Chiến lược giao tiếp

Chiến lược giao tiếp là mô hình tương tác cố định của những người tham gia sự kiện giao tiếp (diễn ngôn). Nếu sự kiện giao tiếp là sự kiện giữa các cá nhân, thì chiến lược giao tiếp là một hệ thống tham số cơ bản nào đó của việc sáng tạo văn bản.

Chiến lược giao tiếp là  mô hình tương tác cố định của những người tham gia sự kiện giao tiếp (diễn ngôn). Nếu sự kiện giao tiếp là sự kiện giữa các cá nhân, thì  chiến lược giao tiếp là một hệ thống tham số cơ bản nào đó của việc sáng tạo văn bản.

Phạm trù “chiến lược” mang đặc điểm của chủ thể, nhưng nó thuộc cấp độ trừu tượng hoá tối cao сủa việc mô tả mọi hoạt động bằng khoa học và không thể qui về “sự điều chỉnh có đích hướng trong hoạt động của cá nhân” (A.D. Stepanov). Khác với chiến thuật do bản thân người hoạt động tạo ra và điều khiển,chiến lược chỉ được anh ta lựa chọn, khi chiến lược giao tiếp đã được lựa chọn một cách tự do luôn khắc chế người khởi xướng sự kiện giao tiếp và buộc hành vi giao tiếp của anh ta phải tuân theo một ý đồ có tính chất loại hình. Gần như có thể thay đổi chiến lược bất kì lúc nào, nhưng chuyển qua một chiến lược giao tiếp mới cũng có nghĩa là kết thúc phát ngôn cũ, bắt đầu phát ngôn mới.

Trong trường chủ đề của tu từ học và thi pháp học mà về nguyên tắc khác hẳn với ngôn ngữ học, ngoài sự lệ thuộc vào một hình thái diễn ngôn cụ thể, chiến lược giao tiếp của phát ngôn chịu sự quy định của một tập hợp các đặc điểm sau đây:

 1) phương thức tu từ của tri thức, quan niệm, ý kiến và sự thông hiểu;

 2) xu hướng chủ đạo nhắm vào khách thể (cái thông báo), vào bản thân chủ thể (sự biểu cảm), hoặc người tiếp nhận (tính mục đích);

 3) có hay không có các quan hệ đẳng cấp giữa những người tham gia sự kiện giao tiếp (người nói có thể đặt mình vào vị trí trong quan hệ với khách thể và/ hoặc người tiếp nhận: “trên – dưới”, “dưới – trên”, hay “ngang hàng”);

4) nhập vào hay loại bỏ chủ thể và/ hoặc người tiếp nhận vào trường tham chiếu của phát ngôn;

5) thu hẹp hay mở rộng diễn ngôn của các thẩm quyền[1](có thể nói về thế giới nói chung, cũng như nói về cái cá biệt nhỏ bé của nó, có thể nhân danh tất cả, hoặc nhiều người, cũng như chỉ nhân danh cá nhân mình để nói, có thể nói với tất cả, hay một số người, cũng như nói với một cá nhân riêng lẻ duy nhất);

6) tính đồng đại của sự tiếp xúc giao tiếp (chiến lược khẩu ngữ với việc sử dụng các nhân tố cận ngôn ngữ học), hay tính lịch đại (chiến lược văn viết nhắm tới hành động tiếp nhận bị trễ trong thời gian);

7) phát ngôn theo nguyên tắc độc thoại đóng kín, hay đối thoại mở;

8) sự nghiêng lệch khả hữu từ mô hình sự kiện giao tiếp của Aristotle sang phía tự tham chiếu (suy giảm chủ thể), tự giao tiếp (suy giảm người tiếp nhận), vô danh (suy giảm chủ thể);

9) mức độ qui phạm lễ nghi, hay khêu gợi độc đáo của hành vi giao tiếp.

Thực tiễn giao tiếp trong nhiều hình thức của các “thể loại lời nói” (M.M. Bakhtin) luôn củng cố những chiến lược giao tiếp hiệu quả nhất.

Khác với các phát ngôn trực tiếp, trong tác phẩm văn học nghệ thuật sử dụng “lời nói gián tiếp” (Bakhtin), bao giờ cũng tồn tại sự kiện giao tiếp kép: sự kiện diễn ngôn mà chủ thể tu từ của nó là người trần thuật, người kể chuyện, chủ thể trữ tình, hay nhân vật hành động, và sự kiện siêu diễn ngôn mà chủ thể thẩm mĩ của nó là tác giả “được bao bọc trong sự im lặng” (Bakhtin). Sự kiện thứ hai này là sự kiện đồng cảm có tính đồng sáng tạo (sự thống nhất giữa phản ứng biểu cảm của tác giả và độc giả). Chiến lược giao tiếp của hai sự kiện giao tiếp ngang nhau về mức độ này có thể có quan hệ với nhau theo những cách khác nhau: từ đồng nhất đến đối lập tuyệt đối.

Chiến lược giao tiếp là một trong những tính năng cơ bản của các hiện tượng văn học như thể loại và hệ hình của tính nghệ thuật. Chẳng hạn, chiến lược giao tiếp của tiểu thuyết khác với chiến lược giao tiếp của sử thi và các thể loại cách luật khác (xem công trình nghiên cứu của Bakhtin: “Sử thi và tiểu thuyết”); trong thời đại của chủ nghhĩa cổ điển, vị thế tiếp nhận của người tiếp nhận bao giờ cũng được đặt cao hơn so với vị thế sáng tạo của tác giả, đến thời đại của chủ nghĩa lãng mạn, người ta làm ngược lại, tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa khước từ nguyên tắc quen thuộc của văn học cổ đại đặt các nhân vật vào vị trí “ưu tú, hoặc xấu xa hơn chúng ta” (Arisstotle); sự khích lệ lối viết nghệ thuật bắt đầu nẩy sinh ở chủ nghĩa tượng trưng, đến thời đại hậu tượng trưng thì được đào sâu và mở rộng… 

Người dịch: Lã Nguyên

NguồnПоэтика//Словарь актуальных терминов и понятий.- Изд. Кулагиной, Intrada.- 2008. Cтр. 100-101.


[1] “Thầm quyền”: dịch từ chữ “compétence” (tiếng Nga: Компетенция).- ND.


Source: 
15-10-2020
Tags