GÓC KHUẤT HOA THẦM

Hồi còn ngoài này, thầy Trung ở khu tập thể Giảng Võ. Căn hộ trên tầng năm nhà A6, lưng quay ra hồ. Mặt tiền cũng chuồng cọp lồng sắt. Cũng cửa sắt hàn thêm, chặn từ đầu hành lang. Cũng khoét một lỗ vuông trên cửa pano để giấu khóa phòng trộm. Trong nhà, cũng phòng khách kiêm phòng sách. Cũng phòng ngủ thông thống ra bếp với xó vệ sinh. Đồ đạc thì chưa hết một cái liếc nhanh đã điểm mặt được khắp. Cái gì cũng tầm tầm, cũ cũ, dù được sắp xếp gọn, lau chùi kĩ. Ấn tượng để lại chả có gì thật đặc biệt. Nhà trí thức Hà Nội thời bao cấp hình như đều thế. Học thầy từ hồi sinh viên, nhưng phải khi vào cao học rồi, đến nghe ké chuyên đề văn học Ấn Độ tại nhà, tôi mới có dịp tận mắt thấy cuộc sống của thầy. Ông già tóc muối tiêu, dáng còm hom, lọ mọ đẩy cái xe đạp tàng ngược năm tầng nhà, chục khúc cầu thang, lọ mọ mở khóa, lọ mọ nấu ăn, lọ mọ làm việc, lọ mọ tắt đèn, lọ mọ buông màn… đến mấy chục năm trời, cứ một mình thế, trong cái chốn này đây. Về sau, khi đã thân tình, ngó nghiêng nhiều hơn, tôi hay bước ra sau nhà. Và thích nán lại ở đấy. Bởi phía sau là một ban công nhỏ, trông ra mặt hồ, rất mát. Nép bên trái ban công, có một khóm quỳnh quanh năm tươi tốt, lá già xanh rì, lá non xanh mỡ, lá nào cũng vươn về phía hồ. Cứ đứng trong góc khuất nở những hoa thầm. Từ xa trông về căn hộ này, thì nó là khóm xanh duy nhất, chìm giữa tấm lưng bê tông ken đặc những lồng sắt của tòa nhà. Mãi đến tận gần đây, mỗi lần đi qua hồ Giảng Võ, tôi vẫn cứ ngước lên tìm kiếm cái địa chỉ xanh ấy. Nhưng không còn thấy nữa. Có lẽ, từ độ thầy chuyển vào Nam, căn nhà sang tay chủ mới, khóm quỳnh đó đã bị dẹp đi rồi.

Hồi đầu, mỗi khi đến chơi, tôi chưa mấy chú ý đến tập lịch tranh treo tường Nhật Bản đã cũ, do ai đó tặng thầy. Phần vì tâm trí một giảng viên trẻ của tôi luôn bị giá sách của các bậc thầy cuốn hút. Phần vì tôi hiếu kì hơn với cặp mặt nạ kịch nô treo trên tường, cùng những bát hoa tươi thường cắm theo lối hoa đạo trên bàn viết của thầy. Về sau mới để tâm, khi thấy tập lịch từ năm này sang năm khác vẫn treo ở đó. Và tuy nhiều tờ mà vẫn chỉ thấy có một tờ ấy lật ra treo mãi thôi. Đó là tờ có bức thư pháp, viết hai chữ “Thủy Nguyệt”, theo lối chân. Nhác trông, dễ lẫn vào đồ đạc khác. Thủy nguyệt dù hiểu là “trăng in bóng nước” hay “trăng trong đáy nước” thì cũng vẫn là một vẻ đẹp rất Thiền Nó chứa đựng ý niệm sắc sắc không không thâm hậu của Phật lý. Một vẻ đẹp ẩn chìm. Treo lâu ở đó vì thầy trân trọng kỉ vật của một người đặc biệt nào, vì nó gợi đến cái truyện cùng tên khá nổi tiếng của Kawabata, hay đơn giản là nó bị bỏ quên ? Tôi không rõ. Còn tôi, chả hiểu sao, cứ nhìn bức Thủy Nguyệt ấy, thì lại nhớ tới khóm quỳnh ngoài ban công sau nhà.

Có thể chỉ do cái thói quen liên tưởng vơ vẩn của tôi. Mà cũng có thể vì cái lần đầu tôi nhận ra nó. Ấy là hồi tôi còn ở núi Bò, cách hồ Giảng Võ của thầy không xa. Cuộc sống bấy giờ thật gieo neo vất vả. Chuyện áo cơm rát hơn chữ nghĩa. Ai ai cũng phải bươn chải. Thầy trò tuy gần, nhưng cũng thỉnh thoảng mới qua chơi được. Lần ấy, thầy nhắn : “Tối nay, khoảng 8 giờ, qua mình chơi nhé. Nhớ rủ cả Văn Giá và Mai Văn Hai nữa! Mình sẽ tặng các cậu một đêm thú vị!”. Được tin, tôi vừa mừng vừa phân vân. Hỏi dò Văn Giá xem là sự kiện đặc biệt nào đấy, hắn cũng chả biết gì hơn. Nghĩ lắm giả thiết, đến cuối cùng thì chúng tôi đoán đại: chắc có khách xa đến, nên tiệc tùng lễ lạt gì đây.

 Nhưng, khi leo hết mười lượt cầu thang, đẩy cửa hành lang, nhòm qua cửa sổ, thì cả ba chúng tôi đều ngẩn người. Trong nhà chả có khách khứa tiệc tùng gì. Chỉ có một mình thầy đang ngồi đợi bên mép tấm chiếu trải giữa sàn. Chính giữa chiếu là một tờ báo phẳng phiu, trên đó đã bày sẵn một bình rượu nhỏ, bốn chiếc li bé, bốn cái rĩa bạc, một đĩa trái cây cắt sẵn và một đĩa lạc rang. Tất cả đã được sắp đặt tươm tất. Lạ nữa, bên cạnh, có chiếc bình pha lê không hoa, chứa nước đến phân nửa. Chết rồi! Sinh nhật thầy rồi. Chiếc bình kia chẳng phải đang chờ hoa sinh nhật sao? Giờ làm sao còn kịp lui để tìm hoa được nữa, thầy đã thấy cả rồi. Ba chúng tôi nhìn nhau, tiến cũng dở, thoái càng dở. Thôi đành, chúng tôi cứ tay không bước vào, mặt rất sượng sùng. Nhưng, thầy chả để ý. Không mời chúng tôi ngồi, cứ thế thầy dẫn thẳng ra nhà sau. Vị khách bất ngờ nào đang nấp sau nhà chăng? Vừa theo ra, tôi vừa đoán già đoán non. Tới ban công, thì đột nhiên thầy với tay tắt phụt ngọn điện, khiến cả bọn đều giật mình. Bóng tối bưng lấy mắt. Nhưng lập tức chúng tôi “Ồ” lên, vì vỡ ngay ra trước mắt một hồ trăng sóng sánh. À, ra thế! Thầy muốn tặng chúng tôi một hồ trăng từ ban công này. Tôi đã nghĩ, chắc thầy muốn gửi một thông điệp: điện thấp che khuất trăng cao, nên muốn thưởng trăng thì cần dẹp điện đây. “Các cậu thấy rồi chứ ?”. “Vâng! Trăng đẹp quá! Hồ đẹp quá! Hôm nay mười ba à thầy ?”. “Đúng. Mười ba. Nhưng, các cậu chưa thấy gì à ?”. Tôi chột dạ. Thì thấy trăng trời với trăng hồ rồi thôi. Chẳng phải đây chính là một quà tặng độc đáo sao ? Thầy còn muốn chúng tôi thấy gì nữa nhỉ ? Còn đương lúng túng chưa hiểu ra sao, thì thầy nhắc: “Bên trái này cơ”. Chúng tôi nhìn sang và cùng thốt lên: “Hoa quỳnh! ”. Trong lùm tôi tối mờ mờ của khóm cây, đang rung rinh ba bông quỳnh, bông nào cũng hướng về phía trăng. Hai bông đã he hé. Một bông mới chỉ tách các tua râu hồng tía bao vỏ ngoài như tự bóc từng nan quạt. Bông nào cũng một dáng cong cong y như chiếc saxophone bé xíu được ngậm hờ trên môi lá. Không phải gió đang lay động, mà chính hoa đang cựa mình. Từng bông cứ run lên bởi một luồng sống mơ hồ mà mãnh liệt đang chuyển động trong hoa. Hẳn cái nguồn hương tích trong lòng mỗi bông hoa đã bức xúc lắm lắm, phút này đây đang đòi thoát ra ngoài. Lúc ấy, chợt đến trong tôi một hình dung ngộ nghĩnh : ba đóa quỳnh đang cử khúc tam tấu để chào đón trăng đây. Mà thế này thì, tôi biết, chỉ lát nữa thôi, mỗi chiếc saxophone hoa kia sẽ biến hình thành một vũ nữ trắng muốt, sẽ thầm khiêu vũ với trăng cho kì đến lả mình. Và, bấy giờ, tôi chợt vỡ lẽ về món quà tặng ý vị của thầy.

Không thể bày rượu ở đây, vì ban công quá chật. Cũng không thể mang cả khóm vào nhà, bởi quỳnh trồng trong bồn. Thầy đành cắt vào nhà cả thân quỳnh có bông hoa sắp nở. Thì ra là như thế, chiếc bình trong kia đang đợi bông hoa này. Phải loay hoay rất lâu và phải dùng đến bàn chông với chiếc kim đan làm xương tựa nữa, thầy trò chúng tôi mới cắm xong nhành quỳnh nguyên lá vào chiếc bình pha lê. Đêm ấy, theo nhịp trăng lên, quỳnh cứ mở dần những lớp cánh trắng mê muốt. Hương cứ tỏa ra từng làn ngan ngát. Mật cứ ứa ra trên đài nhụy từng giọt tinh trong. Phấn vàng cứ từng hạt li ti thầm rắc xuống, vương cả vào li rượu gần. Không dừng, không nghỉ. Đến tàn canh thì kiệt sức. Nó từ từ rũ xuống, kết thúc cái đời hoa quá ư bạc phận của loài quỳnh. Bọn vô tâm chúng tôi thì mải bình phẩm. Còn thầy thì nâng li rượu vui mà cứ phảng phất nụ cười buồn. Cho đến lúc ra về, tôi mới chợt nhận ra, ngay phía sau thầy là những nét tỏ mờ của hai chữ “Thủy Nguyệt”.

Trong khoa Văn, với lối nói chầm chậm, thủ thỉ, nghiêng về chia sẻ, không hoạt ngôn, không chém gió, không lên đồng, không hoa mĩ,… thầy Trung không phải một “hot teacher” trên bục giảng. Ở tổ văn học nước ngoài, thuộc thế hệ thầy, những cái tên hot phải kể đến là Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Hoàng Tuyên, Nguyễn Khắc Phi, Phùng Văn Tửu, Đặng Anh Đào… Nhưng chắc chắn thầy là một “hot teacher” sau bục giảng. Không biết có phải do những nền văn học thầy mê mải nghiên cứu, do cái tạng bẩm sinh, hay do những hoàn cảnh riêng, mà thầy có một lối sống khá thiền. Căn phòng đơn sơ của thầy chả mấy khi vắng hoa tươi bên những trang sách mở, và chẳng khi nào vắng bóng những sinh viên gắn bó với thầy. Chủ nhân bao giờ cũng một nụ cười hiền có phần bẽn lẽn. Có lẽ thầy Trung là ông giáo được học trò lui tới nhiều nhất khoa. Nam sinh cũng được thầy giúp đỡ, cưu mang. Nhưng nữ sinh quấn quýt nhiều hơn. Chúng qua lại thăm nom, tụ bạ, có khi còn chợ búa cơm nước giúp thầy. Sự quấn quýt hồn nhiên ấy cũng phần nào giúp cho đời sống độc thân của thầy đỡ phần cô quạnh. Thế mà, nghe đâu có một cô giáo đang được đám học viên mai mối cho thầy, cũng kết thầy lắm, nhưng đến chơi cứ thấy vương vướng bởi đám nữ sinh tươi trẻ ríu rít. Một lần, lại chứng kiến một em nào đó đang gội đầu với chậu nước bồ kết được vò rất kĩ nữa, thế là cô giáo… bỏ đi luôn. Ôi, cái sự nghi kị lầm lẫn đã tự làm mất đi cơ hội của mình. Chắc về sau, nếu hiểu rằng thầy vốn coi lũ học trò như con cái trong nhà, hẳn cô ấy phải hối tiếc lắm. Còn thầy, dù bị hiểu oan, cũng vẫn bình thản thế. Và chẳng vì thế mà thầy đổi thay lối sống của mình. Mà giả có đổi, cũng chả đổi được. Đó là cái nết của thầy rồi.

Hình như đây cũng là cái cách đến với văn chương riêng của thầy Trung. Tôi không rành lắm về chuyên ngành của thầy. Nhưng đọc những gì thầy viết thì thấy, dù thầy đi vào nền văn học đầy binh đao của Tàu, nền văn học chuộng tâm linh của Ấn, hay nền văn học của Samurai và anh đào Nhật, dù Lỗ Tấn hay Tagore, dù Kawabata hay Basho, thì đều bằng một cốt cách ấy. Thầy mải mê giới thiệu từng nền văn học đó, từng tác giả đó bằng cái biết của một người chi chút, nâng niu, đồng cảm. Văn của thầy trong những công trình kia không phải thứ văn sắc sảo của những đột phá. Không phải thứ văn kiêu hùng của những tư tưởng muốn áp đặt. Cũng không phải thứ văn kiêu sang hoa mĩ của những phong cách muốn tỏ sự độc đáo. Trái lại, là thứ văn bình dị mà tinh, say mê mà ẩn của một ngòi bút trọng tình. Văn thủy nguyệt.

Các thế hệ sinh viên Văn khoa Sư Phạm và giới học thuật phần lớn chỉ biết về thầy Lưu Đức Trung là một chuyên gia Văn học châu Á. Thì tất nhiên, thầy là một giáo sư đa chuyên ngành hàng đầu của các nền văn học châu này mà lị. Mấy chục năm trên bục giảng đại học, thầy có nói gì khác ngoài văn học châu Á đâu. Hồi những năm 70 là chuyên gia văn học Tàu. Những năm 80, văn học Ấn. Những năm 90, văn học Nhật. Các giáo trình về những nền văn học kia một tay thầy dàn dựng và triển khai. Từ điển Văn học phần này một tay thầy soạn. Sách giáo khoa, sách tham khảo phần này cũng do thầy chủ trương. Học trò thầy trực tiếp đào tạo đều thành chuyên gia về các nền văn học này. Tuyển tập thầy tự tay gom lại tổng kết cuộc đời học thuật cần mẫn của mình, làm thành một quyển dày dặn bề thế, là “Đi vào vườn hoa văn học châu Á”… Thế nên, không ít người cứ đinh ninh thầy Trung chỉ là một giảng viên đại học, một nhà khoa học thôi.

Nhưng, ai gần thầy Trung đều thấy căn cốt thầy là một nghệ sĩ. Kiểu nghệ sĩ - thiền giả. Căn cốt ấy không chỉ quyết định sắc thái học thuật suốt đời thầy. Mà cái phần chìm khuất và bền vững này khi vào Sài Gòn còn mang lại cho thầy một cương vị mới mà đến nay hẵng còn chưa được người trong giới văn chương biết nhiều : thi sĩ thơ Haicu, hơn thế, thủ lĩnh thơ Haicu Việt.

Nhớ lần kỉ niệm 60 năm thành lập Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà trường muốn có một tuyển tập sáng tác lí luận phê bình của những tác giả văn học trưởng thành từ cái nôi này để “show hàng”. Tập sách về sau có cái tên rất oách “Từ bục giảng đến văn đàn”. Tôi cũng được mời tham gia vào ban tuyển và phải viết lời giới thiệu. Họp hành, bàn thảo, thế mà cũng nát nước. Tiêu chí tuyển rất oái oăm. Với sáng tác thì mở. Cứ người nào có sáng tác được chú ý một chút, thì tuyển. Với nghiên cứu phê bình lí luận thì đóng. Chỉ ai là hội viên Hội nhà văn, mới được tuyển. Rất nhiều thầy cô nổi tiếng trong học thuật mà bị loại, chỉ vì chưa là hội viên. Khi điểm đến thầy Trung, tôi quyết định phải chiến đấu. Thầy dứt khoát phải được tuyển. Nếu tiêu chí cứng nhắc kia khiến thầy không được tuyển phần học thuật, thì phải tuyển mảng sáng tác. Nghe tôi đề xuất, có vị ngạo mạn đã cười nhạt : “Cụ Trung thì sáng tác cái gì ?”. Dù rất bất bình, nhưng tôi vẫn phải kiềm chế để thuyết phục. Tôi nói về thơ Haicu, về hoạt động sáng tác của thầy. Rằng, đến giờ, thầy đã cho in tập Tươi mãi với thời gian thứ ba trong mạch thơ Hacu của mình. Rằng, câu lạc bộ thơ Haicu do thầy sáng lập, tuy ở Sài Gòn nhưng đã thu hút người yêu thể loại này trên cả nước. Rằng, dưới sự điều hành của thầy, mươi năm nay tổ chức vẫn sinh hoạt đều kì, chuyên san Haicu ra đều đặn, lại từng phối hợp với Lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức thành công cuộc thi thơ Haicu tại Việt Nam. Rằng, gắn bó với câu lạc bộ này có không ít tên tuổi như Nguyễn Bao, Nhật Chiêu, Quang Huy, Nguyễn Hoa hay Đoàn Thị Thu Vân, Lê Tự Hiển, Phùng Hoài Ngọc, Vũ Tam Huề, Đặng Kim Thanh, Trần Nguyên Thạch, Vũ Xuân Trường, Trúc Anh, Nguyễn Thị Bích Thúy, Mai Liên, Nguyễn Thị Kim … Rằng, từ sau thời của Ngô Văn Tao, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, những nghệ sĩ tài hoa làm thơ Haicu rồi dịch ra lục bát, đến nay, có lẽ, câu lạc bộ của thầy là có tính tổ chức cao nhất. Nó đang truyền bá, tiếp biến một trong những đặc sản của văn hóa Nhật Bản vào đời sống thi ca Việt. Và, cuối cùng, tôi quyết định phải lẩy ra một bài. Đúng, chỉ cần một bài đặc sắc thôi, người làm thơ cũng đã thành thi sĩ, đã có chỗ đứng rồi. Thơ Haicu vẫn được ví như những viên sỏi gieo xuống mặt nước. Nhưng nó không phải phép cộng thô sơ của những viên sỏi ngôn từ và những quầng sóng dư ba. Tinh vi hơn, thơ Haicu phải là cái khoảnh khắc những viên sỏi chạm vào mặt nước xô dậy những vòng sóng, làm loang xa những viền sóng. Cũng có thể hình dung ấy là khoảnh khắc ánh trăng chạm vào lòng nước, nước lưu vào lòng cái bóng trăng in. Cái khoảnh khắc chỉ những ai có tâm hồn nghệ sĩ thiền giả mới có thể đón nhận và thấu cảm. Nó là thủy nguyệt. Và, có ngẫu nhiên không, khi thầy viết đã mấy tập thơ, tôi yêu khá nhiều bài trong đó, thế mà cái bài tôi thuộc nằm lòng, cái bài bật ngay lên trong tôi lúc ấy, cũng là bài thầy viết về hoa quỳnh ? Có lẽ, thầy đã phải chắt ra từ cả một cuộc đời lặng lẽ sống với khóm hoa sau nhà, chứng kiến bao phận hoa. Cho nên, chỉ đôi lời thôi mà thơ đã ôm trọn số kiếp bạc mệnh của loài quỳnh:

Chiều hé nở / Khuya rạng rỡ / Sáng rã rời - Quỳnh ơi!

Người Việt làm thơ Haicu nhiều. Nhưng thơ Haicu nhập được vào mĩ cảm của người thơ Việt đến độ nhu nhuyễn thì chưa nhiều. Bài như thế này, chẳng phải là của hiếm sao.

Cuối cùng thì trong tuyển tập đã có bóng quỳnh ấy. Nó lẫn trong tập sách dày ngót nghét ngàn trang. Như trăng trong đáy nước.

Làng quốc tế Thăng Long, tháng 6/2013

Chu Văn Sơn


Source: 
29-07-2021
Tags