ở đây, chúng ta không loại trừ những lễ tiết có nguồn gốc nguyên ủy từ Trung Hoa, đã được Việt hoá và tồn tại có cội rễ trong lòng người Việt. Tết Ðoan Ngọ (mồng 5 tháng 5) là một ví dụ điển hình. Một người phương Tây đến Huế đầu thế kỷ XX đã chép rằng: ngày 17 tháng 6 năm 1915 (Mồng 5 tháng 5 niên hiệu 9 Duy Tân): tiết Ðoan Dương (đúng giờ Ngọ)[1]. Nhưng theo chiếu dụ ngày 13 tháng 5 của vua Tự Ðức (1860) thì “Các tài liệu liên quan đến tiết Ðoan Dương không có trong sử Annam” (Orband, 1997: 309 - 310).

Như vậy, tiết Ðoan Dương (mồng 5 tháng 5) đã xuất hiện trong lịch của người Việt Nam, nhưng không vì thế mà những tục lệ trong lễ tiết này tất thảy đều giống nhau giữa các địa phương. Sự khác biệt này phải chăng từ những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của quá trình hình thành; những biến động lịch sử; sự hội nhập, kế thừa, giao lưu văn hóa...của vùng /miền. Lễ tết Đoan Ngọ ở Huế mang nhiều đặc trưng riêng đáng lưu ý. 

1. Tết Ðoan Ngọ - nguồn gốc tên gọi

Theo phong tục Trung Hoa, ngày 5/5 ÂL hằng năm, người ta tổ chức ăn tết Ðoan Ngọ[2]. Tuy nhiên, lễ tiết này được biết đến dưới nhiều tên gọi: Ðoan Ngọ, Ðoan Ngũ, Ðoan Dương, Trùng Ngũ, Trùng Ngọ... Tên gọi của lễ tiết xuất phát từ nhiều cách lý giải khác nhau. Tác giả Toan Ánh dẫn từ sách Phong thổ ký cho biết, tết Ðoan Ngọ còn được gọi là tết Ðoan Dương[3].

“Ðoan nghĩa là mở đầu, ngọ là giữa trưa. Ðoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa; dương là mặt trời, là khí dương, đoan dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết Ðoan Ngọ được ăn vào ngày mồng 5/5ÂL. Sở dĩ tết này được gọi là tết Ðoan Ngọ, chính vì tháng 5 là lúc bắt đầu trời nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa. Theo quan niệm Ðông Phương thì phương Nam là chính ngọ là ngôi dương, nên tết này gọi là tết Ðoan Dương” (Toan Ánh, 1998: 106).

Theo như cách gọi của người xưa thì mồng 1 tháng 5 là Ðoan Nhất, mồng 2,3,4 tháng 5 thì gọi là Ðoan Nhị, Ðoan Tam, Ðoan Tứ và mồng 5 tháng 5 thì gọi là Ðoan Ngũ (Toan Ánh. 1998: 106)Bởi vậy, tết Ðoan Ngọ (mồng 5/5) còn được gọi là Ðoan Ngũ.

Trong Phong Thổ Ký có giải thích “trọng hạ Ðoan Ngũ, Ðoan là sơ vậy” để chỉ ngày mồng 5 đầu tiên của tháng 5[4] (mồng 5.5) (Nhiều tác giả, 1999: 98 - 99). Theo Trung Quốc Phong Tục từ điển, trong một số trường hợp thì chữ Ngọ và Ngũ được dùng như nhau. Cho nên, Ðoan Ngọ hay Ðoan Ngũ theo chúng tôi có lẽ chỉ khác nhau về tên gọi.

Tương tự, Trùng Ngọ có thể cũng là cách gọi khác của Trùng Ngũ. Trùng Ngũ hiểu một cách nôm na đó là sự trùng lặp của hai số 5 (5/5), bản thân tên gọi này không tự nói lên ý nghĩa của lễ tiết. Như vậy, Trùng Ngọ cũng có thể hiểu là sự trùng lặp của hai từ ngọ: giờ ngọ và tháng ngọ, bởi, theo quan niệm phương Ðông, tháng 5 là tháng ngọ (Toan Ánh, 2001: 106). Ðào Duy Anh còn cho biết Ngọ nhật (午日) là ngày 5/5 ÂL. Từ những cách giải thích trên, chúng ta có thể hiểu Ðoan Ngọ không đơn thuần chỉ là cách gọi mà bản thân tên gọi này còn nói lên đặc điểm của lễ tiết. Tết Ðoan Ngọ đã trở nên gần gũi với người Việt, thậm chí, còn được hiện diện cả trong những câu ca dao (Toan Ánh, 2001: 110):

“Tháng tư đong đậu nấu chè,

Ăn tết Ðoan Ngọ trở về tháng năm”

                                                                      (Ca dao)

Tuy cùng một mốc thời gian (ngày 5/5) nhưng xuất phát điểm của lễ tết này vốn đã không có sự thống nhất mà gắn với mỗi vùng lãnh thổ lại có tên gọi cũng như một truyền thuyết liên quan. Cho nên, sự khác nhau có chăng giữa các vùng - miền trong tục ăn tết Ðoan Ngọ của người Việt cũng là điều dễ hiểu[5].

2. Người Huế với lễ tết Ðoan Ngo

2.1. Những món ăn truyền thống

Tết Ðoan Ngọ ở Huế tuy không cầu kỳ với những lễ nghi, nhưng vào trưa ngày mồng 5/5, người ta chuẩn bị mâm soạn với thịt vịt, chè kê, có thể có bánh tro[6] dâng lên bàn thờ để cáo với tổ tiên ông bà. Một ghi chép đầu thế kỷ XX về một chiếu dụ năm 1860 của vua Tự Ðức cho biết:

“...Theo một vài sử sách Trung Hoa, người ta cúng giỗ tổ tiên trong ngày mồng 5 tháng 5 từ thời kỳ Liên Chúa cai trị dưới thời Tống. Truyền thuyết này không cần thiết phải giữ. Yêu cầu bộ Lễ phải có biện pháp riêng để bảo đảm lễ nghi cúng tế” (Orband, 1997: 310).

Như chúng tôi đã trình bày, bánh chưng là món ăn truyền thống trong dịp tết Ðoan Ngọ của người dân Trung Hoa[7]. Người Việt khi tiếp thu ảnh hưởng của phong tục này thì có những tục lệ được giữ nguyên, đồng thời một số được cải biên phù hợp cho mỗi vùng/miền. Có lẽ vì thế, chúng ta thấy có tục ăn bánh ú trong ngày tết Ðoan Ngọ ở miền Nam, hay tục ăn bánh tro ở Huế. Theo chúng tôi, bánh tro hay bánh ú có thể là sự biến dạng của bánh chưng, bởi, tuy chúng có khác về tên gọi, hình dáng, nhưng về cơ bản, nó vẫn cùng chất liệu.

Ngoài bánh tro, món ăn có thể nói là đặc trưng và phổ biến trong lễ tết Ðoan Ngọ của người Huế là thịt vịt. Việc người Huế ăn vịt trong ngày mồng 5/5 tất nhiên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi cho rằng rất có thể đó là vì thời điểm này được mùa vịt[8]. Vịt tháng 5 không chỉ béo mà còn có một số lượng đủ cung ứng cho nhu cầu sử dụng rộng rãi của người dân vùng này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể bỏ qua quan niệm về âm dương ngũ hành trong sinh hoạt ẩm thực. Chính vì vậy, trong những ngày nắng nóng của tháng 5 - tháng nóng nhất trong năm theo quan niệm của dân gian, đặc biệt ngày mồng 5/5 là lúc mà tất cả khí dương đều phát tiết, cho nên, cơ thể rất cần bổ sung những chất có tính mát, và vịt là một trong số đó.

Ở đây, chúng ta thấy trong lễ tết Ðoan Ngọ ở Huế còn có chè kê - món ăn đặc trưng của người Huế[9]. Việc xuất hiện món chè kê trong dịp tết này, theo chúng tôi có thể đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian. Theo lịch nông nghiệp, tháng 5 ÂL là thời điểm thu hoạch vụ mùa kê nói riêng, đồng thời cũng là lúc mà nhà nông tạm gác lại các công việc đồng áng của mình bằng những vụ mùa bội thu. Ðối với họ, những vụ mùa trong thời gian này thường cho năng suất cao do có được sự thuận lợi về thời tiết, nên nhà nông thường tổ chức ăn mừng và xem đây như là ngày tết của riêng họ. Lúc này, kê vừa mới thu hoạch, hạt dẻo và thơm. Thêm vào đó, dịp tết Ðoan Ngọ lại đúng vào tháng 5 (mồng 5/5), có lẽ vì thế, họ đã chuẩn bị món chè kê để vừa có lễ vật cúng trong ngày mồng 5/5, đồng thời để ăn mừng thành quả lao động của mình.

2.2. Những loại nước lá

Như đã trình bày ở trên, Huế là vùng đất mà mùa đông thì mưa dầm nhiều tháng, mùa hè nắng gắt, cháy bỏng, nên người dân thường rất chú trọng đến việc phòng bệnh. Phương pháp kết hợp cây thuốc, vị thuốc trong món ăn thức uống hàng ngày được coi là hữu hiệu nhất.

Vị thuốc ở đây không hẳn chỉ thuần túy là những loại dược liệu mà còn được hiểu là ở chính sự kết hợp hài hòa giữa nhiều loại thức ăn, có thể là những thứ gia vị đi kèm trong món ăn, hay là các thành phần trong hỗn hợp nước lá uống hàng ngày, tạo nên sự cân bằng âm dương cho cơ thể. Xuất phát từ quan niệm đó, nước lá đã trở nên quen thuộc với người dân Huế. Chúng không chỉ đơn thuần là nước uống thường nhật mà còn là vị thuốc đặc thù của họ. Ðặc biệt ở đây phổ biến với tục uống nước lá trong ngày tết Ðoan Ngọ. Theo chúng tôi, tục hái lá trong lễ tết Ðoan Ngọ ở Huế nói riêng và ở một số nơi có lẽ bắt nguồn từ quan niệm cho rằng, các loại lá hái vào giờ Ngọ ngày mồng 5/5[10] cho dù cả những loại lá có độc cũng cho phép sắc chế thứ rượu thuốc trường sinh, thậm chí, có ý kiến ghi nhận rằng: “Ở Annam cũng như ở Trung Hoa, cứ đến giờ Ngọ của ngày mồng 5 tháng 5, người ta có thể ăn uống cả những chất thiếu vệ sinh mà vẫn không bị ốm” (Orband, 1997: 311). Theo giải thích của Y học phương Ðông thì vào một ngày nắng nhất của mùa hạ - ngày 5/5, và vào giờ nóng nhất - giờ Ngọ, tất cả khí nóng đã làm cho nhựa cây cô đọng lại trên lá, khiến cho lá có dược tính chữa được nhiều bệnh và không bị độc tính (Toan Ánh, 1998: 116 - 117).

Từ quan niệm đó, vào giờ Ngọ ngày 5.5 AL, người ta thường rủ nhau đi hái lá nấu nước uống, và cho rằng gặp lá gì hái lá đó, bởi, tất cả đều là “dược liệu”. Ðặc biệt trong dịp này, người ta còn sử dụng nước lá để tắm gội cho trẻ bị sài, ghẻ bởi trong quan niệm của họ, nó sẽ tẩy được tất cả những “con bệnh” trên cơ thể. Nhu cầu sử dụng lá cũng từ đó trở nên phổ biến và lan rộng, không chỉ riêng có trong ngày mồng 5/5, mà trở thành nước lá đặc trưng của xứ Huế. Ðặc biệt hơn, nó thường được dùng nấu nước cho sản phụ uống, nhằm có tác dụng lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng. Chính vì vậy, các khu chợ phố của Huế xuất hiện nhiều quầy hàng bán lá rong từ các nơi đến.

Mặc dù có cùng gốc xuất phát, nhưng tùy theo từng khu vực cư trú sẽ có những loại lá đặc thù[11]. Chẳng hạn, đối với các cộng đồng sinh sống gần khu vực núi rừng, người ta thường hái các loại: lá ngấy, bò bò, vằng, lá bướm bạc, sim, mua, móc, chổi, tràm, chiều, nổ... Những vùng ven ngoại thành, người dân chủ yếu sử dụng các loại lá có trong vườn nhà: lá lạc tiên, sả, chè tàu, tía tô, bồ công anh, ngải cứu.v..v...

Trong quá trình so sánh đối chiếu, chúng tôi nhận thấy có nhiều nét tương đồng giữa tri thức khoa học hiện đại và tri thức dân gian. Xin đơn cử một số cây cỏ được dùng làm nước lá:

1. Bò bò, tên khoa học là Uvaria microcapa Champ. Ex Benth, thuộc họ Annonaceae. Chúng ngoài tác dụng kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, tăng tiết sữa, còn có tác dụng cha nhứt, mỏi rất tốt.

2. Móc, tiếng Hán Việt gọi là Tinh lư, thân cây nhỏ như cây Dã mẫu đơn (X,135). Lá thơm dùng thế làm trà, quả khi sống thì đỏ, chín thì đen, vị ngọt hơi chát, đồng tên với cây Tinh lan mà khác loại. Tên khoa học: Caryota urens, họ arecaceae.

3. Bồ công anh: còn gọi là diếp dại, rau bồ cóc - (tên khoa học: Lactuca indica Linn); là loại cỏ mọc hoang ở khắp trong những khu vườn Huế. Loại này được dùng chữa bệnh sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mủ, ngoài ra còn được dùng uống chữa đau dạ dày, ăn uống kém tiêu. Có thể dùng lá tươi sau khi hái, giã lấy nước uống hoặc dùng lá khô đem sắc lấy nước uống cũng được. Muốn nhanh hết bị sưng tấy, người ta vừa uống, vừa dùng lá tươi giã nát, đắp lên vết thương bên ngoài.

4. Bướm bạc có tên khoa học là Mussaenda Pubescens Ait.f, thuộc họ cà phê Rubiaceae. Nó còn được gọi là hoa bướm, bứa chừa. Không chỉ có lá mà từ rễ, thân, hoa đều được người dân nơi đây sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Hoa được dùng làm thuốc lợi tiểu; ngọn dùng để đắp những nơi viêm tấy, gãy xương; rễ dùng làm thuốc giảm đau, tê thấp, khí hư, bạch đới. Lá ngoài công dụng làm nước uống còn được dùng làm thuốc như những thành phần khác.

5. Chân Chim, tên khoa học là Schefflera octophylla (lour.) Harms, thuộc họ Ngũ Araliaceae. Chân chim hay còn có tên gọi khác là Nam Sâm. Lá này đun sắc cùng lá ngấy, có tác dụng thông mát, thông tiểu tiện.

6. Chân Chim, tên khoa học là Schefflera octophylla (lour.) Harms, thuộc họ Ngũ Araliaceae. Chân chim hay còn có tên gọi khác là Nam Sâm. Lá này đun sắc cùng lá ngấy, có tác dụng thông mát, thông tiểu tiện.

7. Ngải cứu, tiếng Hán Việt là Ngải. Bản thảo gọi là Thủy đài hay Ngải hao. Sư khoáng chiêm tên là Bịnh thảo, dùng đốt trừ bách bệnh hết đau và an thai. Ngày 5 tháng 5 hái cỏ ngải làm hình con cọp treo ở trước cửa để trừ độc khí (Văn hoá Tùng Thư, 1961 [tập hạ]: 23). Tên khoa học: Artemisia vulgaris Linn. Ngải cứu là loại cỏ mọc hoang, có vị đắng, mùi thơm, có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, giảm đau, cầm máu, cho nên thường dùng cho phụ nữ khi mang thai. Dùng hàng ngày ở dạng sắc hoặc ở dạng bột.

8. Ngấy hay còn gọi là Ngấy Hương, Ngấy Tía, tên khoa học là Rubus cochinchinensis var. glabrescens Card. Loại này có tác dụng kích thích tiêu hóa tốt.

9. Sả: còn gọi là cỏ sả, lá sả, hương mao - (tên khoa học: Cymbopogon nardus Rendl) - vị cay, mùi thơm, tính ấm  - có tác dụng làm ấm bụng, giúp tiêu hóa, khỏi nôn, thông khí, sát trùng, tiêu đờm, trấn kinh giảm đau, trừ phong, phù thủng, giải độc rượu. Lá sả dùng pha nước uống cho mát và tiêu; củ sả có tác dụng thông tiểu, ra mồ hôi dùng chữa cảm sốt; rễ sả giã xát vào mặt để chữa chàm mặt. Dùng củ hay lá sả dưới dạng thuốc sắc hay nấu nước xông.

9. Tía Tô, tiếng Hán Việt gọi là tử tô. Bản thảo gọi là Xích tô, lá dùng ăn  sống và nấu canh, sát trừ tất cả các chất độc cá trạnh (Văn hoá Tùng thư, 1961 [tập trung]: 99).

…..

3. Thay lời kết

Trên đây chỉ là sự thống kê, hệ thống và trình bày lại như là một giới thiệu phác thảo từ kết quả điền dã của bản thân trong thời gian qua về lễ tết Ðoan Ngọ ở Huế và vùng phụ cận.

Huế ngày nay, trong vòng xoáy của những tác động nhiều chiều, những quan niệm về phong tục truyền thống như trên đã trình bày gần như ngày càng dễ dàng bị bỏ qua và chỉ còn đậm nét ở những lớp người cao niên. Thêm vào đó, khuôn viên xanh ngày càng mất dần không gian tồn tại, kéo theo sự giảm thiểu về một số loại cây cỏ truyền thống trong vai trò “dược liệu”, cùng với nó là sự chiếm lĩnh thị trường bởi nhiều loại trà, nước giải khát khác nhau. Chúng hoàn toàn thay thế nguồn nước lá mà một thời đã gắn bó với cuộc sống thường nhật của người dân sở tại. Có chăng chỉ còn tồn tại ở một vài nơi. Ðây không còn là vấn đề bó hẹp trong phạm vi nước uống mà xa hơn, chính chúng đã làm nên nét đặc trưng của một vùng đất - văn hóa ẩm thực.

Chúng tôi cho rằng, việc duy trì hệ nước lá Huế dưới dạng nước uống ở các hàng quán cơm hay trong thực đơn khách sạn, kèm theo những giới thiệu về công dụng của từng thành phần trong hỗn hợp, sẽ trở thành ấn tượng khó quên với khách du lịch trong hành trình đến với ẩm thực Huế. Chúng ta không chỉ giới thiệu nước lá đến du khách như một thức uống sau bữa cơm, mà có thể mở ra những hàng quán nước giải khát dọc theo bờ Hương Giang, hay trên những chuyến đò văng vẳng âm hưởng khúc ca Huế trữ tình.

Huế - thành phố di sản, nếu nhìn ở góc độ bảo tồn và phát huy, thì, việc xuất hiện thương hiệu nước lá Huế, là cách gián tiếp làm sống lại những giá trị y học truyền thống - nói cách khác là khôi phục chức năng của vườn thuốc trong vườn Huế - bộ phận không thể tách rời trong cấu trúc nhà - vườn, được xem là thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch Huế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Ðào Duy Anh. 1992. Hán Việt từ điển. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh

2. Ðỗ Tất Lợi.1981. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (in lại lần thứ tư, có sữa chữa và bổ sung). Hà Nội: Nxb. Khoa học & Kỹ thuật.

3. Nguyễn Hữu Thông. 2001. Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí. Huế: Nxb. Thuận Hoá.

4. Nhiều tác giả. 1999 (Lê Chí Xuân Minh lược dịch). Trung Quốc Phong tục Từ điển. Thượng Hải: Nxb. Từ Thư.

5. Orband. 1997. “Lịch biến cố An nam”, trong, B. A.V.H (tập năm 1915). Huế: Nxb. Thuận Hoá.

6. Phan Kế Bính. 1990. Việt Nam phong tục. Nxb. Ðồng Tháp.

7. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. 1974. Ðại Nam Thực Lục (tập XXIX, Chính biên - đệ tứ kỷ: 1859 - 1862). Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

8. Toan Ánh. 1998. Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua lễ tết hội hè. Nxb. Thanh Niên.

9. Văn hoá Tùng Thư. 1961. Ðại Nam Nhất Thống Chí (Thừa Thiên phủ) (tập hạ) (Dịch giả: Tu Trai - Nguyễn Tạo). Nha Văn hoá - Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản.

10. Văn hoá Tùng Thư. 1961. Ðại Nam Nhất Thống Chí (Thừa Thiên phủ) (tập trung) (Dịch giả: Tu Trai - Nguyễn Tạo). Nha Văn hoá - Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản.

 


* Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế

[1] Sử liệu thời Nguyễn có ghi chép về sự kiện này dưới triều Tự Ðức thứ 13 (1860) như sau:

“Tháng 5 tết Ðoan Dương, đổi đặt lại nghi vệ thường triều. Lệ trước, tết ấy đặt đại triều chúc mừng, ngày đông chí đặt thường triều. Tháng trước vua cho là tết Ðoan Dương chầu mừng là theo quốc tục. Còn như lễ chầu mừng về ngày đông chí, các đời vua Bắc triều vẫn làm vì lấy nghĩa là tiết Ðông Chí khí dương ngày lớn dần lên. Chuẩn cho bộ Lễ kê cứu đổi tiết Ðoan Dương làm thường triều, tiết Ðông Chí làm đại triều hạ. Các quan ở gián viện tâu nói: nam bắc khí hậu khác nhau, lễ nên theo như cũ, để tỏ ra phương nam mình là khí dương thịnh. Vua nghĩ việc ấy không có điển cứ gì, bèn chuẩn định ngày tết ấy sáng sớm vua đến cung Gia Thọ làm lễ theo lối người trong nhà. Lễ xong, vua ngự điện, đặt lễ thường triều, định việc các quan trong ngòai dâng biểu mừng, nhưng vẫn ban yếu. Tiết Ðông Chí vẫn làm thường triều để không trái lễ không bỏ tục mà có khác với tết Nguyên Ðán đầu năm. Ðịnh làm lệ mãi mãi”. (Quốc Sử Quán triều Nguyễn, 1974: 118).

[2] Ở Trung Hoa, mồng 5.5 người ta tổ chức lễ tế con vật mà họ sùng bái - con rồng, biểu tượng sức mạnh của hoàng gia. Liên quan đến lễ tiết này còn có 7 truyền thuyết khác: (1) - Ngày 5.5 xuất phát từ Lan Dục thời Tam đại trong lịch sử Trung Hoa; (2) - mồng 5.5 bắt đầu từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc; (3) - mồng 5/5 là ngày kỷ niệm Giới Tử Tuy (Giới Tử Thôi) bị chết cháy; (4) - 5.5 là ngày nước Sở kỷ niệm nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên; (5) - Ngày kỷ niệm Ngũ Tử Tư đầm mình xuống sông tự vẫn; (6) - Ngày kỷ niệm Tào Nga ở vùng Triết Giang; (7) - Ngày tế Địa Lạp (Nhiều tác giả, 1999: 98 - 99). Tuy nhiên, khi ảnh hưởng sang Việt Nam, sự kiện này theo như sử liệu thời Nguyễn là để tưởng nhớ đến ông Khuất Nguyên: “Theo một công văn của Bộ Lễ: Người ta đọc truyện “Uyên Giám loại hàm” về ông quan đầu triều Khuất Nguyên ở Tam Lư, dưới thời Sở dâng sớ nhận xét vua Trang Vương và đã bị vua từ chối một cách khinh khỉnh nên ông nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mồng 5 tháng 5. Ðể nhớ ơn đến vị quan lớn trung thành nên cứ đến ngày ấy, người ta đi đò trên sông đem lễ vật để cúng tạ ông (Orband, 1997: 310).

[3] Tác giả Ðào Duy Anh cho biết: Ðoan Dương (端 陽) được gọi là Ðoan Ngọ (端 午) (Ðào Duy Anh, 1992: 298).

[4] Trọng nguyệt là tháng thứ 2 trong một mùa (Ðào Duy Anh, 1992: 497). Cho nên, chúng ta có thể hiểu trọng hạ ở đây là tháng thứ 2 trong mùa haû.

[5] Ở miền Bắc, tết Ðoan Ngọ thường được gọi là lễ giết sâu bọ“Sáng ngày mồng 5/5, bọn sâu bọ ở bụng dưới bò lên bụng trên. Ăn rượu nếp vào cho chúng say, sau đó những trái cây sẽ làm cho chúng chết. Mỗi trái cây đều là vị thuốc diệt sâu bọ. Trong Đông Y, thuốc Nam cũng như thuốc Bắc, cái vị thuốc phần lớn đều lấy ở loài thảo mộc, các trái là kết tinh của loài thảo mộc, cho nên có tính chất giết được sâu bọ” (Toan Ánh, 1998: 111). Với người miền Nam, món ăn đặc trưng trong ngày tết Ðoan Ngọ là bánh ú. Theo tục lệ, sáng ngày mồng 5/5, người ta thường mua ở chợ một bó lá (lá mùi tàu, lá răng cưa...) hoặc một khúc xương rồng, treo trước cửa để trừ tà ma.

[6] Ðây là một loại bánh không nhân, hình dạng gần giống chiếc bánh ú, gói bằng lá chuối. Bánh tro có màu vàng đỏ, được làm bằng gạo nếp đã ngâm trong nước tro khoảng một ngày. Tro này phải được lấy từ các lò nung gạch. Người ta giải thích rằng, chỉ ngâm với tro ở các lò nung thì nếp mới dẻo và bánh mới có màu vàng đỏ. Loại bánh này thường chỉ thấy xuất hiện trong lễ tết Đoan Ngọ.

[7] Theo truyền thuyết, mỗi năm đến ngày 5/5, người ta cho gạo vào ống tre ném xuống sông để cúng tế ông. Nhưng có người ở bên sông cho biết là đã gặp ông Khuất Nguyên, và được mách bảo, những thức ăn mà mọi người cúng tế đều bị rồng cướp hết, sau này cúng thức ăn cho ông thì nên lấy lá ngãi bịt ống tre lại và phải buộc bằng dây ngũ sắc vì rồng rất sợ hai thứ ấy. Từ đó về sau, người ta dùng lá trúc gói gạo nếp thành bánh chưng để kỷ niệm Khuất Nguyên. Cũng vì thế, bánh chưng trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân vùng này.  

[8] Huế - vùng đất của “nắng gắt - mưa dầm”, mùa mưa thường kéo dài từ tháng 7 - tháng 11 ÂL. Những tháng cao điểm của mùa mưa ở nơi này đã không tạo cho người dân sở tại điều kiện để chăn nuôi gia cầm, bởi theo kinh nghiệm của họ, vịt gặp mưa giông, sấm sét sẽ bị liệt chân hay dịch chết hàng loạt. Từ tháng 11,12 đến tháng 4 là thời gian thích hợp với nhà nông để chăn nuôi vịt đàn nhờ sự thuận lợi về thời tiết (ấm và ít mưa) và còn có cả một nguồn thức ăn phong phú cho chúng: lúa rơi vãi hay các loại sâu bọ trong thân lúa sau khi thu hoạch vụ Ðông Xuân.

[9] Kê có thể được trồng ở một số nơi, nhưng mật tập nhất có lẽ chỉ có ở Huế, bởi, đây là loại lương thực sống ở ruộng khô, thích hợp với khí hậu khắc nghiệt của vùng đất này. Tuy nhiên, tùy theo từng địa phương mà chúng được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Ở một số nơi, người ta dùng kê để làm bánh tày, bánh tét thay nếp hay như ở Quảng Trị, người dân lại nấu cháo kê...

[10] Người ta thường gọi là tục hái lá mồng 5. Tục này có lẽ có từ tích Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Tấn, ngày 5/5 vào núi Thiên Thai hái thuốc, nhưng lại đi lạc trong núi, sau đó đã gặp và kết duyên cùng tiên nữ. Sống ở cõi tiên được nửa năm, hai người trở lại trần gian, nhưng cảnh sắc đã đổi khác, cho nên, họ quay trở lại cõi tiên, và mãi không thấy trở về. Cũng từ câu chuyện đó, người ta nghĩ rằng, những thứ thuốc được hái trong ngày mồng 5/5 có thể chữa khỏi bệnh. Ðể kỷ niệm Lưu Thần - Nguyễn Triệu, các thầy thuốc bên Tàu đã lấy ngày này làm ngày đi hái thuốc, lâu dần thành tục. Ở Việt Nam, tục này cũng thấy có ở một vài nơi (Toan Ánh, 2000: 108, 117).

[11] Ở miền Bắc, một vài nơi cũng có tục lệ này nhưng các loại lá chủ yếu là đinh lăng, mùi, ngải cứu....

 

(Nguồn: Sách: Thông báo văn hóa 2011 – 2012, Nhiều tác giả, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2013).

 


Source: 
13-08-2021
Tags