Cô Trịnh Thị Thu Tiết

 

Bốn năm đại học, tôi không được học cô, không biết gì về cô.

Khi tôi chính thức trở thành thành viên Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (quen gọi tắt là tổ Việt Nam 2, hoặc tổ Văn 2, phân biệt với tổ Việt Nam 1/ Văn 1 đảm trách các mảng Văn học dân gian và Văn học trung đại), thầy Hoàng Dung tổ trưởng thẳng thắn: “Tổ tôi 17 năm nay không nhận cán bộ nữ. Không phải coi thường chị em mà là tôn trọng chị em. Làm khoa học đòi hỏi hi sinh nhiều, không thể cấm chị em sinh nở. Kinh tế khó khăn lại bận mọn, chị em lấy đâu ra thời gian mà nghiên cứu? Lúc ấy phải phê bình, phải kiểm điểm chị em... nó trái với lòng yêu quý của chúng tôi. Phiền lắm. Tổ chỉ có một nữ là cô Thu Tiết. Nhưng đấy là ngoại lệ. Mấy ai được như cô Thu Tiết!”.

Thầy nói đúng quá, làm sao dám tự ái. Chỉ hoang mang. Trong tâm trạng ấy, tôi nghĩ ngay: cô Thu Tiết sẽ là người đầu tiên giúp tôi làm quen với cuộc sống mới đầy thách thức, xung quanh toàn các thầy thuộc đẳng cấp cây đa cây đề về học thuật. Dù gì cô cũng cùng phái nữ, dễ cảm thông, dễ bộc bạch...

Nói vậy nhưng những giao tiếp ban đầu với cô, tôi rất dè dặt. Cô người Hà Nội gốc, giọng nói khoẻ, trong, sôi nổi, ngôn từ sắc sảo, bặt thiệp. Vóc dáng nhỏ bé nhưng cô làm gì cũng nhanh nhoay nhoáy “chuẩn không cần chỉnh”: từ chuyện chợ búa, nấu nướng, may vá... đến việc tham dự các hoạt động chuyên môn như tổ chức tham quan, thực tế, thực tập sư phạm... Tôi con nhà nông thô phác, tính vừa nhát vừa vụng đủ điều. Cô cũng nghiêm khắc, rạch ròi đâu ra đấy. Bởi thế tôi khó tránh khỏi mặc cảm và chỉ chực co mình lại...

Thuở ấy mọi nhu yếu phẩm đều bán phân phối qua công đoàn. Có thể hiểu ngay vì sao cô Thu Tiết có thâm niên làm tổ trưởng công đoàn ở tổ Văn 2. Tôi không nhớ thầy Dung hay thầy nào nhận xét vui: tổ này có thể không cần tổ trưởng chuyên môn, nhưng thiếu cô Thu Tiết thì không xong, không biết sự thể sẽ thế nào. Đúng thế! Làm sao hình dung nổi các ông thầy vĩ đại của tôi trong công việc “thỏn mỏn” mà nhọc nhằn của một tổ trưởng công đoàn! (Chẳng đã có giai thoại rằng chưa ai đối nổi vế đối của nhà thơ Thanh Tịnh ở Ban biên tập Báo Văn nghệ đấy thôi: “Cái cứt gì cũng phân mà phân thì như cứt”. Nghe đâu ông nhà thơ ra vế đối này vì quá nản với cái cung cách phân phối hàng họ thời bao cấp, có khi cắc cớ hai ba gia đình được mua chung một cái màn).

Tôi lặng lẽ quan sát sự tận tâm với việc chung, sự sâu sát và chí tình của cô trong cái mớ bòng bong những mặt hàng phân phối nhỏ giọt, từ cây kim,

sợi chỉ, cái áo mưa, lạng kẹo đã ướt nhoẹt... đến cái lốp, cái xích xe đạp... Cô nhớ rất rõ ai đã được mua gì những lần trước. Cô biết rõ ai nên được ưu tiên mua gì lần này. Cô cứ nêu ý kiến nào là mọi người vui vẻ tán thành ngay. Tôi thật lòng tin: nhờ những người như cô mà câu chuyện về quyền lợi vật chất của công đoàn viên (vốn rất dễ eo sèo ở cái thời khốn khổ ấy) không gây tổn thương cho ai cả.

Và tôi bắt đầu thấy thương quý cô. Cô đã chia sẻ với tôi rất nhiều buồn vui làm vợ, làm mẹ, làm nghề... Tôi được cô an ủi, khích lệ nên quên dần mặc cảm.

Cô mềm dẻo nhưng cứng cỏi. Nhiệm kì cô đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng uỷ Khoa, chúng tôi đều thấy đã chọn đúng người. Cô xa lạ với sự trịnh trọng, kiêu ngạo. Lúc nào cũng sôi nổi, nhiệt tâm, tình - lý uyển chuyển, công – tư rành mạch. Cô thân chinh về quê thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng cho tôi. Nhân

chuyến tham quan của Khoa, buổi tối đoàn về khách sạn nghỉ, cô rủ tôi bắt xe ôm về nhà tôi. Uỷ ban xã làm việc đến 21 giờ. Sáng sớm hôm sau hai cô trò lại bắt xe ôm quay lại nhập đoàn. Sau trận mưa đêm, quãng đường đê hơn chục cây số trơn như đổ mỡ. Dạo đó xe máy quê tôi còn hiếm lắm. Không sao kiếm được cái thứ hai. Anh xe ôm cam đoan chở hai người đằm xe còn an toàn hơn chở một. Chiếc môkich lao như điên, đảo như rang lạc. Cô trò tôi nhắm mắt phó mặc. Qua hết con đường “đất Thục”, tim mới đập lại bình thường...

 Trong một hội nghị khoa học, tôi đọc tham luận chê thơ Tố Hữu. Hội trường sinh động hẳn lên. Nhưng sau, tại cuộc họp của một chi bộ, tôi bị dẫn ra để phê phán thói “ngựa non háu đá”. Cô đã kiên quyết bảo vệ tôi. Cô nói: “Cá nhân tôi có thể không đồng quan điểm với bạn ấy nhưng bạn ấy có quyền đưa ra chính kiến của mình. Đây là học thuật cơ mà!”.

Có một thế hệ thầy cô trong Khoa chịu nhiều thiệt thòi về học thuật. Cô là một điển hình. Với trí tuệ mẫn tiệp và tinh thần lao động nghiêm túc, cô lẽ ra có thể cống hiến nhiều hơn cho khoa học. Nhưng khi nhà nước có các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước thì nhiều thầy cô đã quá tuổi. Theo tôi, người như cô Thu Tiết thừa khả năng đào tạo cao học, nghiên cứu sinh. Một sự lãng phí chất xám rất lớn. Tất nhiên thiệt thòi thuộc phía học trò nhiều hơn. Tôi chưa bao giờ nghe cô phàn nàn một lời về chuyện này. Cô dồn tâm lực vào những trang giáo trình, bài báo về Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Tử Siêu; vào sách tham khảo; vào mỗi giờ lên lớp. Cô là mẫu nhà giáo say nghề và tự trọng.

Có thể nói không ngoa rằng cô là kho kí ức về bộ môn, về “nhà khoa”. Cô có cả kho chuyện tiếu lâm về đồng nghiệp và cô kể thì hấp dẫn vô cùng.

Căn hộ của gia đình cô suốt nhiều năm là “trụ sở” hội họp, là trạm thông tin của bộ môn khi văn phòng bộ môn còn là mơ ước đường xa của cả trường. Gia đình cô hiếu khách, không bao giờ phiền lòng khi chúng tôi đến “quấy nhiễu”. Tổ tôi toàn người ham vui, thích hội họp để bù khú. Cứ thấy lịch họp là đòi phải liên hoan. Thực ra cũng chỉ là bữa bún chả, bún nem, phở phiếc gì thôi, nhưng chuẩn bị cho hơn chục miệng ăn thì cách rách phải biết. Cô Thu Tiết đảm đương tất. Nữ, sau tôi ít lâu còn thêm Hạnh Mai, Thanh Minh (Hải Anh, Đặng Thu Thuỷ về khi cô nghỉ hưu rồi). Cô không cho ai động tay vào khâu chợ búa, nấu nướng. Nhặt rau thơm, gọt hoa quả, cô cũng chuẩn bị xong trước giờ họp. Đến rửa bát đĩa lại càng không. Ăn rồi, cả tổ người dựa lưng vào tường, người ngả lưng trên giường, trên ghế... tiếp tục đấu hót. Còn chán mới chịu giải tán.

Các thầy trong tổ tin cậy cô tuyệt đối. Cô giữ hộ tem phiếu, tiền lương cho những thầy hay quên như thầy Khung, thầy Mạnh. Cô nhắc mọi người chuyện hiếu hỉ. Thầy Tôn Gia Các viết di chúc dặn con khi nào thầy chết thì “Một thằng phải phóng vào ngay. Báo cô Thu Tiết cha mày đứt hơi”. Thầy Mạnh có trí nhớ siêu phàm về Văn học nhưng những năm làm Trưởng Bộ môn cứ bắt đầu họp tổ lại hỏi cô các số liệu, ngày giờ, thời hạn... liên quan đến công việc. Mọi người thường cười ồ và bảo đề nghị cử cô Thu Tiết làm trợ lý tổ trưởng. Phu nhân của các đấng bậc như Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung nhiều lần xuýt xoa: “Không có Thu Tiết, không hiểu các ông ấy làm thế nào!”. Nói nôm na, ở tổ tôi, mọi người thích dựa dẫm vào cô. Tôi cũng thế. Càng thương, càng quý, càng dựa dẫm. Chỉ vì tin.

Trong Khoa có nhiều chị lứa trước tôi, đã sống cùng gia đình cô ở khu tập thể nhà lá (tục gọi “làng Mùi”) vẫn thường khoe con cái các chị thi nhau học giỏi có giấy khen để được bác Thu Tiết thưởng.

Khi đã nghỉ hưu, cô vẫn không ngừng quan tâm đến tổ, đến Khoa. Hình như ai ốm đau cô đều biết, đều ân cần thăm hỏi. Cô hối thúc ban chủ nhiệm Khoa kết nối và tổ chức mấy chuyến về thăm bà con ở Đại Từ (Thái Nguyên), Yên Mỹ (Hưng Yên), là những nơi Khoa Văn sơ tán thời chống Mỹ. Bà con hai địa phương ấy cảm động lắm.

Đi qua một thời đạn bom loạn lạc, một thời hậu chiến thiếu thốn đủ đường, đến khi con cái cô phương trưởng, lúc nào ở cô cũng toát lên vẻ lạc quan, tự chủ. Bộ môn tôi đã tổ chức mừng cô thượng thọ 80 hai năm trước. Tuổi tác và bệnh tật khiến thân hình cô tiều tuỵ, quá nhẹ, quá mỏng. Nhưng âm sắc giọng nói, sự minh mẫn, những mối quan tâm nặng nghĩa tình thì vẫn vẹn nguyên như thế. Tôi ước gì theo được cách sống của cô!

Bình Nguyên


Source: 
04-03-2022
Tags