Chế Lan Viên - Nhà thơ Cách mạng hàng đầu

 

         Chế Lan Viên ra đi , về “cái xứ không màu” đã hơn ba mươi năm. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh là một thời điểm như một mốc thời gian quan trọng để nhìn lại một đời thơ, một “cõi thơ” của nhà thơ lớn.

         Đã có nhiều danh xưng để tôn vinh vai trò, tư thế của thiên tài thơ ca: Chế Lan Viên nhà thơ – nghệ sĩ, Chế Lan Viên nhà thơ – chiến sĩ, Chế Lan Viên – nhà văn hóa lớn, Chế Lan Viên – nhà tư tưởng làm thơ…

         Bài viết này muốn nhấn mạnh một vai trò mang phẩm cách cốt yếu nhất, tạo nên thành tựu vẻ vang một đời thơ: Chế Lan Viên – nhà thơ cách mạng. Hơn thế nữa, đứng ở hàng xung kích tiên phong xứng đáng là nhà thơ cách mạng hàng đầu.

         Cả một đời, cả sự nghiệp thơ văn Chế Lan Viên đã chứng minh hùng hồn điều đó.

* *

 *

I. QUÁ TRÌNH ĐỔI HỒN TÌM LẠI CHÍNH MÌNH

         Chế Lan Viên và cả một thế hệ thi sĩ tiền chiến hết sức thấm thía công ơn của Cách mạng. Lãnh tự vĩ đại Hồ Chí Minh, linh hồn của cách mạng đã được ca ngợi là: Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi như lời thơ tri ân vô cùng sâu sắc của nhà thơ.

         Cách mạng là nhân tố khách quan kỳ vĩ đã làm nên cuộc đổi đời kỳ diệu cho toàn dân tộc: “ Thay đổi cả vóc hình tổ quốc”. Thời đại mới độc lập tự do đã bắt đầu:

                           Có được trái cây thơm ta biết quý cả mùa lành

         Những ngày Tổng khởi nghĩa, nhà thơ đã xuống đường đi theo, đi cùng quần chúng nhân dân. Và từ đó là cuộc đồng hành suốt một đời với niềm vui kỳ lạ: “ Con lại gặp nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai chim én vào mùa”.

         Tuy nhiên, sự đi cùng không đơn giản là thụ động đi theo như “ăn theo” “sau đóm ăn tàn”. Mà phải là sự đồng tâm, đồng chí. Hơn thế nữa, phải có cùng nguyện vọng, cùng khí phách cách mạng.

         Hơn ai hết, Chế Lan Viên sớm nhận ra vấn đề “cách” cái “mạng” của mình như một điều tiên quyết.

         Gửi các anh, nhất là Ánh sáng và phù sa có mạch thơ tâm niệm như một lời “sám hối” với cách mạng, với nhân dân.

         Hình như ở Chế Lan Viên, sự tỉnh ra, sự  ngộ  ra, là sâu sắc thấm thía hơn rất nhiều các nhà thơ cùng thế hệ Thơ mới.

         Đổi đời không chỉ là thay đổi đời sống, thân phận mà thực chất phải là sự đổi hồn – hồn ngườirồi mới đến hồn thơ.

         Trước hết là sự nhận thức lại bản thể. Nhà thơ có câu hỏi rất nổi tiếng: Ta là ai?. Dĩ nhiên giờ đây câu trả lời không còn mơ hồ, huyền bí như xưa mà đã hết sức sinh động, cụ thể, rất “đời”. Nhà thơ đã nhận ra mình là ai. Câu trả lời thật giản dị tư nhiên: là người công dân của một xã hội mới. Rồi là một cán bộ kháng chiến, dấn thân vào máu lửa, chứng kiến hiện thực khốc liệt của chiến tranh và tự dặn mình: Nhớ lấy để trả thù. Hiện thực kháng chiến đã mở mắt, thay hồn , đổi óc cho nhà thơ. 

         Những hồn ma bóng quỷ còn lởn vởn trong đầu óc dần dần bị xua đuổi, quét sạch.

         Trước mắt nhà thơ trong chiến đấu, là những đồng đội nhận nhiệm vụ, sẵn sàng hi sinh thật tự nhiên, tự nguyện. Đó là những sự thật hết sức xúc động hồn người. Một sự thay đổi như tái sinh là sự kiện Kết nạp Đảng trên quê mẹ.

                            Tôi đứngdưới cờ, đưa tay tuyên thệ

                            Trên đất quê hương, mang hình bóng mẹ

                            Ngỡ chừng như sinh lại lần đầu

          Đảng trở thành nơi cắt rốn, chôn rau.

         Vậy là đời đã có hướng để mạnh bước từ đây. Ngay cả lúc nguy nan nhất vẫn có thể cứu được người khác: “Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ/Nếu dưới vực sâu còn dũngg khí (…) Trong thung lũng đau thương ta vẫn tìm ra vũ khí/ Phá “cô đơn” “ta” hòa hợp với “người”. Lý tưởng mới sẽ là vũ khí kỳ diệu để cứu mình, cứu người. (Khi đã có hướng rồi).

         Tuy nhiên cải đổi tâm hồn là cả một quá trình.

         Chế Lan Viên từng đi lạc, đi xa nên nghĩ lại dĩ vãng không khỏi có sự ân hận: “ Đi xa về hóa chậm”. Vào cuộc sống mới, cuộc đời mới, nhà thơ tự nhủ phải tiến nhanh, tiến mạnh.

         Bởi một lẽ hiển nhiên rất tự nhiên:

                                        Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào

                                        Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ

                                        Con ngọc trai đêm hè đáy bể

                                         Uống thủy triều bỗng sáng hạt châu

                                                      Chim lượn trăm vòng.

         Để có một hồn thơ cách mạng cũng là một sự rèn luyện đường trường. Trả lời phỏng vấn một giáo sư người Đức Gunter Giesenfild, Chế Lan Viên bộc bạch: “ Tập thơ  đầu tiên Điêu tàn(Décadence) ra năm 1937 khi tôi 17 tuổi. Thêm mấy quyển nữa có khuynh hướng “penchant) thần bí (mystique) pessi mite/ (bi quan, buồn) sau đó bỏ không làm thơ vì chán. Yêu tôn giáo (réligion), siêu hình (métaphysique).

         1945, cách mạng (Révolutuon) vui lại và tham gia vào cuộc sống của dân tộc. Làm thơ lại. Chính nhờ chính trị (politique) mà làm thơ lại. Và khi đã làm thơ thì không phải chỉ làm thơ chính trị (Poème révolutionnaire) mà cả thơ tình (Poème d’ amour)”. Chế Lan Viên tự phân tích các giai đoạn trong tiến trình: “ Từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, từ étape trước 1945 qua sau 45  từ trước 75 qua étape sau 75 – đều có khó khăn. Nhưng làm giàu thêm sự suy nghĩ (enrichir la pensée, d’ où la poésie”

         Vậy là hồn người cách mạng đã mang hồn thơ cách mạng (Chân dung tự họa – Chế Lan Viên – Người làm vườn vĩnh cửuHội nhà văn, 1995)

II. CHẾ LAN VIÊN LÀM CÁCH MẠNG TRONG ĐỜI VÀ TRONG THƠ

         Hành trình cách mạng của Chế Lan Viên là đầy thách thức, nhưng rất vinh quang. 

         Chế Lan Viên xuống đường nhập  vào đội ngũ quần chúng nhân dân những ngày Tổng khởi nghĩa tại Quy Nhơn.

         Tuy nhiên trước đó, nhà thơ trẻ đã từng đi đọc sách báo tiến bộ của Đảng, đi nghe những cuộc nói chuyện chính trị  hoặc văn chương mang “mùi” chính trị của nhà Xẹc Quy Nhơn mà chủ nhiệm là nhà giáo Lê Ẩm. Đó là hồi tưởng theo ký ức của Nguyễn Minh Vỹ. Và theo đó, cùng bè bạn, nhà thơ trẻ cũng đã tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ ở Quy Nhơn. (1)

         Sau 1945, Chế Lan Viên tham gia vào các hoạt động văn hóa cách mạng.

         Nhà thơ ra Huế, tham gia Đoàn Xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trong Lư, Đào Duy Anh, viết bài cho báo Quyết thắng của Việt Minh Trung Bộ.

         Kháng chiến bùng nổ, ông công tác báo chí ở Liên Khu 4 cũ. Nhà thơ đi khắp các địa bàn, khi thì ở Thanh – Nghệ - Tĩnh, lúc lại ở Bình – Trị - Thiên. Nhà thơ sống nhiều với vùng quê hương khói lửa vào loại chiến trường ác liệt nhất trong kháng chiến chống Pháp

         Cuộc vật lộn với chính mình để làm nên một cốt cách mới là phải trải qua bao khó nhọc, gian nan. Có những lúc cái cũ – cái xấu nhiều hình vẻ quay trở lại, thậm chí quấy đảo tâm trí như “làm giặc giữa lòng ta”. Nhà thơ quyết liệt “Ta bắn chết!”.

         Để rồi cuộc đấu tranh “cũ” “mới” có phân định và chứng minh hùng hồn nhà thơ đã là một con người mới mang tâm hồn mới.

         Hoài niệm để mà xác định, luôn có sự so sánh xưa,nay; cũ, mới; chết, sống… Nỗi đau ngày ấy…Cái vui bây giờ

         Có những bài thơ đặc sắc về chủ đề tâm niệm.  Ngoảnh lại 15 năm, Ngoảnh lại mùa đông và một sự phát hiện về triết lý sống mới. Xưa là buồn, là nước mắt nay là vui, là nụ cười.

                              Cầm lòng yêu đời như một thanh gươm

                              Cầm hy vọng như cờ xuân muôn thuở

                              Cầm tương lai như một áng hồng

                                    Nhật ký một người chữa bệnh

         Vậy là Chế Lan Viên đã có quá trình đấu tranh tự thân để trở thành người cách mạng. Có thể nói đó là hành trình từ Vàng sao siêu hình quá khứ đến “Sao vàng” hiện thực cách mạng.

         Cuộc đấu tranh thắng lợi vì bản thân nhà thơ là một người có tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Nói cách khác, trong tâm hồn đã tiềm ẩn nhân tố cách mạng.

         Hồn người cách mạng tất yếu phải có hồn thơ cách mạng. Quá trình đổi hồn thơ cũng trải qua nhiều khó khăn gian khổ không kém. Đổi từ quan niệm tư tưởng nghệ thuật, phương pháp sáng tác nghệ thuật, từ nhận thức trách nhiệm mới, tìm ra đối tượng thẩm mỹ mới.

         Trong quá khứ nhà thơ đã tự kiểm: “ Thơ trôi xuôi như nước chảy xuôi dòng”. Giờ đây là những suy nghĩ mới, cảm xúc mới. Hàng loạt tiểu luận bằng thơ, vè thơ đã nói rõ điều đóNghĩ về thơ, Sổ tay thơ, Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ 

                           Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng

                           Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi.

                           Tâm hồn anh là của đời một nửa.

                           Một nửa kia lại cũng của đời.

                                                      Sổ tay thơ

         Nguyễn Đình Thi trong bài  viếng Chế Lan Viên viết: Nhưng có lẽ làm xoắn ruột anh nhất chính là mảnh đất Quảng Trị (…)

                           Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ

                           Những đồi sim không đủ quả nuôi người 

                           Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười.

                           Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng (2)

         Tháng giêng năm 1949 trong chiến dịch ở Tà Cơn, Đường 9 (Quảng Trị), Chế Lan Viên được kết nạp Đảng.

         Từ sau hòa bình lập lại, Chế Lan Viên về công tác ở Hà Nội và ở đây cho tới suốt kháng chiến chống Mỹ. Là nhà thơ hàng đầu, ông liên tục nhiều năm tham gia lãnh đạo các tổ chức Hội nghề nghiệp như Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên thư ký, Ủy viên Ủy ban Trung uong Hội Liên Hiệp  Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

         Chế Lan Viên còn là một nhà hoạt động chính trị xã hội có tầm vóc quốc gia và quốc tế.

         Ông là đại biểu Quốc hội  các khóa 4,5,6,7

         Với những tư cách trên, Chế Lan Viên từng nhiều lần trở thành sứ giả văn hóa của Việt Nam trong  công tác đối ngoại. Ông tham gia nhiều diễn đàn Quốc tế tại Liên Xô (cũ) , Pháp, Nam tư, Ấn Độ, NaUy, Thụy Điển, Trung Quốc…

         Chế Lan Viên đã có một cuộc đời đẹp của nhà thơ cách mạng.

         Khi ra đi người đảng viên trung kiên đã có 40 năm tuổi Đảng. Với hoạt động chính trị, xã hội, Chế Lan Viên xứng đáng là một chính khách tầm quốc gia tuy có khác với các nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Nhà thơ đã được nhiều tặng  hưởng Huân chương, Huy chương, Huy hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước.

         Tất cả chứng minh rõ cốt cách, bản lĩnh của một nhà thơ xứng danh nhà thơ cách mạng.

         Tuy nhiên còn một tư cách cũng là phẩm chất đặc hiệu Chế Lan Viên - nhà cách mạng thơ ca.

         Trong thuật ngữ chuyên môn ta thường gọi là nhà cách tân thơ ca. Tuy nhiên cần nhấn mạnh ý thức thay đổi có tính chất cơ bản, thậm chí biến đổi mạnh mẽ của nhà thơ. Ở cả hai phương diện đổi mới và sáng tạo thơ ca.

         Một đổi mới quan trọng bậc nhất là quan niệm nhiệm vụ của nhà thơ và đồng thời là chức năng của thơ ca.

         Thơ xưa nêu quan niệm “nói chí”, “tải đạo”. Đó là một cách nói. Vừa rõ vừa chưa rõ. Như quan niệm về đạo là đạo nào? Đạo của người quân tử nhưng tiêu chí quân tử là thế nào? Dĩ nhiên ta hiểu một ý chung nhất: thời nào,đạo nấy. Đạo mang tính lịch sử, đạo gắn với một thể chế lịch sử.

         Nhà thơ Sóng Hồng tuyên ngôn về thơ cũng là về văn nghệ một thời: “Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Nhà thơ vĩ đại Hồ Chí Minh cũng từng có thơ tuyên ngôn:

                                Nay ở trong thơ nên có thép

                                Nhà thơ cũng phải biết xung phong

         Chế Lan Viên bằng hành động của đời như minh chứng cho thơ ca. Từ tham gia kháng chiến đi chiến dịch ở vùng Liên Khu 4 những năm chống Pháp đến bám sát thời sự chiến tranh những năm chống Mỹ, đã có tuyên ngôn thơ đầy hào hùng:

      Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy

                                       Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng địch ngoài đồng và hạ trực thăng rơi

         Nhà thơ chiến sĩ Chế Lan Viên mạnh dạn đưa chính trị vào văn thơ và cùng với nhà thơ lớn Tố Hữu công khai mở ra dòng thơ trữ tình chính trị hay trữ tình công dân như một hướng “hành đạo” cách mạng chính thống.

         Khuynh hướng chính trị thậm chí đã tạo ra nhũng bài như xã luận bằng thơ nổi tiếng như ở trong Đối thoại mới (1967 – 1963: Nghỉ suy 68, Tùy bút một mùa xuân đánh giặc và rõ rệt là Thời sự hè 1972 – bình luận…

         Khuynh hướng hướng ngoại được Chế Lan Viên thực hiện như một sự đổi chiều – đảo chiều so với tư duy thơ xưa cũng trở thành một khuynh hướng phổ biến trong thời cuộc mới. Sau 1975, nhà thơ lấy lại sự cân bằng trong tư duy, hướng nội và hướng ngoại.

         Xét về mặt hình thức biểu hiện cũng có những chiều hướng đổi thay, từ chính luận chuyển sang triết luận rồi song song tồn tại, khi thế sự đã nổi lên gần ngang chính sự.

         Có một tuyên ngôn bằng thơ cũng thể hiện một đổi thay lớn từ trong quan niệm thơ:

                                   Xưa tôi hát mà nay tôi tập nói

                                   Chỉ nói thôi mới nói hết được đời

                                                       Sổ tay thơ

         Nhiệm vụ mới của thơ được xác định rõ: “ Thơ xưa chỉ hay than mà ít hỏi/ Đảng dạy ta thơ phải trả lời”

                                     Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh

                                     Không chỉ “ơi hời” mà còn đập bàn quát tháo, lo toan”

         Chế Lan Viên có hai “đặc sản” độc đáo là thơ tự do và thơ tứ tuyệt mới. Đây là đóng góp về thể loại nổi bật giàu cá tính sáng tạo.

         Riêng thơ tự do đã được định hình thành một thể thơ chính thống và có hiệu quả sáng tác thực tế trên thi đàn hiện nay. 

         Thể thơ này là sở đắc của Chế Lan Viên trong dòng thơ chính luận đậm tính thời sự.

         Tuy nhiên xét một cách khái quát ở tầm vĩ mô thì nhà thơ đã sáng tạo một thể thơ đắc dụng chothơ điệu nói – một dòng thơ gần với văn xuôi. Thơ điệu nói “Chỉ nói thôi mới nói hết được đời’ là thơ mang tính hiện đại rõ rệt – một trong xu hướng hiện đại hóa của thơ Việt hiện nay, theo nhận xét của một số nhà lý luận văn học.

         Trên hành trình sáng tác, qua các tập thơ kể cả Di cảo, Chế Lan Viên đã thực sự chứng minh một bản lĩnh mang phẩm cách nổi trội có tính quyết định là tính cách tân, đổi mới, sáng tạo, cả trên quan niệm và hoạt động sáng tác thực tiễn.

**

*

         Chế Lan Viên là nhà thơ một đời phấn đấu để làm nên mình,  để tự vượt mình bằng một sự nỗ lực bản thân ghê gớm.

         Bản chất “nổi loạn” tự phát, vô định một thời (trường thơ Loạn) đã được rèn luyện, cải tạo để biến thành tinh thần cách mạng có định hướng tích cực rõ rệt. Đi vào và dấn bước quả cảm trên đại lộ văn thơ cách mạng, Chế Lan Viên nhờ vậy trở thành một nhà văn – chiến sĩ xuất sắc hàng đầu, nhà cách tân thơ ca cách mạng có thành tựu lớn lao.

         Từ cái nhìn thế kỷ hôm nay, dư luận đồng thuận  nhất trí tôn vinh Chế Lan Viên – Ngọn tháp thi ca hiện đại Việt Nam.

 

CHÚ THÍCH

(*) Phó Giáo sư Tiến sĩ Trường Đại học sư phạm Hà Nội

 

(1) Nguyễn Minh Vỹ - Tưởng nhớ Chế Lan Viên, Chế Lan Viên – Người làm vườn vĩnh cửu, Hội Nhà văn, 1995

(2) Nguyễn Đình Thi – Một trí tuệ và tài năng lớn đã ra đi in trong Lời cuối với nhà văn đã đi xa, Hội Nhà văn, 2016.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

[1] Hồ Thế Hà (2004), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Văn học

[2] Đoàn Trọng Huy (2006) – Nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Đại học Sư phạm Hà Nội

[3] Đoàn Trọng Huy (2020) - Chế Lan Viên – Ngọn tháp thi ca hiện đại, Văn hóa – Văn nghệ.

[4] Đoàn Trọng Huy (2020) - Chế Lan Viên – Đường thơ, Người thơ, Hội Nhà văn   

 [5] Nhiều tác giả (2000,2005) – Chế Lan Viên – Về tác gia và tác phẩm, Giáo dục.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÔ HOÀI – NHÀ VĂN KHÁT VỌNG

VÀ ĐẠT NHỮNG ĐỈNH CAO

Đoàn Trọng Huy (*)

Những ngày tháng 9 này, tính ra nhà văn Tô Hoài đã có tuổi đời và tuổi viết trong “Cõi người ta” (1920 – 2020)

Xin thêm một tiếng nói để tôn vinh nhà văn bậc trưởng lão làng văn với các cuộc tọa đàm và hội thảo tưởng niệm nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Đó là một vấn đề cốt lõi của một sự nghiệp văn chương có thể gọi là đồ sộ. Tô Hoài là một nhà văn luôn có khát vọng những đỉnh cao và thực tế đã lập được những đỉnh cao hiếm có – vào hàng kỷ lục – trong đời viết.

I. TÔ HOÀI -NHÀ VĂN SỐNG HẾT MÌNH

Tô Hoài là nhà văn sống tận lực, tận hiến với tuổi đời trường thọ.

Trước hết, ông là người sống hết mình trong công việc, trong sống và viết

Từ trước Cách mạng, nhà văn trẻ đã sống trong cảnh nghèo khổ (Cỏ dại). Hoàn cảnh ấy tạo điều kiện cho anh thanh niên sớm giác ngộ tham gia hoạt động xã hội  (thư ký cho Hội Ái hữu thợ dệt) rồi tham gia hoạt động như nhóm cốt cán đầu tiên của tổ chức Văn hóa cứu quốc.

Nhờ sống hết mình với phong trào, Tô Hoài trở thành nhà văn  cách mạng trẻ tuổi.

Sau 1945, Tô Hoài trở thành một nhà văn- chiến sĩ hàng đầu. Nam Bộ nổ súng chống Pháp từ 23/9/1945, Tô Hoài có mặt ngay ở đoàn văn nghệ sĩ Nam tiến. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tô Hoài cùng  bè bạn lên chiến khu Việt Bắc làm báo,viết văn, cùng sống với đồng bào trong khó khăn giảm khổ. 

Nhà văn cũng là một hình mẫu đẹp về nhà văn – chiến sĩ bám sát sớm nhất các chiến dịch lớn nhỏ trong đó có chiến dịch Tây Bắc .

Ông cũng là một tấm gương sáng về đi thực tế đời sống.

Tô Hoài là nhà văn tự nguyện đi và sống với thực tế miền núi sớm nhất và trụ lâu nhất: Khoảng 10 năm ở các vùng sâu, vùng xa Tây Bắc. Đặc biệt là ông trở đi trở lại miền núi nhiều lần sau này để viết các kịch bản phim. Vùng Tây Bắc cũng là miền thẩm mỹ văn chương để Tô Hoài viết hàng loạt tác phẩm. Lạng Sơn cũng là nơi Tô Hoài từng lăn lộn thực tế hàng 6 tháng trời để có thể viết nên Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.

Có một hoạt động thực tế  đặc sắc gần như là duy nhất: Tô Hoài từng làm tổ trưởng dân phố 7 năm và đặc biệt nhất là cùng đồng đội tự vệ đi cứu dân, phá sập dịp 12 ngày đêm Mỹ ném bom hủy diệt tại khu phố Khâm Thiên. Trụ lại Hà Nội những ngày ác liệt ấy mà không đi sơ tán. Lại còn cùng anh em vác cuốc xẻng đi cứu nạn thì thật đáng khâm phục biết bao! Ta nhớ, lúc ấy nhà văn đã 52 tuổi, cái tuổi mà ở thôn quê theo truyền thống là đã “lên lão”. Điều đáng nhấn mạnh là, nhà văn tham gia hoạt động như vậy rất tự nhiên, hồn nhiên không do một áp lực, mệnh lệnh của cấp bộ nào mà chỉ với tư cách công dân, đảng viên.

Nhà văn sống một đời với Hà Nội. Từ tấm bé cho đến khi ra đi vào tuổi 95 – trừ mấy năm đi kháng chiến chống Pháp  nhà  Hà Nội học. Tô Hoài được đánh gia qua sự nghiệp văn học, văn hóa như cuốn từ điển sống – từ điển bách khoa không chỉ của và về Hà Nội mà rộng ra là cả về sự kiện văn học, văn hóa, xã hội của nhiều vùng miền. Đặc sắc nhất vẫn là miền núi (Tây Bắc, Đông Bắc, Việt Bắc) và Hà Nội.

Thêm về sự kiện cải cách ruộng đất, nhà văn cũng là người tham gia nhiều nhất: 4/5 đợt của toàn quốc.

Tô Hoài sống hết mình với thực tế, sống lặn lội vào đáy sâu của hiện thực đời sống.  Thêm vào đó sống gián tiếp qua tài liệu, sách báo. Nhờ vậy, có được một vốn sống toàn diện, sâu sắc rất đáng quý. Như những tư liệu phụ trợ cho kho kiến thức bách khoa (tư liệu lịch sử về Hà Nội, tư liệu lịch sử về Tây Bắc). Cuốn Nhật ký thực tế Tây Bắc như di cảo có tới 30 trang chép tay về lịch sử dân tộc Miêu (H’Mông) (Histore des Miaos) của cố đạo F.M Savina là một minh chứng thật hùng hồn. Đây là sách xuất bản từ 1930. (Tô Hoài còn ghi chú ở Sapa gọi Savina là cố Vỵ). Ngoài ra còn ghi chú các cuốn Từ điển ( song ngữ, tam ngữ:Tày , Nùng, Miêu, Mán, Việt, Pháp, Trung ) của Savina, có thể là nhà văn đã có tham khảo để học ngôn ngữ các dân tộc trong giao tiếp thực tế

Dictionnaire Tay- Annamite-Français (1909)

Dictionnaire Miao – Français (1917)

Dictionnaire Ethynologique (1924)

  Français-Nung-Chinois

Dictionnaire Français-Man (1925)

                                           ***

 

Thời công nghệ 4.0, 5.0 trong thế giới phẳng ngày nay ta có những trang Bách khoa toàn thư Wikipedia bằng ngoại ngữ và Tiếng Việt. Nhưng cách đây 70, 80 năm, nhà văn Tô Hoài đã tự tạo nên những trang Bách khoa toàn thư trong trí óc mình và thể hiện phần nào trên những tác phẩm. Cần nhớ rằng việc lập nên những trang Wikipedia là hoàn toàn bằng thủ công nghiệp, bằng lao động ghi chép và đọc rất vất vả, công phu.

II. NHÀ VĂN VIẾT VỚI NĂNG SUẤT CAO NHẤT

Tô Hoài là người chịu viết và viết được vào loại nhiều nhất. Có thể tôn vinh  Tô Hoài là người ham sống và ham viết bậc nhất, là người như sinh ra để viết.

Thời đầu đời là viết để kiếm ăn. Viết rất khỏe chủ yếu là vì vậy. Ban đầu, nhà văn trẻ chưa tưởng tượng nổi giá một bài báo và công phá của công nghiệp viết lách. Trong Tự truyện, ông bộc bạch: “Hãng giày Bata mỗi tháng trả lương tôi 6 đồng. Bấy giờ một cái truyện ngắn tôi được 10 đồng (…). Mà một tháng tôi có thể viết mấy cái truyện ngắn! Điếc không sợ súng, tôi cứ viết tràn lan”.Thế là mải mê viết. Có đêm cây bút “lia” được một truyện. Rồi ông thôi việc ở hãng giày để viết.

Tô Hoài gửi bài cho Hà Nội Tân văn và được đăng truyện đầu tiên là Dưới gậm cầu (số ra ngày 18.6.1940). Sau đó gửi liền 7 truyện cho đến hết năm. Tiếp tục là viết cho ông chủ Tân dân Vũ Đình Long đều đặn mỗi tháng một truyện vừa cho trẻ con chừng 50 trang viết tay, cùng 2 truyện ngắn. Vài ba tháng viết một truyện dài lĩnh tiền thêm. Nhà văn tổng kết lại: “Tôi vào nghề văn trong ngoài ba năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945 mà tôi viết như chạy thi được 5 truyện dài, truyện vừa, 3 tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế Mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in tôi không nhớ hết. Viết để kiếm miếng ăn lúc ấy thì phải viết khỏe như thế vậy” (Tự truyện).

Tô Hoài còn viết để đi du lịch. Ông từng ngao du khắp xứ Đông Dương xưa (cả Cao Miên, Lào) một cách mạo hiểm. Vừa đi vừa kiếm ăn ở nơi cửa Phật, chốn chùa chiền, tức hưởng lộc “miễn phí”. Vừa đi vừa viết bài để kiếm tiền độ nhật. Đúng như máu phiêu lưu của chú Dế Mèn! Tô Hoài tập trung viết về thế giới loài vật. Tập O Chuột gồm 8 truyện thì trong đó có 7 là viết về loài vật. 

Rồi nhà văn lại tập trung viết về vùng quê hương gần gũi. Đó là vùng quê Bưởi: Nhà nghèo,(tập truyện ngắn), Giăng thề (truyện vừa),  Quê người (truyện dài) và Xóm Giếng (mất bản thảo).

Sau 1945, nhà văn tiếp tục đi vào hai miền quê sáng tác là Hà Nội và miền núi.  

Tô Hoài trở đi trở lại với hai miền thân thuộc ấy bằng thể hiện, miêu tả và cả hồi ức . Những năm lớn tuổi nhà văn chuyên viết về hồi ký. Ông viết về kỷ niệm sâu sắc của những sự việc đã từng trải.

Mặt khác, nhà văn còn viết cả phê bình, tiểu luận.

ĐờiTô Hoài là cả một hành trình mải miết sáng tác. Tính từ tác phẩm đầu tiên được đăng báo (1940) đến tác phẩm cuối cùng vào tuổi đại, trường thọ (2012) là có tới hơn 70 năm . Thực ra, có truyện như Ba người khác được viết xong từ 1992 nhưng phải đến 2006 mới được in chính thức . Nhưng có tác phẩm còn được in sau ngày nhà văn ra đi: Những ký ức không chịu ngủ yên (tự truyện 2017), Người con gái xóm Cung (tuyển tập truyện ngắn 2017). 

Vậy là tổng kết đời văn 95 năm tuổi thọ, 70 năm tuổi nghề, có hơn 160 đầu sách được in. Có tài liệu thống kê cho rằng tổng số đầu sách còn nhiều hơn, tức gần gấp đôi tuổi đời (hơn 180).

Điều đáng nói là ông là nhà văn xuôi đã thử bút và thành công trên các thể loại: từ tản văn, tùy bút, bút ký, phóng sự, ký sự, hồi ký, tự truyện… đến truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài và tiểu thuyết. Còn có kịch và kịch bản phim (chuyển thể từ truyện). Ngoài ra ông còn viết phê bìn, tiểu luận (đặc biệt là chuyện nghề)

Mảng sáng tác xuất sắc như đặc sản của Tô Hoài là những tác phẩm cho thiếu nhi.

Dư luận văn đàn cho rằng Tô Hoài là nhà văn chuyên nghiệp nhất. Và có lẽ ông là nhà văn trong số rất hiếm hoi có thể sống được bằng nghề viết. Xưa để sống đã rõ nhưng nay như vậy mới là lạ. Bởi ông viết văn và cả viết báo. Mà báo thì gần như thường xuyên có đơn đặt hàng.

Kể cả thời kinh tế thị trường. Đã có nhà sách mua hẳn bản quyền tác phẩm nhà văn với một khoản tiền rất lớn. Đây là trường hợp hiếm với nhà văn có danh tiếng.

Với tất cả ý nghĩa ấy, Trần Đăng Khoa coi ông là một nhà văn  “Khổng lồ”. Điều này đã được chứng thực qua hiện tượng đặc sắc: năm 2006, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng nhà văn bằng chứng nhận: “Nhà văn Tô Hoài với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký được dịch nhiều thứ tiếng nhất” (con số đó là 20)

III. TÔ HOÀI – NGƯỜI LẬP ĐƯỢC NHỮNG ĐỈNH CAO TRONG ĐỜI VÀ TRONG VĂN

Cần thống nhất quan niệm đỉnh cao hiểu theo nghĩa rộng: có thể là số lượng, có thể là chất lượng hoặc cả hai. Đỉnh cao có khi đồng nghĩa với kỷ lục (nếu là duy nhất) hoặc vào hàng đầu theo nghĩa rộng. Tác phẩm đỉnh cao có thể có khá nhiều – hiểu theo nghĩa rộng như trên trong đó có thể có một hai tác phẩm để đời.

Tất nhiên đây là sự đánh giá tương đối vì  không nhà nghiên cứu, thống kê nào có thể có tư liệu đầy đủ, chính xác hoàn toàn và do đó chưa thể có sự so sánh tuyệt đối .

Cũng tất nhiên, đây chỉ là những đánh giá cho đến hiện nay. và, cũng còn nhiều lĩnh vực để ngỏ. Ví như ghi chép, viết nhật ký (đời sống và văn học) nhiều nhất, sửa chữa bản thảo nhiều nhất, kỹ nhất…

Nhà báo Phượng Vũ, con trai của cố nhà văn qua trả lời phỏng vấn cho rằng Tô Hoài có 5 cái nhất. Tuy nhiên theo quan niệm nêu trên thì có thể nhiều hơn khi tổng kết đời văn trên nhiều phương diện, nhiều góc độ.

Tổng kết lại, đây là những đỉnh cao trong đời văn trên một số lĩnh vực

     + Về hoạt động công tác có thâm niên cống hiến loại cao nhất.

  1. Là nhà văn có cống hiến công tác lâu năm nhất
  • Tham gia Văn hóa cứu quốc từ 1943.
  • Được kết nạp Đảng 1946 68 năm tuổi Đảng
  • Tham gia công tác Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Hội chuyên ngành trên 50 năm.
  1. Đi thực tế nhiều nhất, lâu nhất, tự nguyện nhất

    2.1  Đi thực tế chiến đấu loại sớm nhất,  nhiều nhất:

 Nam tiến 1946 và các chiến dịch, mặt trận Tây Nguyên, Tây Bắc…

    1.   Đi thực tế miền núi lâu nhất, nhiều nhất: Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc (khoảng 10 năm) và còn trở đi trở lại nhiều lần nhiều năm.
    2.   Đi thực tế cải cách ruộng đất nhiều nhất: 4/5 đợt các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
  1. Đi và viết nhiều nhất
  • Trong cả nước: miền Bắc, miền Nam
  • Đi nước ngoài: Cao Miên, Lào trước 1945

    Sau 1975: Các nước Châu Âu: Liên Xô cũ (có viết bút ký) …Châu Á: Campuchia (có viết bút ký)…Châu Phi, Mỹ Latinh …

  • Đi nhiều nước trong công tác hữu nghị của Ủy ban Đoàn kết với nhân dân các nước và Hội Nhà văn Á Phi.

   + Về đời viết đạt nhiều thành tựu bậc nhất

  1. Tuổi đời gắn tuổi nghề nhiều nhất: 94 năm tuổi đời, 72 năm tuổi nghề
  2. Là nhà văn chuyên nghiệp bậc nhất
    1.  Viết kiếm sống từ 20 tuổi cho đến tuổi ngoài 90 vẫn viết và sống được bằng nghề văn.
    2.  Viết với trải nghiệm thực tế nhiều nhất. Sống đâu viết đấy, viết bằng vốn sống, bằng trải nghiệm, bằng hồi ức.
    3.  Viết có kiến thức phong phú toàn diện, viết có lý luận và kinh nghiệm.
  3. Đạt khối lượng tác phẩm đồ sộ vào bậc nhất. Khoảng trên 160 đầu sách được xuất bản.
  4. Có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Đặc biệt Dế Mèn phiêu lưu ký (20 ngôn ngữ)
  5. Có tác phẩm được kỷ niệm lâu năm nhất: 70 năm Dế Mèn phiêu lưu  (2012)

     + Về các chức danh-Người có nhiều chức danh nhất

  1. Làm lãnh đạo cơ quan báo chí, hội lâu năm nhất
    1.  Chủ nhiệm Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút Tạp chí Cứu Quốc. Người sáng lập báo Người Hà Nội.
    2.  Tổng thư ký Hội Nhà văn 1957, Ủy viên chấp hành, Phó Tổng thư ký Hội từ 1958 – 1989
    3.   Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ 1950 
    4.  Chủ tịch Hội Văn Nghệ Hà Nội 1961 – 1996
  2. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội
  3. Đại biểu Quốc hội Khóa VII, Ủy viên Ban Văn hóa Giáo dục

        4     Tham gia Ban lãnh đạo các Hội hữu nghị nhiều nhất 

               4.1  Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết với nhân dân các nước. 

               4.2  Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á-Phi

                4.3  Chủ tịch  Ủy ban Đoàn kết Á-Phi- Mỹ Latinh

                4.4   Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt- Ấn

                4.5   Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Xô

    1.      Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Á – Phi.

         5   Công tác Đảng các cấp, kinh qua nhiều cấp ủy

                      5.1 Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương.

                      5.2   Bí thư Đảng ủy Hội Văn nghệ Việt Nam

           5.3   Bí Thư Đảng Đoàn Hội Nhà văn.

Trong hơn nửa thế kỷ thâm niên công tác có 40 năm ở các cơ quan Trung Ương  đồng thời khoảng trên 30 năm ở cơ quan Hà Nội.

    + Về các tặng thưởng. Người có nhiều tặng thưởng giải thưởng loại nhất

  1. Nhận nhiều tặng thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước
  • Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng

       -        Huân chương Độc lập Hạng nhất

  • Huân chương Kháng chiến Hạng nhất
  • Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng nhất
  • Danh hiệu Lão thành cách mạng (có 8 năm hoạt động tiền khởi nghĩa)
  • Danh hiệu công dân ưu tú Thủ đô (năm 2011)

            2      Nhận nhiều  tặng thưởng cao quý về Văn học – Nghệ thuật

  • Giải nhất Tiểu thuyết Hội Văn nghệ Việt Nam, 1953 (Truyện Tây      Bắc)
  • Giải thưởng Hội Nhà văn Á – Phi, 1970 (Miền Tây)
  • Giải A giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội, 1980 (Quê nhà)
  • Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Thủ Đô lần thứ 1 (1982)
  • Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt 1 (1996)
  • Giải thưởng Thăng Long của UBND thành phố Hà Nội (1998)
  • Giải thưởng lớn “Vì tình yêu Hà Nội” mang tên Bùi Xuân Phái (2010)
  •                                      ***

    Tô Hoài là sống giản dị, bình thản, hồn nhiên  nhưng năng động, sôi nổi. Trong ông luôn cuồn cuộn  mạch ngầm ước mong nãnh liệt . Là người viết chuyên nghiệp bậc nhất, ông luôn có khát vọng vươn lên và đã đạt được đỉnh cao vinh quang một đời viết. Xét trên mọi phương diện , nhà văn xứng đáng được tôn vinh : Tô Hoài- Bậc trưởng lão của làng Văn Việt Nam hiện đại.

 

CHÚ THÍCH

                      TƯ LIỆU THAM KHẢO

   [ 1 ] Đoàn Trọng Huy… ( 2002,2006,2010) Tô Hoài -  Lịch sử văn học Việt Nam (Tập III ), Đại học Sư phạm .

   [ 2 ] Đoàn Trọng Huy  (2006) Tô Hoài- Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX ( Tập hai), Giáo dục.

   [ 3 ] Đoàn Trọng Huy  (2020)  Tô Hoài- Bậc trưởng lão làng Văn, Hội Nhà văn.

   [ 4 ] Nhiều tác giả   ( 2000)  Tô Hoài Về tác gia, tác phẩm , Giáo dục.

 

PGS. TS. Đoàn Trọng Huy


Source: 
07-12-2020
Tags