"Gái thương chồng, trai thương vợ..."

Báo Lao Động cuối tuần, số 5, 2006, có bài của GS Nguyễn Đức Dương, nói về cách hiểu sao cho đúng một số thành ngữ, tục ngữ trong tiếng Việt.

Khi bàn về câu ca dao "Gái thương chồng đương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm", ông cho rằng, nghĩa của câu này cần phải được hiểu là: "Vợ sẽ được coi là thương chồng một khi sẵn lòng chiều theo ý thích của chồng ngay cả lúc buổi chợ đang còn đông kẻ mua người bán; chồng sẽ được coi là thương vợ một khi sẵn lòng chiều theo ý thích của vợ ngay cả lúc nắng quái chiều hôm (trời còn đang nóng điên người)".

Theo tôi thì câu này lại tồn tại những cách hiểu hoàn toàn khác với cách cắt nghĩa như trên. Tôi xin trình bày coi như một ý kiến tham khảo.

Theo cách hiểu thứ nhất, câu tục ngữ này dùng để chỉ mức độ khác nhau trong việc thể hiện tình cảm giữa vợ và chồng. Mức độ này được ví von bằng hai hình tượng rất quen thuộc trong thiên nhiên và xã hội con người : "buổi chợ lúc đang đông" và "ánh nắng quái lúc chiều hôm".
 
Theo đó thì, tình cảm của người vợ được coi là đầy đặn, nồng nàn và đằm thắm. Vì ai cũng biết phiên chợ lúc đúng giữa phiên đông vui, chen chúc, náo nhiệt đến mức nào. Tấm lòng cô gái dành cho chồng mình cũng thế. Còn tình cảm của người đàn ông thì lại khác. Nó thường sôi nổi, mãnh liệt và mạnh bạo (có khi hơi thô ráp, thiếu tế nhị), chẳng khác gì ánh nắng quái gay gắt xuất hiện bất chợt lúc chiều tà. Song khoảnh khắc ấy tuy chói chang, ấn tượng nhưng thường kéo dài không lâu.

Còn theo một cách giải nghĩa khác thì người ta lại cho rằng, câu tục ngữ này có ý  nói về mức độ tình cảm vợ chồng chia theo chiết đoạn thời gian của một đời người. ấy là người phụ nữ thường yêu thương, cảm thông với chồng nhiều nhất khi còn đương thì, xuân sắc đang lên, nỗi lòng sôi động như "buổi chợ lúc đông người" vậy.
 
Còn anh chồng thì là người chủ sự gia đình, lo bươn chải kiếm sống nay đây mai đó và cũng do quan niệm xã hội đem lại, nên thời gian chú ý chăm lo tới vợ con thường không nhiều. Chỉ khi nào tuổi đã "ngả chiều xế bóng" (tức về già), quay trở về với gia đình, anh ta mới chiêm nghiệm và thấu hiểu nỗi lòng và sự gian khó của vợ. Lúc đó người đàn ông mới bộc lộ tình cảm yêu thương, săn sóc với vợ mình. Song cũng như "nắng quái chiều hôm" vậy, dù bừng cháy sâu nặng đến mấy thì thời gian dành cho vợ con, gia đình của anh ta thường không còn đáng là bao.

Đấy là hai cách hiểu theo hai hướng đang được nhiều người đưa ra phân tích với những lập luận khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tế thì số người nghiêng theo cách hiểu thứ nhất nhiều hơn (có lẽ là chứa đựng nhiều lý lẽ gần với hiện thực hơn).
 
Dù theo cách nào thì câu tục ngữ trên cũng đem lại cho chúng ta một thông điệp rất đáng suy nghĩ: Trong quan hệ vợ chồng, mức độ và cách thức thể hiện tình cảm của hai phía có khác nhau. Đó cũng là lẽ thường của tạo hoá và đó cũng là cái hay của luật bù trừ trong cuộc sống. Chúng ta cần phải hiểu, phải chấp nhận sao cho quan hệ gia đình lúc nào cũng hài hoà, bền chặt.

TS Phạm Văn Tình


Source: 
09-10-2020
Tags