Giáo sư Đặng Thai Mai (1902 - 1984), quê làng Lương Điền, tổng Bích Hào (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, Nghệ An, là một trong những học giả lớn nhất của đất nước, từng tham gia cách mạng và bị thực dân tù đày. Sự nghiệp chính trị và sự nghiệp văn hóa, văn học của giáo sư thật “vô cùng phong phú”. Riêng trong lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giáo sư là một trong số người sáng lập Dự bị đại học ở Thanh Hóa và là vị hiệu trưởng đầu tiên của ĐHSP Văn học (1954 - 1956). Hầu hết các giáo sư văn học của đất nước trong hơn nửa thế kỷ qua đều là học trò của giáo sư. Giáo sư Đặng Thai Mai đã được tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh và giải thưởng Hồ Chí Minh, được đặt tên đường phố tại Hà Nội. Bài viết của phó giáo sư Nguyễn Văn Hoàn (vốn là giáo viên khoa Văn ĐHSPHN, rồi là Viện phó Viện Văn học) sau đây tuy chỉ nói riêng về “Đặng Thai Mai - nhà giáo” nhưng cũng cho người đọc biết được phần nào cuộc đời và sự nghiệp lớn lao, hấp dẫn của giáo sư Đặng Thai Mai
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương tại Hà Nội, Đặng Thai Mai bước vào cuộc đời nhà giáo. Bước khởi đầu có thể nói là tốt đẹp. Chính quyền thực dân như muốn tỏ ra rộng lượng với con cháu hạng “cừu gia tử đệ” đã bổ dụng Đặng Thai Mai làm giáo sư một trường công có tiếng hồi đó: Trường Quốc học Huế.
Nhưng từ đáy sâu tâm hồn người thầy giáo trẻ mới 26 tuổi này vẫn xót xa bao vết thương lòng. Trước đó mấy năm, ông thân sinh tham gia phong trào Duy Tân, bị đầy đi Côn Đảo 13 năm, về nhà ốm đau 1 năm thì chết, trước đó nữa, ông nội tham gia phong trào Cần Vương, bị kết án tù, về nhà được 10 ngày thì qua đời. Chú là Đặng Thúc Hứa, cô là bà Đặng Quỳnh Anh thì đang bôn ba phiêu bạt, hoạt động cứu nước ở Xiêm. Và còn đó, rộn ràng bao kỷ niệm đời sinh viên: Phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, tham gia hoạt động các hội: Phục Việt, Hưng Nam rồi Tân Việt, bước đầu tiếp xúc với sách báo Cộng Sản, báo Nhân đạo (L' Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp, báo Người cùng khổ (Le Paria) và Bản án chế độ thực dân Pháp (Procès de la Colonisation Francaise) của một tên tuổi thần kỳ, lẫy lừng của thời đại: Nguyễn Ái Quốc.
Rồi từ quê hương xứ Nghệ, từ huyện nhà Thanh Chương, lại dội vào những tin tức dữ dội: Xô viết Nghệ Tĩnh bùng nổ, nhân dân nổi dậy phá nhà lao, đốt huyện đường, trừng trị cường hào ác bá… Thực dân Pháp thực hành khủng bố trắng: đốt nhà, triệt hạ làng mạc, ném bom xuống cả các đoàn biểu tình ở Hưng Nguyên.
Ở Huế, Đặng Thai Mai liền tham gia phong trào “Cứu tế đỏ”, tổ chức quyên góp cứu trợ đồng bào quê hương đang gặp cơn nguy biến. Và hậu quả tất nhiên sẽ đến…
Một học sinh, sau này trở thành Giáo sư Trần Đình Gián, kể lại: Thầy Mai mãi mãi để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Một buổi sáng ở trường Quốc học Huế, thầy đang giảng bài thì mật thám ập đến bắt. Thầy chỉ kịp gật đầu chào chúng tôi, rồi vẫn với phong thái nghiêm nghị, chỉnh tề thường ngày, thầy bình tĩnh bước lên ô tô của mật thám….Và một học sinh khác - Võ Thuần Nho, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - nhớ lại: “Năm học 1930 - 1931 tôi được học tiếng Việt với thầy Mai ở trường Quốc học Huế. Suốt đời, tôi không bao giờ quên bài luận tiếng Việt đầu tiên của thầy. Đề bài như thế này:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy cùng khác giống nhưng chung một giàn
Anh em chúng tôi trong lớp, những người đã vào “Hội học sinh đỏ”, đều thầm hiểu thầy muốn gợi lên cho mình suy nghĩ về nghĩa đồng bào, lòng yêu nước. Những bài luận ấy đã không được thầy chấm và trả lại. Vì chúng tôi bị bắt.
Bỗng một buổi sáng, đứng sau song sắt phòng giam nhà tù Phủ Doãn (Huế), nhìn ra sân, tôi thấy thầy đang đứng ở đó. Thầy cũng bị bắt sau chúng tôi một tuần lễ. Chúng tôi thương thầy bị tù đày, qua một số tù thường phạm, chúng tôi nhớ chuyển lời hỏi thăm sức khỏe của thầy và bày tỏ nguyện vọng sẽ được tiếp tục học với thầy. Chỉ khoảng 15 - 20 ngày sau, chúng tôi nhận được một gói tài liệu buộc thật chặt: Một tập thơ Victor Hugo của Nhà xuất bản Hachette. Chúng tôi đọc và học thuộc lòng bài này đến bài khác. Nhớ và đọc mãi câu: Ceux qui vivent, ce sont ceux qui luttent” (Tạm dịch: Những người sống là những người đấu tranh).
Đặng Thai Mai bị tù một năm và bị cách chức giáo sư trường công. Từ 1932, Đặng Thai Mai ra Hà Nội, dạy trường tư để kiếm sống. Ban đầu ở trường Gia Long, sau cùng mấy người bạn lập trường tư thục Thăng Long. Ngôi trường tư thục nổi tiếng này, với các thầy giáo như: Phan Thai, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp…, đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng lòng yêu nước và đào tạo cán bộ tương lai cho đất nước Việt Nam độc lập.
Năm 1937, Mặt trận bình dân thắng lợi ở Pháp. Ở Việt Nam, Mặt Trận Dân chủ Đông Dương được thành lập, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân đòi cải cách dân chủ cải thiện dân sinh. Nhiều cán bộ cộng sản thoát khỏi nhà tù đế quốc ra hoạt động công khai. Đồng chí Trường Chinh đến ở Hà Nội, chỉ đạo việc sử dụng báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng. Đặng Thai Mai vừa tiếp tục dạy học, vừa tham gia viết bài cho các báo của Đảng: Báo Tin tức xuất bản bằng tiếng Việt và các báo tiếng Pháp như Lao động (Le Travail), Tập hợp (Rassemblement), Tiếng nói chúng ta (Notre voix). Ông cũng được Đảng tín nhiệm cử vào Ban trị sự Hội truyền bá Quốc ngữ ở Bắc Kỳ, cùng với nhà học giả Nguyễn Văn Tố, cộng tác viên của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội và Phó bảng Bùi Kỷ, thầy giáo cũ của ông tại trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương.
Năm 1939, Đặng Thai Mai được Đảng Cộng Sản Đông Dương giới thiệu ra ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và đã trúng cử. Đây là một giai đoạn hoạt động cách mạng công khai say mê và căng thẳng trong cuộc đời ông: hội họp, viết báo, biên tập bài vở, chữa bản in thử… Mặc dầu vậy, ông vẫn đảm bảo mọi công việc bình thường của một thầy giáo với lương tâm và tinh thần trách nhiệm cao.
Một học sinh - sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Lao động và là Trưởng ban liên lạc học sinh cũ trường Thăng Long, nhớ lại: Thầy thường thức rất khuya, chấm bài, chuẩn bị bài rất kỹ, thường xuyên giúp đỡ những học sinh nghèo. Trong nhà thầy, thường có dăm học sinh nghèo được thầy nuôi dưỡng, mặc dầu thầy đã tương đối đông con.
Thầy sống giản dị, chan hòa với học sinh, nhưng cũng rất nghiêm khắc trong kỷ luật học tập. Dư luận chung của học sinh cho là thầy “Mai đen” rất hắc”, nữ sinh thì gọi thầy là “sévère papa” (người cha nghiêm khắc) nhưng tất cả đều rất kính trọng và yêu mến thầy.
Hồ Trúc, một trong số học sinh từng ăn ở trong nhà thầy, sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nhắc lại một câu nói của thầy: “Tôi chấm bài khuya đến mấy cũng không ngại, chỉ cần trong đêm khuya thanh vắng được đọc một vài câu văn hay của các anh, các chị là như người đi trên sa mạc gặp được một vũng nước mát ngon lành”
Giáo sư Nhan Bảo của Trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) nguyên là học trò của Trường tư thục Thăng Long hồi tưởng lại: “Tôi còn nhớ có một lần, Thầy dạy chúng tôi bài Bài học cuối cùng của An-phông-xơ Đô-đê (Alphonse Daudet). Tôi phát hiện thấy, sau khi đọc hết bài, dưới khoé mắt thâm quầng của thầy, có nhiều ngấn lệ. Hồi đó, tôi đã lầm tưởng thầy chỉ là một người đa sầu, đa cảm, nên đã quá xúc động trước một áng văn hay. Mãi tới nhiều năm sau, tôi đã hiểu đời hơn và có dịp đọc lại Bài học cuối cùng bằng tiếng Anh ở Đại học, hồi tưởng lại ký ức ở trường Thăng Long, tôi mới hiểu được ngấn lệ trong khoé mắt của thầy hồi đó, tôi càng cảm phục thầy hơn”.
Rồi chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ. Phong trào Mặt trận Dân chủ bị đàn áp. Các chiến sĩ cộng sản rút vào bí mật. Đây là một thời kỳ ngột ngạt, đen tối. Đặng Thai Mai vẫn ở lại Hà Nội, tiếp tục nghề dạy học tư và tranh thủ diễn đàn công khai của các tạp chí Tri Tân, Thanh Nghị, Văn Mới để phát biểu ý kiến về các vấn đề văn học.
Ông dịch A. Q Chính truyện và giới thiệu Lỗ Tấn trên tạp chí Thanh Nghị. Ông đưa in một tập sách lý luận văn học viết theo quan điểm mácxít, tại Nhà xuất bản Hàn Thuyên, với điều kiện không được cắt xén, sửa chữa bản thảo.
Một độc giả 19 tuổi (năm 1943), một thanh niên yêu nước vừa học xong ban tú tài, đã có thể đọc được - nói theo ngôn từ của M. Gorki - những gì “ở giữa hai dòng chữ” của chủ nghĩa phát xít, khi đọc trên tạp chí Thanh Nghị những bài Đặng Thai Mai viết về Lỗ Tấn, tôi thầm nhận ra những tia lửa giữa những hàng chữ bình tĩnh, điềm đạm không thể lẫn được, đây là một trí tuệ hết sức sâu sắc của “phía bên ta” (Nguyễn Đình Thi).
Trương Chính thì cho rằng việc giới thiệu văn học hiện đại Trung Quốc của Đặng Thai Mai “có tính chất mở đường”đi tiên phong vào”một mảnh đất chưa ai khám phá”.
Nhưng làm được điều đó cũng không phải dễ, Đặng Thai Mai làm quen với chữ Hán từ lúc tóc còn để chỏm, nhưng đó là chữ Hán của “Hán phú, Đường thi, Tống từ…”, còn Lỗ Tấn thì lại viết bằng Bạch thoại; ngữ nghĩa và ngữ pháp đều khác với cổ văn, đó là chưa nói đến việc biên giới Việt Trung bị phong toả ngặt nghèo nên ngay cả tìm được sách để dịch cũng không phải dễ.
Để có thể hiểu được bạch thoại, hiểu được những câu văn châm biếm lắt léo, kín đáo của Lỗ Tấn, Đặng Thai Mai đã phải học bạch thoại với một nghệ sĩ Trung Quốc “chạy loạn” sang Việt Nam.
Ông thú nhận: “Công trình của nhà văn hào đã hé mở cho tôi cả một vũ trụ bao la và mới mẻ, đẹp đẽ”: những vấn đề về di sản văn hoá, tư cách nhà văn, nội dung và hình thức đặc sắc dân tộc và tinh thần quốc tế”
Với bạch thoại, ông đã theo dõi và tự học thêm về sử học qua cuộc thảo luận quan trọng đã diễn ra hồi này giữa các nhà học giả Nga, Trung Quốc, Nhật Bản về vấn đề tính chất và quá trình tiến hoá của xã hội phong kiến Trung Quốc. Các phiếu tư liệu ghi chép được trong đợt tự học nghiên túc này về sau đã có ích cho ông khi giảng về văn học Trung Quốc tại Khoa văn Đại học Tổng hợp và Đại học sư phạm Hà Nội (1956 - 1960) và về Xã hội sử Trung Quốc tại Đại học Hán học (1965 - 1968).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đặng Thai Mai đã lần lượt giữ nhiều trách nhiệm khác nhau trong ngành giáo dục: Giáo sư đại học, Bộ trưởng Giáo dục (1946), Giám đốc Sở giáo dục Liên khu IV (1951), Hiệu trưởng Trường dự bị Đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV (1952), Chủ nhiệm khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp và đại học Sư phạm Hà Nội (1956), Chủ nhiệm lớp Đại học Hán học (1965). Ông cũng đã từng đảm nhận công tác lãnh đạo văn hoá, văn nghệ, có thời gian còn phụ trách cả công tác chính quyền (Chủ tịch uỷ ban tỉnh Thanh Hóa 1949), nhưng công việc ông làm lâu hơn cả, chuyên hơn cả là nghề giáo. Có thể nói đó là nghề nghiệp chính, ông đã làm từ khi mới bước vào đời cho đến tận khi trút hơi thở cuối cùng, qua các cuộc trò chuyện, trao đổi với học sinh về cuộc đời, về văn chương khi họ đến thăm ông bên giường bệnh.
Trong ngành giáo dục, ông đã dạy trường công qua trường tư dưới chế độ Pháp thuộc. Từ sau Cách mạng thành công, ông đã phụ trách từ công tác quản lý giáo dục đến việc trực tiếp dạy học, trước hết là dạy văn học. Dù ở cương vị nào, ông cũng cố gắng vượt lên mọi khó khăn, có thời gian là khó khăn lớn về sức khoẻ, để làm tròn nhiệm vụ người thầy giáo, ông dạy học với vốn kiến thức uyên bác và với cả tấm gương sống và làm việc của ông, cuộc đời một nhà giáo yêu nước hiếu học, luôn miệt mài học tập nghiên cứu, tự nâng cao trình độ, để theo kịp cái mới và luôn quan tâm chăm lo đến thế hệ trẻ.
Trong một bài thơ tưởng niệm làm lúc ông mất, Nguyễn Đình Thi gọi ông là “người chăm sóc những luống xanh”. Trong ý tưởng của Nguyễn Đình Thi, “những luống xanh” ở đây chắc bao gồm cả những nhà văn trẻ, từ các lớp văn hoá kháng chiến ở Quần Tín (Thanh Hoá) cho đến trường viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội mà ông tham gia công việc giảng dạy. Trong điếu văn vĩnh biệt ông, nhân danh Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Huy Cận nói: Đặng Thai Mai dạy học với tấm lòng say mê của một “nhà truyền giáo”. Chính bản thân ông, trong một lần giảng bài cho học sinh trường Sư phạm, nhân đề cập đến một chi tiết vui trong một áng văn Pháp: có một cậu bé được bố công kênh đi xem hội, khoái quá, cậu ta vỗ nhẹ vào đầu bố và bảo: Bố ơi, con xem rõ hơn bố, với một giọng dí dỏm ông đã nói với học sinh của mình: các thầy giáo cũng nên vui lòng, tự nguyện cho học sinh mượn cái vai của mình làm bậc thang để họ có thể đạt tới những trình độ cao hơn thầy.
Đặng Thai Mai xứng đáng với lời giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá I (1946), khi tiến cử ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Đặng Thai Mai là “một người đã lâu năm hoạt động trong công việc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ”.