Carnaval hoá văn học

Là sự phiên dịch carnaval sang ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật ngôn từ, là sự hoạt động của các hình thức, động tác, hình tượng, biểu tượng tạo ra ngôn ngữ carnaval trong tác phẩm văn học. Nhà triết học, nghiên cứu văn học người Nga M.M. Bakhtin đã đưa khái niệm carnaval hóa vào lĩnh vực nghiên cứu văn học và lịch sử-văn hóa. Ông hiểu hiện tượng carnaval với ý nghĩa rất rộng, như là tổng thể các lễ hội có nguồn gốc khác nhau mà đặc điểm nồi bật của nó là niềm vui hội hè của nhân dân. Do carnaval hiện nay là tàn tích của những trò vui chơi giải trí mang tính chất lễ hội dân gian tạo thành đời sống phong phú của nhân dân thời trung đại và thời Phục hưng, nên chủ yếu ông dựa vào trò vui chơi lễ hội của các thời đại ấy để phục dựng từ vựng carnaval.

Là sự phiên dịch carnaval sang ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật ngôn từ, là sự hoạt động của các hình thức, động tác, hình tượng, biểu tượng tạo ra ngôn ngữ carnaval trong tác phẩm văn học. Nhà triết học, nghiên cứu văn học người Nga M.M. Bakhtin đã đưa khái niệm carnaval hóa vào lĩnh vực nghiên cứu văn học và lịch sử-văn hóa. Ông hiểu hiện tượng carnaval với ý nghĩa rất rộng, như là tổng thể các lễ hội có nguồn gốc khác nhau mà đặc điểm nồi bật của nó là niềm vui hội hè của nhân dân. Do carnaval hiện nay là tàn tích của những trò vui chơi giải trí mang tính chất lễ hội dân gian tạo thành đời sống phong phú của nhân dân thời trung đại và thời Phục hưng, nên chủ yếu ông dựa vào trò vui chơi lễ hội của các thời đại ấy để phục dựng từ vựng carnaval. Theo ý kiến của ông, chúng tạo thành nửa đời sống không chính thức của con người, mỗi cuộc lễ hội quốc gia hoặc của nhà thờ đều có phần hài hước tương ứng, nó diễn trò dưới dạng lộn trái thế giới. Những người tham gia vào lễ hội chính thức đều có một vị trí phù hợp với phẩm trật, họ thể hiện rõ dấu hiệu quyền lực, nhấn mạnh trật tự đẳng cấp hiện hành. Sân chơi carnaval thì ngược lại, nó thể hiện tính tương đối của quyền lực, không thừa nhận đẳng cấp, trái ngược với cái nghiêm túc, vĩnh cửu. Tiếng cười là phương tiện trợ giúp cho việc biểu lộ quan điểm như vậy. Tiếng cười lưỡng diện carnaval vừa phủ nhận, vừa tiếp nhận, nó bao trùm tất cả, hết thảy, nó phục sinh mọi hiện tượng, giúp người ta thoát ra khỏi cuộc sống nhọc nhằn. Theo Bakhtin, tiếng cười ấy quyết định toàn bộ lễ hội carnaval cũng như những hình tượng văn học dựa trên những motif tương tự. Phạm vi đa dạng của nghi lễ carnaval lệ thuộc vào logic thế giới lộn trái. Trò giả trang, giễu nhại, hạ bệ các đối tượng thờ phụng chính thức diễn ra với sự hỗ trợ của việc chuyển nghĩa những nghi lễ tối linh sang bình diện cơ thể vật chất, mặt nạ, trang phục khiến người ta ngạc nhiên vì sự kì cục của nó, chủ tế là những thằng ngốc và những tên hề, đối tượng được sử dụng bao giờ cũng trái với ý nghĩa của nó, cho phép ăn uống thô tục, say sưa bét nhè, những trò thiếu đứng đắn, thân thể hở hang, cử chỉ khiếm nhã, cho phép giao tiếp suồng sã, thứ giao tiếp không thể có trong đời sống bình thường vốn coi trọng lễ nghi phụ thuộc vào những ước lệ; tạo ra mối liên hệ nghịch dị giữa cái cao cả với cái tầm thường, cái thiêng liêng với sự phạm thánh, thông thái với ngu đần, vĩ đại với hèn mọn… Nghi lễ carnaval ca ngợi sự thay đổi, sự cách tân hiểu theo nghĩa như là sự sinh thành của đời sống; vì thế, đại lễ – lễ đăng quang của vua hề carnaval – được bổ sung bằng lễ truất ngôi, còn đạo cụ carnaval được gọi là địa ngục thì được siêu hóa, tức là nhất loạt bị hủy bỏ, và thanh tẩy.

Bakhtin nhìn thấy nguồn gốc lễ hôi thuộc loại hình carnaval ở những giai đoạn phát triển sơ khai của văn hóa, trong tiếng cười lễ nghi và trong những nghi lễ, những huyền thoại có cơ sở ở tiếng cười, còn nguồn mạch trực tiếp của carnaval hiện đại theo ông là các hội tế thần Saturne La Mã. Carnaval và carnaval hóa nhờ vậy có những dấu hiệu phổ quát, chúng có thể được xem là sự biểu hiện các nhu cầu tự nhiên muôn thủa của con người.  Ở những thời đại, khi lễ hội carnaval suy thoái và tan rã, các tác phẩm văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp carnaval sẽ thỏa mãn các nhu cầu ấy. Chẳng hạn, người ta nhận thấy loại kịch vui vốn là một bộ phận trực tiếp của lễ hội carnaval có mối liên hệ chặt chẽ với carnaval. Parodia sacra (gốc La Tinh, nghĩa đen là giễu nhại nghi lễ, tên gọi một thể loại ngôn từ – ND) có một vị trí đặc biệt. Đó là loại văn bản chế nhạo các yếu tố sùng bái của nhà thờ, ví như lễ trọng của người say rượu và các đấu sĩ, giễu nhại văn khấn, cũng như sự tích về các thánh được giễu nhại, các lời răn của giáo hội, giễu nhại luật lệ của hội đồng thánh giáo, các lễ trọng và những lời thuyết pháp. Giễu nhại, nhại lại loại văn được viết bằng tiếng La Tinh và các ngôn ngữ dân tộc cũng đi kèm với nghi lễ nhà nước, lời nói nghiêm túc trong pháp luật hoặc khoa học.

Theo Bakhtin, ménippées là nhóm thể loại chính thể hiện sự cảm thụ thế giới theo nguyên tắc carnaval. Nó là hình thức phát ngôn ngoài thể loại (Biến thái hoặc Con lừa vàng của Apuleius,Satyricon của Petronii cùng với Đối thoại của Platon), phát triển các bình diện carnaval của thơ điền viên thời cổ sơ, văn công kích, đối thoại trào phúng và các áng trào phúng được hiểu theo nghĩa rộng là mang tính menippe. Theo cách hiểu của Bakhtin, ménippé là loại văn hư cấu tự do, đa phong cách, đa giọng điệu, biểu hiện trong việc sử dụng các thể loại khác, trộn lẫn văn xuôi và thơ, sử dụng phương ngữ, kết hợp các yếu tố nghiêm túc và yếu tố hài hước. Những tác phẩm này sử dụng rộng rãi sắc thái tương phản và ý niệm mạnh bạo, nhưng không coi thường các sự kiện đích thực, có tính chất báo chí vốn là kết quả của việc cuốn hút theo những vấn đề cập nhật. Yếu tố hoang đường tạo thuận thợi cho việc sáng tạo ra những tình huống đặc biệt không thể thiếu đối với việc thử nghiệm tư tưởng, đồng thời chủ nghĩa tự nhiên đậm nét không loại bỏ không khí tượng trưng và tôn giáo bí hiểm. Các nhân vật bao giờ cũng hành động và nói năng kì quặc, phá vỡ những chuẩn mực hiện hành, kèm theo đó là không khí om sòm, các motif điên khùng, kì quặc và sự mơ mộng gắn với chúng.

Không ở đâu các motif menippé, cũng như các hình thức văn học trung đại và giễu nhại thời Phục hưng xuất hiện với một khối lượng lớn như trong Gargantua và Pantagruel của Rabelais. Công trình Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và phục hưng đã được Bakhtin viết ra để để phân tích các mặt riêng lẻ của tiểu thuyết này trong ngữ cảnh các yếu tố tương ứng của từ vựng carnaval. Phương pháp sáng tác của Rabelais được xác định ở đây là chủ nghĩa hiện thực nghịch dị. Chủ nghĩa hiện thực của tác phẩm được dựa trên sự phản ánh thế giới quan từng tồn tại thực sự trong lịch sử gắn với văn hóa cười của nhân dân, cái nghịch dị nằm trong bản chất của mọi hình tượng carnaval. Bakhtin nhấn mạnh bản chất carnaval của cái nghịch dị trung đại và Phục hưng, cái nghịch dị có cơ sở ở bản chất tái sinh của tiếng cười. Ở các hình tượng hậu Phục hưng, trong sự nối kết rất đặc trưng giữa cái buồn cười và cái cái kinh hãi, sự khiếp sợ và xa lánh bao giờ cũng chiếm ưu thế, nhưng trong sáng tác của Rabelais, cũng như trong carnaval,  sợ hãi chỉ là là một thứ quái thú buồn cười thích hợp cho việc chiếm lĩnh. Carnaval hóa địa ngục cũng dựa trên nguyên tắc như vậy. Phạm trù chìa khóa dành cho chủ nghĩa hiện thực nghịch dị là sự báng bổ và hạ bệ bao gồm sự phá giá cái cao cả, cũng như thay đổi trật tự định khu theo cả nghĩa chung (thiên – địa), lẫn nghĩa cá nhân (mặt – mông). Đập vào mắt là là sự hiện diện của yếu tố thân thể-vật chất, cường điệu cái bụng, dương vật, mông và mõm, các hình ảnh lũ lụt trong nước tiểu, sinh đẻ giữa bữa tiệc hay tạo ra những thế giới riêng lẻ trong dạ dày của người khổng lồ.

Gargantua và Pantagruel thể hiện sự lệ thuộc vào bản thân carnaval, nhưng nó cũng chịu ảnh hưởng của carnaval hóa văn học ở thời kì sơ khai. Trong quá trình tiến hóa các hình tượng carnaval bị biến dạng và trở thành những phương tiện nghệ thuật có tính cách tu từ và kết cấu – cốt truyện, còn carnaval hóa trở thành một trong những thứ ước lệ văn học được sử dụng chủ yếu trong tiểu thuyết và kịch. Những nét đặc điểm quan trọng nhất của nó là thi pháp thế giới lộn trái, tính lưỡng diện của thế giới nghệ thuật, tính đa phong cách và và tính đối thoại được hiểu theo nghĩa rộng được tạo ra nhờ sử dụng các hình thức và các thể loại phát ngôn khác nhau, trong đó có ngôn ngữ đường phố – thân mật, màu sắc hài hước-giễu nhại mạnh mẽ, các trò chơi bằng những sơ đồ văn học, đặt các nhân vật văn học vào những ngữ cảnh tu từ xa lạ, kết hợp những mô hình trái ngược. Carnaval hóa cũng mở đường cho việc sử dụng các hình tượng du đãng, thằng hề, thằng ngốc mà theo Bakhtin là sự phản ánh tinh thần carnaval bằng thân xác. Các nhân vật này cho phép thay đổi hình tượng tác giả hoặc hình tượng các nhân vật, tạo ra tiền đề để phóng đại, giễu nhại, bắt chước một người khác nào đó. Những cử chỉ, lời nói của chúng cũng thực hiện các chức năng hệt như những cuộc hôn thú không tương xứng theo kiểu carnaval – làm nổi bật tính ước lệ, chống lại các định ước, chỉ ra sự vô nghĩa của những mực thước đã được công nhận. Bao trùm các bình diện khác nhau của tác phẩm, từ cấp độ ngôn ngữ, qua thế giới nghệ thuật cho tới nội dung tư tưởng và cấu trúc thể loại, như một thành phần vững bền của văn hóa, carnaval hóa là công cụ diễn giải có lợi trong việc phân tích tác phẩm cụ thể cũng như các tiến trình văn hóa và văn học ở những thời đại khác nhau.

NguồnПоэтика//Словарь актуальных терминов и понятий.- Изд. Кулагиной, Intrada.- 2008. Cтр. 91- 93.


Source: 
15-10-2020
Tags