GIÁ TRỊ VĂN HÓA CHĂM KHU VỰC NAM BỘ

Người Chăm ở Nam Bộ có một cuộc hành trình dài với nhiều thời điểm và nhiều con đường khác nhau. Sự hiện diện cộng đồng Chăm ở Nam Bộ được nêu trong “Gia Định thành thông chí” qua việc Trịnh Hoài Đức (1765-1825) đề cập đến người Đồ Bà. Bức tranh về cộng đồng Chăm ở đây được rõ dần vào cuối thế kỷ XIX với những công trình nghiên cứu của các tác giả A. Cabaton, Marcel Ner, Manguin…

Về nguồn gốc tộc người, các nhà khoa học đã xếp người Chăm vào nhóm ngôn ngữ Malayo-Polynesian. Cùng chung nhóm cư dân này, ở Việt Nam còn có các dân tộc Êđê, Giarai, Churu, Raglai... Hầu hết các cộng đồng đó đều cư trú ở miền Trung và Tây Nguyên. Có thuyết cho rằng, các tộc người này là con cháu của cư dân đến từ Thế giới đảo. Cũng có ý kiến khác cho đây là những cư dân ở phía nam Trung Quốc di chuyển vào. Những phát hiện về khảo cổ học gần đây đã gợi lên một giả thiết rằng: chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh có thể là tổ tiên của người Chăm và các dân tộc thuộc nhóm Malayo-Polynesian khác ở Việt Nam ngày nay. Do đặc điểm cư trú và bản sắc văn hóa mang tính địa phương, người Chăm ngày nay được phân thành ba nhóm cộng đồng: Chăm Hroi, Chăm Panduranga và Chăm Nam Bộ [Phú Văn Hẳn 2005: 16-19].

Hầu hết người Chăm ở Nam Bộ đều theo đạo Islam. Nhiều làng Chăm được hình thành ven bờ sông, kênh rạch,… và đa số ngôi nhà của người Chăm trước đây đều là nhà sàn. Ở vùng người Chăm Nam Bộ, không có những ngôi tháp hùng vĩ như người Chăm ở miền Trung, song ở đây có rất nhiều thánh đường (sang magik) lớn có lối kiến trúc độc đáo riêng. Người Chăm cư trú quây quần bên cạnh những thánh đường Islam (Masjid, hoặc Surau) thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu tổng điều tra 1/4/1999, người Chăm Nam Bộ có 24.749 người và đến nay dân số Chăm ở Nam Bộ đã hơn 30.000 người.

Do nguyên nhân lịch sử, một bộ phận người Chăm ở cố hương Champa cổ (miền Trung ngày nay) đã di cư sang Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Indonesia,... vào những thế kỷ trước. Cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, một bộ phận người Chăm ở Campuchia tìm về cư trú ở An Giang và Tây Ninh cùng với một bộ phận người Chăm đã an cư trước đó. Sau những năm 30-40 của thế kỷ XX, do chiến tranh ở vùng biên giới Tây Nam nên một bộ phận người Chăm ở đây đã di cư đến lập nghiệp ở Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX đã có sự hiện diện của những tín đồ Islam và rất có thể trong số đó có người Chăm. Trịnh Hoài Đức (1765-1825) trong “Gia Định thành thông chí” đã nói đến những tín đồ Islam này là những dân tộc thuộc nhóm ngữ hệ Malayo - Polynesien từ các đảo thuộc Indonesia và Malaysia xưa đến đây sinh sống.

Cùng với thăng trầm của lịch sử và sự phát triển của vùng đất mới này, những bộ phận người Chăm đã đến định cư tại Sài Gòn - nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Đa số cư dân Chăm theo đạo Islam ở Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc là từ An Giang và Tây Ninh. Số còn lại là những người Chăm từ miền Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận). Người Chăm đến sinh sống ở Sài Gòn cũng diễn ra trong nhiều giai đoạn gắn liền với những biến cố lịch sử của đất nước. Từ Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, người Chăm đã đến lập nghiệp ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cộng đồng Chăm Nam Bộ có một quá khứ thăng trầm và những vấn đề nội tại. Tìm hiểu những khả năng thích nghi của cộng đồng Chăm Nam Bộ để có một chiến lược duy trì và phát triển phù hợp và việc nghiên cứu, làm rõ các khía cạnh về văn hóa tổ chức cộng đồng Chăm Nam Bộ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang phát triển và hội nhập quốc tế, góp phần vào việc hiểu biết một nếp sinh hoạt văn hóa độc đáo, pha trộn giữa tôn giáo và phong tục tập quán dân tộc, góp phần làm giàu cho văn hóa Chăm và văn hóa Việt Nam.

Người Chăm có nền văn hóa phong phú, đặc sắc. Ngày nay người Chăm tiếp tục lưu giữ những giá trị truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa mới, góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng trong văn hóa Chăm và văn hóa Việt Nam.

Cộng đồng Chăm ở Nam Bộ ngày nay cùng chung nguồn gốc với người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận, và là con cháu của cư dân vương quốc Champa cổ. Quá trình hình thành, phát triển người Chăm đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa đặc thù trong nền văn hóa Việt Nam. Người Chăm ở Nam Bộ cư trú trong một cộng đồng jammaah gồm những thành viên có quan hệ bà con, anh em và chòm xóm của nhau. Khi định cư, người Chăm sinh sống tập trung thành khu vực nhất định, lập các jammaah riêng. Điều này đã tạo cho họ một môi trường gắn kết ngay từ đầu. Sự nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong khu vực jammaah đã làm cho tính cộng đồng được hình thành và ngày càng được củng cố. Jammaah có sự liên kết các thành viên trong cộng đồng với nhau tương tự cộng đồng làng xã của người Việt. Mỗi jammaah của cộng đồng Chăm Nam Bộ là đơn vị cư trú, đồng thời là đơn vị kinh tế, văn hóa và xã hội mang tính tự quản, cho nên trong mỗi palei người Chăm thường tồn tại cùng một lúc nhiều tổ chức sinh hoạt. Các jammaah không hoàn toàn nằm gọn trong một đơn vị hành chính giới hạn bởi khu vực cư trú là làng (thôn, xóm, khu vực,… ) mà còn bao gồm các thành viên cùng sinh hoạt văn hóa chung một thánh đường. Theo đó, các sinh hoạt tín ngưỡng và cộng đồng cũng được quy định liên quan đến đóng góp xây dựng cộng đồng cũng như các chức sắc Hakim, Ahly,… có khả năng ảnh hưởng đến họ.

Địa bàn cư trú các jammaah của Chăm ở Nam Bộ thường bố trí dọc bờ sông, kinh, rạch, hai bên bờ đê (đồng thời cũng là đường đi lại chính trong palei, trong jammaah). Người Chăm ở Nam Bộ không có nghĩa địa riêng của dòng họ như người Chăm ở vùng Ninh Thuận và Bình Thuận. Vai trò người đàn ông ở đây được đề cao trong việc đại diện đàng gái giao ước trong kết hôn và hưởng phần chia tài sản gấp đôi so với phụ nữ. Quan hệ dòng họ trong cộng đồng Chăm ở Nam Bộ là không xác định rõ ràng (mẫu hệ) như Ninh Thuận và Bình Thuận. Nguyên tắc Islam cho phép những người cùng huyết thống (theo cha) thì gần hơn song trong cuộc sống đời thường thì những người cùng huyết thống bên mẹ vẫn có những quan hệ gần gũi hơn.

Tính cộng đồng đã làm cho người Chăm cùng hướng đến nhiệm vụ chung, trở thành một đặc trưng khá tiêu biểu trong văn hóa tổ chức cộng đồng Chăm ở Nam Bộ. Trong mỗi jammaah cùng nhau thống nhất chọn ra ban quản trị để tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt cộng đồng, tương trợ nhau trong cuộc sống và trong lao động sản xuất,…

Cộng đồng Chăm Nam Bộ có chung một tín ngưỡng tôn giáo Islam. Allah đối với người Chăm Nam Bộ là toàn năng và chi phối mọi hoạt động của con người và muôn loài. Người Chăm ở đây tâm niệm chung nội dung kinh Qur’an, cùng hướng về Mecca trong những cuộc hành hương Haji… tạo nên chất kết dính thành một khối cộng đồng mang tính Islam, và lấy kinh Qur'an làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình. Tín ngưỡng Islam ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều lĩnh vực của đời sống người Chăm.

Tại các khu cư trú của người Chăm Nam Bộ đều có các masjid hoặc surau (thánh đường) với lối kiến trúc độc đáo riêng. Song magik và surau không chỉ là biểu trưng của tôn giáo Islam mà còn là nơi hội tụ của các thành viên trong khu vực cư trú jammaah của cộng đồng. Đó là nơi diễn ra các ngày lễ hội, lễ cầu nguyện hàng ngày, trò chuyện… là nơi nhắc nhở họ đừng xao lãng giáo luật Islam, là trung tâm sinh hoạt văn hóa chính của cộng đồng.

Người Chăm tin Hakim (vị chức sắc đứng đầu tại mỗi cộng đồng jammaah) là người đại diện mọi hoạt động tín ngưỡng trong phạm vi cầu nguyện ở sang magik, là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước thượng đế Allah. Bên cạnh đó, Imam cũng là chức sắc được cộng đồng jammaah người Chăm tín nhiệm tiến cử và được Hakim chấp thuận. Các chức sắc như Hakim, Imam và các vị Tuan (người dạy giáo lý Islam), lập thành hội đồng bô lão của cộng đồng, chi phối mọi sinh hoạt tín ngưỡng và được cộng đồng tín nhiệm. Các vị này tại cộng đồng jammaah thường quan hệ với chính quyền địa phương và chính quyền địa phương cũng thường thông qua các chức sắc chức việc này để tiếp cận cộng đồng Chăm.

Có thể nói thêm, trước 1975, Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ phong tục tập quán cộng đồng Chăm Islam. Sau 1975, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh (thành lập năm 1992), và Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo ở An Giang (2005) quy tụ nhiều bô lão và chức sắc, chức việc các jammaah phục vụ lợi ích của cộng đồng, chi phối sinh hoạt người Chăm ở Nam Bộ.

Người Chăm Nam Bộ không ngừng nỗ lực xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp. Việc mua bán hàng rong vẫn còn phổ biến. Nghề dệt sàrong, kama (khăn tắm, khăn rằn), thêu đan... truyền thống vẫn còn tồn tại. Người Chăm tỉnh An Giang lập Hợp tác xã may thêu (Châu Giang, An Giang) sản xuất phục vụ nhu cầu ăn mặc theo truyền thống dân tộc Chăm và dùng để trao đổi hàng hóa trong vùng. Người Chăm ở Nam Bộ đã từng bước ổn định cuộc sống và kinh tế gia đình với mức sống ngày một khá hơn.

Người Chăm Nam Bộ trong quá trình phát triển đã từng bước dung hòa yếu tố Islam với văn hóa truyền thống Chăm và của các cộng đồng tộc người cùng sống trong vùng. Sức mạnh của giáo lý Islam đã làm thay đổi nhiều quan niệm, nếp sống đặc trưng của dân tộc nhưng không hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ. Chế độ mẫu hệ của người Chăm tuy phải nhường bước cho những đức tin Islam, nhưng người phụ nữ Chăm không hoàn toàn bị ràng buộc nặng nề, v.v.

Trong công tác xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay, cơ chế quản lý hành chính nhà nước có vai trò chủ đạo trong vận hành xã hội. Song quá trình xây dựng và cải biến cơ chế quản lý xã hội, sự quan tâm thích đáng những yếu tố hợp lý của tổ chức xã hội truyền thống được chú ý kết hợp và vận dụng hợp lý các tổ chức xã hội truyền thống với những yếu tố tích cực trong phong tục tập quán, trong truyền thống văn hóa cộng đồng. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như sự hội nhập của các nền văn hóa, lối sống cũng như cách sống hiện nay, người Chăm đã lưu giữ bản sắc văn hóa đặc trưng để hòa nhập mà không hòa tan. Trong quá trình chuyển đổi, nhiều lớp văn hóa cũ, mới hội nhập, chuyển hóa lẫn nhau song những nét văn hóa truyền thống Chăm vẫn đang được lưu giữ, tiếp tục khôi phục và phát huy và phát triển.

Văn hóa Chăm Nam Bộ được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển và trở thành các giá trị, các quan niệm, tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của cộng đồng, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích của cộng đồng dân tộc mình. Văn hóa người Chăm Nam Bộ có những đặc trưng riêng, đáp ứng nhu cầu giá trị bền vững của cộng đồng Chăm, được cộng đồng Chăm cùng chia sẻ, chấp nhận, đề cao và ứng xử theo các giá trị đó. Văn hóa Chăm Nam Bộ góp phần tạo nên truyền thống, là đặc trưng riêng ở Nam Bộ. Phát huy, phát triển bền vững các giá trị văn hóa cộng đồng Chăm Nam Bộ đòi hỏi chúng ta không ngừng tìm hiểu, am hiểu thật tận tường. Chú trọng nâng cao năng lực tổ chức đại diện cộng đồng cũng như các chức sắc, chức việc trong hoạt động văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, xây dựng quy ước, hương ước trên cơ sở lợi ích dân tộc quốc gia là phương cách phát triển cộng đồng Chăm Nam Bộ thiết thực và bền vững. Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư phát triển cộng đồng, phát triển giáo dục, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội,… cần tiếp tục triển khai, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng cho phù hợp, tạo cơ hội tốt nhất để cộng đồng Chăm có thể tự nâng cao cuộc sống cho mình, mạnh dạn trong hòa nhập và phát triển, góp phần tiếp tục bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa người Chăm ở Nam Bộ.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

  1. Dương Tấn Phát 1950: Bộ luật hôn nhân Chàm. -NXB Sài Gòn.
  2. Lương Ninh 2006: Vương quốc Champa. –H.: NXB ĐHQG HN.
  3. Mah Mod 1975: Đặc điểm gia đình, thân tộc và xã hội của đồng bào Chàm. –Trong: “Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam Việt Nam”, tập 2, quyển 2. - Viện KHXH tại TP. HCM.
  4. Maspero G.L. 1928: Vương quốc Champa (Le royaume du Champa). - Paris (bản dịch đánh máy của Đào Từ Khải).
  5. Nguyễn Khắc Ngữ 1967: Mẫu hệ Chàm. – Sài Gòn.
  6. Nguyễn Văn Luận 1974: Người Chàm Hồi giáo miền Tây Nam phần Việt Nam. – SG: Bộ Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên.
  7. Ph. Ăngghen 1961: Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và của nhà nước. – H.: NXB Sự Thật.
  8. Phan An, Phan Xuân Biên, Phan Văn Dốp 1991: Văn hóa Chăm. – H.: NXB Khoa học xã hội.
  9. Phú Văn Hẳn (cb) 2005: Đời sống văn hóa và xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh. – H.: NXB Văn hóa dân tộc.
  10. Phú Văn Hẳn (chủ nhiệm) 2006: Hiện trạng nghiên cứu người Chăm Nam bộ trong lĩnh vực khoa học xã hội (đề tài NCKH Thành phố Hồ Chí Minh).
  11. Phú Văn Hẳn (đồng cb) 2012: Một số vấn đề về dân tộc và tôn giáo ở Nam Bộ trong phát triển. – H.:Viện KHXH Việt Nam.
  12. Phú Văn Hẳn 1995: Bản sắc văn hóa Chăm ở Nam bộ.- Báo cáo KH tại Hội thảo KH văn hóa nghệ thuật Champa, Đại học Tổng hợp TP.HCM.
  13. Phú Văn Hẳn 2014: Tình hình nghiên cứu người Chăm trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. – In trong: Tạp chí KHXH, số 3, Viện KHXH vùng Nam Bộ.
  14. Phú Văn Hẳn 2001: Cộng đồng Islam Việt Nam - sự hình thành, hoà nhập, giao lưu và phát triển. – In trong: Nghiên cứu Tôn giáo, số 1.
  15. www.arthistory.sbc.edu/imageswoman/egyptmartriarchy.html
  16. www.bachkhoatoanthu.gov.vn

Nguồn: Bài viết tham gia hội thảo “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Kỷ yếu hội thảo in thành sách “Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại


Source: 
15-10-2020
Tags