Chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Ngữ văn

1. Mục tiêu
Chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Ngữ văn có các mục tiêu sau:

- Mục tiêu chung:

+ Đào tạo cử nhân Sư phạm Ngữ văn đáp ứng đầy đủ Khung chuẩn đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về phẩm chất và năng lực của người học.

+ Đào tạo giáo viên môn Ngữ văn đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và Chương trình môn Ngữ văn 2018 nói riêng.

- Mục tiêu cụ thể:

Đáp ứng được vị trí, khả năng công tác và khả năng học tập nâng cao trình độ của người học sau khi tốt nghiệp, đó là:   

+ Có khả năng dạy học môn Ngữ văn ở trường THCS, THPT, môn Tiếng Việt ở Tiểu học;

+ Có khả năng dạy học môn Ngữ văn ở trường Cao đẳng và Đại học;

+ Có khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu chuyên môn ở trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ.

2. Chuẩn đầu ra: Chương trình cụ thể hóa Khung chuẩn đầu ra của Trường ĐHSP Hà Nội, ban hành năm 2019 theo những yêu cầu của ngành đào tạo. Xem: Khung CHUẨN ĐẦU RA ngành Sư phạm ngữ văn trình bày ở phần sau.

3. Khối lượng học tập: Khối lượng kiến thức phải tích lũy: 136 tín chỉ, chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng.

4. Điều kiện tuyển sinh:  Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

5. Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp: 

Căn cứ vào:

- Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã và đang đặt ra những nhiệm vụ cấp bách trong công tác đổi mới mô hình và chương trình đào tạo giáo viên của các Trường Đại học Sư phạm trong cả nước.

- Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT, ngày 16/4/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

- Tài liệu hướng dẫn qui trình xây dựng chuẩn đầu ra, xác định khối lượng học tập và phát triển chương trình đào tạo tiếp cận theo năng lực của Bộ GD&ĐT tháng 7/2020.

- Khung trình độ quốc gia (Quyết định số 1982/ QĐ - Ttg của thủ tướng chính phủ ban hành ngày 18/10/2016;

- Hồ sơ nghề nghiệp của ngành đào tạo;

- Hồ sơ năng lực của ngành đào tạo;

Giáo viên là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai thực hiện Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của đất nước và cũng là nhân tố quyết định nhất đảm bảo sự thành công của công cuộc Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân. Vì thế, công tác đào tạo giáo viên chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới nói trên sẽ là nhiệm vụ chiến lược của Nhà trường trong những năm tới. Với trọng trách là trường đại học trọng điểm của ngành giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ phải đi đầu trong công cuộc đổi mới đó.

Với bề dày truyền thống gần 70 năm, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đi đầu trong công cuộc đổi mới đào tạo giáo viên Ngữ văn đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018 nói riêng.

Sự thay đổi về cách tiếp cận và những mục tiêu mới của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 (như đã nêu ở trên) đòi hỏi Khoa Ngữ văn phải đổi mới mô hình và chương trình đào tạo (kể cả đào tạo lại) nhằm đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.

Chương trình đào tạo của Khoa Ngữ văn đáp ứng đầy đủ Khung chuẩn đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tuân thủ mô hình đào tạo chung của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với khối học vấn chung toàn trường và khối học vấn chung nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Mô hình và chương trình đào tạo cử nhân sư phạm ngữ văn của Khoa Ngữ văn nêu bật bản sắc sư phạm của Nhà trường, phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy công tác đào tạo giáo viên chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 làm trọng tâm, tạo tiền đề thuận lợi để những sinh viên học giỏi và ham mê ngữ văn có điều kiện phát triển, đi sâu vào giảng dạy và nghiên cứu ngữ văn. Khối học vấn nghiệp vụ sư phạm của chương trình tuân thủ quy định chung của Trường ĐHSP Hà Nội.

Khối học vấn chuyên ngành Ngữ văn xoay quanh và tích hợp ba mạch tri thức: Văn học, Ngôn ngữ - tiếng Việt, Lí luận – công cụ. Trọng tâm chương trình chuyên ngành là các học phần văn học, ngôn ngữ - tiếng Việt, những tri thức chung, tri thức văn hóa – xã hội, lí luận, công cụ nhất thiết phải được chú trọng. Ba mạch tri thức chuyên ngành được hiển thị bằng những học phần cụ thể, bắt buộc hay tự chọn, giúp người học trang bị những tri thức, kĩ năng cần thiết ra nghề.

Chương trình mới cho hệ cử nhân sư phạm ngữ văn tiếp tục duy trì đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; chuyển từ cách học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý đến các hoạt động xã hội, trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến khích và rèn luyện năng lực tự học, tạo cơ sở để học tập suốt đời, tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực; vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, hợp lý, phù hợp với với nội dung, đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.

Chương trình được xây dựng theo hướng đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục, đặc biệt là đánh giá năng lực sư phạm của sinh viên. Việc đánh giá chất lượng giáo dục phải bảo đảm trung thực, khách quan, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh cách học và cách dạy. Các phương pháp đánh giá được phối hợp với nhau hướng tới đánh giá năng lực và phẩm chất chứ không thuần túy kiến thức: chú trọng hơn đánh giá quá trình, đánh giá các thành phần của quá trình, sao cho đánh giá đúng được năng lực người học, hình thành năng lực tự đánh giá kết quả học tập của mình cho sinh viên.
 

Xem chi tiết chương trình đào tạo  Tại đây


Source: 
31-03-2022
Tags