CHUYỆN VIẾT TIẾNG VIỆT: ĐỪNG VỘI VÀNG QUÁ

Trong bài Chuyện viết tiếng Việt của tác giả Hoàng Hồng Minh (HHM) trên tạp chí Tia sáng ngày 16-08-2011 [[i]], ngoài việc đặt ra vấn đề nên đưa thêm mấy ký tự F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt hay không (điều mà dư luận có ồn lên khoảng tháng nay), tác giả còn bàn thêm hai vấn đề của tiếng Việt: viết tên riêng nước ngoài và viết các từ ghép, từ láy (HHM gọi chung là “từ kép”) trong tiếng Việt.Bài viêt của tác giả Đào Tiến Thi trao đổi một số ý kiến với tác giả.

CHUYỆN VIẾT TIẾNG VIỆT: ĐỪNG VỘI VÀNG QUÁ

(Trao đổi với tác giả Hoàng Hồng Minh)

ThS. Đào Tiến Thi

 (Nhà xuất bản Giáo dục)

 

Trong bài Chuyện viết tiếng Việt của tác giả Hoàng Hồng Minh (HHM) trên tạp chí Tia sáng ngày 16-08-2011 [[i]], ngoài việc đặt ra vấn đề nên đưa thêm mấy ký tự F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt hay không (điều mà dư luận có ồn lên khoảng tháng nay), tác giả còn bàn thêm hai vấn đề của tiếng Việt: viết tên riêng nước ngoài và viết các từ ghép, từ láy (HHM gọi chung là “từ kép”) trong tiếng Việt.

Tôi xin được trao đổi một số ý kiến với tác giả. Vì không rõ tác giả là ông hay , tuổi tác thế nào nên xin được tạm gọi là bạn, mong tác giả thông cảm.

1. Vấn đề thêm các chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt

HHM đưa ra một số dẫn chứng về sự có mặt của các chữ cái F, J, W, Z trong văn bản tiếng Việt, ví dụ nói lợn F1; từ A đến Z. Không ai phủ nhận điều đó. Tôi có thể bổ sung thêm hiện tượng trên một cách phong phú hơn nhiều, đó là việc dùng các ký tự F, J, W, Z (và nhiều ký tự khác nữa) để ghi các công thức toán, vật lý, hóa học,… để ghi các đơn vị đo lường, như J (June), W (Watt),…Và nhất là để ghi tên riêng (gồm địa danh và nhân danh) nước ngoài và các thuật ngữ khoa học có nguồn gốc nước ngoài. Các ký tự đó thực tế đã được dùng từ lâu, ngày nay lại càng dùng nhiều hơn. Tuy nhiên việc các ký tự trên có mặt trong văn bản tiếng Việt không có nghĩa là nó thuộc về hệ chữ cái tiếng Việt. Dễ nhận thấy điều này khi ngoài những ký tự trên ta còn dùng cả các ký tự khác như α, β, ɸ, ε, γ, π, λ, φ, υ,… để làm các kí hiệu ghi các công thức khoa học, kỹ thuật. Không ai dám nói những ký tự ấy cũng thuộc về chữ cái tiếng Việt. Còn như trường hợp viết tắt trung ương thành TW là viết sai, hiện tượng này chỉ có ở một số người, không được coi là chuẩn.

Hệ thống chữ cái của chữ Quốc ngữ (QN) là hệ thống chữ cái ghi âm. Nhìn chung mỗi âm tương đương với một chữ cái. (Một số trường hợp không tương đương, như c, k, q cùng ghi âm “cờ”; d, gi cùng ghi âm “dờ” có lý do về nghĩa và về văn hóa). Đưa thêm một chữ cái vào một hệ thống ấy thì nó phải có chỗ đứng “hợp lệ”, tức phải ghi một âm nào đó. Nhưng hệ thống chữ cái của tiếng Việt đã chặt chẽ, bây giờ thêm vào hệ thống ấy một chữ nào thì sẽ không có chỗ. Ví dụ, đã có tổ hợp “ph” để ghi âm “phờ” thì chữ cái “f” sẽ ghi âm gì? Đã có “d” và “gi” để ghi âm “dờ” thì chữ cái “z” sẽ ghi âm gì? Ông Quách Tuấn Ngọc lập luận phải có một chữ để ghi âm “zờ” của Nam Bộ, không thì cứ phải viết là “dzô” (tiếng mời “cạn chén”). Nhưng đâu chỉ có từ  “dzô” mới có âm “zờ” này. Tất cả các âm đầu “dờ” (ghi bằng “d”, “gi”), kể cả “vờ” (cũng đọc “dờ”, tuy viết “v”) trong tiếng Nam Bộ đều nhẹ hơn âm “dờ” Bắc Bộ. Chính xác nó là một âm khác, theo GS. Hoàng Thị Châu, đó là âm /j/ (đọc tương tự “yes” của tiếng Anh). Và còn rất nhiều âm, vần khác được phát âm khác nhau trong các phương ngữ. Nếu cứ lấy nguyên tắc “trung thành” với phát âm thì chữ QN sẽ vỡ ra làm nhiều thứ chữ khác nhau, không còn là chữ viết chung của người Việt Nam nữa.

Cuối cùng xin nhắc lại điều này: không đưa các chữ cái trên vào hệ chữ cái tiếng Việt vẫn không ảnh hưởng gì đến việc sử dụng các chữ cái ấy trong văn bản, khi dùng nó để ghi công thức khoa học, tên riêng và  thuật ngữ nước ngoài,… Các chữ F, J, W, Z từ lâu đã dùng, hiện nay đang dùng và tương lai tiếp tục dùng. Không đưa nó vào bộ chữ cái tiếng Việt, nó vẫn không hề cản trở gì đến việc “hội nhập” như một số người nghĩ.

 2. Vấn đề viết tên riêng nước ngoài

HHM viết: “Sau những thói quen ban đầu cố gắng mòn mỏi để Hán Việt hóa bằng được các tên riêng trên thế giới cho bùi tai mình, chúng ta đã vượt được dần ra khỏi cái thói quen cố hữu lấy mình làm trung tâm này” (chúng tôi nhấn mạnh).

Thực ra điều này do khách quan đem lại, chứ không phải do “cố gắng mòn mỏi để Hán Việt hóa bằng được các tên riêng trên thế giới cho bùi tai mình” như bạn HHM nghĩ. Trước khi chữ QN được sử dụng rộng rãi, chúng ta sử dụng chữ Hán đọc theo âm Hán Việt: Alexandre de Rhodes thì đọc là A Lịch Sơn Đắc LộPigneau de Behaine đọc là Bá Đa Lộc. Đầu thế kỷ XX, trong phong trào vận động duy tân, các chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và nhiều chí sỹ khác đều tiếp cận với tư tưởng dân chủ tư sản Âu Mỹ thông qua sách báo của phong trào duy tân ở Trung Quốc, cho nên ngay cả khi dùng chữ QN, các tên riêng Ấn Âu vẫn thường được đọc theo âm Hán Việt: Lư Thoa (Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), Kha Luân Bố (Christopher Columbus). Một số nhỏ trong cách đọc đó tồn tại đến nay: Anh, Pháp, Mỹ (Hoa Kỳ), Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Thụy Sỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Dù bây giờ hầu hết các tên riêng còn lại đều đã đọc theo phiên âm trực tiếp (hoặc như nguyên ngữ) nhưng với các tên riêng trên đã rất quen thuộc nên cũng không cần phải thay đổi. Ai đã biết một chút Anh ngữ thì không khó đồng nhất các tên nước nói trên với England, France, America, Poland,… Một vài trường hợp phiên âm lại là do sự đề nghị của chính phủ (không chắc là của tất cả người dân) nước ấy, như Úc ® Ô-xtrây-li-a (Australia), Ý ® I-ta-li-a (Italy, Italiana) [

[ii]]. Tuy nhiên trong những trường hợp cụ thể, cách đọc Hán Việt vẫn được dùng: bia Úc, Hội Doanh nhân Việt kiều Úc. Những trường hợp thay bằng phiên âm trực tiếp có cái lý của nó, nhưng những trường hợp vẫn giữ cách đọc Hán Việt cũng có cái lý của nó. Quy luật hàng đầu chi phối ngôn ngữ là tính quy ước (võ đoán). Một khi hình thành thói quen sử dụng của đa số có nghĩa là cộng đồng đã chấp thuận như vậy. 

Về các tên riêng Đông Á, HHM có cách giải thích thật kỳ quặc khi viết:

 “Từ bao giờ chúng ta tự cho mình có nghĩa vụ phải chuyển âm Hán Việt các tên riêng Trung Hoa hay Triều Tiên”.

Hay: “Nơi đâu “thân thiện” thì người ta gắng Hán Việt hóa, bằng không thì thôi. Hồng Kông xưa là nhượng địa của Anh nên thôi, không cần gọi là “Hương Cảng”. Các tên riêng ở Đại Hàn cũng khỏi bị cố gắng được Hán Việt hóa nhiều vì “không thân lắm”. Tên riêng của Nhật Bản thì miễn phải Hán Việt hóa” .

Trường hợp tên riêng các nước Đông Á, ngoài nguyên nhân đã nói, còn do lịch sử quan hệ lâu đời của Việt Nam đối với họ. Trung Quốc có nhiều quan hệ nhất do đó hầu như tất cả các tên riêng đều đọc theo âm Hán Việt (sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Triều Tiên ít quan hệ hơn cả nên số tên riêng đọc theo âm Hán Việt cũng ít. Còn Nhật Bản thì không phải  “miễn phải Hán Việt Hóa” như bạn HHM tưởng. Không ít tên người, tên đất Nhật Bản đọc bằng âm Hán Việt. Lý do là đầu thế kỉ XX, Nhật Bản là tấm gương của Á châu đã giương cao ngọn cờ tự lập tự cường, chơi “ngang ngửa” với Tây Phương. Cụ Phan Bội Châu tìm hiểu nước Nhật qua sách báo Trung Quốc, và rồi chính cụ cùng một số đồng chí của mình đã đưa khoảng 200 thanh niên Việt Nam sang Nhật du học. Do đó chúng ta biết đến một loạt tên người, tên đất Nhật Bản đọc theo âm Hán Việt như Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa), Minh Trị (Meiji), Đại Ôi hay Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu), Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), Đông Kinh (Tokyo), Hoành Tân (Yokohama),…

Về tên riêng Trung Quốc, có lẽ chỉ trừ trường hợp Hồng Kông [[iii]] (Hong Kong) còn thì từ xưa đã đọc theo âm Hán Việt. Nếu bây giờ chuyển cách đọc, sẽ xáo trộn hàng ngàn tên người, tên đất, đó là chuyện không đơn giản. Ví dụ: Khổng Tử ® Kongzi , Gia Cát Lượng ® Zhuge Liang, Lý Bạch ® Li Bai, Lỗ Tấn ® Lu xun, Bắc Kinh ® Beijing, Quảng Châu ® Guang Zhou. Các tên người, tên đất Trung Quốc không những có mặt trong các tác phẩm của Trung Quốc đã quen thuộc ở Việt Nam mà trong chính văn chương Việt Nam cũng dùng không ít, như trong Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm,… chẳng hạn. Ngay cả các tên riêng Trung Quốc hiện đại nếu bây giờ đọc theo phiên âm La tinh cũng là cả một vấn đề. Vì nó vừa khó (cách đọc phiên âm La tinh với tiếng Trung khác nhiều cách đọc trong các ngôn ngữ Ấn Âu), vừa trái với ngữ cảm thông thường. Đặng Tiểu Bình đọc là Dèng Xiǎopíng (Tung Xéo Pình), Hồ Cẩm Đào đọc là Hú Jǐntāo (Khú Chỉn Thao),... là điều khó chấp nhận. Chúng tôi đi Trung Quốc vẫn gọi các hướng dẫn viên người Trung Quốc theo âm Hán Việt, ví dụ: Tăng Quốc Vân (Zeng Quo Yun), Đặng Chiêu Thanh (Deng Zhao Qing), Tăng Tiêu Quang (Geng Yao Quang) và thấy như thế là ổn nhiều đường. Nếu cố gọi họ bằng âm Trung Quốc mà không chính xác có thể mang lại điều bất nhã, còn gọi theo âm Hán Việt thì đã có quy tắc, họ cũng nắm rất rõ. Nó khác hẳn trường hợp với người Phương Tây, ta phải cố gắng phát âm đúng như tên của họ.

Nói như vậy để thấy vấn đề ở đây chẳng phải do“thiên vị” hay “thân thiện” với Trung Quốc hay khối Đông Á hơn, mà thực ra nó là thói quen đã thành truyền thống văn hóa, thành ngữ cảm của người bản ngữ, không nên thay đổi, một khi thay đổi không đem lại giá trị gì mà còn thêm rắc rối.

 3. Vấn đề viết “từ kép”

Theo HHM, các “từ kép” như sinh vật, phải viết liền lại là sinhvật, và từ đấy cho đến hết bài, tác giả làm gương viết liền tất cả các “từ kép”: hệthống, nốikết, thaotác, tinhthần họcsinhhiểubiết, chủquan, tiếptục, kiểmtra,  nghingờ, nướcngoài, đánhvật, vôđịnh, táchrời, chínhxác, câuchữ, khuyếnkhích, thẩmđịnh, tốcđộ, đọchiểu, tốnkém, lưutrữ, giấytờ, vănbản, điệntử, khókhăn, tấtcả, nguyêndo, xưakia, chúngta, xâydựng, quốcngữ, tưởngnhớ, cônglao, đềxuất, giảipháp, hãnhữu, trườnghợp, gạchngang, hyvọng, quyếttâm, ýtưởng, tuyệtvời, tiếnlên,  thốngnhất.

Riêng các từ như từ kép, chữ kép thì khi viết liền, khi viết rời; từ bộ nhớ không thấy viết liền, nhưng theo tôi, đó là những từ có cấu tạo “chặt” hơn nhiều so với từ đọchiểu, nướcngoài, tiến lên mà HHM viết liền.

Khái niệm “từ kép” của HHM không được định nghĩa nên có thể hiểu đó là từ ghép theo thuật ngữ ngành ngôn ngữ học, và cả từ láy, vì bạn viết liền cả từ khókhăn.

Hãy thử phân tích “tác hại” của lối viết rời theo cách nghĩ của HHM:

1. Thứ nhất, bạn HHM cho rằng viết rời “làm tăng tính mất chính xác của câu chữ”, “khuyến khích tính chủ quan thẩm định”, “làm giảm tốc độ đọc hiểu”. HHM lấy ví dụ:

 “Khi bạn đọc câu “Học sinh vật cô Na”, bạn phải cố làm một thao tác tinh thần để nối học sinh thành “họcsinh”, rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểu biết chủ quan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểm tra câu này, và bạn nghi ngờ được, nhưng chắc không phải thế.

Tiếp đến bạn phải cố làm một thao tác tinh thần khác để nối “sinh vật” thành “sinhvật”, rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểu biết chủ quan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểm tra câu này, và bạn tự bảo được, chắc là thế”.

(Nhấn mạnh trong nguyên văn)

Nếu quả thực người Việt Nam đọc chữ Quốc ngữ theo kiểu mỗi “từ kép” lại phải làm “thao tác tinh thần” như trên thì mỗi cuộc đọc người Việt Nam là một cuộc đấu vật chứ không phải là đọc nữa. Đọc vất vả thế thì chắc thiên hạ đọc được 10 trang, ta chưa chắc nổi một trang, và người Việt Nam chắc chắn phải ngu hơn các dân tộc khác nhiều lần!

Xin nói thêm, những trường hợp như câu Học sinh vật cô Na, người ta gọi là “câu mơ hồ”, vì ngắt ở những chỗ khác nhau sẽ tạo nên nghĩa khác nhau. Loại câu này có số lượng rất ít và trong ngôn ngữ của nước nào cũng có, chứ đâu chỉ có ở tiếng Việt.

Và xin hỏi bạn HHM, việc viết liền các “từ kép” trong đoạn văn của bạn nói trên liệu có chính xác hơn được tí nào so với viết rời không? Có chỗ nào do viết rời mà trở nên mơ hồ nghĩa như câu Học sinh vật cô Na không?

2. Thứ hai, bạn HHM nêu một số hệ lụy khác như “làm tốn kém lưu trữ trên giấy tờ, văn bản hoặc trên các bộ nhớ điện tử”, “làm khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt”.

Về việc “tốn kém” giấy, có thể, nhưng không đáng kể. Chỉ cần quan sát các sách song ngữ Anh - Việt, Pháp - Việt, ta thấy độ dài các văn bản ở phần tiếng Việt so với tiếng Anh, Pháp là tương đương nhau [[iv]]. Vả lại theo phương án viết liền để tiết kiệm giấy của bạn HHM thì cứ 2 “từ kép” mới thu lại được một khoảng trống, mà số lượng “từ kép”, cũng chỉ chiếm một phần trong kho từ vựng (vì ngoài nó còn các từ đơn và các cụm từ), do đó chẳng bớt được bao nhiêu. Có lẽ 100 trang chưa chắc đã tiết kiệm nổi 1 trang. Còn lưu trong bộ nhớ điện tử thì tiếng Việt có thể nặng hơn chút ít (chủ yếu do có dấu phụ), nhưng với bộ nhớ điện tử, phần nặng hơn đó chả có nghĩa lý gì. Về việc “làm khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt” thì thử hỏi chữ QN (cũng như tiếng Việt nói chung), để trước hết cho người Việt Nam dùng hay là để cho người nước ngoài mà bạn lại lo vấn đề như vậy? Tiếng Anh được loài người khắp hành tinh học, thế mà người Anh chẳng bao giờ làm gì cho nó dễ đi để các dân tộc khác nhờ; trái lại, tất cả các dân tộc học tiếng Anh đều phải “quy phục” tiếng Anh, từ cách phát âm xa lạ cho đến mọi các quy tắc ngữ pháp rắc rối của nó.

Trở lại, về cách viết liền từ, không phải đến bây giờ mới có bạn HHM đưa ra phương án đó. Nhưng phương án đó không bao giờ thành hiện thực bởi những lý do sau:

Thứ nhất, nó trái với bản chất của tiếng Việt. Tiếng Việt là một thứ tiếng đơn âm. Đơn vị phát âm là âm tiết (tiếng). Ví dụ tiếng hiểu (trùng với từ hiểu), nếu phân tích ra thì có ba (hoặc bốn) âm tố [[v]]: (chưa kể thanh điệu):

h - i - ê - u

nhưng chỉ phát âm đúng 1 lần. Ranh giới giữa các âm tố h - i - ê - u không thể nào nhận thấy, dù người thính tai đến đâu. Cách đọc “hờ-i-ê-u-iêu-hỏi-hiểu” chỉ dành cho trẻ em bắt đầu học chữ và giai đoạn đó qua đi rất nhanh, sau đó không bao giờ lặp lại nữa.

Trong khi đó, các tiếng châu Âu là tiếng đa âm, đơn vị phát âm là âm tố. Ví dụ từ understand (hiểu) trong tiếng Anh, ta phải phát âm đầy đủ, kể cả cả âm /d/ ở cuối:

/ʌndə'stænd/

và việc đọc nối các âm tố lại là cần thiết, kể cả khi nó là hai từ khác nhau, như Thank you chẳng hạn.

Thứ hai, ranh giới từ trong tiếng Việt không rõ ràng. Trong nhiều trường hợp, hai yếu tố có quan hệ nghĩa ở một mức độ nào đó không đủ chặt để tạo thành một từ nhưng cũng không đủ lỏng để coi là hai từ, tức là tình trạng “lưỡng khả”: nhà xuất bản là 1 hay 2 từ? trường dạy nghề là 1, 2 hay 3 từ? Nếu coi nhà hàng là một từ thì nhà văn hóa, nhà chung cư có là một từ không? Các trường hợp đường thủy, đường mòn, đường độc đạo, đường chiến lược,.. lại càng khó phân định.

Thứ ba, nếu viết liền, việc đọc cũng trở nên khó khăn: không biết ngắt ở chỗ nào, nếu từ ấy chưa quen thuộc với một người (nhất là với trẻ em mới học và người nước ngoài học tiếng Việt): hệthống có thể đọc thành hệt hốngđọchiểu thành đọ chiểu, pháthành thành phá thành, phátâm thành phá tâm. Bạn HHM nhắc đến học giả Hoàng Xuân Hãn đã khởi đầu cho cách viết liền, vậy cần hiểu vấn đề này như thế nào?

Thực ra tiền đề của cách viết liền là cách viết dùng gạch nối đã có rải rác từ đầu thế kỷ XX, tuy nhiên nó không tạo ra được quy tắc. Ví dụ bài Mừng năm mới trên báo Nam Phong số Tết năm 1918, viết gạch nối cho các từ ghép và từ láy: Đinh-tị, Mậu-ngọ, cảnh-tượng, phúc-lộc, thời-kì, lăng-lắc, dằng-dặc,… Thế nhưng cũng trong bài báo này, nhiều từ ghép, từ láy lại không gạch nối: nhà nước, khai hoang, ghi chép, hưởng thụ, quý báu, mở mang, lẩn thẩn,… Có khi mâu thuẫn không thể chấp nhận, như viết tàu-thủy (gạch nối) nhưng lại viết xe hỏa (không gạch nối).

Cách viết dùng gạch nối hay viết liền của của Hoàng Xuân Hãn cũng vậy. Trong (lời) Tựa cuốn Danh từ khoa học, xuất bản năm 1942, ông dùng gạch nối cho các từ ghép và từ láy nhưng không nhất quán. Viết tự-điển, khoa-học, danh-từ, tương-đương, cựu-học, chu-đáo, hiếm-hoi, lầm-lỗi,… nhưng lại viết quyết định, nước nhà, bó buộc, bắt bẻ, xưa nay, tóm tắt, may mắn, chậm chạp,… Khi tái bản (1946), trong Nguyên tựa, ông bỏ gạch nối, thay bằng viết liền: khoahọc, danhtừ, pháthành, xuấtbản, thuậntiện, rõràng, dodự,…thế nhưng cũng không nhất quán khi viết giải thưởng, mách bảo, sửa soạn, ít nhiều,…Và rất mâu thuẫn khi viết hàmsố (viết liền), mà lại viết số thương (viết rời).

Hoàng Xuân Hãn là nhà khoa học lớn,  nhưng không phải tất cả mọi ý kiến của ông đều đúng. Hơn nữa ấn phẩm trên là một trường hợp hiếm hoi, mang tính đề xuất, thử nghiệm, sau này cũng không thấy ông nhắc lại. Nó không được cuộc sống chấp nhận vì cả tính khoa học (không phù hợp với tiếng Việt – một ngôn ngữ đơn âm) và cả tính khả thi (khó xác định ranh giới từ) như đã nói trên. Ta cũng nên biết rằng, trước giải phóng (1975) cả hai miền Nam Bắc đều có cách viết dùng gạch nối, đặc biệt là các từ Hán Việt, kể cả một số tên riêng Việt Nam, sau đó chúng ta đồng loạt bỏ gạch nối này (nay chỉ còn thấy trên lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Chúng tôi muốn đưa thêm ý kiến của một số nhà khoa học về quan hệ chữ - tiếng của chữ QN.

Học giả Cao Xuân Hạo, trong một số bài viết trong cuốn Tiếng Việt, văn việt, người Việt (Nxb Trẻ, 2001) đã cho rằng việc dùng chữ QN thực ra là không phù hợp với đặc thù của tiếng Việt. Với đặc thù đơn âm, tiếng Việt thích hợp với thứ chữ mang “diện mạo tổng quát” (gestalt), như chữ Hán chẳng hạn, tức mỗi chữ là một “hình ảnh”, chứ không phải mỗi chữ ghi lại cái chuỗi âm tố mà thực ra thính giác con người không thể nhận ra được. Trong khi các tiếng châu Âu, về nguyên tắc, các âm tố trong từ đều hiển hiện khi phát âm.

Tuy vậy, do nắm được cái đặc thù đơn âm ấy của tiếng Việt nên những người chế tác ra chữ QN đã rất sáng tạo, đó là dùng lối viết rời từng âm tiết. GS. Nguyễn Quang Hồng đã chỉ ra hai đặc điểm của chữ QN trong quan hệ với đặc điểm của tiếng Việt [[vi]], đó là:

“Nếu như các văn tự Latinh khác đều lấy từ làm đơn vị để viết chữ (nghĩa là trong một từ, các chữ cái được viết liền với nhau một mạch), thì ở chữ QN của người Việt Nam, đơn vị của một khối chữ tách biệt trong dòng viết là từng âm tiết một, chứ không phải là chỉnh thể từ ngữ”.

Dùng dấu phụ một cách đậm đặc (vì không liên quan đến vấn đề đang bàn, nên không trình bày ở đây)

Theo Nguyễn Quang Hồng, chữ QN đã kế thừa chữ Hán và chữ Nôm. Chữ QN “tỏ ra rất thuận tiện đối với người bản ngữ”. Và: “Viết rời âm tiết một, chữ QN cất bỏ được một gánh nặng không cần thiết cho người viết chữ vì như thế là khi viết người ta khỏi phải làm cái công việc rắc rối là phân chia lời nói thành các đơn vị từ. Bởi vì đối với tiếng Việt, ranh giới từ ngữ là câu chuyện cực kỳ phức tạp, trong khi đó thì ranh giới âm tiết lại luôn luôn là sự thực hiển nhiên trong lời nói, ai cũng có thể xác định được một cách dễ dàng”.

GS. Nguyễn Quang Hồng viết tiếp: “Viết rời âm tiết và đánh dấu phụ là thành tựu mà những người xây dựng chữ QN đã đạt tới sau một quá trình lựa chọn, sáng tạo cách viết và thâm nhập dần vào bản thân tiếng Việt. Đó quyết không phải là cái gì ấu trĩ, thô vụng, bất cập của chữ Việt La tinh so với các hệ thống chữ viết La tinh khác. Ngược lại, chính đã không máy móc lặp lại hoàn toàn khuôn mẫu có sẵn, chính sự thoát ly ít nhiều khỏi hình ảnh của chữ viết ghi âm các tiếng châu Âu một cách hợp lý đó (đồng thời kế thừa truyền thống viết rời từng âm tiết một của chữ Nôm - vốn dĩ thích hợp với đặc điểm loại hình của tiếng Việt), đã làm thành một trong những nguyên nhân cơ bản đảm bảo cho công cuộc cải cách chữ viết diễn ra trong quá khứ (từ chữ Nôm kiểu Hán tự chuyển sang chữ QN La tinh hoá) dẫn đến thành công một cách vững chắc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX này”.

Chúng tôi muốn nói thêm tác động ở chiều ngược lại: Theo cảm nhận của chúng tôi, với cách viết rời từng âm tiết, chúng ta đã làm biến đổi phần nào chữ viết La tinh. Vốn từ một thứ chữ hoàn toàn ghi âm, các con chữ La tinh khi dùng làm chữ QN đã trở thành một thứ chữ có tính ghi ý (xin nhắc lại, tôi dùng chữ “có tính ghi ý” chứ không phải “ghi ý”). Bởi ta thấy các hiện tượng  sau:

- Quan hệ âm - chữ viết của chữ QN không phải là quan hệ mỗi âm tố - mỗi ký tự (chữ cái) như các tiếng châu Âu, mà là quan hệ mỗi khối âm (m tiết, tiếng) - mỗi khối chữ (mỗi chữ), giống phần nào với nguyên tắc của chữ Hán, chữ Nôm. Số chữ do đó tương đương với số lượng âm tiết có trong ngôn ngữ. (Nó khác hẳn các tiếng châu Âu: số chữ phải tương đương với số từ vựng). Điều này rất có ý nghĩa khi học chính tả tiếng Việt: không cần chú ý nhiều vào phát âm, ta vẫn có thể viết đúng chính tả nhờ vào việc nhớ “mặt chữ”, bởi vì số lượng âm tiết - chữ là có hạn, ít hơn rất nhiều số lượng từ vựng. Thực tế, đa số chúng ta viết đúng chính tả là nhờ nhớ mặt chữ.

- Số ký tự trong một chữ của chữ QN so với tiếng Anh, tiếng Pháp,… là ngắn (dài nhất như chữ nghiêng gồm 7 ký tự, tương đương những từ có số ký tự trung bình của tiếng Anh, trong khi tiếng Anh có những từ dài tới 19 ký tự). Cho nên để đọc chữ QN, ta không qua “ráp vần” mà nhận dạng tổng quát (gestalt) chữ đó như một hình ảnh thị giác, tức là đọc thẳng từng chữ một. Cũng có nghĩa khi đọc chữ QN, cơ bản là do nhớ mặt chữ. 

- Một số ký tự mang tính biểu ý, ví dụ cùng là âm “dờ” nhưng viết da thịt, gia đình; cùng là âm “cờ” nhưng viết cái cuốc, tổ quốc.

- Còn có thể thấy tính ghi ý qua việc đọc các chữ viết tắt trong tiếng Việt, đó là đọc như khi viết đầy đủ: BS = bác sĩ, GSTS = giáo sư tiến sĩ, HTX = hợp tác xã (chứ không đọc bê ét, giê ét tê ét, hát tê ích-xì). Tức là những chữ cái ở đây hoàn toàn để ghi ý, không liên quan gì đến phát âm nữa. Nó khác hẳn tiếng Anh, khi viết tắt vẫn đọc từng chữ cái hoặc “ráp vần” các chữ cái ấy thành đơn vị tương đương từ, tức là đọc theo nguyên tắc ghi âm: BBC = /bi:bi:si:/ (British Broadcasting Corporation, Tập đoàn Truyền thanh Anh), ASEAN = /æsi:æn/ (Association of Southeast Asia Nations, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á).

Tóm lại, các ý kiến trong bài Chuyện viết tiếng Việt của bạn HHM là chủ quan và vội vàng. Đặc biệt ý kiến đề xuất lối viết liền từ thì quả là ấu trĩ và lặp lại sai lầm trong quá khứ. Bạn chưa thấy sự khác nhau cơ bản giữa tiếng Việt và các tiếng châu Âu, cho nên muốn rập khuôn theo cách viết liền từ của các ngôn ngữ châu Âu. Tiếng Việt, một thứ tiếng đơn âm, nếu văn tự viết theo kiểu các tiếng châu Âu (đa âm) thì sẽ tạo nên sự chéo ngoe, khập khễnh giữa âm và chữ, từ đó tạo ra những rắc rối không thể giải quyết.

Việc viết rời âm tiết của chữ QN quả là một sự sáng tạo khi phải dùng một hệ chữ cái ghi âm tố vốn không phù hợp với tiếng Việt. Công lao trước hết thuộc về những người chế tác, như Francesco Buzumi, Francesco de Pina, Cristoforo Borri và đặc biệt là Alexandre de Rhode. Nhưng sự thành công còn phải kể đến công lao của những trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, những người đã mạnh dạn sử dụng, cổ vũ nhiệt tình cho nó, cũng như nhanh chóng từ bỏ những “sáng tạo” trái với đặc thù tiếng Việt. Nói tóm lại, cho đến nay, chữ QN không cần phải thêm bớt, cải tiến gì nữa.  

 


[i] http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=4277

 

[ii] Cách dùng I-ta-li-a, Ô-xtrây-li-a phổ biến ở thập kỉ tám mươi, chín mươi, nay có xu hướng quay trở lại dùng Ý, Úc trên các báo và và tạp chí.

[iii] Trước khi trở thành thuộc địa của Anh, Hồng Kông là một bãi đá vô danh, cho nên không có gì lạ khi nó không có trong “bản đồ trí tuệ” của người Việt Nam. Khi thuộc về Anh, Hồng Kông trở thành một trung tâm kinh tế, do đó, tên riêng này đi vào ngôn ngữ các nước theo cách gọi của người Anh là lẽ đương nhiên.

[iv] So với chữ Anh, trên một dòng, chữ Quốc ngữ có nhiều chỗ trống hơn (do viết rời từ) nhưng vì các chữ có độ dài tương đương nhau, không có chữ quá dài hoặc quá ngắn cho nên lại không mất những khoảng trống lớn khi cân dòng như trong chữ Anh. Và do đó tương quan chung lại ngang nhau.

[v] Chúng tôi dùng thuật ngữ âm tố (thể hiện là bộ phận của âm tiết) cho dễ hiểu với đa số bạn đọc, thay vì âm vị, chính xác nhưng khó hiểu hơn.

 

[vi] Nguyễn Quang Hồng: Đặc điểm của chữ Việt La tinh trong quan hệ với đặc điểm của tiếng Việt, TC Ngôn ngữ số 2-1992.


Source: 
14-10-2020
Tags