Giới thiệu sách: Cát trọc đầu

Cát trọc đầu là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến đã qua. Trần trụi, nóng bỏng, khủng khiếp. Không chỉ là thực tế của bom rơi đạn nổ, chết chóc, đau thương mà đó là những số phận người, sự tráo trở của anh hùng và hèn nhát, nhân văn và độc ác, sự khuất lấp và đánh tráo những giá trị thực và giả.

GIỚI THIỆU SÁCH:     

       CÁT TRỌC ĐẦU

               Tác giả: Nguyễn Quang Vinh

               NXB: Nhà xuất bản Trẻ

               Năm xuất bản: Tháng 12 – 2012

*

         

 

Các bạn thân mến!  Đất nước Việt Nam ta đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh. Từ lịch sử bốn nghìn năm Bắc thuộc cho đến hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, chiến tranh đã tôi luyện cho con người Việt Nam trở thành một dân tộc anh hùng, kiên cường trong trận mạc. Hiện thực đời sống lịch sử đã mở đường cho văn học. Mảng đề tài về chiến tranh là một đề tài nổi bật trong nền văn học nước nhà. Bao sáng tác đã ra đời và trở thành mẫu mực. Chúng ta không thể nào quên khi nhắc đến trang văn Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, sáng tác của Nguyễn Minh Châu với tiểu thuyết Dấu chân người lính...

 

             Hôm nay, tôi xin giới thiệu với các bạn cuốn tiểu thuyết Cát trọc đầu của nhà

              

văn Nguyễn Quang Vinh. Cát trọc đầu là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến đã qua. Trần trụi, nóng bỏng, khủng khiếp. Không chỉ là thực tế của bom rơi đạn nổ, chết chóc, đau thương mà đó là những số phận người, sự tráo trở của anh hùng và hèn nhát, nhân văn và độc ác, sự khuất lấp và đánh tráo những giá trị thực và giả.

           Theo từng con chữ của tác giả là nóng như cát nóng, bỏng như cát bỏng, rát như cát rát. Từng trang, từng trang quất liên hồi vào mặt người đọc thực tế của chiến trường, thực tại của cuộc chiến. Cách viết của tác giả là kể, kể tuần tự, kể cụ thể, phơi bày trần trụi việc và người, tung ra dồn dập các sự kiện, chi tiết, có những chi tiết khủng khiếp, từ đó phơi bày những nhân vật con người trong cuộc sống chết với bom đạn.

          Cát trọc đầu là câu chuyện về con người trong chiến tranh. Hay cũng có thể nói chiến tranh chỉ là cái cớ, là bối cảnh để nhà văn tung hoành những trải nghiệm của mình về con người và tính cách người. Đúng như tác giả đã tâm sự: “Khi sống ở nơi chỉ có sỏi, đá, đói nghèo và khắc nghiệt, con người mới sống thực chất với mình. Họ bộc lộ cả khát vọng lẫn hằn học, cao cả lẫn ti tiện, lãng mạn lẫn thực dụng”. Bối cảnh của cuốn sách là cuộc chiến tranh chống Mĩ khốc liệt. Không gian tiểu thuyết là hậu phương và tiền tuyến - ở đây là mặt trận đường mòn Hồ Chí Minh. Không gian ấy càng khắc họa rõ hơn số phận của các nhân vật. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã tâm sự : “ Cát trọc đầu như là một hình dung cụ thể về địa hình của các mỏm cát làng quê Quảng Bình. Nó như những cái đầu trọc thời trẻ con chúng tôi, về ý nghĩa nào đó, tôi muốn qua sự hình dung này, để gửi một thông điệp rằng: đây là cuốn tiểu thuyết viết thẳng, cọ xát, trung thành và phô diễn hết mọi thứ tôi biết, tôi cảm về chiến tranh, không vòng vo, không giấu giếm. Nó trọc như thế, trần trụi như thế, để từ đó, người đọc nhận diện rõ ràng cả về vẻ đẹp và sự xấu xa của con người trong cuộc chiến”..

          Thực tế trong tiểu thuyết là chiến tranh. Nhưng kẻ thù giấu mặt ở trên cao, còn trên mặt đất là những con người chống chọi với sắt thép dội xuống. Chấp nhận gian khổ, hi sinh đã đành, họ còn phải chống chọi với sự thoái hóa nhân cách của những kẻ lợi dụng chiến tranh để trục lợi cho mình. Nhân vật Nguyễn Hữu Bá trong tác phẩm là một con người như vậy. Ti tiện, tráo trở, hèn nhát. Bá đã lừa gạt biết bao người nhờ vào tài văn thơ và sự khôn ngoan khéo léo của mình. Vì muốn tiến thân trên con đường công danh, Bá đã viết bức thư bằng máu để xin vào chiến trường. Bức thư bằng máu xin được của Bá đã mang lại cho hắn sự nổi tiếng và khâm phục của mọi người, nhưng chỉ khi vào đến chiến trường rồi, con người thật của hắn mới lộ rõ. Đê tiện, tráo trở, hắn sẵn sàng giẫm lên trên sinh mạng và công sức của người khác để trục lợi cho mình. Vì một bữa ăn thiết đãi thủ trưởng mà Bá đã hi sinh hai người đồng đội của mình. Hèn nhát, Bá luôn trốn tránh bom đạn nơi chiến trường, tìm đủ mọi cách, nghĩ đủ kế để thoát thân, được ra Bắc. Nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Quang Vinh là sự đối lập giữa anh hùng và hèn nhát, giữa cao thượng và thấp hèn. Cùng với nhân vật Bá là Nụ - cô gái quê hiền lành, chân chất, gan dạ, xung phong nơi trận mạc, không sợ gian khổ hi sinh; là chị Xuân tiểu đội trưởng mạnh mẽ, giàu tình cảm; là đội trưởng An dũng cảm, một lòng hi sinh phấn đấu  vì Tổ quốc. Sự đối lập giữa tính cách nhân vật ấy càng nổi bật hơn trong bối cảnh chiến trường. Nguyễn Quang Vinh đã viết những dòng chữ đầy xúc động: “Đừng đặt hai tiếng Tổ Quốc trên giấy màu cắt dán ở phông vải treo hội trường. Hãy đặt trước mặt mỗi người hai tiếng Tổ Quốc cạnh những hố bom, cạnh những cung đường dày đặc tiếng bom rơi đạn nổ, bên những lỗ huyệt đào vội, bên những miếng gỗ đẽo gọt vội vàng ghi tên liệt sĩ, bên cạnh quả bom nổ chậm... Mọi sự hô hào suông sẽ không còn giá trị khi mỗi người bắt đầu đặt chân vào đường Trường Sơn này. Tại nơi đây, thằng hèn và người anh hùng cùng đội bom đội đạn, cùng bị cái chết rình rập, cùng chịu đói chịu khát như nhau. Khác chăng là, thằng hèn tìm cơ hội sống, người anh hùng tìm cơ hội cứu nguy cho Tổ Quốc...” Cuốn tiểu thuyết kết thúc khi Bá – sau bao mưu mô ở chiến trường tìm cách bảo toàn mạng sống và chiếm đoạt công sức của đồng đội – trở về hậu phương trong ánh hào quang giả tạo, vay mượn từ những con người nơi tiền tuyến. Hậu phương không hề biết sự thật đằng sau ánh hào quang ấy. Người có thể xé toang tấm hào quang ấy thì lại đang ngần ngại. Và chúng ta – những người đọc – sẽ còn lo lắng, hoảng sợ nữa khi nghĩ đến quá trình tiến thân của nhân vật này.

            Cát trọc đầu cũng tập trung khai thác một khía cạnh của đời sống con người: tình dục - trong mảng đề tài chiến tranh. Tình dục trong Cát trọc đầu được mô tả hết sức chân thực. Nó là sự đểu giả và lừa dối của Bá, là sự đê mê sung sướng, sự hấp dẫn như ma lực của Nụ, là sự mù quáng của Kim Anh, của Hà.. Nó cũng là sự yêu thương, động viên nhau vượt qua gian khổ, khốc liệt nơi chiến trường của mối tình Dũng và Xuân. Yêu không phải là lời nói ngay đầu môi mà nó là sự cố gắng, nỗ lực, sự in bóng trong tim. Bạn sẽ không thể nào thôi xúc động trước hình ảnh Xuân một mình lái xe qua trọng điểm mà trong miệng là lời gọi tên anh Dũng. Niềm tin vào tình yêu đã mang lại cho chị sự tự tin và dũng cảm để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn. Tình dục trong văn học viết về thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam vốn rất ít khi được nhắc đến, nhưng giờ đây, Nguyễn Quang Vinh đã làm thay đổi cách cảm nhận và phản ánh cuộc sống của các nhà văn thời hiện đại...

                Câu chuyện của tiểu thuyết Cát trọc đầu được viết bằng tất cả sự trân trọng vô bờ của tác giả đối với một thế hệ đã chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc. Đọc trang văn của Nguyễn Quang Vinh, tôi không thể thôi niềm xúc động, lặng người, giận dữ khi thấy sự tráo trở, đểu cáng của Bá; hào hứng khi đọc những trang viết về cuộc sống chiến đấu tuy gian khó nhưng đầy tình cảm yêu thương của Xuân, Nụ và đồng đội; tràn đầy niềm tin vào mối tình đẹp đẽ, trong sáng của Xuân và Dũng. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng có cách viết rất hài hước, chân thực nhưng không hề thô kệch. Lời nói, hành động của các nhân vật suồng sã, trần trụi một cách không ngờ như ta có thể bắt gặp bất cứ một người nào như thế trong đời sống hiện thực...

                Với bất cứ ai yêu thích mảng văn học chiến tranh thì tôi tin rằng Cát trọc đầu là một tác phẩm không thể bỏ qua. Bối cảnh làm nền cho tác phẩm là cuộc chiến tranh chống Mĩ, nhưng tác phẩm khép lại không phải là chấm dứt đi một quá trình mà là để mở ra một nội dung khác – nội dung mà tác giả vẫn đang tiếp tục, theo đuổi số phận của các nhân vật trong thời bình. Chiến tranh dù đã đi qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi. Cát trọc đầu không né tránh việc miêu tả một cách trần trụi, khốc liệt, nó vạch mặt cái xấu, cái ác đến từng ngóc ngách, đẩy cái xấu đến tận cùng của sự thê thảm, sự bi hài. Đồng thời, tác phẩm cũng là lời cảnh báo về mầm móng của những kẻ cơ hội dưới vỏ bọc chiến tranh đang từng bước leo cao, trở thành con sâu của thời bình, mở ra một cuộc chiến mới. Đó là một cuộc chiến sau cuộc chiến, để thanh tẩy, lọc sạch những kẻ ăn bám, để phơi bày sự thật cay đắng của chiến tranh được đổi bằng máu xương của hàng triệu con người thầm lặng – cuộc chiến nhân cách. Bom đạn kẻ thù tuy đã kết thúc, nhưng sự xói mòn nhân cách, sự tha hóa của lương tri vẫn còn đang tiếp diễn. Mảnh đất Quảng Bình – xứ cát quê hương – nơi thử thách tột cùng, cũng là nơi con người bộc lộ hết mình. Đào sâu vào cát sẽ thấy được những mạch ngầm của cuộc sống. Dưới cát bỏng là nước mắt, dưới những trang văn quyết liệt, dữ dội của Nguyễn Quang Vinh là lòng nhân ái, sự bao dung, là tình thương yêu vô bờ bến giữa người với người. Đây chính là nguồn cội, là chí hướng để con người vươn tới, băng qua cái ác, trưởng thành, tự tin, dung dị mà cao cả...

 

Người viết: Phan Thị Thu Hiền

SV lớp CLC K63 Sư phạm Ngữ  văn


Source: 
13-10-2020
Tags