Giải mã biểu tượng trong Đạo bùa

Bùa chú xuất hiện trong nhiều nền văn hóa, từ Ai Cập, Nam Mĩ, Bắc Âu, Ý, Thổ Nhĩ Kì, Israel, cho tới Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…. Những hình vẽ muôn hình muôn vẻ, những câu chữ ám ảnh trên bùa chú luôn đem lại một sự ám thị đầy mê hoặc. Chúng được dùng để cầu an, giúp cho thân tâm, gia đình yên ổn. Ngoài ra nhiều bùa chú con giúp để trị bệnh, trừ tà, phá bùa yếm đối.... Hiệu quả của bùa chú vẫn còn nằm trong tấm màn thần bí, nhưng những hình thù, đường nét, câu chữ của nó là một thực tế mà ai cũng có thể nhìn thấy.

 

Ở Việt Nam, bùa chú thường được gọi là bùa, cũng được gọi là Đạo bùa. Nguyên nhân bởi bùa chú ở nước ta tuy chịu ảnh hưởng của Phật giáo Mật tông, chiêm tinh, tín ngưỡng bản địa… nhưng căn bản có nguồn gốc và chịu ảnh hưởng chính từ Đạo giáo. Các chi tiết trên Đạo bùa dẫu ngoằn ngoèo, rắc rối, nhưng quan sát kĩ có thể thấy những hình tượng, chữ viết mang tính quy luật, những lối trình bày mang phong cách riêng, từ đó thể hiện những hàm ý, những ý đồ của người viết – vẽ bùa. Nói cách khác, những gì thể hiện trên lá bùa là những biểu tượng, hoàn toàn có thể giải mã, có thể hiểu được.

1. Các nhóm biểu tượng trên Đạo bùa

Một Đạo bùa hoàn chỉnh căn bản cấu thành từ ba nhóm biểu tượng chính: nhóm những hình vẽ, nhóm chữ Hán và nhóm ấn triện (hình 1).

Hình 1

1.1. Nhóm những hình vẽ

Các hình vẽ trên các Đạo bùa muôn hình muôn vẻ, được thể hiện bằng những những nét đơn giản hoặc những đường dích dắc, ngoằn ngoèo, có khi là một hình vẽ cụ thể (người, hổ…). Các hình vẽ có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên Đạo bùa, phần trên (phù đầu), phần giữa (phù đảm, hay phù phúc) hay phần dưới (phù cước). Dễ gặp một số biểu tượng dưới đây, và ý nghĩa mà nó biểu trưng kì thực không quá khó hiểu như người ta vẫn tưởng.

Phù đầu thường chứa một số biểu tượng biểu thị vị thần tiên hay lực lượng đứng tên ra lệnh, dùng uy lực của họ để tăng uy lực cho Đạo bùa. Hình 2, 3, 4 là những phù đầu hay gặp: Hình 2 biểu tượng ấn quyết gồm Lôi (giữa), Hỏa (trái) và Phong (phải). Hình 3 biểu trưng cho Tam tài (Thiên – Trời, Địa – Đất, Nhân – Người). Cũng biểu trưng Tam Đài Tinh Quân, gồm Thượng Đài (上臺虛精開德星君Hư Tinh Khai Đức Tinh Quân), Trung Đài (中臺六淳司空星君Lục Thuần Tư Không Tinh Quân) và Hạ Đài (下臺曲生司祿星君Khúc Sinh Tư Lộc Tinh Quân). Tam Đài Tinh Quân được Đạo giáo coi là đứng đầu các tinh tú, cũng được coi là đấng thần tiên điều hòa âm dương, vạn vật. Hình 4 biểu tượng Tam Thanh, gồm ba vị: nét giữa biểu trưng Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, nét trái biểu trưng Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn, nét phải biểu trưng Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn (tức Thái Thượng Lão Quân, cũng chính là Lão Tử)

Phù đảm thường dùng hình tượng biểu thị các tinh tú, lục đinh, lục giáp… hàm ý các lực lượng này sẽ đóng vai trò thi hành nội dung Đạo bùa truyền tải (xem hình 1).

Phù cước thường là một ấn quyết, biểu thị uy lực linh thiêng và hiệu nghiệm của lá bùa. Có nhiều ấn quyết hác nhau có thể làm phù cước, hình 11 là một ví dụ minh họa. Nó là một phù cước, tên gọi “Thất Phật”, biểu trưng cho bảy hiện thân của Phật, gồm Đa Bảo Như Lai Phật, Bảo Thắng Như Lai Phật, Diệu Sắc Thân Như Lai Phật, Quảng Bác Thân Như Lai Phật, Di Bố Uy Như Lai Phật, Cam Lộ Vương Như Lai Phật, A Di Đà Như Lai Phật. Uy lực của Đạo bùa được phát huy mạnh hơn nhờ sự góp sức của bảy vị Phật này. Phù cước này cho thấy sự hấp thụ tư tưởng Phật giáo vào phù chú của Đạo giáo.

 

1.2. Nhóm chữ Hán

Trên Đạo bùa có thể xuất hiện chữ Phạn vì hấp thu ảnh hưởng từ Phật giáo. Nhưng là một sản phẩm văn hóa có nguồn gốc Đạo giáo Trung Hoa, việc Đạo bùa chủ yếu sử dụng chữ Hán là điều dễ hiểu.

Các chữ Hán ở đây có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc theo nhóm.

Một số chữ đơn lẻ thường gặp như: chữ 罡 cương hay chữ 煞 sát biểu trưng cho thiên cương, địa sát, cũng biểu trưng cho các hung tinh (sao dữ), nhằm phát huy sức mạnh của bùa; hay chữ 弓cung đóng vai trò dụng cụ bắn tên, một pháp khí có tác dụng trừ tà.

Cũng có những chữ đi theo nhóm, diễn đạt một ý, hoặc biểu trưng cho một ấn quyết nào đó, ví dụ: hai chữ勅令sắc lệnh thường xuất hiện ở phù đầu thể hiện ý chí ra lệnh của Đạo bùa; hay chữ lục đinh, lục giáp[1] cũng có khi viết thẳng là 六丁 lục đinh, 六甲 lục giáp, nhưng cũng có khi được biểu hiện bằng sáu chữ đinh 丁丁丁丁丁丁và sáu chữ giáp甲甲甲甲甲甲.

1.3. Nhóm ấn triện

Các ấn triện là những dấu đỏ, đóng ở nhiều vị trí khác nhau của bùa. Nhìn chung, có thể chia ấn triện ra hai loại chính là triện khắc hình vẽ và triện khắc chữ. Xem giữa chúng là kiểu kết hợp.

Triện khắc hình vẽ thường là những biểu tượng của Đạo giáo như hình âm dương, bát quái.

Triện khắc chữ thì thường là tên của vị thần, tên của pháp sư đứng ra thể hiện quyền uy trên lá bùa. Cũng có khi nội dung của nó lại là một ấn quyết hoặc một câu chú.

2. Một số cách thức biểu hiện biểu tượng khiến bùa chú trở nên huyền bí

2.1. Tạo cách thể hiện chữ Hán mới

Tính chất huyền bí của bùa có khi đơn giản chỉ xuất phát từ phương thức “lạ hóa” của người viết – vẽ bùa. Có thể khái quát được ba kiểu “lạ hóa” thường gặp sau.

Thứ nhất là kéo dài hoặc làm biến dạng các nét, tạo ấn tượng kì quái. Chẳng hạn chữ炓 liệu (ánh lửa) ở hình 12 được vẽ kéo dài nét sổ, cuộn thành vòng bọc lấy cả chữ, tạo giá trị của một ấn quyết, dùng ánh lửa xua đuổi tà ma. Hai chữ勅令sắc lệnh ở hình 13, 14 bị làm biến dạng các nét, tạo thành những hình thể vượt ra ngoài giá trị của văn tự.

 

Thứ hai, các ấn quyết có thể được thể hiện thông qua việc tổ hợp các chữ Hán thành nhóm, sắp xếp theo một trật tự đặc biệt. Hình 15 là ấn quyết tổ hợp bởi bốn chữ Hán là 令兵馬印 lệnh binh mã ấn (con dấu để điều động, ra lệnh cho binh mã). Hình 16 là ấn quyết罡印cương ấn (con dấu của ấn quyết cương), theo đó chữ 印 ấn bị tách làm hai, để chữ罡cương nằm ở vị trí chính giữa.

Thứ ba, các pháp sư có thể tạo ra những chữ riêng chỉ dùng cho Đạo bùa. Đó có thể coi là những “quái tự”, những ấn quyết đặc hữu của Đạo bùa. Ví dụ, hình 17 là một “quái tự” biểu trưng cho nhị thập bát tú[2], dùng lực lượng này thực thi quyền năng của bùa.

 

2.2. Phối hợp các hình vẽ - biểu tượng

Bản thân các hình vẽ đã đem lại cảm giác bí hiểu bởi những biểu tượng được mã hóa trong nó. Các pháp sư còn đẩy sự bí hiểm, huyền bí đi xa hơn khi phối hợp các hình vẽ đó với nhau tạo thành một thông điệp mang ý nghĩa và sức mạnh tổ hợp của tất cả các hình vẽ cấu thành.

Ví dụ, hình 18 là một phù cước phối hợp nhiểu biểu tượng, nhằm tăng hiệu quả trấn yêu trừ tà, được coi là một ấn quyết cao cấp.

Đây là hình vẽ được tổ hợp từ một nét ngang biểu thị thanh kiếm của thần linh, một nét biểu thị khiến quỷ thần kinh hãi, nét vẽ biểu thị sự thông quán khắp trời đất (hình 19), nét vẽ biểu thị “ngũ lôi lệnh” [3] (hình 20), các nét chấm biểu thị thần binh (hình 21) và hình vẽ biểu tượng trời đất sáng tỏ (hình 22, mũi tên chỉ hướng bút vẽ hình). Vì thế, có thể diễn đạt “thông điệp” này như sau: Đây là một ấn quyết quyền uy khắp trời đất, mạnh mẽ như một nhát kiếm khiến tà ma kinh hãi, có sự trợ uy của “ngũ lôi” và thần binh, nên hiệu lực của bùa phải được thực thi ngay.

Sự phối hợp không chỉ nằm ở mỗi chi tiết, mà là sự phối hợp của toàn bộ các chi tiết trên một Đạo bùa, biến nó thành một chỉnh thể thống nhất, tạo nên uy lực chung. Hình 23 là một Đạo bùa cầu duyên cho nam nữ hòa hợp, với sự phối hợp ăn ý, thống nhất giữa các bộ phận cấu thành.

 

Hình 23

3. Một vài nhận xét

Bùa chú xét ở một khía cạnh nào đó thực sự vẫn cần thiết cho cuộc sống hôm nay, bởi nó là thông điệp ghi lại những ước vọng, những khát khao muốn đạt tới của con người. Phần lớn bùa chú hướng tới những giá trị cao đẹp như một gia đình hạnh phúc, một tình yêu chung thủy, một cuộc sống sung túc ấm yên…, nên nó hàm trong đó những giá trị nhân văn sâu sắc, tạo sức hấp dẫn lớn bất kể sự khác biệt về không gian, thời gian, dân tộc…

Vì thế, dễ thấy bùa chú là một hiện tượng mang tính phổ biến. Nhưng nó lại thường gây ra những cảm nhận huyền bí, là mảnh đất màu mỡ của mê tín. Cho nên, giải mã bùa chú chính là giải mê, là phương thức tốt nhất để bài trừ mê tín. Nếu được tìm hiểu, thì nó đơn giản cũng chỉ là một hệ thống mã, hoàn toàn có thể giải mã dưới góc nhìn của kí hiệu học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1.     Phạm Diệp, Hậu Hán thư (後漢書), Trung Hoa thư cục, 2007.

2.     Pháp Huyền sơn nhân, Phù chú ứng dụng diệu pháp toàn thư (符咒應用妙法全書), Tiến nguyên thư cục, Đài Loan, 1998.

3.     Hứa Đạo Nhân, Tổng hợp phù chú giảng nghĩa (綜合符咒講義), Tiến nguyên thư cục, Đài Loan, 1987.

4.     Lưu Hiếu Tồn, Trung Quốc thần mật ngôn ngữ (中國神秘語言), Trung quốc văn liên xuất bản xã, 1999.

 

Bản tiếng Anh: Decoding the symbols of the Taoism amulets, Tạp chí Khoa học (Journal of Science), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Volume 58, Number 5, June 2013, p71-76.


 

 


[1] Theo Hậu Hán thư, lục đinh gồm Đinh Mão, Đinh Tị, Đinh Mùi, Đinh Dậu, Đinh Hợi  Đinh Sửu, được coi là các vị âm thần. Lục giáp gồm Giáp Tí, Giáp Tuất, Giáp Thân, Giáp Ngọ, Giáp thìn  Giáp Dần được coi là các vị dương thần. Lục đinh lục giáp thường được các Đạo sĩ sử dụng khi viết, vẽ bùa nhằm cung thỉnh các vị thần, xua đuổi ma quỷ.

[2] Hai mươi tám ngôi sao lớn, gồm: Giác 角, Cang 亢, Đê 氐, Phòng 房, Tâm 心, Vĩ 尾, Cơ 箕, Tỉnh 井,  Quỷ 鬼, Liễu 柳, Tinh 星, Trương 張, Dực 翼, Chẩn 軫, Khuê 奎, Lâu 婁, Vị 胃, Mão 昴, Tất 畢, Chủy 觜, Sâm 參, Đẩu 斗, Ngưu 牛, Nữ 女, Hư 虛, Nguy 危, Thất 室, Bích 壁.

[3] Ngũ lôi là một phương thuật của Đạo giáo. Lôi Công có năm anh em, nổi mưa gió sấm chớp diệt tật khổ, lập công cứu người, nên mới có tên gọi “ngũ lôi”.


Source: 
15-10-2020
Tags