ĐẶC SẮC TÀI HOA NGUYỄN ĐÌNH THI

Xưa nay thường được mến mộ là những bậc tài danh nhất là những con người tài hoa – “Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm” (Kiều). Giới văn nghệ sĩ thời hiện đại thường ca ngợi Nguyễn Tuân giỏi viết văn lại biết đập trống, gõ phách, đệm hát Ả đào. Văn Cao – nhạc sĩ nổi tiếng, còn biết làm thơ và biết vẽ…

 

Xưa nay thường được mến mộ là những bậc tài danh nhất là những con người tài hoa – “Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm” (Kiều). Giới văn nghệ sĩ thời hiện đại thường ca ngợi Nguyễn Tuân giỏi viết văn lại biết đập trống, gõ phách, đệm hát Ả đào. Văn Cao – nhạc sĩ nổi tiếng, còn biết làm thơ và biết vẽ…

Nguyễn Đình Thi cũng là một trong số những nghệ sĩ được hâm mộ đó.

Nghệ sĩ đa tài và có sự nghiệp sáng tác đa dạng ấy từng có lối nói tự trào, nhận mình như con vit có thể chạy đi trên đất, bơi lội dưới nước, và lúc cao hứng cũng có thể bay cao một vài vỗ cánh. Đó là cách nói nhún nhường của một Phượng hoàng của rừng núi ngút ngàn (1)

Khi Nguyễn Đình Thi giã từ thế giới này, Điếu văn trong Lễ truy điệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những dòng ghi nhận vai trò “nhà văn hóa lớn, một nghệ sĩ tiêu biểu nhiều tài năng, một cây đại thụ của nền văn nghệ Việt Nam…” Bài tường thuật trong lễ tang cũng ghi nhận một tình cảm đặc biệt: “Trong tiếng nhạc trầm hùng của bài hát Người Hà Nội, nhiều người lưu luyến, bịn rịn và hồi tưởng lại biết bao kỷ niệm về một người nghệ sĩ đa tài – một người xây dựng nền Văn nghệ nước nhà hơn nửa thế kỷ qua”.

Nhiều bài viết đã tập trung vinh danh nhân cách lớn đẹp của nhà văn: Vĩnh biệt người đa tài thế kỷ (Nguyễn Trọng Tạo), Người tài hoa đã ra đi (Ánh Hồng), Thương tiếc một nghệ sĩ tài hoa bậc nhất (Đoàn Minh Tuấn),…

YYY

TÀI HOA LỚN TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓA, VĂN NGHỆ

Nguyễn Đình Thi sớm tham gia hoạt động cách mạng, và đã được vinh danh bằng nhiều huân chương cao quý bậc nhất.

Con đường dẫn tới cách mạng buổi đầu, là từ hoạt động xã hội của tuổi trẻ sôi nổi: hoạt động Hướng đạo và Truyền bá Quốc ngữ. Những hoạt động ấy là có định hướng rõ rệt của một ý chí yêu đồng bào, yêu nước. Do hứng thú và có năng khiếu bẩm sinh, chàng thanh niên trẻ tuổi cũng đến với âm nhạc từ rất sớm, và cũng hướng vào chí lớn đó.

Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng – người bạn lớn tuổi hơn (sinh năm 1912) cùng tham gia các hoạt động ấy ở Hải Phòng, đã ghi lại những tư liệu rất quý giá (hầu như chưa được công bố):

7.5.1941 – Tối, sáng trăng, Hướng đạo và học sinh họp để nghe anh Thi, ở đoàn Lý Thường Kiệt, dạy hát bài Quốc ca do anh làm theo điệu Đăng đàn cung. Mình hơi thẹn với người trẻ tuổi kia, mới ít tuổi đã có tài (…) Bài hát không phải là không hay. Mình cũng cảm lây, và thấy có một không khí thiêng liêng khi nghe bao người hát, lắm lúc tỏ lòng rung động. Mừng thầm cho nước Nam và yêu người tuổi trẻ. Vui nhất là thấy học sinh và thanh niên hăng hái. Trông họ bồng bột trong bộ áo trăng dài cảm thấy cả linh hồn của đất nước. Tưởng tượng Thi là Rouget de Lisle (Tác giả bài Marseillaise – 1792, Quốc ca Pháp, Đ. T. H), và bài ca kia là dấu hiệu của một sự Phục hưng. Bài ca hùng hồn những lúc hát: “Đồng bào nên chung sức nhau… nghe rợn người vì mạnh mẽ” (Nguyễn Huy Tưởng – Nhật ký (tập I), Kim Đồng, 2016).

Như vậy, Nguyễn Đình Thi đã mô phỏng bản Quốc thiều thời Nguyễn để sáng tạo nên một bản Quốc ca mới cho đất nước với lời ca đầy xúc động mạnh mẽ, mà Nguyễn Huy Tưởng ghi lại qua những dòng nhật ký trên:

Sông núi ta còn thắm nhường kia

Chúng ta còn yêu đồng bào

Gương người xưa, lòng ta hả phút giây nào phai

Đồng bào! Mau chung sức nhau

Nắm tay ta thề

Yêu thương non nước

Dìu dắt nâng cao nòi giống Nước Nam nhà

Chung sức và chung lòng

Không ngại ngùng ta ra đời

Tin tài ta

Tin chắc nơi ngày mai

Rõ ràng, đây là cảm hứng yêu nước hào hùng, muốn truyền tải cho các tâm hồn trẻ. Có thể đây là tư liệu quan trọng để tạo nên Diệt phát xít sau này của Nguyễn Đình Thi với những ý nhất quán: “Đồng bào truất gươm vùng lên (…) Mau mau mau vai kề vai không phân già trẻ trai hay gái/ Cố tiến lên, ta đi lên, ta cố lên tiêu diệt quân thù (…) Việt Nam, Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm, Việt Nam, Việt Nam muôn năm”.

     Như một tất yếu của  nhiệt tình yêu nước, Nguyễn Đình Thi tham gia hoạt động Văn hóa Cứu quốc bí mật từ năm 1943, và trở thành Tổng thư ký Hội năm 1945.

Nguyễn Đình Thi sớm trở thành một chính khách – văn nghệ sĩ trẻ tuổi, một trí thức cách mạng, một nhà văn hóa tài năng. Hơn thế nữa, ông nhanh chóng trở thành một cốt cán, một thủ lĩnh của đội ngũ với tầm bao quát văn nghệ, văn hóa của cả nước.

Nhà văn tham gia và trở thành Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam năm 1948, và đảm nhiệm Tổng Thư ký Hội vào giai đoạn 1956 – 1958. Ông cũng  giữ chức Phó Chủ tịch Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1958 – 1995), và sau đó là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tiếp theo cho tới lúc mất (1995 – 2003).

Vậy là, suốt một đời viết văn, tham gia  hoạt động và lãnh đạo văn hóa, văn nghệ. Tuy có những hạn chế về điều kiện sáng tác, nhưng Nguyễn Đình Thi đã nêu gương của một nhà lý luận và hành động toàn vẹn: đạt nhiều sáng tác đỉnh cao trên các lĩnh vực như một tấm gương mẫu mực sáng tạo của văn hóa – văn nghệ mới.

Đúng như nhận xét về Nguyễn Đình Thi của nhà lý luận phê bình Hà Xuân Trường: “Một tài năng tài hoa toàn diện hiếm có, một sức sáng tạo mãnh liệt. Trên hầu hết các thể loại, từ văn thơ đến âm nhạc, sân khấu điện ảnh, lý luận phê bình anh đều đạt đỉnh cao” [4, tr 84].

Âm nhạc là một nhánh rẽ nhỏ bất ngờ, nhưng lại là tất yếu của một tâm hồn nên nhạc nên thơ.

Nhạc sĩ Trần Hoàn đánh giá những kiệt tác hiếm hoi:

“Nguyễn Đình Thi không sáng tác nhiều về âm nhạc, nhưng những bài anh viết ra trước Cách mạng Tháng tám và những ngày đầu kháng chiến như Diệt phát xít, Người Hà Nội luôn sống mãi với thời gian, và trở thành những tác phẩm đáng ghi nhớ trong di sản của cách mạng”.

Còn nhà thơ có sáng tác nhạc, Nguyễn Trọng Tạo cũng tỏ ý kinh ngạc về tài năng âm nhạc với tâm hồn dạt dào và hoành tráng của Nguyễn Đình Thi.

Theo nhà thơ, Người Hà Nội đã mở ra một tầm vóc mới cho âm nhạc Việt Nam. Cùng với Sông Lô ( Văn Cao) và Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), thì: “Ba dòng âm thanh ấy (sông Hồng, sông Lô và sông Thao) là ba đỉnh tam giác không gì thay thế được của âm nhạc Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp hào hùng, và oanh liệt, đây là những tượng đài âm thanh vững chắc trong lịch sử dân tộc” [4, tr 330].

Rõ ràng, ở Nguyễn Đình Thi, tài hoa được biểu hiện qua những tài năng lớn, có giá trị cao, khác hẳn với những người, do một sự tinh khéo nào đó mà có “tài vặt”. Tài năng được rèn luyện trong quá trình phát lộ ra tài hoa – tức một vẻ đẹp riêng, mang nét đặc sắc riêng.

Sinh thời, Nguyễn Đình Thi đã được xác nhận là một nhà văn hóa tầm cỡ, không phải chỉ vì ông hoạt động và am hiểu văn hóa, có trình độ văn hóa – hiểu theo nghĩa bao quát rộng rãi.

Văn hóa Nguyễn Đình Thi – có thể gọi như vậy – là sự tích lũy, kết tụ tri thức văn hóa từ lý luận và thực tiễn, là sự kết hợp tổng hòa và thăng hoa của một vốn hiểu biết uyên bác qua Đời và Đạo trong một con người.

Con người ấy có nhiều tư cách, do đã trải qua nhiều vị thế: nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch, nhạc sĩ, nhà văn – nghệ sĩ, nhà chính trị, nhà quân sự. Chỉ riêng việc khoác áo lính cũng đã là bao tri thức và trải nghiệm hiếm có.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Nguyễn Đình Thi đã từng tham gia bộ đội, có mặt ở nhiều chiến dịch. Tôi đã có những dịp gặp anh, trao đổi ý kiến đặc biệt tại Sở chỉ huy mật trên Điện Biên Phủ” [4, tr 33]. Chỉ qua nhận xét này, ta đã thấy nhà văn – chiến sĩ vừa có cốt cách chiến đấu của người lính chiến, vừa có bản lĩnh, trí tuệ của một vị tư lệnh quân đội. Cùng trao đổi đặc biệt ở Sở chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ, chắc hẳn là cuộc trao đổi về chiến lược và cả chiến thuật?

Nguyễn Đình Thi sống có văn hóa, biết ứng xử văn hóa tinh tế, lịch thiệp. Đó là cách sống hào hoa, phong nhã mới của con người lịch lãm, yêu đời. Sống đẹp, như cách sống của Nguyễn Tuân – Người một đời say đắm vì cái đẹp, chắc rằng Nguyễn Đình Thi cũng mong muốn mỗi ngày sống, mỗi trang đời đều phải là một trang thơ, một trang văn. Kể cả khi lặn lội máu lửa với chiến sĩ ở chiến trường, hay ngồi cặm cụi làm việc nơi cơ quan uy nghi, đường bệ. Kể cả khi sống ở biệt thự sang trọng, hay ngồi viết trong ngôi nhà sàn đơn sơ nơi góc rừng cây Phúc Yên. [1, tr 341 – 348].

Tiêu chuẩn sống cao sang mức Bộ trưởng, nhưng hầu như Nguyễn Đình Thi muốn giữ cho mình một cuộc sống thanh đạm, muốn tìm sự thanh thản tâm hồn qua suy tư và cảm hứng thanh khiết.

Có lúc trò truyện với bạn văn Hungaria, nhà văn tâm sự:

“Tôi sống một mình, tôi có một căn phòng nhỏ ở trại sáng tác (…). Ở chỗ chúng tôi chỉ còn một cái áo sơ mi, hoặc một chiếc áo len, nếu trời lạnh. Tôi chỉ giữ một vài quyển sách bên mình, thư viện của tôi ở chỗ các con tôi (…). Những quyển Kinh Thánh, sách Phật, Kinh Koran, Lão – Trang, Beaudclaire, Dostoievsky thì luôn ở bên tôi. Một quyển lịch sử thế giới nữa. Ở trại sáng tác cũng có nhà ăn. Với tôi, bấy nhiêu thôi là đủ. Cần gì nữa chứ. Con người thật sự cần gì nhỉ?”[ 3, tr 37].

Cảnh sống, cách sống của Nguyễn Đình Thi, nhất là những năm cuối cuộc đời như phảng phất mùi Thiền. Ông có những lúc như nhập thiền với bờ bãi sông Hồng: “Ông Thi rất yêu dòng sông Hồng. Yêu lắm (…). Tình yêu này khó lý giải”. Đó là lời kể của Nguyễn Đình Chính, con trai ông [1, tr 341].

Thơ Nguyễn Đình Thi, nhất là những năm cuối đờ cũng nhiều sức gợi nhớ, gợi cảm thâm trầm, gợi ra “một cõi thanh tịnh, viên mãn, hư không trước sự bừng ngộ của thi nhân vắng bóng cái Tôi của bản ngã mê lầm, vọng tưởng và khát dục”. Nhà nghiên cứu đứng từ một góc nhìn, phát hiện ở thơ Nguyễn Đình Thi “một cõi thanh tịnh trầm lặng mà trực giác bát nhã của nhà Phật đã dâng hiến cho ta” – tức cũng thấp thoáng bóng dáng thơ Thiền, một nét thăng hoa của tư tưởng triết học phương Đông [1, tr 327].

Khát vọng mãnh liệt vươn tới cái đẹp trong cuộc đời, và trong nghệ thuật chính là đặc sắc rõ nhất của văn hóa Nguyễn Đình Thi. Một đời nhà văn đã bỏ ra để săn đuổi cái đẹp mới lạ, biến hóa:

Tôi đi mãi vẫn lạ

Cái đẹp làm cho mỗi vật không cùng

                  Sen biếc

Cái đẹp văn hóa tỏa sáng trong cuộc sống trần thế ở đời đã quý giá. Cái đẹp văn hóa còn kết tinh ở những tác phẩm nghệ thuật với những hình vẻ, sắc màu phong phú nữa, đó lại là một giá trị khác.

Nói cách khác là, vẻ đẹp thăng hoa trên câu chữ, hình ảnh, chất thơ, điệu nhạc, ở tất cả: vừa ẩn giấu vừa hiển hiện, vừa mơ hồ, vừa xác thực, hiện thực nhưng lại  huyền ảo… Qua sáng tác là linh hồn của truyền thống và hiện tại, của hôm nay và ngày mai, là thần thái của tri thức thông tuệ và cảm xúc mãnh liệt, là hiện thân của chuyện đời chân phác và mơ ước huyền thoại linh diệu.

TÀI HOA TRÊN NHỮNG THỂ LOẠI, SÁNG TÁC

Nguyễn Đình Thi sáng tác trên hầu như tất cả các thể loại văn chương, và còn cả ở ngôn ngữ nghệ thuật khác (nhạc, kịch). Trong thơ cũng có nhiều dạng, ngoài truyền thống có hiện đại như thơ tự do, văn xuôi và cả phóng sự, bút ký, truyện ngắn, truyện dài cả tiểu thuyết quy mô. Kịch có kịch ngắn, kịch nhiều chương hồi, với dạng đề tài khai thác từ truyện dân gian, sự kiện lịch sử. Thành tựu khá đều, nhưng nổi trội, được đánh giá cao vẫn là thơ và kịch trong văn chương.

Tài hoa Nguyễn Đình Thi chính là dấu ấn sáng tạo như nét phong cách đặc sắc trong mỗi thể loại. Bao quát trên tất cả là sự uyên bác tài hoa qua tính triết lý thâm trầm và tính cảm xúc tinh tế trong thể hiện thế giới nghệ thuật.

Thơ Nguyễn Đình Thi làm bùng nổ cuộc tranh luận lớn trong Hội nghị tranh luận văn nghệ năm 1949 ở Việt Bắc, và sau đó ở Chi hội văn nghệ Nam Bộ năm 1950. Nguyễn Đình Thi đưa ra quan niệm mới, và cách thức làm mới thơ như một khuynh hướng cách tân táo bạo và mạnh dạn. Thực chất, đây là sự tìm kiếm một hình thức mới phù hợp với nội dung biến đổi của một hiện thực đời sống đã biến hóa. Nhà thơ chủ trương và thể nghiệm trong thực tiễn sáng tác một loại thơ tự do không vần, hoặc rất ít vần cho phù hợp với nhịp điệu tâm hồn mới, sáng tạo nhịp điệu cảm xúc mới.

Trong Những ý nghĩ về thơ (1949), Nguyễn Đình Thi viết:

“ Mỗi thể thơ có một khả năng, một thứ nhịp điệu riêng của nó, nhưng nếu theo dõi từng thời lớn của thơ, đi cùng nhịp với những thời kỳ lớn của lịch sử, thì một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới. Thơ của một thời mới, trong những bước đầu ít khi chịu những hình thức đều đặn, cố định. Nó chạy tung về phía chân trời mở rộng để tìm kiếm, thử sức mới của nó. Rồi thời đại mới vững lại, thơ nảy nở trong những hình thức trong sáng đã tìm thấy.

Thơ chúng ta ngày nay đang ở tuổi trẻ nhất của thời đại mới. Nhịp sống của chúng ta, từ sau Cách mạng đập lên nhiều phen dữ dội đến bàng hoàng, đồng thời mở rộng ồ ạt. Chúng ta không còn sống khoan thai như các thời đại trước. Nhịp điệu cũ, theo tôi, không còn để cho thơ của chúng ta. Nhiều nhà thơ đang đập vỡ để xây dựng, thơ tiến tới trăm nghìn phía, nhưng lúc nào cũng là một sức đang lên như thổi”.

Sự tìm tòi của Nguyễn Đình Thi, ban đầu, chưa tìm được sự đồng tình cao. Nhưng sau đó, nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ trong thực tiễn sáng tác.

Gần đây nhất, Hữu Thỉnh đã khẳng định điều đó qua Làm mới thơ: Phương án Nguyễn Đình Thi (Hồn Việt số 113, 4/2017) với một niềm tin vững chãi: “Về cái mới của thơ anh, trước hết, và quan trọng nhất là cái mới của tâm hồn, ở khả năng chuyển hóa những chất quặng của hiện thực thành những thăng hoa về tư tưởng. Nguyễn Đình Thi kéo chúng ta vào cái thời của anh, chỉ cho chúng ta thấy nhà thơ đã sống và trải nghiệm như thế nào, đã có thể nung chảy câu chữ để làm nên một tạo hóa thơ như thế nào”.

Thơ và nhạc như quyện chặt vào nhau trong vần điệu và tình điệu. Đó lại là một dấu ấn khác, giải thích mối tương tác nhạc và thơ trong tâm hồn Nguyễn Đình Thi. Điều này có trong ca khúc dân gian truyền thống, cũng là nét mới trong thơ hiện đại. Nhớ, Lá đỏ được chuyển thành nhạc, trong khi Người Hà Nội lại là thơ trong nhạc. Thơ và nhạc tương tác lẫn nhau và biến hóa.

Thơ cũng tràn vào văn xuôi và kịch Nguyễn Đình Thi. Đó lại là một tương quan đặc sắc khác.

Có lẽ thơ là nơi tập trung rõ nhất tài hoa Nguyễn Đình Thi, từ thi tứ, hình ảnh đến ngôn ngữ như khuôn sát với các biến hóa của những điệu cảm xúc tâm hồn thơ.

Vẫn còn mãi những vần thơ trữ tình  hào sảng: “Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”… “Súng nổ rung trời giận dữ, người lên như nước vỡ bờ”. Cả những vần thơ trữ tình lãng mạn: “Em từ ánh sao kia bước xuống/ Tới tim anh qua đêm lạnh xa xôi”… “Anh yêu em mỗi ngày thành dòng suối mát/ Và đêm thành cánh đồng sao cho anh luợm đầy tay/ Những vất vả thành niềm an ủi/ Giọt nước mắt thành giọt mặt trời”. Lại chiêm nghiệm trầm tư qua Lời người xưa như bài thơ tự nghiệm:

Soi sáng mà không làm lóa mắt

Công việc xong nhẹ bước ra đi

Vì yêu nên có gan dạ

Vì bìết nên không nói gì

Đối tốt với những người tốt

Đối tốt với cả những người không tốt

Không hạ thấp ai, không làm nhục  ai

Thắng người khác không bằng tự thắng mình

Văn xuôi Nguyễn Đình Thi có chất thơ, chất trữ tình như đã nêu trên, nhưng chủ yếu là chất hiện thực mới giàu sắc thái sử thi trong đề tài chiến tranh, cũng như cách mạng.

Những tác phẩm phản ánh đời sống chiến đấu vừa thời sự vừa thời đại, mang tính phong phú, sâu sắc về chủ đề, tư tưởng – Xung kích, Vào lửa, Mặt trận trên cao. Đáng kể hơn cả là Vỡ bờ (I, II) được hoàn thành trong thời gian hơn mười năm (1962 – 1970). Đây là công trình có quy mô khổng lồ, đồ sộ (hơn 1000 trang) với khuynh hướng đa thanh mới, kết cấu tầng lớp, đan lồng nhiều số phận xã hội với những dòng ý thức, tư tưởng phong phú. Tiểu thuyết mở ra một hướng mới cho sáng tạo thể loại: bộ hoặc pho tiểu thuyết nhiều tập kiểu Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi.

Ngoài ra, văn xuôi của ông cũng kết hợp được chính luận và triết luận như một dấu ấn đặc sắc của nhà văn.

Kịch Nguyễn Đình Thi là một đột phá nghệ thuật đáng kể. Con nai đen vở kịch đầu tiên xuất hiện vào năm 1961. Đến năm 1997, Tuyển tập kịch đã có tới 10 tác phẩm. Đây là một mảng sáng tác hợp thành bức tranh đa dạng của tài năng, cũng là tài hoa văn học của Nguyễn Đình Thi.

Kịch cũng mang màu sắc đa dạng: vừa truyền thống vừa hiện đại, đặc biệt là chứa đựng nhiều tìm tòi mới lạ.

Có hai mảng lớn, tập trung vào những đề tài thuộc đời sống, và đề tài khai thác truyện dân gian và lịch sử.

Kịch Nguyễn Đình Thi nở rộ vào khoảng từ năm 1972 – Hoa và Ngần đến năm 1987 – Hòn cuội, tức hơn 10 năm. Đó là lúc nhà văn đã vào lứa tuổi 50 – độ tuổi “tri thiên mệnh”, tức đã có nhiều trải nghiệm đời sống và nhân tình thế thái.

Chính vì thế, nhà văn đã có nhiều suy nghiệm về lẽ đời, nên kịch của ông đã có đặc điểm rõ là thiên về bi kịch. Nhà văn khai thác từ đời sống con người và đời sống lịch sử, để khai thác sâu vào những trạng huống bi kịch của những thân phận, từ con người đời thường đến con người quyền quý, danh vọng tột đỉnh trong lịch sử: Nguyễn Trãi, Chiêu Thánh, Trần Thái Tông,… Đó là những nhân vật có bi kịch trong nghệ thuật.

Qua các đề tài là những tư tưởng nghệ thuật, những quan niệm đạo đức, chính trị, triết lý được gửi gắm như nỗi niềm của tác giả – một nhà nhân văn chủ nghĩa sâu sắc của thời đại mới.

Khi giải quyết những tình huống kịch, những mâu thuẫn, xung đột, tác giả đứng vững trên lập trường công dân, đồng thời với lập trường của nghệ sĩ. Chỉ như vậy, ông mới đạt tới sự hóa giải hợp tình, hợp lý. Lời nói của Chiêu Hoàng cũng chính là tuyên ngôn của tác giả Nguyễn Đình Thi. Một mặt, ông khẳng định “Việc nước là lớn”, mặt khác, ông xác định đồng thời “Việc người với người không thể nhỏ hơn”.

Từ kịch Nguyễn Đình Thi có thể rút ra những bài học về lịch sử và nhân sinh, đó là thông điệp kịch sâu xa của kịch tác gia.

Một dấu ấn tài hoa đáng lưu ý là nét hiện đại của kịch, cho dù là sáng tác theo kiểu, loại nào, mang những hình vẻ, màu sắc nào.

Nguyễn Đình Thi từng khẳng định một trường hợp có vẻ khó phân định về thi pháp: Giấc mơ là vở kịch hiện đại” [1, tr 213] – thể hiện một khuynh hướng mở, một cách viết mới trong chân trời sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn Nga Marian Tkhatchev đã nhận xét và đồng tình: Giấc mơ là một vở theo thể biểu tượng, nói bóng gió, và đây là một thể loại có quy luật riêng của nó, khác với những quy luật của các vở kịch tâm lý phổ biến trong những năm cuối của thế kỷ XX này. Người ta đã thấy thật sự đối mặt của những lực lượng, và những khái niệm nguyên thủy dưới dạng nguyên chất: sự sống và cái chết. Điều hay và cái dở, sự thật và dối trá, tình yêu và hận thù”. [3, tr 385, 386]

YYY

Nổi bật và bao trùm trên các thể loại sáng tác là sự đan xen giữa tự sự và trữ tình. Hà Minh Đức đã dẫn ra chính xác nét thi pháp này khi Nguyễn Đình Thi tự nhận xét [1, tr 116]:

-            Làm thơ là lấy tất cả mình ra làm cây đàn.

-            Viết tiểu thuyết là vẽ bằng cách nói.

-            Viết kịch là nặn tượng, con người hiện ra trước mắt.

Tuy nhiên, nếu nói một cách đầy đủ hơn, đó chính là sự thể hiện một thi pháp lớn hơn: tương quan và tương tác thể loại.

Xin được mượn đôi dòng Kết luận của Hà Minh Đức để kết thúc bài viết về đặc sắc tài hoa  Nguyễn Đình Thi:

“ Nguyễn Đình Thi, do tài năng thiên bẩm của mình, đã lần lượt đến với các thể loại văn học, nghệ thuật, và ở lĩnh vực nào, người viết cũng chạm đến đỉnh cao của giá trị. Người đọc nhớ đến một Nguyễn Đình Thi tài hoa với Diệt phát xít và Người Hà Nội, một Nguyễn Đình Thi trữ tình đằm thắm của thi ca qua nhiều chặng đường từ Người chiến sĩ đến Sóng reo, một Nguyễn Đình Thi hiện diện trước cuộc đời với tư cách nhà văn – chiến sĩ qua những trang viết của người trong cuộc. Và cuối cùng là, tác giả kịch Nguyễn Đình Thi của trí tuệ và cất cánh văn hóa. Người ta thường nói tài năng đến với cuộc đời không dự báo, và ra đi không hẹn ước. Nguyễn Đình Thi đã gắn bó với cuộc đời, sống hết mình, lao động bền bỉ, tài năng được nhân lên, thăng hoa và kết tinh ở những tác phẩm có giá trị lớn. Và cánh chim phượng đã bay về trời để lại bao tiếc nuối, yêu thương”./.

 

CHÚ THÍCH

(*) PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hà Minh Đức (2011), Nguyễn Đình Thi, Chim phượng bay từ núi, Văn học.

[2] Đoàn Trọng Huy (2007), Nguyễn Đình Thi, in trong Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX (tập II), Giáo dục.

[3] Nhiều tác giả (2000), Nguyễn Đình Thi – Về tác gia và tác phẩm, Giáo dục.

[4] Nhiều tác giả (2004), Nguyễn Đình Thi – Cuộc đời và sự nghiệp, Hội Nhà văn.


Source: 
12-10-2020
Tags