Giải mã tranh Ngũ hổ Đông Hồ

Có thật sự là Tranh Ngũ Hổ Đông Hồ đã bị “thất truyền” đến độ nghệ nhân không còn nhận ra một điều cốt lõi của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ cập là màu sắc của 5 cọp thể hiện qui luật tương sinh phải là “thứ tự trước sau theo chiều kim đồng hồ,” một điều mà hầu như bất cứ người nào có khả năng phát âm 4 chữ “ngũ hành tương sinh” cũng đều phải biết?

 Một khi đã nói đến tranh Ngũ Hổ Hàng Trống thì không thể không nói đến tranh Ngũ Hổ Đông Hồ.  Tranh Đông Hồ xuất xứ từ Làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, là một trong ba dòng tranh nhân gian của Việt Nam

 

Theo Wikipedia thì:

 

“Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc tới hầu như ai cũng đều biết cả. Tranh gần gũi còn vì hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn trong chương trình học. Ngày nay lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều . . . Về nội dung tranh, lưu ý rằng có sự gần gũi nhất định giữa nội dung tranh khắc gỗ màu của Việt Nam với của Trung Quốc, có những tranh mà cả hai nước đều có, song tranh Đông Hồ phát triển thành một hướng riêng tồn tại nhiều thế kỷ và được thừa nhận như dòng tranh dân gian được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam.

 

Trang thông tin điện tử Tranh Đông Hồ có ghi:

 

Theo sử sách, người Việt đã biết làm một thứ giấy gọi là mật hương chỉ vào thế kỷ thứ III. Nghề khắc ván ở đây cũng có từ thế kỷ XI, XII. Sách Thiền uyển tập anh nói là tổ tiên nhà sư Tín Học, cuối thế kỷ XII đã làm nghề khắc ván. Năm 1299 nhà Trần đã cho in hai bộ kinh khắc ván để ban bố. Tuy nhiên, tranh khắc gỗ dân gian như ta hiểu ngày nay là một khái niệm đến sau. Bia ký và chính sử chưa giúp gì cho chúng ta về niên đại.”

 

Phạm Thuận Thành trong bài viết Bản Sắc dân Tộc Trong Tranh Đông Hồ đăng trên Cổng Thông Tin Điện Tử của Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh viết:

“Hiện nay chưa tìm thấy văn bản nào khẳng định thời điểm khởi nghiệp của nghề tranh Đông Hồ do làng này không thờ tổ nghề. Ở nước ta rất nhiều tổ nghề do làm quan đi sứ Trung Quốc học được nghề mang về dạy dân làm. Riêng nghề tranh Đông Hồ thì các nhà nghiên cứu cho rằng nghề này do thuỷ tổ họ Nguyễn Đăng mang từ Thanh Hoá ra. Khẳng định điều này vì cho rằng làng tranh Đông Hồ bây giờ chỉ còn gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là thịnh đạt, và dòng họ này còn giữ được bản gia phả chép từ khi cụ thuỷ tổ từ Thanh Hoá về đây lập nghiệp khoảng thế kỷ 16. Tuy nhiên căn cứ này chưa xác đáng vì dòng họ Nguyễn Đăng về làng Đông Hồ lập nghiệp không có nghĩa là mang nghề tranh về dạy cho dân làng (nếu trường hợp này xảy ra sẽ được coi là tổ nghề và được dân làng thờ) và bản gia phả cũng không ghi chép gì về điều đó. . . . Một dòng tranh dân gian có xuất xứ từ Trung Quốc, qua bàn tay nghệ nhân Đông Hồ đầy sáng tạo và thấm đẫm ý thức tự tôn dân tộc đã tạo nên dòng tranh có bản sắc riêng thật đáng tự hào.”

 

Và tranh Ngũ Hổ Đông Hồ là những bức mộc bản phục vụ tín ngưỡng dân gian nằm trong dòng tranh Đông Hồ.

 

 

Tranh Ngũ Hổ Đông Hồ

 

Bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ bên trên thoạt nhìn vào sẽ thấy hình ảnh và màu sắc của nó rất gần gũi với Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống (dĩ nhiên là ở đây chúng ta chỉ nói tới những gì liên quan tới lý thuyết ngũ hành).  Nhưng khi chú ý quan sát thì thấy dường như nó không được xếp đặt theo một trật tự nào của lý thuyết ngũ hành, dầu là Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập hay là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Và đó là lý do mà học giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã đi đến kết luận: “Sự sai lệch về vị trí màu sắc tạo nên Ngũ hành tương sinh ngược chiều kim đồng hồ.” Với NVTA thì “tương sinh” có nghĩa là qui luật tương sinh theo Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập.

 

Có thật sự là Tranh Ngũ Hổ Đông Hồ đã bị “thất truyền” đến độ nghệ nhân không còn nhận ra một điều cốt lõi của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ cập là màu sắc của 5 cọp thể hiện qui luật tương sinh phải là “thứ tự trước sau theo chiều kim đồng hồ,” một điều mà hầu như bất cứ người nào có khả năng phát âm 4 chữ “ngũ hành tương sinh” cũng đều phải biết?  Làm sao có thể thuyết phục được người khác khi một mặt cho rằng trong tranh Ngũ Hổ có chứa đựng bí ẩn của một nền văn hóa kỳ vĩ nhưng một mặt khác lại cho rằng những nghệ nhân làm ra tranh Ngũ Hổ đã phạm sai lầm nghiêm trọng mà một người với trình độ “ngũ hành nhập môn” cũng không được phép sai phạm? 

 

Như vậy thì tại sao bố cục và màu sắc của bức tranh được xếp đặt như vậy?  Nó có chứa đựng một lý thuyết ngũ hành nào bên trong?  Bí ẩn của bức tranh là gì?  Để tìm ra đáp án cho những câu hỏi này, chúng ta cần phải giải mã.  

 

Trước hết chúng ta sẽ “phiên dịch” màu sắc và tư thế của 5 con hổ trong bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ sang ngôn ngữ ngũ hành.  Màu sắc của 5 con hổ đại diện cho 5 hành. Con hổ hành Thổ màu vàng to hơn những con hổ khác và nó ngồi ôm hòm ấn ở trung ương. Con hổ hành Kim màu trắng, con hổ hành Thủy màu đen, con hổ hành Hỏa màu đỏ và con hổ hành Mộc màu xanh lá đứng chung quanh con hổ vàng làm thành một vòng tròn. Tư thế tương trợ của hai cặp hổ đen-trắng và đỏ-xanh được đại diện bởi vòng cung hai chiều nối kết Kim-Thủy và Hỏa-Mộc.  Tư thế tương tranh của hai cặp hổ trắng-xanh và đỏ-đen được đại diện bởi đường thẳng hai chiều đâm vào nhau của Thủy-Hỏa và Kim-Mộc.  Kết quả như cho thấy trong hình H1.

 

 

 

Kế tiếp, chúng ta sẽ làm cho hình ảnh trong tranh H1 biến mất vào nền đen và chỉ còn lại phiên bản ngũ hành mà chúng ta vừa phiên dịch và ghi vào trên bức tranh, như cho thấy trong hình H2.  Như vậy, từ bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ chúng ta đã “kéo ra” được một bức đồ họa ngũ hành với những đường thẳng và vòng cung cho thấy sự tương tác giữa 5 hành.     

 

 

 

Sau đó, chúng ta sẽ đặt hai tấm gương hình chữ nhật (mirrors) bên phải và bên trái của đồ họa H2 với độ chênh 45 độ để có thể thấy được đồ họa phản ảnh trong hai tấm gương.  Gọi đồ họa phản ảnh trong gương bên trái là H2A và đồ họa phản ảnh trong gương bên phải là H2B.  Vẽ lại đồ họa phản ảnh H2A và H2B rồi đặt chung với bản nền H2 như cho thấy trong hình H3.

 

 

 

Đặt ngửa bàn tay trên hình nền H2, là điểm xuất phát thấp nhất, rồi cho bàn tay lần về phía bên trái và tiến dần lên cao theo độ dốc của gương, chuyển động biểu kiến của bàn tay sẽ cho chúng ta khái niệm một vòng cung thuận chiều kim đồng hồ.  Tương tự, từ nền H2 tiến về phía bên phải và tiến dần lên cao sẽ cho chúng ta khái niệm một vòng cung ngược chiều kim đồng hồ.  Nói một cách khác, lấy hướng chuyển động biểu kiến của bàn tay để định hướng vòng cung, thì đồ họa ngũ hành H2A nằm bên trái đại diện cho vòng vận hành thuận chiều kim đồng hồ của đồ họa ngũ hành H2 và đồ họa ngũ hành H2B nằm bên phải đại diện cho vòng vận hành nghịch chiều kim đồng hồ của đồ họa ngũ hành H2.  Theo đó, chúng ta có thể thay vòng cung hai chiều trên đồ họa H2A với vòng cung một chiều chỉ hướng thuận kim đồng hồ.  Tương tự, chúng ta có thể thay vòng cung hai chiều trên đồ họa H2B với vòng cung một chiều chỉ hướng ngược kim đồng hồ.  Rồi sau khi điều chỉnh lại các đồ họa cho dễ nhìn hơn, bằng cách xoay các vòng tròn để cho hành Thủy nằm ở hướng chính Bắc, chúng ta đặt bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ vào chỗ đồ họa H2.  Kết quả sau cùng là chúng ta có được hình H4.   

 

  

 

Thông điệp của hình H4 không gì khác hơn là: từ bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ chúng ta đã kéo ra được hai đồ họa ngũ hành, bên trái phản ảnh chiều vận hành thuận kim đồng hồ và bên phải phản ảnh chiều vận hành ngược kim đồng hồ.  

 

Đem hai hình H2A và H2B gộp lại làm một, đặt vòng cung ngược chiều kim đồng hồ nằm bên trong còn vòng cung thuận chiều kim đồng hồ nằm bên ngoài và tách rời chữ thập bên trong đặt nằm bên ngoài vòng tròn, thì chúng ta sẽ có được một đồ hình hoàn chỉnh đại diện cho lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Đông Hồ, như cho thấy trong hình nằm giữa của H5. 

 

So sánh đồ hình nằm giữa với đồ hình nằm bên trái của H5, nó không khó để chúng ta nhận ra rằng đồ hình giải mã từ bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ chính là đồ hình Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.     

 

 

 

Vâng, ẩn trong bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ chính là bức đồ họa của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy. 

 

Nói một cách khác nghe có vẽ “tin học” hơn, là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy đã được tiền nhân mã hóa vào bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ. Bên sau cái bình phong “sai lệch về vị trí màu sắc tạo nên Ngũ hành tương sinh ngược chiều kim đồng hồ” là một kỹ thuật mã hóa rất tinh vi, hơn cả cách mã hóa của tranh Ngũ Hổ Hàng Trống. Nó đòi hỏi người giải mã bức tranh trước tiên phải khám phá được sự phản ảnh của bức tranh ở cả hai chiều thuận và ngược kim đồng hồ thì mới có thể tiến tới chỗ phục dựng đúng đồ họa ẩn dấu trong tranh. Điều này đặc biệt quan trọng vì sự vận hành hai chiều chính là dấu ấn đặc thù của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy và chỉ có thể tìm thấy ở Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.

   

Cũng giống như trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống, con hổ trung ương là một con hổ chúa với đầy đủ cờ, gươm và ấn lệnh.  Một mặt, nó biểu thị cho uy quyền của con hổ ở trung ương.  Hay nói cho đúng hơn, nó biểu thị cho sự quan trọng của hành Thổ so với 4 hành còn lại trong số 5 hành.  Một mặt khác, nó biểu thị cho uy quyền của một nền văn hóa kỳ vĩ của một thời và uy quyền của một lý thuyết ngũ hành chính thống.  Và đây lại là một dấu ấn đặc thù khác của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy và chỉ có thể tìm thấy ở Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.

 

Nếu vẫn còn hoài nghi về khả năng mã hóa tinh vi của tiền nhân thì chúng ta có thể khảo sát thêm một bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ khác. Bức tranh này không giống bức tranh trước và cũng không giống tranh Ngũ Hổ Hàng Trống. 

 

 

 

Trong bức tranh thứ hai này hai màu trắng đen đã hoán vị cho nhau.  Nếu khảo sát dưới lăng kính của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập thì có lẽ NVTA sẽ phải đi tới kết luận là “loạn ngũ hành” bởi vì sự sai lệnh màu sắc của nó không còn có chỗ nào để có thể “nói nên lời” được nữa.

 

Nhưng nếu khảo sát bức hình này dưới lăng kính Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy thì lại là một chuyện khác.  Sử dụng cùng một kỹ thuật giải mã, tức là nhìn vào hai gương phản chiếu nằm ở hai bên, thì chúng ta sẽ thấy từ hình nền sẽ cho ra hai bức đồ họa phản sự vận hành ngược chiều nhau của hai cặp hành Thủy-Hỏa và Kim-Mộc, như cho thấy trong hình H6  

 

 

 

Gộp hai đồ hoạ H6A và H6B vào một hình thì chúng ta sẽ có được một đồ họa như cho thấy trong hình H7.

 

 

 

Và thông điệp trong đồ họa H7 thật hết sức giản dị: Thủy-Hỏa khắc nhau và Kim-Mộc khắc nhau. Chỉ có hai cặp này là khắc nhau.  Qui luật tương khắc này là dấu ấn của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy, không thể lầm lẫn. 

 

Như vậy thì đồ họa H7 không những là “hoàn toàn giống,” so với phần tương khắc trong đồ họa H5, mà nó còn có ý nghĩa là “tái khẳng định” Qui Luật Tương Khắc đặc thù của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy trong đồ họa H5. 

 

Hay nói một cách khác, bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ thứ hai này là một bức tranh “tái khẳng định” rằng Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy được cố ý mã hóa và cất giấu trong tranh Ngũ Hổ Đông Hồ thứ nhất đã được giải mã trong đoạn đầu của bài viết.     

 

Như chúng ta đã thấy, Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy ẩn trong hai bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ đã được mã hóa hai lớp.  Với lớp mã hóa thứ nhất, cũng giống như cách mã hóa của tranh Ngũ Hổ Hàng Trống, qui luật tương sinh và qui luật tương khắc được “biểu hình hóa” với khái niệm “thân thiện” và “chống đối” trong tương quan tư thế của 4 hổ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa cộng với con hổ to hành Thổ ở trung ương làm nên toàn thể bố cục của ngũ hành.  Với lớp mã hóa thứ hai, khái niệm vận hành hai chiều được “biểu động hóa” qua cấu trúc \__/ (hình chữ U bẹt) của hai gương phản chiếu với bức tranh nền ở giữa.  Với lớp mã hóa thứ hai này, dầu có nhận ra hay không nhận ra qui luật tương sinh và qui luật tương khắc đã được “biểu hình hóa” trong lớp mã hoá thứ nhất, thì qui luật sinh khắc hai chiều cũng sẽ phải hiển lộ với khái niệm vận hành hai chiều đã được “biểu động hóa” ở lớp mã hóa thứ hai một khi mà người giải mã đã khám phá ra đúng cái chìa khoá dùng để giải mã bức tranh.  Biểu hình hóa là một phương pháp mã hóa phải nhờ vào chiếc chìa khóa “hình ảnh biểu thị” để giải mã.  Biểu động hóa là phương pháp mã hóa phải nhờ vào chiếc chìa khoá “động tác biểu kiến” để giải mã.

 

Sự khám phá Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy ẩn giấu trong tranh Ngũ Hổ Đông Hồ có ý nghĩa thế nào đối với nguồn cội văn hóa Việt đã được nói tới trong bài viết Giải Mã Bí Ẩn Trong Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống.  Chúng ta không cần thiết phải lập lại ở đây.  Bài viết này chỉ là một đoạn ngắn tiếp nối nỗ lực giải mã những bức “Ngũ Hổ” của hai dòng tranh mộc bản nhân gian Việt Nam.  Nếu chúng ta chưa có cơ hội đọc qua bài Giải Mã Bí Ẩn Trong Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống thì xin hãy vui lòng làm điều đó.

 

Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy được mã hóa và giấu kín trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống lẫn tranh Ngũ Hổ Đông Hồ và được che đậy dưới vỏ bọc tín ngưỡng nhân gian là “một sự thật” không thể lầm và “có chủ ý” không thể hoài nghi.   Cái sự thật gọi là “chủ ý mã hóa và che dấu” này đã được nâng lên tầm “có tính cách hệ thống.”  Và điều này có một ý nghĩa rất lớn đối với cội nguồn văn hóa Việt.  Ý nghĩa đó sẽ được giải thích đầy đủ trong bài viết Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Để Phục Dựng Sản Phẩm Văn Hóa Phi Vật Thể: Một Con Đường Tái Hiện Diện Mạo Và Cội Nguồn Đích Thực Của nền văn Hóa Việt. 

 

TS Hà Hưng Quốc

Ngày 7 tháng 1, 2013

 

Nguồn: http://vietdich.blogspot.de


Source: 
15-10-2020
Tags