HỒ CHÍ MINH – NGƯỜI LÀ AI?

Trong bài bình thơ Những bài thơ thế giới viết về Bác Hồ, Xuân Diệu nêu trường hợp nữ sĩ Amrita Pritam, Ấn Độ viết tặng Người nhân chuyến thăm hữu nghị 1958. Đầu bài là “Hồ Chí Minh”, đáp số đã là Hồ Chí Minh rồi, thì trong bài lại toàn những câu hỏi: “Ai đó” không hoàn toàn là sự ngạc nhiên mà là sự tìm hiểu sâu sắc thấu đáo.

 

Sau Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 tuyên  bố một năm, tờ tạp chí Time ngày 9/9/1946 có bài Hồ Chí Minh Người là ai? (Ho Chi Minh, Who are you?).

Trong bài bình thơ Những bài thơ thế giới viết về Bác Hồ, Xuân Diệu nêu trường hợp nữ sĩ Amrita Pritam, Ấn Độ viết tặng Người nhân chuyến thăm hữu nghị 1958. Đầu bài là “Hồ Chí Minh”, đáp số đã là Hồ Chí Minh rồi, thì trong bài lại toàn những câu hỏi: “Ai đó” không hoàn toàn là sự ngạc nhiên mà là sự tìm hiểu sâu sắc thấu đáo.

Đến những năm chống Mỹ, Chế Lan Viên vẫn nêu những vần thơ độc đáo của chính tâm tư Việt Nam

                          Với đất nước sinh ra mình, Bác vẫn là điều bí mật

       Một thế hệ, vài thế hệ, chúng ta chưa đủ hiểu hết Người

                        Cứ mỗi bước đi lên, dân tộc ta lại định nghĩa về Người từ bản chất

                        Đọc vào sự nghiệp núi sông, Di chúc của Người và hỏi: Bác là ai?

Từ con người “kỳ lạ” đến con người “kỳ diệu” qua hiểu biết, dư luận thế giới xưa nay vẫn đặt câu hỏi trong những thời đoạn lịch sử - Hồ Chí Minh, Người là ai? Dân tộc và nhân loại lại tiếp tục “định nghĩa về Người”  như lời thơ Chế Lan Viên.

YYY

I/ HỒ CHÍ MINH – CON NGƯỜI HUYỀN THOẠI

N.K Crisonan , Bí thư Toàn quốc  Đảng Cộng sản Ấn Độ viết: “…Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ của riêng nhân dân Việt Nam mà còn là của toàn thế giới. Sinh thời, Người là một nhân vật thần thoại” .

Quả vậy, suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh đã là một con người huyền thoại. Cuộc đời đầy màu sắc hiện thực, mà lại diệu huyền, kỳ lạ. Ngay khi Người còn sống, hoạt động, và cả sau khi đã ra đi vào  “thế giới người hiền”.

Huyền thoại, trước hết, là từ bước chân lên đường cứu nước.

Nguyễn Ái Quốc đã làm chấn động dư luận thế giới phương Tây trong những năm tháng hoạt động quốc tế đầu thế kỷ XX.

Đó là người đầu tiên đã thay mặt thế giới những người bị áp bức, bóc lột của nhân loại, lập ra cơ quan ngôn luận toàn cầu: Le Paria (Người cùng khổ) được xuất bản bằng 3 thứ tiếng, đã lập bản  tố cáo chủ nghĩa thực dân (Le procès de la colonisation française) trước công luận.

Người   là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất, nhân danh công lý thời đại, nhân danh tự do, bình đẳng, bác ái thực sự, cũng là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đảng cách mạng chống chế độ thực dân ngay tại chính quốc.

Người chính là người đầu tiên trong lịch sử hiện đại tìm ra con đường giải phóng dân tộc chân chính trong thời đại cho cách mạng Việt Nam.

Huyền thoại trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Người, với thiên tài cách mạng, đã chớp thời cơ nghìn năm có một để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công

Người đã chấm dứt chế độ phong kiến nghìn năm buộc hoàng đế đương kim thoái vi

Người đã lập ra nhà nước dân chủ cộng hoà đầu tiên ở Đông Nam Á, vẽ lại bản đồ chính trị thế giới với màu đỏ thắm của Tổ quốc và lá quốc kỳ.

Người đã lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, tổ chức kháng chiến đánh thắng hai đế quốc Pháp, Mỹ hùng mạnh  bậc nhất thế giới. “PARIA đạp đổ một triều vua, ba triều đế quốc” (Chế Lan Viên). Như khí thế thần thoại “Con cắt con đánh ngã ông  Đùng”!

Huyền thoại, trong quyền uy danh tiếng vĩ đại và cuộc sống đời thường khiêm nhường, giản dị.

Người là nguyên thủ quốc gia, chủ tịch nước lừng lẫy đầu tiên, với uy danh anh hùng giải phóng dân tộc nhà văn hoá kiệt xuất mà thế giới trao tặng (UNESCO).

Người là người đứng đầu nhà nước của nhân dân, sống cuộc đời bình dị của một người dân thường, từ chối mọi cao sang quyền quý, đặc quyền vương giả thông thường của bao nhiêu triều đại phong kiến xưa, cũng như toàn quyền xứ thuộc địa. Tuy là chủ tịch nước, nhưng lại ở nhà sàn, ăn cơm rau dưa , làm vườn, nuôi cá.

Người mà khi sinh thời, lúc đương nhiệm đã được thế giới ca ngợi, tung hô như lãnh tụ cách mạng vĩ đại hàng đầu, cũng chính là vị lãnh đạo tối cao  chiếm được cảm tình của người dân thường, đến các văn nghệ sĩ , chính khách danh tiếng khắp năm châu.

Huyền thoại trong sự hấp dẫn và sự toả lan sức mạnh.

Người là ngọn cờ vẫy gọi, cổ vũ mạnh mẽ cho các chiến sĩ khắp các chiến trường, đấu tranh cho độc lập, tự do, chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc trên thế giới

Hồ Chí Minh là cái tên kêu gọi chiến đấu và chiến thắng. Hồ Chí Minh là tiếng nói của hy vọng và niềm tin. Hồ Chí Minh là niềm thơ cao cả lay động mọi tâm hồn hướng tới lý tưởng Chân, Thiện.Mỹ

 “Đồng chí Hồ Chí Minh là một ngôi sao sáng nhất  trên bầu trời những nhà xây dựng lớn. Suốt đời đồng chí đấu tranh không mệt mỏi cho hạnh phúc và tự do cho tất cả  các dân tộc trên nhiều mặt trận  và mọi tầng lớp” (Jame Jackson, đại biểu Mỹ tại Hội nghị Việt Nam và thế giới, Hà Nội, 5/1980).

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn như chưa bao giờ có giải đáp đầy đủ, hoàn hảo – Hồ Chí Minh – Người là ai? đã và vẫn còn được đặt ra với lương tâm nhân loại.

Câu trả lời, thực ra đã có, và đã rất minh bạch. Nhưng tuyệt đại đa số đều có thiện chí là muốn hiểu rõ,hiểu thêm,  hiểu thấu đáo về Hồ Chí Minh, để phát hiện tối đa mọi vị thế lớn lao và phẩm cách cao đẹp của Người.

Có những người, những đơn vị, tổ chức ở xa Việt Nam, không có đầy đủ những tư liệu chính xác, tin cậy và phong phú về Hồ Chí Minh. Họ luôn có những băn khoăn, thắc mắc, nghi vấn. Đó là điều dễ hiểu.

Thêm nữa, theo tình hình diễn biến lịch sử, xuất hiện những cảm nghĩ, nhận thức mới. Đó là biện  chứng của tư duy.

Đúng như suy nghĩ của nhà thơ Chế Lan Viên: “mỗi  bước đi lên” của lịch sử, ta lại nên và cần “định nghĩa về Người từ bản chất”, để thấy hết tầm ảnh hưởng của lãnh tụ vĩ đại.

Xưa nay, qua phỏng vấn các chính khách cao cấp ở Việt Nam, giới truyền thông nước ngoài thường đặt các câu hỏi cơ bản về Hồ Chí Minh – xung quanh cốt cách chính trị, tư tưởng và phẩm cách con người:

1.          Hồ Chí Minh là dân tộc hay cộng sản?

2.          Hồ Chí Minh là con người hay siêu nhân?

II/ HỒ CHÍ MINH LÀ CON NGƯỜI NGƯỜI NHẤT

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng –  chính khách lỗi lạc, nhà văn hoá thông tuệ bậc nhất, cũng là người học trò xuất sắc nhất của lãnh tụ, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài khi được hỏi về Bác.

Với câu hỏi “Hồ Chí Minh là con người hay thần thánh?”,cố Thủ tướng trả lời, đại ý: Hồ Chí Minh trước hết là con người, và sau cùng vẫn là con người. Đó cũng là ý thơ của Chế Lan Viên, khi gọi Bác là người Cha – một con người người nhất.

Trước hết, ta thấy phẩm chất Hồ Chí Minh nổi bật là có đầy đủ tình cảm cao quý của một con người.

Trong gia đình, Người có tình anh em – từ thơ ấu cho đến khi luống tuổi, đã là Chủ tịch nước, vẫn luôn thân thương, thắm thiết. Đặc biệt là lòng hiếu thảo của người con, một đời canh cánh ơn sâu nghĩa nặng của các bậc sinh thành.

Trong nguyện vọng vào thăm miền Nam sau khi thống nhất đất nước, có một nỗi niềm riêng tư là được thắp hương nơi mộ phần của người cha thân yêu – cụ Nguyễn Sinh Sắc – tại Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Tuổi trẻ Nguyễn Tất Thành, và sau này, ngay cả những năm tháng thanh xuân và có thể cả trung niên, Nguyễn Ái Quốc thể tất có những rung động yêu đương. Nhiều tư liệu tiểu sử tin cậy đã nói lên điều đó và chờ lịch sử  xác minh.

Nhưng, chàng trai yêu nước mãnh liệt đã dứt áo ra đi, làm cách mạng, đặt sự nghiệp thiêng liêng lên trên hạnh phúc cá nhân, không xây dựng một gia đình riêng.

Tình bạn thân thiết, nồng thắm được hình thành và phát huy  từ thời thơ ấu Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Tất Thành, cho đến sau này, thành thân hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh. Đặc biệt là, từ trẻ đến già, Người vẫn kết giao bằng hữu với rất nhiều văn nghệ sĩ, nhà hoạt động chính trị, xã hội nổi tiếng khắp thế giới.

Suốt một đời, Người nặng tình ân nghĩa đồng bào, đồng chí.

Suốt ba mươi năm lăn lộn hoạt động cách mạng ở nước ngoài vì Người thiết tha yêu nước và nặng lòng với đồng bào.

Trong lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa và Toàn quốc kháng chiến, bao giờ câu mở đầu cũng là: “Hỡi quốc dân đồng bào”. Ba mươi năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Người vẫn đau đáu nỗi lòng đặc biệt về miền Nam “Miền Nam trong trái tim tôi”. Người từng nói với đồng bào: “Nỗi đau khổ của mọi người cộng lại là nỗi khổ đau của tôi”.

Và trong Di chúc – đến lúc ra đi, vẫn là nỗi niềm sâu nặng với toàn dân.

Tình bạn, tình đồng chí trong hoạt động cách mạng là một nguồn động viên và thúc đẩy, hỗ trợ lớn. Nhất là trong lúc hoạn nạn, hiểm nguy, tình cảm ấy đã tạo ra nguồn sức mạnh tinh thần quý giá.

Đặc biệt thuỷ chung, ân nghĩa là những tình cảm với bạn bè quốc tế từng ủng hộ, cứu giúp, cưu mang Người. Như gia đình Thủ tướng Nehru, vợ chồng luật sư Loseby – ân nhân của Người.

Tình đồng chí được nâng lên thành ý thức giai cấp, ý thức Đảng trở thành trách nhiệm và lương tâm cao cả. Xây dựng Đảng là điều được nói trước hết trong Di chúc.

Từ rất sớm đã hình thành trong nhà cách mạng trẻ cảm thức nhân loại. Qua trải nghiệm đất tranh là tình người ngày càng sâu đậm, thể hiện cả trong ý thức và tâm hồn.

Người cùng khổ là sự thấu hiểu và cảm thông những kiếp người trong đoạ đày thân phận. Nhật ký trong tù thể hiện đặc sắc lòng nhân ái với con người cùng cảnh ngộ - nạn nhân của chế độ tàn ác.

Chủ tịch Hội đồng Hoà bình thế giới, trong lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, đã xưng tụng Người: “Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người lãnh tụ đó, Người tổ chức đó, Người cộng sản đó, và Người cách mạng đó, con người yêu thương mọi người”.Đó cũng là một định nghĩa hết sức đầy đủ như lời ca ngợi tuyệt vời với nhà nhân văn cao cả Hồ Chí Minh:

Cần lưu ý là trong tình nhân loại của Người, đã bao gồm tình quốc tế vô sản.

 

Bản thân Người, Hồ Chí Minh  có quan niệm  con người trần thế nhất.

Lãnh tụ từng có câu nói nổi tiếng :” Người ta không ai là thánh”

Có nghĩa là người ta  dù ở trình độ nào, địa vị nào , dù là cao cấp nhất  như đừng đầu nhà nước, xét cho cùng  vẫn là một con người. cũng có cái tốt và cái xấu,. Cho dù rất tốt vẫn có thể có sai sót khiếm khuyết ít nhiều nào đó..Người từng yêu cầu đồng chí, đồng bào phê bình , chỉ ra khuyết điểm, sai sót của Chủ tịch nước. Chính Người đã có lần đứng ra thay mặt Chính phủ nhận lỗi trước nhân dân mỏ đầu cho văn hoá xin lỗi.  .Hồ Chí Minh  là một lãnh tụ chủ trương chống thói thần thánh hoá con người và tệ sùng bái cá nhân.

Thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám thành công và ít năm đầu kháng chiến , trong dư luận và cả văn thơ thấp  thoáng trong dư luận có  ý tưởng thần thánh hoá lãnh tụ . Hiện tượng đó như một sự ấu trĩ về nhận thức mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét và phê phán để xác định luận điểm về con người trần thế Hồ Chí Minh

Charles Fourniau,đại diên thường trú báo  L’Humanité của Đảng  Cộng sản  Pháp tại Hà Nội được gặp lần cuối cùng trước lúc Người đi xa  (1969) từng biết chuyện Người từ chối ngày 19/5 là ngày lễ Quốc gia. Ông kết luận: “ Hồ Chí Minh không đồng ý với bất cứ điều gì thể hiện sự sùng bái cá nhân mình”

III/ HỒ CHÍ MINH – BẬC THÁNH NHÂN

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau khi trả lời phóng viên nước ngoài về bản chất nhân văn Hồ Chí Minh, đã giải đáp tiếp về sự tôn vinh Người là bậc thánh, trước hết, chính là từ dư luận quốc tế.

Đó là sự tôn vinh một phẩm chất siêu nhân, là sự phong thánh Hồ Chí Minh.

Khi còn sinh thời, Hồ Chí Minh đã được coi là một nhân vật huyền thoại – nhân vật mang màu sắc siêu phàm, vượt lên tất cả phẩm cách của một lãnh tụ cách mạng, một vị nguyên thủ quốc gia thông thường.

Đó là một hiện tượng độc đáo kỳ lạ.

Các tôn giáo (Phật giáo, Thiên Chúa giáo…) có phép tuyên thánh hoặc phong thánh qua nghi lễ. Nhân vật được phong thánh là thước đo giá trị chuẩn mực, có đời sống thánh thiện, nêu gương sáng  thành mực thước cho người đời.

Nhân dân cũng có lệ tôn thần, phong thánh cho những  con người kiệt xuất,siêu việt có đức độ, tài năng, công lao to lớn đặc biệt với dân, với nước. Đó là điều nằm trong văn hoá tâm linh

Xưa kia, trong truyền thuyết,  đời sống tâm linh của con người dân tộc, có sự phong thần, phong thánh cho những con người siêu việt, phi thường về tài năng, công lao, sự nghiệp lớn với xã hội, với đất nước. Như các trường hợp của văn nhân, thi nhân Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát là Thần Siêu, Thánh Quát; hoặc phong Đức Thánh Trần cho Hưng Đạo Đại Vương.

 Chính Phật giáo rất đề cao, tôn vinh con người, tuyên bố con người có khả năng ngang hàng với Phật là bậc toàn thiện, toàn giác, bởi lẽ con người có Phật tính tức tiềm năng trở thành Phật.Trần Nhân Tông xuất gia viết Cư bần lạc đạo phú có đại ý: Bụt ở trong nhà…Chính Bụt là ta.Người muốn thành Phật phải toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.

Hồ Chí Minh được phong thánh lúc bình sinh, ngay khi Người chưa “hiển thánh” trong lòng dân tộc. Đó là sự tôn vinh cực kỳ cao quý, hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất trong lịch sử.

Ở cả trong nước và nước ngoài, đều có hiện tượng tương tự: sự tôn sùng lãnh tụ lên bậc thánh nhân.

Trong nước, trong đời sống tâm linh, nhiều nơi đã lập đền thờ Hồ Chí Minh.

Với giới phật tử, họ đã lưu hành tâm niệmBác Hồ -vị  Bồ tát tái thế. Thượng toạ Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vinh danh như vậy với quan niệm Hồ Chí Minh cũng như Đức Phật, cùng ý tưởng “cứu khổ, cứu nạn” với lòng “từ bi, hỷ xả”.

Từ lâu, đã có sự tôn vinh đặc biệt – Hồ Chí Minh – trên dư luận thế giới: “Người chính là biểu tượng, là nhân vật truyền thuyết hơn là con người bằng da bằng thịt” (New York Times9/5/1954).Báo Dân chúng ở Uruguay cũng viết: “Hồ Chí Minh: một cái tên đã đi vào truyền thuyết; một người anh hùng chân chính của thời đại chúng ta.”

 Nữ sĩ Ấn Độ Amrita Pritam cũng đã từ lâu đặt câu hỏi về một con người, và tự giải đáp: Hồ Chí Minh (bài thơ sáng tác năm 1958):

              Đức vua ta nghe nói đó là ai?

Thánh nhân đó là ai?

Ấn Độ là đất Phật có truyền thống tôn vinh những con người siêu việt.  Ba danh nhân được tôn xưng Tam linh vị thời  hiện đại trong đó có Rabindranath Tagore (1861-1941), đại văn hào; Mahatma Gandhi(1869-1948), nhà ái quốc vĩ đại. Riêng Gandhi được gọi là Thánh Gandhi  có danh xưng Mahatma tức Thánh sư .

Vậy là, đương nhiên Hồ Chí  Minh được xếp ngang hàng với các bậc thánh Ấn Độ.

 Gần đây, chính khách hàng đầu thế giới – Tổng thống Nga Putin, trong chuyến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2013, đã ghi trong sổ lưu niệm:

“Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI – thế kỷ hoà bình, tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là hình tượng cho một nền văn hoá tương lai. Vì thế, lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.(https://honvietquochoc.com)

Phương Đông và Phương Tây cùng chung tiếng nói thời đại tôn xưng: Hồ Chí Minh-Vĩ đại một con người bậc thánh nhân!

Chỉ có thể cắt nghĩa sự tôn vinh với danh xưng có màu sắc thần thánh hoá thiên tài Hồ Chí Minh bằng chính phẩm chất tuyệt vời và siêu phàm của bậc Đại trí, Đại nhân, Đại dũng với sự nghiệp và cuộc đời kỳ diệu của người. Cuộc đời với những chiến công, chiến thắng thần kỳ từ những tư duy cực kỳ thông tuệ kèm với những tiên tri, dự đoán thần thánh được hiện thực hoá và ứng nghiệm trong lịch sử. Cũng như cả với sáng tác văn chương vì con người  của Người – văn chương đáng thờ  như  quan niệm của bậc thần văn chương Nguyễn Văn Siêu xưa kia.

YYY

Hồ Chí Minh là con người người nhất, mang tinh chất người.

Hồ Chí Minh cũng là con người có phẩm chất siêu việt, phi thường.

Có sự nhất quán giữa con người vĩ đại và con người bình thường.

 Hiển nhiên sự thật lịch sử xem  Hồ Chí Minh  là người- thánhcon người – thánh nhân.

           Quả vậy, con người thần thánh  Hồ Chí Minh  có những đặc điểm cấu trúc kỳ diệu

-       Hồ Chí Minh là sự “tổng hoà” (Mác) hoặchoà hợp (Phạm Văn Đồng).

Hồ Chí Minh là sự tổng hợp và hài hoà những phẩm chất, tính cách tưởng như đối lập nhau: vĩ đại nhưng giản dị, dũng mãnh và khoan hoà, tự hào vẫn khiêm tốn, giản dị mà lịch sự,…

Bản thân Người vừa “kiên quyết không ngừng thế tấn công”, nhưng cũng biết“kiên trì và nhẫn nại” (Nhật ký trong tù). Quyết liệt “Dù phải đốt  cháy cả dãy Trường Sơn cũng  phải giành cho được độc lập”; kiên trì “Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa (…) song người Việt Nam quyết không sợ”.

Hài hoà về tính cách, và cả  phong cách sống.

Truyền thống cha ông ta là “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận).

Hồ Chí Minh là người anh hùng dân tộc và nhà văn hoá kiệt xuất. Vì vậy, mới mang phong cách hoà hợp ấy.

Phạm Văn Đồng viết: “Trong phong cách khiêm nhường, giản dị Hồ Chí Minh chứa đựng cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí mẫn tiệp, cái hành mực thước”.

Nhà nghiên cứu  Đức Hélene Turmaire, trong tác phẩm Trở thành người Bác như thế nào? cũng bình luận: “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh, với sự kết hợp đức không ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lenin, sự ung dung của một người chủ gia tộc.Tất cả hài hoà trong một dáng dấp tự nhiên”

Đó cũng là ý thơ Tố Hữu khi ca ngợi  tình cảm gắn bó máu thịt giữa lãnh tụ và quần chúng:“Người là Cha, là Bác, là Anh”. Phong thái ấy chính là sự tổng hoà của văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh.Báo Quan điểm, Miến Điện ,số ra ngày 15/5/1970 viết : “Người sống giản dị nhất nhưng chí hướng Người cao cả và sự nghiệp Người vẻ vang. Đối với kẻ thù, Người là sức nóng mặt trời thiêu đốt, đối với bạn bè, Người là ánh trăng dịu hiền”.Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nerhu cũng từng nói về  Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Một nhà lãnh đạo biết dung hoà giữa lòng vị tha hiếm có và quyết tâm sắt đá”.

Hồ Chí Minh là sự hội tụ.

Người là Ánh sáng. Người hội tụ biết bao nguồn ánh sáng  không gian và thời gian.Người trở thành nguồn sáng soi  rực rỡ. “Ngôi sao  sáng đưa ta qua đêm trường thế kỷ/Đã thành mặt trời chói lọi bình minh” (Chế Lan Viên), “Hồ Chí Minh! Người rực rỡ  một mặt trời cách mạng” (Tố Hữu). Hơn thế nữa, theo Amrita Pritam, Người còn thần diệu  “…gieo mầm sống/Mầm mặt trời lên cánh đồng bầu trời”

- Hồ Chí Minh là sự kết tinh.

Cuộc đời Người là kết tinh tất thảy những cuộc sống đẹp của mọi con người , mà trước hết là danh nhân, anh hùng, hào kiệt trong lịch sử dân tộc và nhân loại. Báo Chiến sĩ, Algeria ca ngợi: “Và trong cuộc đời của Người đã được tập trung tất cả những phẩm giá cao quý nhất của con người”

Phạm Văn Đồng từng tôn vinh: Hồ Chí Minh – tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại (Chính trị Quốc gia, 1970).

Tác phẩm này  chính  lời giải đáp chính xác, đầy đủ, sâu sắc nhất  cho câu hỏi đã và còn sẽ đặt ra  trong lịch sử nhân loại : Hồ Chí Minh, Người là ai ?

Hai tố chất cơ bản nhất: đạo đức siêu đẳng, tài năng kiệt xuất đã tạo nên phẩm chất tuyệt vời Hồ Chí Minh.

Phẩm chất Hồ Chí Minh được tôn vinh ở mức tuyệt đỉnh với tầm nhìn nhân ái, bao dung, chí khí anh hùng dũng mãnh, trí tuệ minh triết sáng láng.

 Uy danh Hồ Chí Minh  có sức thuyết phục mọi lương tri thời đại, thu hút bạn bè, làm khiếp sợ kẻ thù. Hơn thế : “Những kẻ thù xấu xa nhất cũng bắt buộc phải khâm phục. Những nhà văn, nhà báo dù có ác ý cũng không thể  tìm thấy một chút thiếu sót nhỏ nhặt nào trong cuộc đời gần 80 năm của Người” (báo Chiến sĩ, Algeria). Người có sức cuốn hút nhân tâm ghê gớm như nhà báo Ấn Độ Geetesh Sharma viết : “Điều kỳ diệu nhất là vị lãnh tụ ấy có sức cảm hoá và làm rung động trái tim  của bất kỳ người dân  nào ở nơi ông tới” (Huyền thoại Hồ Chí Minh trong trái tim Ấn Độ (https://suckhoedoisong.vn).

Uy danh và phẩm chất của Hồ Chí Minh có sức lan toả rộng rãi trên khắp hành tinh trong thời đại và vĩnh cửu với thời gian. Hồ Chí Minh như chân lý sinh ra sẽ muôn đời toả sáng

Hồ Chí Minh - một nhân cách hoàn hảo tuyệt vời , là hình mẫu về con người mới của tương lai. Bản thân Người đã được vinh danh là một trong những người mở đường cho nhân loại đi tới ánh sáng.

 Suy tư của nhiều nhà tư tưởng lớn gặp nhau: cho dù thế giới còn thay đổi nhưng có một điều không đổi là công lao, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức  Hồ Chí Minh sống mãi.

 

 

            TÀI LIỆU THAM KHẢO

[ 1 ]Thành Duy (2011) , Danh ngôn Hồ Chí MinhHội Nhà văn.

[ 2 ] Phạm Văn Đồng ( 1970) Hồ Chí Minh -  tinh hoa và khí phách dân tộclương tâm thời đại, Chính trị Quốc gia .

[ 3 ] Hà Minh Đức ( 2000 )  Văn thơ Hồ Chí Minh, Khoa học xã hội

[ 4 ]  Hà Minh Đúc ( 2015)  Hồ  Chí Minh –Anh hùng dân tộc và tầm thời đại cuả Người, Chính trị Quốc gia

[ 5 ]  Trần Văn Giàu (  2010)  Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con người, Chính trị Quốc gia

[ 6 ] Đoàn Trọng Huy  (2015. 2018 ) Hồ Chí Minh -  Niềm thơ cao cả , Thanh niên (1), Văn hoá-Văn nghệ (2)

[ 7 ] Đoàn Trọng Huy ( 2018 ) Hồ Chí Minh -  Hồn cách mạn,hồn thơ, Văn hoá-Văn nghệ

[ 8 ] Nguyễn Xuân Lạc ( 2000 Thơ dâng Bác, Đại học Quốc gia Hà Nội

[ 9 ] Nhiều tác giả ( 2007 ) Một giờ với đồng chí Hồ  Chí Minh, Thanh niên

[10 ]  Nhiều tác giả ( 2011 ) Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo, Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh

[ 11 ] Song Thành ( 2010 )  Hồ Chí Minh – Nhà văn hoá kiệt xuất, Chính trị Quốc gia

 

 

 


Source: 
13-10-2020
Tags