Hội thảo Khoa học Cán bộ trẻ Khoa Ngữ văn, năm học 2017 - 2018

Ngày 17 tháng 4 năm 2018, Chi đoàn Cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cán bộ trẻ với đổi mới giáo dục và cách mạng 4.0”.

Hội thảo có sự tham gia của PGS. TS. Hà Văn Minh, PGS. TS. Trần Văn Toàn cùng các GV trong Chi đoàn Cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn.

Hội thảo diễn ra từ 14-17h với những nội dung chính như sau:

 

1. Đ/c Phùng Diệu Linh giới thiệu đại biểu, điều khiển hội thảo

2. Đ/c Trần Hoài Phương đọc báo cáo đề dẫn

3. Các báo cáo viên trình bày và cử toạ thảo luận

- CN Nguyễn Thế Hưng trình bày báo cáo: DẠY HỌC VĂN BẢN ĐA PHƯƠNG THỨC NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC THẨM MĨ CỦA HỌC SINH Ở NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG, tác giả Nguyễn Thế Hưng tiếp cận một nội dung mới mẻ, thời sự và có tính hấp dẫn cao với dạy học Ngữ văn hiện nay là Văn bản đa phương thức. Vấn đề này được nghiên cứu và áp dụng trong việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông môn Ngữ văn, đặc biệt việc đổi mới chương trình theo định hướng phát triển năng lực. Bài viết đã hướng đến mục đích đề cập đến cơ sở lí luận về văn bản đa phương thức và định hướng chức năng phát triển năng lực thẩm mĩ, một năng lực môn học chủ chốt cho học sinh thông qua việc dạy học loại văn bản này ở nhà trường phổ thông.

- TS. Nguyễn Thị Minh Thương trình bày báo cáo: KHÁNG CỰ ĐÔ THỊ, TRỞ VỀ TỰ NHIÊN: “MÊ HỒN CA” CỦA ĐINH HÙNG TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI, TS. Nguyễn Thị Minh Thương đánh giá phê bình sinh thái là một hướng nghiên cứu mới mẻ trên thế giới, mở ra nhiều triển vọng ứng dụng nghiên cứu văn học Việt Nam. Mỗi nhà thơ mới có một cái nhìn khác nhau về thế giới tự nhiên, trong đó, Đinh Hùng là một hồn thơ đặc biệt. Thơ Đinh Hùng nhìn tự nhiên một cách độc đáo: Thiên nhiên vừa hoang dại, huyền bí lại vừa diễm lệ, thơ mộng. Nó khiến con người muốn hòa mình vào nó, và có nhu cầu chối bỏ đô thị, trở lại tự nhiên. Từ góc nhìn phê bình sinh thái, có thể thấy ý thức kháng cự đô thị, trở về tự nhiên, tôn trọng tự nhiên, và nỗ lực tìm kiếm sự hài hòa giữa con người với tự nhiên trong thơ Đinh Hùng, đặc biệt là sự hướng về tự nhiên thời kì nguyên thủy.

TS. Trần Hoài Phương trình bày báo cáo: ĐÓNG VAI NHƯ LÀ MỘT TRẢI NGHIỆM VĂN HỌC tiếp cận quan điểm đóng vai vừa là kĩ thuật, vừa là hình thức trải nghiệm độc đáo giúp học sinh đi sâu khám phá tác phẩm, đánh giá được giá trị của tác phẩm ấy từ nhiều hướng khác nhau. Nhờ vậy, việc lí giải văn bản trở nên có cơ sở đáng tin cậy hơn, tránh tình trạng học tập gượng ép. Đồng thời, năng lực thưởng thức văn học và cảm thụ thẩm mĩ của học sinh sẽ được nâng cao đáng kể.

         - TS. Đinh Minh Hằng trình bày báo cáo: LÝ THUYẾT DADA TRONG THƠ HIỆN ĐẠI, TS. Đinh Minh Hằng đã có những đóng góp mới trong việc nghiên cứu những khía cạnh khác của Dada. Đó là ý tưởng về việc làm mới nghệ thuật hơn là thái độ phản nghệ thuật, là quan điểm về tái cấu trúc con người hơn là việc khẳng định cái tôi cá nhân. Bài viết so sánh Dada và chủ nghĩa Vị lai, đồng thời, nghiên cứu Dada trong mối quan hệ với các hình thức khác của Nghệ thuật ý niệm.

Chủ đề của Hội nghị lần này - “Cán bộ trẻ với đổi mới giáo dục và cách mạng 4.0” – có phạm vi rộng và hướng đến đổi mới trong nghiên cứu, giảng dạy nên có thể thấy các báo cáo đều có xu hướng cập nhật những vấn đề thời sự, hoặc đưa đến một cách nhìn khác với những gì tưởng như đã quen thuộc. Những kết quả đã có giúp dự báo một luồng gió mới trong nghiên cứu của đội ngũ cán bộ trẻ ở Khoa Ngữ văn và sự đầu tư tìm tòi, thay đổi cách tiếp cận khoa học.

 

                                                                                                                                                           Nguyễn Thế Hưng (lược ghi)


Source: 
20-10-2020
Tags