Đồng Đức Bốn - Thơ và những nẻo kiếm tìm

1. 1.1. Nếu thơ là tiếng nói thân phận thì thơ Đồng Đức Bốn, trước tiên, là phát ngôn cho thân phận của một kẻ tự thấy mình:
Đời tôi chỉ những xót xa đi tìm
(Đời Tôi)
Câu thơ trên, cố nhiên ứng với chân dung thơ Đồng Đức Bốn. Nhưng chân dung ấy hoàn toàn không cá biệt. Cơ bản hơn, nó có ý nghĩa như một đại diện.
Thực vậy, thế hệ  những nhà thơ trước Đồng Đức Bốn không bị vướng mắc vào sự tìm kiếm những giá trị và tín niệm. Tất cả đều đã hoàn tất . Nhà thơ nối mình  với cộng đồng bằng những tín niệm thiêng liêng và phổ biến. Câu thơ của họ tự thân đã lấp lánh ánh sáng của mặt trời chân lý.

Thế hệ Đồng Đức Bốn không có được sự ân sủng ấy. Tất cả đều phải đi tìm, hơn thế xót xa đi tìm. Không hiếm khi,  kết quả cho những kiếm tìm ấy là sự tẽn tò:
Tẽn tò con sáo sang sông
Bờ bên này tưởng cũng không có gì
Tẽn tò con sáo bay đi
Lại bờ bên ấy có gì cũng không
(Con sáo sang sông)
Trong tiếng Việt, tẽn là cụt hứng, là ấm ức. Tẽn tò hơn thế còn là ngẩn ngơ (ngẩn tò te), đầy lầm lạc. Phải đối diện với trạng thái tẽn tò thật chẳng có gì thú vị. Vậy nên,  để có được cái khoảng khắc một giây cầm được mặt trời, với Đồng Đức Bốn, phải đi qua bao nhiêu những tẽn tò, lặn lội:
Chín xu đổi lấy một hào
Đi mua cái nắng lại vào cái mưa
Đường bùn tôi lội giữa trưa
Đắng cay thì ngậm xót chua thì cầm
(Chín xu đổi lấy một hào)
1.2. Trong tất cả những cuộc đi tìm ấy, trước nhất và cũng hệ lụy nhất là tìm mình. Chùm thơ Đời Tôi của Đồng Đức Bốn theo thời gian cứ đầy thêm mãi. Cho đến tập thơ gần đây nhất của anh. Chuông chùa kêu trong mưa,  cuộc tìm mình ấy dường như vẫn là một hành trình chưa có điểm dừng:
Thương mình lặn lội đường xa
Vào rừng tìm mãi một hoa cải ngồng
Thế rồi phải quay ra không
Tìm mình ở phía cánh đồng đang mưa
(Thương mình lặn lội đường xa)
Dẫu thế, theo tôi, trong tập thơ này, hành trình tìm mình của Đồng Đức Bốn đã có được một sự lắng kết đáng kể khi anh tự định vị mình: 
Tôi là hạt bụi xa xôi của người
(Em là lục bát của tôi)
Cái chân lý giản dị này Bốn chỉ ngộ ra từ sau rất nhiều những giả tưởng, lầm lạc. Lầm lạc vốn là thuộc tính của nhân sinh. Con người là một sinh vật thường rất hay sa bẫy bởi những giả tưởng, ảo tưởng. Mà những giả tưởng thì đầy ắp trong cuộc đời này. Bằng những nếm trải của mình, Bốn nhận ra giả tưởng đến với con người ngay từ buổi lọt lòng trong lời hát ru ngọt ngào (Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi). Phải sau rất nhiều những nghiệm sinh, con người mới ngộra được chân tướng của thân phận mình.
Bảo rằng phía trước là son
Tôi đi đến hết đường mòn lại không
.....Bảo rằng khổ trước sướng sau
Mà trăm năm vẫn thấy nhau bọt bèo
(Đường đi)
Thơ Đồng Đức Bốn muốn nói với ta một nghiệm sinh: cát bụi thì vẫn là cát bụi. Đồng Đức Bốn không muốn mạ vàng cát bụi. Không muốn to tát hoá cát bụi.  Anh muốn cảm nhận cát bụi như là chính nó. Điều này giải thích vì sao thơ Bốn có rất nhiều nét tự thuật nhiều khi khá thật thà. Tôi muốn hiểu điểm này như một nguyên tắc thẩm mỹ: Bốn muốn nói mọi điều từ những xót chua của một thân phận cát bụi, từ chính mình. Đã là cát bụi thì phải long đong:
Chuông chùa tiếng đục tiếng trong
Thảo nào cát bụi long đong thân cò
(Bờ sông)
Là cát bụi thì suốt đời là vô định, mịt mờ:
Nghìn năm đi giữa mịt mờ
Cái gì cũng thấy ngờ ngờ lo lo
(Chín xu đổi lấy một hào)
Thân phận cát bụi ấy, Bốn nhìn thấy rõ nhất qua cuộc đời của mẹ - người đã sống trọn vẹn một đời cát bụi. Sống kiếp cát bụi nên phải chịu gió mưa:
Còng lưng gánh chịu gió mưa
Nát chân tìm cái chửa chưa có gì
(Trở về với mẹ ta thôi)
Sống kiếp cát bụi thì nói gì đến chuyện giữ ngọc gìn vàng: 
Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những cái nhiều khi không vàng
Cả trong cái chết cùng lấm đầy cát bụi:
Giữa khi cát bụi đầy trời
Sao mẹ lại bỏ kiếp người lầm than
(Trở về với mẹ ta thôi)
Thơ Bốn là thơ: Sự đời cát bụi soi gương. Đấy là sự cất tiếng của trầm luân, của chúng sinh. Là tiếng chuông tỉnh thức của thân phận cát bụi lận đận, nổi chìm.
1.3. Nhận chân được thân phận cát bụi của mình, Đồng Đức Bốn không cầu bình yên. Hạt cát ấy muốn sống thật đủ đầy, thật trọn vẹn những nổi chìm của thân phận mình. Đây là những câu thơ rất Đồng Đức Bốn:
Chốc nữa thế nào cũng giông
Sang đò tôi đến giữa đồng là mưa
(Đi đò)
Tựa bão để sống làm người
... Tôi tựa vào những nỗi buồn
(Tựa bão để sống làm người)
..... Đứng trong cơn bão mà trông
..... Duyên mình chả bén trầu cau
Thì làm hạt muối ướp đau lòng chờ
(Mùa xuân đi phủ Tây Hồ)
Ta hiểu vì sao trong những lặn lội đường đời, Đồng Đức Bốn muốn đi chân  trần trên gai  nhọn của cuộc đời:
Gót chân đỏ cả đường làng
Bởi quen ngang tàng dẫm đạp lên gai
(Tôi là vua không có gai)
Lấy gai tôi bắc thành cầu
(Cây bồ kết lắm gai)
Tôi đi trên dòng sông gai
(Sông Thương ngày không em)
Và đây nữa:
Vua ngồi chễm chệ trong ngai
Còn ta ta đứng trên gai nguyện cầu
(Nguyện Cầu)
Vậy là. ngay cả trong tư thế nguyện cầu, kiếp cát bụi ấy cũng không quên thân phận: suốt đời sống trên ngọn gai của mình.
Không chối từ thân phận dù trong bất kỳ cảnh ngộ nào. Đấy là trầm luân, là niềm  kiêu hãnh cát bụi ? Có phải vì thế mà Đồng Đức Bốn  đã tự hỏi:
Có ai thương bụi như là tôi không
(Nhớ Thụy Khuê)
2. Đồng Đức Bốn tự nhận mình là kẻ mượn bút của trời, cũng là người được trời ân sủng: Trời cho được cái lộc thơ. Trong các thể loại thơ thì lục bát là thể loại Đồng Đức Bốn sẽ ghi dấu ấn của mình vào trong đời sống văn học. Xưa, Nguyễn Công Trứ tự đắc: Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi. Nay, Đồng Đức Bốn cũng nói một cách đầy tự tín: Mang câu lục bát ra tiêu (Xin người một khúc mộng mơ). Nói thế kể cũng không là ngoa. Trong bài viết của mình, tôi đã trích không ít thơ Bốn. Và đó, cố nhiên, mới chỉ là những chấm phá. Một dịp khác tôi sẽ viết về Đồng Đức Bốn - nhà thơ của đồng quê. Đấy lại là một khoảng trời khác mà nét tài hoa trời cho của Bốn dường như còn dư dả hơn cả. 
Đâu là xung lực cho hành trình thơ của Đồng Đức Bốn. Câu trả lời, theo tôi, đó là: ca dao. Thơ Bốn từ trong lấm láp, gai góc cũng như trong những vẻ đẹp trữ tình đều đi ra từ nguồn mạch của ca dao, của văn học dân gian. Trong các cây bút đương đại ít người có được sự lăn lóc và nếm trải sâu sắc đến như thế với nguồn mạch của văn học dân gian. Đấy là dòng văn học trầm tích trong nó kinh nghiệm cộng đồng, kinh nghiệm của chúng sinh cát bụi. Tắm gội trên dòng sông ấy, thơ Đồng Đức Bốn có được sự vang hưởng sâu xa trong dòng mạch thời gian, có được những thức ngộ thâm trầm đằng sau lớp vỏ giản dị thuần phác của ngôn từ.
Nguồn mạch ca dao trong thơ Bốn rất thuần khiết. Chưa có những nhân tố lạ để tạo nên một hợp chất mới. Đằng sau lục bát của Nguyễn Du là Đường thi, là tiểu thuyết tài tử. Đằng sau lục bát của Nguyễn Bính là ý thức của cái tôi cá nhân đến từ phương Tây. Với Huy Cận, lục bát là sự gặp gỡ của Đường thi và thơ tượng trưng Pháp. Lục bát là một thể loại thuần dân tộc. Nhưng những đỉnh cao của nó bao giờ cũng là một hợp chất, một tích hợp.
Đồng Đức Bốn là truyền nhân của ca dao. Nhưng muốn đi xa hơn nữa, thơ anh cần có sự va xiết với những cái ngoài mình. Những va xiết như thế sẽ tạo nên một xung lực mới, mở ra một chân trời mới cho thơ Đồng Đức Bốn.
Tôi muốn nói: hành trình lục bát của Đồng Đức Bốn chưa dừng lại. Ở phía trước vẫn là những kiếm tìm và vì thế hứa hẹn một chiều sâu và tầm vóc mới.
Trần Văn Toàn
 
Đồng Xa, ngày 09 tháng 08 năm 2003
Đã in: Tạp chí Nhà văn, 2.2004

Source: 
03-03-2021
Tags