GIA ĐÌNH – TỪ CÁCH TIẾP CẬN VĂN HÓA

 

NGUYỄN HỒNG MAI

Gia đình là mảng vấn đề được cộng đồng xã hội nói chung và giới nghiên cứu nói riêng đặc biệt quan tâm. Điều này không chỉ bắt nguồn bởi vai trò to lớn của gia đình trong đời sống của mỗi cá nhân, của toàn xã hội mà còn vì những biến đổi mạnh mẽ và toàn diện của nó. Ở nước ta, trong vài thập kỷ gần đây, đã hình thành gia đình học – một khoa học chuyên ngành với hệ thống lý thuyết, phương pháp và công cụ nghiên cứu đặc thù. Tuy nhiên, gia đình vẫn được coi là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Nó được tiếp cận từ các góc độ: triết học, kinh tế học, luật học, xã hội học, dân tộc học, đạo đức học, tâm lý học, sinh lý học…Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tuy gần gũi thân quen nhưng gia đình cũng bao chứa nhiều khía cạnh đa dạng, phức tạp. Đối tượng này đòi hỏi sự nghiên cứu liên ngành và hướng tiếp cận văn hóa đối với gia đình cũng được khởi động. Trên sách báo lý luận, chúng ta bắt gặp thường xuyên hơn các cụm từ “văn hóa gia đình” hay “gia đình văn hóa”. Trong các văn kiện của Đại hội Đảng, vấn đề gia đình xếp trong nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới. Về phân cấp quản lý Nhà nước, sau khi Ủy ban Gia đình – Dân số – Trẻ em giải thể, công tác dân số và trẻ em giao cho Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh Xã hội, còn mảng gia đình do Bộ Văn hóa -Thể thao - Du lịch đảm trách. Tính hợp lý của sự phân cấp ấy có lẽ được dựa trên một nguyên lý cơ bản: nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của gia đình là văn hoá, chứ không phải ham muốn giới tính giản đơn. Hơn nữa, trong các con đường riêng lẻ nghiên cứu gia đình, tiếp cận văn hóa là hướng đi mang tính phổ quát nhất, bởi lẽ ở góc độ này, gia đình luôn luôn được xem xét như một chỉnh thể toàn vẹn. 1. Bản chất văn hóa của gia đình chính là nền tảng lý luận cơ bản cho các nhà nghiên cứu tiếp cận văn hóa Gia đình – một cộng đồng người gắn bó mật thiết với nhau bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng được chế ước bằng các quy định pháp lý và luật tục xã hội – luôn là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng văn hóa. “Sẽ không đúng nếu bỏ qua yếu tố sinh học và giới tính nhưng sẽ càng không đúng nếu không tính đến đầy đủ yếu tố văn hóa trong việc hình thành gia đình ở con người. Gia đình ngay từ đầu đã là một tồn tại văn hóa, một thực thể văn hóa, tất nhiên trong mối liên hệ khăng khít với những yếu tố sinh học và giới tính. Ở trình độ phát triển thấp của con người đã là như thế, ở trình độ phát triển cao hơn lại càng như thế” (1, tr.23). Đó là lời khẳng định của tác giả Lê Minh và cũng là quan điểm đồng thuận của giới nghiên cứu. Bản chất sinh học – văn hóa của con người làm cho mọi hoạt động sống của họ khác hẳn động vật, kể cả những hành vi tưởng chứng bản năng nhất. Mọi động vật ở giai đoạn trưởng thành đều kết đôi nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh học và duy trì nòi giống. Nhưng việc kết đôi của con người ngày càng tiến hoá với những bước đi có tính văn hóa: từ tạp giao – quần hôn, hôn nhân đối ngẫu đến hôn nhân cá thể, đề cao chung thủy và cấm loạn luân. Việc sinh sản và nuôi dưỡng con cái cũng được gia tăng dần các yếu tố văn hóa như khoa học (chăm sóc sức khỏe sinh sản, chế độ dinh dưỡng), như đạo đức (quy ước về quyền lợi và trách nhiệm, khuôn mẫu lễ nghi) v.v… Sự gắn bó giữa các cá thể người tuy hình thành một cách tự nhiên với khởi đầu bằng các cảm xúc giới tính, nhưng nó cũng là kết quả của sự lựa chọn có ý thức. Thành viên của cộng đồng này luôn hướng về nhau với tất cả tình yêu và trách nhiệm (“Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con” - Xuân Quỳnh) Những mối quan hệ ràng buộc sâu sắc giữa những người đang sống và cả giữa những người sống với những người thân đã khuất đã kết thành cây phả hệ – một thực thể văn hóa sinh động gồm nhiều họ, nhiều đời. Để bảo đảm cho các cộng đồng lớn nhỏ ấy tồn tại và phát triển, các thế hệ người trong gia đình buộc phải sáng tạo một hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần: sinh đẻ con người – một giá trị văn hóa thiêng liêng; phương thức sản xuất và tiêu dùng - những giá trị văn hóa vật chất; gia phong, gia đạo, gia lễ - những giá trị văn hóa tinh thần. Hệ thống các giá trị văn hóa của mỗi gia đình và mọi gia đình chính là cội nguồn, là biểu hiện cụ thể của giá trị văn hóa dân tộc. Vì lẽ đó, nghiên cứu văn hóa dân tộc bao giờ cũng phải bắt đầu từ việc khảo sát văn hóa các gia đình của dân tộc ấy. 2. Về khái niệm “Văn hoá gia đình” Có hai thuật ngữ thường được nhắc dến khi tiếp cận gia đình từ góc độ văn hóa, đó là “văn hóa gia đình” và “gia đình văn hóa”. Trong ngôn ngữ thường ngày, trên phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí cả trong nghiên cứu lý luận, chúng ta thường thấy hiện tượng đồng nhất hoặc sử dụng lẫn lộn hai thuật ngữ này. Điều này cũng tương tự như khi sử dụng các cặp từ “làng văn hóa” và “văn hóa làng”, “văn hóa ứng xử” và “ứng xử văn hóa” v.v… Giữa các khái niệm này tuy có mối quan hệ gần gũi, nhưng thật ra đó lại là những đối tượng nghiên cứu của các khoa học khác nhau. 2.1. “Gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “khu dân cư văn hóa” là đối tượng khảo sát của khoa học quản lý văn hóa. Đó là những thuật ngữ chỉ chất lượng hay phẩm chất tích cực của mỗi cộng đồng theo chuẩn mực có tính quy ước của xã hội. Mỗi xã hội, trên cơ sở điều kiện kinh tế – chính trị – văn hóa tư tưởng cụ thể, sẽ đặt ra yêu cầu, đòi hỏi đối với cá nhân cũng như các nhóm xã hội thành viên. Trong xã hội Việt Nam xưa kia, với lý tưởng “thống nhất – ổn định – trật tự – hòa mục” của Nho học, người ta đề cao, biểu dương mẫu hình gia đình gia giáo, có nề nếp gia phong. Nội dung giáo dục gia đình (đình huấn)nhằm duy trì lễ nghĩa được coi là tiêu chí quan trọng nhất, vì đó là cơ sở nền tảng đảm bảo cho sự ổn định, trật tự của xã hội. Đến những năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, trên quan điểm “kiến quốc phải tiến hành song song với cứu quốc”, Nhà nước cộng hòa dân chủ non trẻ đã phát động phong trào thi đua xây dựng đời sống mới ở mọi đơn vị cơ sở, bao gồm cả gia đình. Những chuẩn mực cụ thể của đời sống mới trong gia đình (Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Tân Sinh đã phân tích rõ trong cuốn sách Đời sống Mới xuất bản năm 1947) được đề xuất trên cơ sở những đòi hỏi của đời sống thực tiễn lúc đó. Danh hiệu tôn vinh gia đình đã có thay đổi theo dòng lịch sử, khi gọi là gia đình gương mẫu, gia đình năm tốt, gia đình xã hội chủ nghĩa, khi gọi là gia đình văn hóa mới. Cho đến nay, những tiêu chuẩn của gia đình văn hóa (tên gọi này được sử dụng thống nhất từ năm 1975) không ngừng được điểu chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nhằm phù hợp với yêu cầu của xã hội. Những người làm công tác nghiên cứu và thực hành quản lý văn hóa đã tiếp cận gia đình từ hướng đi này, vừa nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực, vừa khảo sát thực tiễn để đề xuất các phương thức và giải pháp nhằm đưa phong trào gia đình văn hóa đạt được hiệu quả cao, tránh bệnh hình thức. Đã có nhiều đề tài khoa học được thực hiện, ví dụ như đề tài do Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch chủ trì năm 2010 mang tiêu đề: “Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa ở khu vực đồng bằng sông Hồng”. Tuy nhiên, hiệu quả của việc khảo sát, còn phụ thuộc vào những thành tựu nghiên cứu của ngành khoa học có một đối tượng khác là “văn hóa gia đình”. 2.2. “Văn hóa gia đình”; “Văn hóa làng”…là những đối tượng nghiên cứu của văn hóa học, với các khoa học phân nhánh như lý luận văn hóa, sử văn hóa, địa văn hóa.v.v… Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, ở nước ta đã có một vài cuốn sách đề cập đến vấn đề này, ví dụ như : “Thực trạng văn hóa gia đình Việt Nam” (1994); “Văn hóa gia đình Việt Nam” (1998); “Từ điển văn hóa gia đình” (1999)…Tuy nhắc đến văn hóa gia đình nhưng hầu hết các tác giả không nêu định danh khái niệm mà chủ yếu đi sâu mô tả những biểu hiện cụ thể. Xuất phát từ quan niệm “Văn hóa gia đình có thể tìm hiểu qua thuần phong mỹ tục, qua những tấm gương của người mẹ người cha… và ở cả những phần sâu kín huyền ảo” (2, tr.22), tác giả Vũ Ngọc Khánh và đa số các nhà nghiên cứu thời kỳ này đã đồng nhất văn hóa gia đình Việt Nam với gia đình gia giáo (gia đình văn hóa) và chỉ lưu tâm khảo sát các giá trị tinh thần – tâm linh, ở khía cạnh tình – nghĩa – lễ. Riêng tác giả Võ Tấn Quang mở rộng nội hàm của khái niệm này sang lĩnh vực văn hóa vật chất: “Văn hóa gia đình bao gồm nhiều yếu tố. Đó là yếu tố tinh thần. Đó là phương thức, cách thức, kỹ năng, kỹ xảo vận dụng tri thức vào đời sống tinh thần. Đó là phong thái sinh hoạt, lối sống truyền thống gia đình. Cũng phải kể tới yếu tố văn hóa vật chất của gia đình cũng như trình độ sử dụng công cụ, phương tiện hành nghề, phương tiện sinh họat trong gia đình”(3, tr.145 - 146). Sang những năm đầu của thế kỷ này, các nhà nghiên cứu mới bắt đầu quan tâm tới việc định danh khái niệm. Tác giả Lê Như Hoa (2001), Lê Quý Đức và Vũ Thy Huệ (2003) đều chung quan niệm: văn hóa gia đình là một dạng thức của văn hóa cộng đồng. Xét từ góc độ chủ thể văn hóa, văn hóa tồn tại dưới hai dạng thức: văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng. Các cộng đồng lớn nhỏ (những tập hợp người có quan hệ mật thiết với nhau trong đời sống vật chất và tinh thần, cùng chịu sự chi phối của các điều kiện sống chung) đều mang những thuộc tính khách quan, trong đó có thuộc tính văn hóa… Chúng ta thường nhắc đến các khái niệm văn hóa cộng đồng như văn hóa tộc người, văn hóa làng, văn hóa đô thị, và cả văn hóa nhân loại. Cộng đồng nào cũng có một kiểu văn hóa, bao gồm toàn bộ hệ giá trị, chuẩn mực, thị hiếu, đặc tính riêng của cộng đồng đó. Với nhận thức này, sự khác biệt giữa văn hóa gia đình và gia đình văn hóa đã dần dần được sáng tỏ. Nếu gia đình văn hóa là loại gia đình được xã hội tôn vinh vì đã đạt được một phẩm chất giá trị nào đó theo quy ước thì văn hóa gia đình là một trong những thuộc tính khách quan của mọi gia đình. Theo đề nghị của UNESCO, mọi kiểu văn hóa đều cần được tôn trọng. Vì thế, chấp nhận sự đa dạng và khác biệt của các kiểu văn hóa gia đình cũng như các kiểu văn hóa tộc người là một cách tiếp cận khoa học và hợp lý. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm “văn hóa gia đình” từ cấu trúc cho tới cách thức phân loại cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Sự khác biệt này vốn xuất phát từ sự đa dạng trong cách hiểu về “văn hóa”. Mỗi nhà nghiên cứu đều phân tích cấu trúc văn hóa gia đình theo cách nhận thức về văn hóa của mình (văn hóa là một hoạt động, là một hệ giá trị hoặc là các phương thức ứng xử). Ví dụ, phân chia văn hóa gia đình theo các dạng hoạt động cơ bản có văn hóa sinh sản và nuôi dưỡng con người, văn hóa sản xuất và tiêu dùng sản phẩm vật chất, văn hóa sáng tạo và hưởng thụ sản phẩm tinh thần; còn phân chia theo phương thức ứng xử có văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, văn hóa ứng xử với môi trường xã hội và văn hóa ứng xử với thế giới tâm linh. Ngoài ra còn nhiều cách phân chia khác. Tuy thế, dù phân chia cấu trúc theo kiểu nào thì văn hóa gia đình luôn được hình dung như một tổng thể các hoạt động sống của một gia đình cũng như các sản phẩm vật chất, tinh thần mà các thành viên của nó đã tạo lập trong các hoạt động ấy. Chính vì vậy, các nghiên cứu về văn hóa gia đình thường có khuynh hướng tổng hợp các thành tựu nghiên cứu gia đình của các khoa học khác. Việc phân loại hình thái văn hóa gia đình cũng ngày càng sâu sắc, cụ thể hơn. Không dừng lại ở sự phân loại theo khu vực (phương Đông, phương Tây), theo loại hình văn hóa chung (gốc nông nghiệp, gốc du mục), giới nghiên cứu đã từng bước tiếp cận văn hóa gia đình tộc người trong mỗi dân tộc- quốc gia, tìm kiếm đặc trưng khu biệt văn hóa gia đình truyền thống và hiện đại. Trong khi tập trung nghiên cứu văn hóa gia đình người Việt, các tác giả đã nhận thấy một khoảng trống đáng tiếc. Dù đó là văn hóa của tộc người đa số nhưng văn hóa của bộ phận này cũng chưa đủ sức đại diện cho văn hóa của cả dân tộc Việt Nam. Những kết quả khảo sát văn hóa gia đình của các tộc người thiểu số sẽ làm cho chân dung văn hóa gia đình Việt Nam đa dạng hơn, phong phú hơn. Đây chắc chắn sẽ là một hướng nghiên cứu rất hấp dẫn. Mặt khác, những vấn đề “truyền thống” và “hiện đại” của văn hóa nói chung, văn hóa gia đình nói riêng cũng đang được lý giải theo hai hướng khác nhau, hoặc là loại hình văn hóa hoặc là giai đoạn văn hóa. Tác giả Chu Xuân Diên (2004) quan niệm văn hóa truyền thống và hiện đại không phân định theo thời gian mà dựa trên hai phương thức sinh tồn, hai mô hình tập hợp: tập hợp mang tính cộng đồng với tính trội của truyền thống và tập hợp không mang tính cộng đồng với tính trội của suy lý (4, tr.276). Lâu nay, văn hóa truyền thống được gắn với các xã hội thuần nhất, chậm biến đổi trên nền tảng kinh tế nông nghiệp, còn văn hóa hiện đại là dấu ấn của một xã hội không thuần nhất, luôn biến đổi và trên nền tảng kinh tế công nghiệp, hậu công nghiệp. Như vậy, trong cùng một giai đoạn lịch sử , ở đâu còn lưu giữ đậm đặc yếu tố cộng đồng thì ở đó còn văn hóa truyền thống. Nhưng một số nhà nghiên cứu lại cho rằng truyền thống và hiện đại lại là hai giai đoạn văn hóa, từ đó đi tìm dấu mốc lịch sử. Có người chọn thời điểm 1884 với hiệp ước Patơnôt, chính thức tồn tại chủ nghĩa thực dân (văn hóa phương Tây) ở nước ta. Có người khẳng định 1945, năm chấm dứt chế độ quân chủ, đánh dấu sự ra đời của chính thể dân chủ cộng hòa. Thậm chí có tác giả đưa ra thời điểm muộn hơn. Khi bàn về văn hóa gia đình Việt Nam trong lịch sử nhằm khái quát những đặc trưng cơ bản của văn hóa gia đình truyền thống người Việt, các tác giả Lê Quý Đức và Vũ Thy Huệ đã kéo dài giai đoạn khảo sát tới năm 1986 – trước Đổi Mới. Theo họ, tuy xã hội Việt nam đã chịu tác động của chế độ dân chủ cộng hòa và tư tưởng tiên tiến của chủ nghĩa Mác- Lênin nhưng các yếu tố chính trị trước thời điểm này “chưa làm biến đổi được cơ cấu và chức năng của gia đình và văn hóa gia đình cổ truyền Việt Nam” (5, tr.56). Vì vậy, văn hóa gia đình hiện đại là một giai đoạn phát triển văn hóa và chỉ thực sự xuất hiện cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đất nước.

Nguồn: https://vanhoahoc.hcmussh.edu.vn


Source: 
03-05-2021
Tags