GIẢI MÃ VĂN HÓA TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC

Văn học là sự tự ý thức văn hóa. Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa, chịu sự chi phối ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa mà còn là một trong những phương tiện tồn tại và bảo lưu văn hóa. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa thời đại và truyền thống văn hóa độc đáo của một dân tộc, đồng thời thể hiện cả nội hàm tâm lý văn hóa độc đáo của một thời đại và một cộng đồng dân tộc. Cùng với hệ thống giá trị văn hóa là những mô thức văn hóa riêng của một cộng đồng dân tộc, văn học đã tự giác tiếp nhận và thể hiện những giá trị và mô thức mà cả cộng đồng tôn trọng và tuân thủ.

Mặt khác, nhà văn – chủ thể sáng tác phải là con đẻ của một cộng đồng, thuộc về một cộng đồng nhất định, muốn hay không anh ta cũng đã tiếp nhận những thành tố văn hóa của cộng đồng mình, những lối tư duy, những mô thức ứng xử trong đó chứa đựng nội hàm văn hóa tâm lý riêng của thời đại cũng như những ngưng tụ giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Vì vậy nhà văn dù sáng tạo tới đâu, viết ra hay nói ra vấn đề gì thì cũng vẫn thể hiện tâm thái văn hóa và những kết cấu tâm lý văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Thêm nữa, khi đọc và tìm hiểu văn học nước ngoài, trên thực tế không chỉ là quá trình vận dụng những hiểu biết về ngôn ngữ nước ngoài - vốn không dễ dàng đối với nhiều người, mà quan trọng hơn là phải hiểu được bối cảnh văn hóa của dân tộc khác, hiểu được những ngữ nghĩa văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong vỏ ngôn ngữ của họ, hiểu được những mô thức tư duy, tâm thái văn hóa, những mã văn hóa của cộng đồng khác, thậm chí vô cùng khác lạ với người nghiên cứu. Nói khác đi là muốn hiểu văn học nước ngoài không chỉ đơn giản là biết tiếng nước ngoài mà còn cần biết cả nền văn hóa của cộng đồng ấy, mới mong hiểu được thấu đáo văn học của họ.

Chính vì vậy mà việc tìm hiểu và giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học không chỉ cần thiết cho việc nghiên cứu văn học trong nước mà cũng sẽ vô cùng cần thiết đối với việc nghiên cứu văn học nước ngoài. Phương pháp này sẽ tìm được những cơ sở khoa học liên ngành cần thiết và hợp lý. Cách thức giải mã này là đặt văn học vào bối cảnh rộng lớn của văn hóa - xã hội, hoặc trong ảnh hưởng qua lại của văn học đối với những hiện tượng văn hóa xã hội khác, từ đó làm nổi bật những sắc thái văn hóa phong phú được thể hiện trong tác phẩm văn học; hoặc giải mã khám phá những phù hiệu, biểu tượng hàm ẩn muôn vàn lớp nghĩa trầm tích của văn hóa trong văn bản văn học cụ thể, qua những lớp bề mặt của ngôn ngữ tác phẩm, trên cơ sở so sánh hiện thực và lịch sử, đi sâu khám phá nội hàm tâm lý văn hóa và hạt nhân văn hóa tiềm ẩn trong nhiều lớp trầm tích của tác phẩm, đối chiếu tổng thể trên nhiều bình diện, nhiều góc độ để đánh giá hết cái hay cái đẹp của tác phẩm văn học và ý nghĩa quan trọng của văn học đối với cuộc sống của nhân loại.

Có điều rằng, sự xem xét mối quan hệ của văn hóa đối với văn học lâu nay vẫn có thể vẫn bị coi là một loại phương pháp có tính thao tác đơn giản, cụ thể của phê bình văn học theo chủ nghĩa cấu trúc hay phê bình thể loại văn học hoặc là một cái gì đó tương tự như vậy. Người ta coi nó như một góc độ quan sát và giải thích dân dã của phê bình văn học. Tuy nhiên nếu xét từ góc độ này, người ta cũng có thể thu lượm được sự liên thông giữa chỉnh thể văn hóa và sáng tạo thẩm mỹ trong tác phẩm văn học cụ thể, đồng thời đạt được những nhận thức mới và những bình giá mới đối với nội hàm nhiều lớp văn hóa trong tác phẩm văn học. Vì vậy mới dẫn tới sự quan tâm và coi trọng những nghiên cứu và giải thích mối quan hệ gắn bó giữa văn học và văn hóa trong thời đại ngày nay.

1. Xét từ góc độ phù hiệu văn bản tập trung chủ yếu ở những biểu tượng văn hóa, từ đó mở rộng phân tích lý giải những nội hàm văn hóa của chúng – như mọi người thường gọi là “giải mã văn hóa” – đây là công việc đầu tiên vô cùng quan trọng trong quá trình tìm hiểu phân tích văn hóa trong tác phẩm văn học cụ thể. Trong tầng lớp này, các nhà phê bình thường đặc biệt coi trọng hệ thống hình thức có thể quan sát nhận biết trên văn bản, đặc biệt là phân tích lý giải văn hóa của các hệ thống hình thức ngôn ngữ văn bản.

Văn hóa không phải là một hình thái quan niệm trừu tượng không bóng hình, không căn cứ, nhà nhân loại học Mỹ Kelefod. Gelkan cho rằng: “ (văn hóa) do lịch sử truyền di, thể hiện ở những mô thức ý nghĩa trong những phù hiệu tượng trưng, mọi người mượn hệ thống này để giao lưu, duy trì những tri thức có quan hệ trong cuộc sống và có thái độ giao đãi thích hợp trong cuộc sống”. Đối với tác phẩm văn học, nội hàm văn hóa một mặt bao hàm trong những nhân tố của nội dung, mặt khác thể hiện một loại tiềm ẩn vô thức văn hóa trong hình thức ngôn ngữ văn bản. Vì vậy phân tích văn hóa một hình thức ngôn ngữ văn bản không chỉ làm cho việc khảo sát văn hóa trong tác phẩm văn học có được một tiền đề khoa học của một loại phê bình văn học mà quan trọng hơn còn xem kết cấu ngôn ngữ của nhân loại là toàn bộ cơ sở vô thức của văn hóa nhân loại. Hình thức ngôn ngữ trở thành nới chuyển tải trình hiện và ngưng tụ những lớp văn hóa ẩn tàng trong nội dung văn bản, bản thân tầng diện này cũng đã bao hàm những thông tin văn hóa quan trọng, khiến cho nó trở thành một trong nhiều lớp văn hóa tất yếu cần được giải thích trong tác phẩm văn học.

Nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ học hiện đại cũng cho rằng nhận thức trên là có căn cứ khoa học. Văn hóa ngôn ngữ học hiện đại cho rằng bản thân ngôn ngữ là “một loại phi bản năng tiếp nhận chức năng của văn hóa”. Do tính xã hội và tính nhân văn của ngôn ngữ, do bị lệ thuộc vào những điều kiện sinh tồn và những nhân tố hạn chế trong thế giới quan của một cộng đồng dân tộc nhất định được phản ảnh trong ngôn ngữ và hành vi của cộng đồng dân tộc, cho nên ngôn ngữ không chỉ được coi là công cụ giao lưu của nhân loại mà người ta còn coi nó là hình thức cảm nhận và lý giải thế giới. Có một số nhà văn hóa ngôn ngữ học thậm chí cho rằng: “ngôn ngữ là thế giới của chúng ta”. Xét từ ý nghĩa này cho thấy ngôn ngữ chuyển tải đặc điểm văn hóa, trong nó có cả đặc điểm của truyền thống văn hóa và cả những yếu tố thần bí sâu kín trong hiện thực văn hóa và hiện tượng văn hóa, khiến nó trở thành một yếu tố quan trọng như chiếc chiếc chìa khóa mở cánh cửa để đi sâu vào bản chất tinh thần và tâm linh đồng thời làm sáng tỏ kết cấu các tầng lớp của hình thái văn hóa độc đáo của một cộng đồng.

Trong quá trình thao tác phân tích cụ thể, các nhà phê bình dựa vào những mô hình biểu đạt ngôn ngữ đặc thù trong tác phẩm văn học như: hệ thống từ ngữ, hình thức cú pháp, kết cấu chương mục, hệ thống hình tượng và các quan hệ đan chéo khác nhau của văn bản, để phân tích lý giải những nhân tố tâm lý và nhân tố thẩm mỹ được hình thức ngôn ngữ chuyển tải; tiếp đến là đi sâu khai thác những nội hàm văn hóa đã ngưng tụ trong đó. Ở góc độ này có thể mở ra những kiến thức vô cùng phong phú về tư tưởng triết học, tôn giáo, đạo đức, phong tục tập quán… của một cộng đồng nhất định.

Dự theo quan điểm trên, nhà nghiên cứu Lý Hồng Chân trong bài: “Không gian nhân loại học của thế giới thần thoại – giải thích những lớp ngữ nghĩa trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn” đã cho rằng việc phân tích nội hàm văn hóa ngôn ngữ trong “Cao lương đỏ” cũng có thể đem lại những nhận thức mới. Sau khi khảo sát cụ thể những phương thức ngôn ngữ được Mạc Ngôn hay vận dụng trong tiểu thuyết, nhà phê bình phát hiện thấy nhà văn thường mượn những kinh nghiệm, những trải nghiệm có tính truyền kỳ của người cao tuổi gần gũi như “ông nội” “bà nội” để kể về những câu chuyện cuộc đời con người trong xã hội nông thôn trước kia, ngôn ngữ tuy hết sức phong phú và phức tạp, nhưng có thể chia ra làm hai hệ thống độc lập song vẫn có quan hệ gắn bó với nhau, một bên là hệ thống tên gọi những người thân đáng kính “ông”, “bà”, “cha”, “mẹ”, một bên là những từ thân thuộc của hệ thống ngôn ngữ hiện đại như “Ngưu tử khố”, “Địch tư khoa”, “Tâm thái”, “Đồ đằng”… Hệ thống tên gọi trên liên quan đến bối cảnh văn hóa quá khứ của quê hương, mang lại màu sắc của bức tranh hương thôn trước đây; hệ thống sau có quan hệ với bối cảnh văn hóa đô thị hiện đại, thực hiện chức năng tự sự về câu chuyện; nhà phê bình lại đưa ra phân tích hai câu trong tiểu thuyết Mạc Ngôn: “Bà nội là người đi đầu trong giải phóng cá tính” và “Hồng cao lương là bức tranh quê hương Cao Mật”. Hai kiểu câu này biểu hiện rất điển hình quan hệ chủ vị, quan hệ các sáo ngữ ở cấp độ cơ bản của hình thức trần thuật, đồng thời phản ánh hết sức tập trung những đặc trưng ngữ nghĩa được nảy sinh trong qua hệ ngữ pháp như vậy. Đó là ý thức tự ngã hiện đại đối với việc trần thuật cũng như tô vẽ và bình giá cuộc sống dân gian thời quá vãng.

Đi sâu thêm một bước nữa để phân tích, các nhà phê bình còn phát hiện, trong tiểu thuyết Mạc Ngôn hai hệ thống sáo ngữ vừa đan xen gắn kết lại vừa chia tách, phù hợp với phương thức kể chuyện độc đáo của Mạc Ngôn (luôn có sự chuyển đổi trong đảo thuật và hồi ức cùng pha tạp nghị luận), làm cho tiểu thuyết tràn đầy tình tiết truyền kỳ đạt tới hiệu quả thấm đẫm sắc mầu thần thọai trong ý thức tự ngã của con người hiện đại, hình thành một “không gian nhân loại học của thế giới thần thoại”. Trong không gian này, trạng thái sinh tồn và phương thức sản xuất kinh tế xã hội nông thôn, cùng vô số vô thức tập thể trong hồi ức chủng tộc như tín ngưỡng và ý thức sinh tử, tất cả luôn đan quyện vào nhau hết sức mật thiết, đến khi con người hiện đại nghiên cứu ý nghĩa triết học của sự sinh tồn, đã cấu thành nhiều lớp ngữ nghĩa không giống nhau, điều này đã bao hàm nội dung văn hóa học nhân loại hết sức phong phú. Xét từ góc độ nhà phê bình, dưới ngòi bút Mạc Ngôn, lớp không gian tự sự quê hương Đông Bắc Cao Mật, cũng mang tính chất song trùng vừa thực tả vừa hư tả, nó có một tên gọi thực về địa lý nhân văn tiêu biểu cho văn hóa quê hương Đông Bắc Cao Mật, đồng thời cũng là hư cấu của tác giả, những suy ngẫm văn hóa bao hàm một không gian triết học của “cuộc sống dân gian xa xưa”.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy sở dĩ có những nhận thức, những phê bình trước đây chưa thống nhất có thể do những nhà phê bình chưa có ý thức gắn kết góc nhìn văn hóa trong phê bình văn học với văn bản tác phẩm. Nội hàm tác phẩm văn học luôn ẩn chứa văn hóa trong văn bản – bao quát nội dung nhiều lớp giữa hiện thực và lịch sử, giữa vật lý và tâm lý – cũng không chỉ đơn giản là tác giả dùng công cụ ngôn ngữ để truyền đạt một vấn đề nào đó, mà quan trọng là trong bản thân hệ thống ngôn ngữ độc đáo kia đã ẩn chứa những nội dung, những lời đề nghị, những dự báo thể hiện những khát vọng, lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp của tác giả. Chúng ta có thể chưa hoàn toàn tiếp thu những kết luận cụ thể của các nhà phê bình, nhưng các nhà phê bình đều rất coi trọng tính thẩm mỹ của văn bản, thông qua việc phân tích tinh tế hệ thống ngôn ngữ văn bản, đã đạt được những phương thức giải thích, tiếp cận nội hàm văn hóa của từng lớp từng lớp sâu dần trong văn bản tác phẩm, và chắc chắn chúng ta sẽ khám phá nhiều điều mới lạ.

2. Các nhà nhân học văn hóa cũng dựa vào nhiều nguồn tư liệu ra sức chứng minh văn hóa dân tộc có tác dụng hình thành cấu trúc tâm lý dân tộc. Một mặt họ cho rằng về cội nguồn mọi nền văn hóa đều có tính người và mang tính nhân loại. Từ xa xưa, khi hình thành xã hội loài người cho tới nay, văn hóa các dân tộc đã ra đời đại để giống nhau đều là do con người sáng tạo ra những giá trị văn hóa trong quá trình tiếp xúc, ứng xử với tự nhiên và xã hội, làm cho trong tầng sâu tâm lý văn hóa nhân loại vốn đã có sự tương đồng, những tính chung của con người. Mặt khác các cộng đồng dân tộc khác nhau, vì phải ứng xử với môi trường sống, hoàn cảnh địa lý khác nhau, có lịch sử phát triển xã hội cũng không giống nhau, vì vậy mà họ sáng tạo ra những nền văn hóa khác nhau với bản sắc dân tộc độc đáo cho riêng cộng đồng mình. Trong hoạt động sáng tạo văn hóa cụ thể, con người đã hình thành những quan niệm tư tưởng, phong cách đạo đức, tập tục tôn giáo, hứng thú thẩm mỹ… tất cả là sản phẩm của lịch sử cộng đồng. Chúng có thể biến đổi và phát triển tùy theo thời đại. Tuy nhiên trong quá trình dài lâu, nhiều thành quả văn hóa dần dần được sàng lọc, ngưng tụ, thẩm thấu vào tâm lý văn hóa dân tộc, trở thành một loại “vô thức tập thể”, cấu thành một loại cơ sở tâm lý siêu cá thể. Từ đó trở thành truyền thống văn hóa dân tộc, bộ phận cốt lõi có cội nguồn nội tại trong thâm tầng kết cấu của văn hóa dân tộc. Vì vậy giữ gìn bảo lưu và kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc có ý nghĩa quan trọng và sức mạnh to lớn chi phối, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hành vi của con người và công đồng trong các thời đại khác nhau, đồng thời cũng thể hiện trong muôn vàn những hành vi ứng xử văn hóa khác nhau của mọi người trong cộng đồng. Được phản ánh trong sáng tạo văn học, là những ý tượng văn học những môtip và nguyên mẫu không giống nhau; những ý tượng văn học những môtip và nguyên mẫu của văn học trong các thời đại khác nhau, trở thành vật di truyển kế thừa và tiếp nối tạo thành truyền thống văn học; chúng “đem lại vô số những hình thức và kinh nghiệm điển hình của tổ tiên chúng ta”, “chúng là vô số những sản vật ngưng tụ tâm lý kinh nghiệm đồng loại”. “Trong mỗi ý tượng đều ngưng tụ một số nhân tố tâm lý nhân loại và vận mệnh nhân loại, xuyên thấm trong lịch sử tổ tiên chúng ta là những phương thức tương đồng được lặp đi lặp lại như những tia hồi quang tàn dư của hoan lạc và bi thương”. Thông qua việc phân tích ý nghĩa văn hóa tượng trưng của một số biểu tượng, môtip và nguyên hình văn học, có thể đưa người đọc đi sâu hơn vào những lớp nghĩa phong phú của tác phẩm văn học. Biểu tượng được các nhà nghiên cứu văn hóa và văn học rất coi trọng vì nó là “đơn vị cơ bản” của văn hóa, là “hạt nhân di truyền xã hội” và quan trọng là nó được sinh ra nhờ năng lực “biểu tượng hóa” của con người. Con người tư duy bằng biểu tượng, giao tiếp bằng biểu tượng, thể hiện tâm tư tình cảm sâu kín nhất cũng như thăng hoa những khát vọng đều bằng biểu tượng. Chính vì vậy mới có nhà nhân học văn hóa cho rắng: văn hóa là dòng thác biểu tượng đi từ người này sang người khác.

Chẳng hạn chúng ta thử khảo sát biểu tượng Sói trong tác phẩm Tôtem Sói đã từng gây nhiều tranh cãi của nhà văn Khương Nhung. Những tranh luận của những nhà phê bình không phải không có lý. Có điều rằng, mỗi người đứng trên quan điểm riêng và có cách tiếp cận riêng nên tranh cãi cũng không có gì là lạ. Dưới góc độ giải mã biểu tượng văn hóa, người đọc có thể thấy được nhiều giá trị khác lung linh, khả dĩ có sức thuyết phục. Biểu tượng sói đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Sói trong mối quan hệ với tự nhiên, trước hết nó là hiện thân của tự nhiên của sức mạnh tự nhiên. Sói tham gia vào cuộc sống tự nhiên với quy luật cạnh tranh thật khắc nghiệt – mạnh được yếu thua. Sói còn là một trong những chủ thể của tự nhiên giữ gìn bảo vệ sự cân bằng của tự nhiên bảo vệ môi trường sống như nó vốn có. Ngược lại, con người để có cuộc sống dư thừa đã tàn phá hủy hoại tự nhiên, hủy hoại môi trường sống của chính mình và của cả muôn loài trong tự nhiên không hề thương tiếc. Mặt khác trong quan hệ với con người, từ xa xưa sói trở thành tôtem, thành niềm ngưỡng mộ sùng bái của nhiều tộc người trên thảo nguyên trong đó có người Mông Cổ. Trong “vô thức tập thể” các cộng đồng dân tộc ở đây đều coi mình là truyền nhân, là con cháu của sói. Điều này được thể hiện trong nhiều huyền thoại về cội nguồn các dân tộc trên thảo nguyên. Song sói cũng phải đấu tranh sinh tồn với con người và xã hội loài người, nó trực tiếp trở thành kẻ thù của con người trong vịệc tranh giành sự sống. Và sói cũng được thần thánh hóa, nhân hóa, trở thành người đưa linh hồn người chết lên trời, thành người bạn của con người với chức năng bảo vệ đồng cỏ - ngôi nhà chung của muôn loài trong đó có con người, đem lại tặng phẩm thiên nhiên cho con người. Sói cũng là người thầy học đáng kính của con người khi nó tượng trưng cho trí tuệ và sức mạnh quân sự, cho tình yêu tự do và tinh thần đồng loại. Từ biểu tượng sói, tác giả đã hình tượng hóa hai loại hình văn hóa gốc mà các nhà nghiên cứu văn hóa lâu nay vẫn gọi là “văn hóa sói tính” (văn hóa gốc du mục) và “văn hóa cừu tính” (văn hóa gốc nông nghiệp), chứ đâu hẳn là để “làm bẽ mặt người Trung Quốc” như có ý kiến phê bình như vậy, mà nếu có làm bẽ mặt người Trung Quốc thì Lỗ Tấn đã làm từ lâu rồi. Đấy là chưa nói tới thông qua biểu tượng tôtem sói, Khương Nhưng đã gửi gắm tình cảm yêu mến đến cháy bỏng thiên nhiên hùng vĩ mà hoang dã nơi thảo nguyên Mông Cổ và lời cảnh tỉnh đầy hình tượng sinh động hãy bảo vệ môi trường sống, bảo vệ ngôi nhà chung của muôn loài trên hành tinh chúng ta như lâu nay Liên Hiệp Quốc vẫn ra sức kêu gọi và có những hoạt động tích cực bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Như vậy từ góc độ giải mã biểu tượng văn hóa trong tác phẩm văn học, các nhà nghiên cứu có thể đi sâu vào vô vàn lớp nghĩa trầm tích trong kết cấu tâm lý văn hóa, tâm thái văn hóa và nhiều mô hình ứng xử khác cũng như những quan niệm triết học, tín ngưỡng tôn giáo, đạo đức, phong tục tập quán vô cùng phong phú, phức tạp và độc đáo của người Mông Cổ xa xưa cho tới hiện nay đồng thời làm hé lộ nó.

Vậy nên phân tích nguyên hình của ý tượng văn học, tức là phân tích thông qua những hình thái biểu tượng của văn học – “những ý tượng điển hình được lặp lại với tần số cao”, phát hiện và làm sáng tỏ nội dung của “vô thức tập thể” lóe sáng trong “ký ức chủng tộc” xa xưa, tiềm tàng đằng sau nhưng biểu tượng. Trên thực tế, nhà phê bình thường bắt đầu đi vào tìm ý tượng thẩm mỹ cụ thể, trong quá trình phân tích và lý giải ý nghĩa văn hóa tượng trưng của ý tượng thẩm mỹ, sẽ đạt được một sự trừu tượng nào đó, từ đó đi sâu vào cội nguồn, để đạt tới những lý giải và nắm vững được cội nguồn văn hóa của ý tượng thẩm mỹ.

Trong thao tác cụ thể, nhà phê bình có thể không câu nệ phải phân tích tình tiết tác phẩm, mà cố gắng mở rộng khảo sát cả chiều dọc và chiều ngang, để nắm bắt những kết cấu cộng sinh, những biểu tượng hặc môtip, tức những hình thức nguyên hình của ý tượng văn học, đấy là công việc đầu tiên, cần thiết nghiên cứu cơ sở khi tiến hành phân tích những nguyên hình văn hóa. Mỗi dân tộc trong quá trình sáng tạo và phát triển văn hóa của mình, đã hình thành một số nội dung “vô thức tập thể” có nội hàm lịch sử phong phú, thẩm thấu vào các lớp của sáng tạo văn học trong các thời đại khác nhau, dù thời gian có qua đi, triều đại có thay đổi thì những biểu hiện này của “vô thức tập thể” vẫn tồn tại dai dẳng và ngoan cường. Nếu như chúng ta có thể phát hiện những bộ phận nhỏ của một tác phẩm cụ thể, từ đó mở rộng tầm nhìn, khảo sát cả chiều rộng và chiều sâu, thường thường có thể phát hiện và nắm bắt được những nhân tố nào đó có tính cộng đồng trong cội nguồn lịch sử văn hóa sâu kín.

Chẳng hạn từ góc độ nhận định, vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, ở Trung Quốc những cái được gọi là mẫu mực còn đang tranh luận sôi nổi như “văn học phản tư”, “văn học cải cách”, “văn học vết thương”… người ta có thể thấy ở một số tác phẩm văn học tưởng như khác nhau rất xa nhưng chúng lại có những cái chung nhất của tâm lý văn hóa dân tộc. Chẳng hạn như những tác phẩm “Linh hồn và thể xác”, “Lục hóa thụ”, “Ghi chép việc xưởng trưởng Kiều nhậm chức”, “Vườn hoa đường 5”… tác phẩm nào cũng khắc họa nhận vật độc đáo và tổ chức tình tiết chặt chẽ, đều có phương thức truyền đạt tình cảm và ký thác tư tưởng riêng; phạm vi đề tài của từng tác phẩm cũng khác nhau; nhưng nếu bỏ qua một số những sai biệt, chúng ta có thể phát hiện thấy rõ tính cộng đồng, cái chung của những tác phẩm này. Phần lớn những tiểu thuyết này đều dựa vào câu chuyện tình yêu đủ sức lay động lòng người, thêm nữa trong những câu chuyện tình yêu ấy, đều mượn phương thức dẫn dắt của cốt truyện anh hùng hoặc tài tử gặp nạn, may mắn nhận được sự cứu giúp hết lòng của một cô gái si tình hay của một cô gái nhiệt tình đôn hậu phò tá, như Chương Vĩnh Lân với Mã Anh Hoa dưới ngòi bút của Trương Hiền Lượng, Kiều Quang Phác và Đồng Trinh theo ngòi bút của Tưởng Tử Long, Lưu Chiêu và Lã Sa trong tác phẩm của Lý Quốc Văn… nếu khái quát hóa và trừu tượng hóa thì vấn đề này chính là mô thức tình yêu giữa “tài tử” và “thục nữ” (cũng có thể coi là nguyên mẫu văn hóa) dễ thấy ở nhiều nơi trong văn học dân gian, trong hí khúc và trong tiểu thuyết truyền thống; sau khi loại bỏ những nội dung luân lý cụ thể của truyền thống, thì rõ ràng ở đây chính là mô thức tình yêu lý tưởng, cùng tâm lý nghệ thuật thẩm mỹ ngưng tụ trong truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc Trung Hoa, được thể hiện hết sức sinh động và độc đáo nhờ hình thức biểu hiện đương đại.

Phân tích nguyên hình văn hóa của ý tượng văn học đương nhiên không thể chỉ dừng lại ở việc khảo sát và miêu thuật, quan trọng là trong khi tìm hiểu phân tích cội nguồn nguyên hình, cần nắm vững cội nguồn văn hóa sâu kín tiềm ẩn đằng sau nguyên hình. Đó là những giá trị văn hóa thẩm mỹ trong những hình thức nguyên hình này. Như trên đã nói, nếu đi sâu hơn một bước, chúng ta không khó phát hiện, vấn đề tình yêu là chuyện muôn thuở trong tiến trình lịch sử nhân loại, trong cuộc sống con người đều mong muốn có tình yêu lý tưởng và hạnh phúc cá nhân trong sự phát triển dài lâu của xã hội. Trên thực tế, đó là sự thống nhất giữa tình cảm và nhận thức của con người đối với lịch sử và hiện thực, nó luôn luôn là trạng thái tâm lý cầu mong, hy vọng và cảm thụ đối với tình yêu lý tưởng.

Mặt khác cho thấy những biểu hiện tâm lý giống nhau trong các thời đại khác nhau của mô thức kết cấu câu chuyện truyền thống “công tử lâm nạn được thục nữ cứu giúp”, đồng thời cũng làm sáng tỏ tính bảo thủ đầy thú vị của thẩm mỹ dân tộc, nó là một loại “vô thức tập thể”, được ngưng tụ và tiếp nối trong truyền thống văn hóa dài lâu, cho dù các tác gia có tinh thần sáng tạo độc đáo như thế nào, thì cũng chưa dễ gì thoát khỏi sự ảnh hưởng sâu sắc của những mô thức văn hóa truyền thống một cách triệt để.

Phương thức giải thích và phân tích văn hóa của ý tượng nguyên hình, được gợi mở trực tiếp từ phong trào “phê bình nguyên hình thần thoại” nổi lên từ những thập niên 50 đến thập niên 60 thế kỷ trước. Nhà phê bình hoàn toàn có thể chọn lựa những nguyên hình hạn hẹp khác nhau trong thần thoại cổ đại, rồi đem góc nhìn mới soi chiếu vào mô thức này. Nhà phê bình cũng có thể từ những tác phẩm đương đại phát hiện ra những ý tượng nguyên hình, tìm mối liên hệ giữa chúng với lịch sử văn hóa xã hội, làm thăng hoa những phân tích nguyên hình, khiến những giải thích văn hóa có sức đột phá mạnh mẽ của lý tính. Chẳng hạn xuất phát từ một góc độ khác, chúng ta không xem AQ là bản tính một giai cấp nào đó hoặc bản chất một tính cách xã hội như lâu nay vẫn cho rằng đó là quốc dân tính, mà là một nội hàm văn hóa phong phú có thể thể hiện một nguyên hình bản chất văn hóa tinh thần một loại người nào đó; từ văn hóa, tâm lý đồng thời cũng là sự đối chiếu của chỉnh thể thẩm mỹ, đặng nắm chắc những lớp nghĩa hàm ẩn trong tầng sâu của ý tượng.

3. Phân tích tâm lý văn hóa của tác phẩm văn học, tức là khảo sát và làm sáng tỏ tâm thái văn hóa và kết cấu tâm lý văn hóa dân tộc độc đáo được thể hiện trong tác phẩm văn học cụ thể, trên cơ sở đối chiếu song trùng giữa hiện thực và lịch sử, giữa văn hóa và thẩm mỹ cần đạt được những phán đoán về giá trị văn hóa thẩm mỹ trong tác phẩm văn học. Con người là sản phẩm của văn hóa, tiếp nhận và tích lũy những truyền thống văn hóa có nội hàm lịch sử vô cùng phong phú, vì vậy nhà văn cùng với việc khắc họa con người hiện thực, còn khắc họa kết cấu tâm lý văn hóa truyền thống dân tộc độc đáo và tâm thái dân tộc đương đại. Nhà văn dù biểu hiện cuộc sống của con người như thế nào, cũng vẫn là miêu tả những tầng lớp, những hiện tượng, những bình diện khác nhau của nhân tình thế thái, phong vật dân tục, phản ảnh những tình cảm của tâm thái dân tộc, thể hiện thú vị thẩm mỹ và giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Vì vậy nhà phê bình có thể đi sâu lý giải để nắm bắt được những hình thái biểu hiện độc đáo của văn hóa dân tộc và nội hàm văn hóa tâm lý dân tộc, kể cả những vấn đề nhỏ nhất của bản chất văn hóa trong văn học để từ đó có thể điều chỉnh và xây dựng nhận thức về tâm lý dân tộc và văn hóa dân tộc.

Phương thức phân tích và khám phá tâm lý văn hóa đòi hỏi kết hợp phê bình văn hóa văn học với phương pháp tâm lý học hiện đại. Sự kết hợp này vừa là tất yếu vừa là khả năng. Bởi lẽ văn học là sản vật của hoạt động văn hóa nhân loại, vì vậy nó cũng là một hiện tượng văn hóa; đồng thời nó cũng là một hình thức hoạt động tinh thần của con người, cho nên nó còn là một hiện tượng tâm lý. Về đại thể mà nói thì nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu tâm lý có chung một điểm xuất phát, là phải lý gải và nắm vững sự tồn tại tự thân của nhân loại. Con người là gì? Con người làm thế nào mà chỉ lựa chọn những phương thức hành vi này mà không lựa chọn những phương thức hành vi khác. Trước những vấn đề có vẻ hóc búa này, người ta chỉ có cách thu tập, so sánh và giải đáp các kiểu các loại phương thức lựa chọn của các cộng đồng khác nhau mới có thể lý giải rõ ràng được. Điều này cần những khảo sát chung đối với những vấn đề tương đồng và dị biệt của tâm lý các cộng đồng người, cho nên văn hóa học và tâm lý học đã gặp gỡ và kết hợp với nhau ở tâm điểm này. Đó là sự liên kết liên ngành, mới ngõ hầu chỉ ra được lôgic của sự phát triển.

Các dân tộc khác nhau có lịch sử phát triển văn hóa khác nhau, họ cùng lúc sáng tạo ra nền văn hóa độc đáo, sáng tạo kết cấu tâm lý văn hóa riêng của cộng đồng, song văn hóa dân tộc cũng không vượt được ra ngoài những biến đổi không ngừng của những điều kiện lịch sử văn hóa xã hội cụ thể. Kết cấu tâm lý văn hóa cũng sẽ vì vậy mà không ngừng điều chỉnh và chuyển đổi sáng tạo, do kế thừa giá trị văn hóa truyển thống cùng với việc tiếp nhận những giá trị văn hóa ngoại lai trong điều kiện lịch sử văn hóa xã hội mới. Vì vậy trong kết cấu tâm lý văn hóa vừa ngưng tụ truyền thống văn hóa phong phú vừa có nội dung thời đại tươi sáng. Phân tích tâm lý văn hóa tác phẩm văn học, cần phân tích xu hướng thẩm mỹ của tác giả trên cơ sở những tính cách, ý tượng và ngôn ngữ văn bản văn học, từ đó khám phá những nhân tố ngưng tụ truyền thống bao gồm cả tích cực và tiêu cực trong kết cấu tâm lý văn hóa dân tộc, khám phá những hình thái biểu hiện giá trị thầm mỹ và văn hóa trong hiện thực kết cấu tâm lý văn hóa cộng đồng. Điều này làm cho phê bình văn học không chỉ có thêm sức sống mà còn có nhiều ý nghĩa thực tiễn xã hội. Như vậy chúng ta có thể thu được những nhận thức mới do thâm nhập sâu hơn vào tính thẩm mỹ của hình tượng văn học, cũng có thể nắm bắt được những trạng thái vi tế sâu kín của nội hàm tâm thái dân tộc.

Cụ thể trong quá trình giải thích, nhà phê bình có thể đối chiếu bối cảnh văn hóa với tâm lý văn hóa để xem xét sự thống nhất của chúng, có thể thâm nhập vào những hình thức biểu đạt tình cảm được cá tính hóa và những ý tượng độc đáo trong tác phẩm, làm sáng tỏ kết cấu tâm lý văn hóa có ý nghĩa phổ biến, bởi lẽ lịch trình gian nan của văn học thế giới đều hướng về nhân tính nhân tình và nhân dục. Cũng có thể từ góc nhìn rộng lớn của văn hóa quan sát sự trình hiện độc đáo các lớp tâm lý văn hóa trong tác phẩm văn học, để đạt được sự liên thông giữa thẩm mỹ nghệ thuật cá thể đối chiếu với lịch sử văn hóa chỉnh thể. Trong quá trình phân tích tâm lý văn hóa trong tác phẩm văn học cụ thể, cần quan tâm tới xu thế, định hướng tương lai. Xét tới cùng, tâm lý văn hóa nhân loại cũng do tự thân con người từ trong thực tiễn lịch sử văn hóa xã hội mà sáng tạo ra. Nó thể hiện tính phong phú nội tại và tính định hướng tương lai được ngưng tụ trong lịch sử tinh thần của nhân loại, đồng thời thể hiện khát vọng vươn lên không ngừng trong cuộc sống của con người. Từ những lớp lịch sử liên tục có thể thấy, kết cấu tâm lý văn hóa dân tộc là sự bảo lưu kế thừa những di sản văn hóa dân tộc, vì vậy việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống có ý nghiã vô cùng quan trọng. Có điều những hí khúc và tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc đại loại như những tác phẩm “Nữ tướng họ Dương”, “Truyện Nhạc Phi”… vì sao tới nay vẩn có sức hấp dẫn lay động lòng người, đem lại những hứng thú thưởng thức trong công chúng hôm nay, thậm chí còn kích động cả người đọc hiện đại. Nguyên nhân thì có nhiều, trên thực tế không ai phủ nhận được là trong những tác phẩm này đều có những nhân tố tâm lý phổ biến, rất Trung Hoa đó là “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Quốc gia mất còn, kẻ hèn còn có trách nhiệm) được bảo lưu trong tâm thức dân tộc Trung Hoa từ xưa tới nay. Mặt khác cũng cần thấy trong những tác phẩm này đan dệt nhiều nội dung luân lý lễ giáo phong kiến, làm cho hứng thú của con người hiện nay bị hạn chế, thậm chí khó tiếp nhận, song người ta vẫn tìm thấy ở đó những thời đại và cá nhân siêu việt, mang đậm yếu tố tâm lý văn hóa có ý nghĩa phổ quát, trở thành bộ phận quan trọng trong kết cấu tâm lý văn hóa dân tộc, là hạt nhân cơ sở tâm lý của di sản văn hóa truyền thống mà con người hôm nay có thể và cần thiết phải tiếp thu.

Xét về mặt dự báo tương lai, sự phát triển và tiến bộ của một dân tộc tùy thuộc vào sự phát triển và biến đổi của thời đại xã hội, quá trình sáng tạo văn hóa mới cũng là quá trình tiếp nhận những giá trị văn hóa của cộng đồng khác, điều chỉnh và chuyển đổi kết cấu tâm lý văn hóa dân tộc. Vì vậy, khi xem xét những lớp văn hóa này, nhà phê bình cần nâng cao những kiến thức về văn hóa, mới có thể nắm được những giá trị văn hóa, truyền thống văn hóa, kết cấu tâm lý văn hóa dân tộc, bởi lẽ trong quá trình hiện đại hóa xã hội, chúng có tác dụng vô cùng quan trọng trong việc tự phát huy biến đổi tâm thái văn hóa và thức tỉnh ý thức tự ngã dân tộc, điều này đương nhiên cũng làm cho phê bình văn học có thêm hạt nhân lý tính sâu sắc và độ sâu của triết học.

Tư liệu tham khảo chính

1.                   Trần Lê Bảo. Nghiên cứu giảng dạy văn học Trung Quốc từ mã văn hoá, Tr 387-396 trong Một số vấn đề về lý luận và lịch sử văn học. Nxb ĐHQGHN. H. 2002. ‎

2.                   (Mỹ) Tôn Long Cơ. Kết cấu thâm tầng văn hóa Trung Quốc. Quế Lâm. Quảng Tây Sư phạm Đại học Xbx 2004

3.                   Đổng Ân Chính. Văn hóa nhân loại học. Thượng Hải. Thượng Hải nhân dân Xbx.1989

4.                   Jenan Chevalie & Alain Gheerbrant. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Nxb Đà Nẵng – Trường viết văn Nguyễn Du 2002

5.                   (Pháp) Erich Fromm. Ngôn ngữ bị lãng quên (Lê Tịnh dịch) Nxb VHTT.HN 2002

6.                   Lâm Đồng Kỳ. “Độ sâu miêu tả” và quan niệm văn hóa của Gelkan. Khoa học xã hội TQ 1999 tr 56-57

7.                   (Pháp) Roland. Baltes. (Lý Ấu Chưng dịch) Nguyên lý phù hiệu học. Sinh hoạt. Đọc sách. Tri thức mới. Tam liên thư điếm 1988

8.                   Clio Whit Taker. Văn hóa phương Đông Những huyền thoại. Nxb Mỹ thuật 2002


Source: 
19-10-2020
Tags