BÙI HIỂN VỚI SỨ MỆNH DIỄN ĐẠT CHẤT SỐNG THỰC THÔ MỘC, GIẢN DỊ

Cái nhu cầu thẩm mĩ mà Bùi Hiển đáp ứng người đọc, ở đây, theo tôi, là vẻ đẹp của một cuộc sống chân thực hay nói như nhà văn là cái chất sống. Sáng tác của Bùi Hiển chỉ xoay quanh những đề tài thật bình dị. Những phong tục ngồ ngộ, những cảnh sinh hoạt của xóm dân chài lam lũ, chất phác, những mảnh đời viên chức tỉnh nhỏ, những chuyện có vẻ như vụn vặt và dĩ nhiên, tất cả hiện lên bằng vẻ thô tháp, còn tươi rói bùn đất, hơi thở của đời sống.

Sinh ở làng Quỳnh Tiến, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An là xứ người dân sống chủ yếu nghề biển, dân xứ biển Thanh Nghệ vốn chuộng lối sống khoẻ và vui, Bùi Hiển chắc được hấp thụ nét đẹp của lối sống đó. Thuở nhỏ, ông thích bơi lội, chèo thuyền, tắm biển. Lòng ham thích viết văn có từ rất sớm.

Bùi Hiển chính thức gia nhập làng văn bằng tập truyện ngắn "Nằm vạ" (1941). Lúc bấy giờ mọi náo động trong làng văn đã tạm thời lắng xuống. Những diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai không chỉ bao phủ một đám mây đen trên bầu trời châu Âu mà còn tạo ra cả một bầu không khí ảm đạm ở Đông Dương. Phần lớn độc giả hướng sự quan tâm của mình vào những vấn đề thiết thân khác. Văn chương nghệ thuật cố nhiên phải lùi xuống bình diện thứ yếu. Tuy nhiên, cũng chính vì rơi vào bối cảnh như thế, văn chương trở lại với vị trí thực của mình. Không còn được hưởng những tán dương dễ dãi, cũng không được công chúng quan tâm một cách thái quá, tác phẩm văn chương chỉ còn một cách: tồn tại bằng giá trị thực.

Quả nhiên, văn chương Việt Nam những năm 40 mươi của thế kỷ trước không gây chú ý bằng những quảng cáo, giới thiệu, bình giá ồn ào như với các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn hay bằng những tác phẩm gây sốc dư luận như trường hợp Vũ Trọng Phụng với các phóng sự Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô; các tiểu thuyết Giông tố, Số đổ, Vỡ đê...của mấy năm trước. Các sáng tác giai đoạn này sẽ thu hút độc giả bằng những nỗ lực sáng tạo, những tìm tòi mới và sâu về mặt nghệ thuật. Nỗ lực của Bùi Hiển trong thiên hướng mới này của đời sống văn học là cố gắng diễn đạt cái chất sống thực thô mộc, giản dị. Phẩm chất đó, trên thực tế, tiềm ẩn trong những con người và đất đai quê hương xứ Nghệ của ông. Truyện ngắn "Nằm vạ" được dư luận đề cao cũng bởi thế. Vũ Ngọc Phan trong "Nhà văn hiện đại" cắt nghĩa: "sở dĩ người ta yêu quý sáng tác của anh công chức trẻ Bùi Hiển là vì cũng như Eugène Le Roy tả người dân quê xứ Périgord, Alphonse de Châteaubriant tả người dân quê xứ Nantes, Bùi Hiển có tài quan sát phong tục người dân quê xứ Nghệ Tĩnh quê anh".

Thực ra, những tò mò của độc giả về phong tục, thời nào cũng vậy, sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho những nhu cầu cao hơn, nhu cầu thẩm mĩ. Cái nhu cầu thẩm mĩ mà Bùi Hiển đáp ứng người đọc, ở đây, theo tôi, là vẻ đẹp của một cuộc sống chân thực hay nói như nhà văn là cái chất sống. Sáng tác của Bùi Hiển chỉ xoay quanh những đề tài thật bình dị. Những phong tục ngồ ngộ, những cảnh sinh hoạt của xóm dân chài lam lũ, chất phác, những mảnh đời viên chức tỉnh nhỏ, những chuyện có vẻ như vụn vặt và dĩ nhiên, tất cả hiện lên bằng vẻ thô tháp, còn tươi rói bùn đất, hơi thở của đời sống.  

Nhưng ta chớ bị đánh lừa bởi những vẻ thô mộc giản dị trong những sáng tác ấy của Bùi Hiển. Mỗi một chi tiết, một hình ảnh, một cách diễn đạt đều có thể thấy rất rõ mức độ tỉ mỉ, kỹ lưỡng để đem đến cho tác phẩm văn chương một chất sống thực trong cách viết của tác giả. 

Chính những chi tiết mang chất sống đã mở ra một thế giới với một sức hấp dẫn riêng mà người đọc lúc bấy giờ không thấy ở Tự lực văn đoàn hay ở nhiều cây bút hiện thực khác.

Tất nhiên, để có được một sức hấp dẫn riêng, Bùi Hiển còn một sở trường khác: diễn tả chất sống thực trong đời sống tâm lý con người. Ngay từ tập truyện ngắn đầu tay "Nằm vạ", Bùi Hiển đã tỏ rõ năng lực ấy. Ta đã thấy ông diễn tả thật tự nhiên mà cũng thật sắc nét cái tâm lý của một cô vợ trẻ hờn dỗi, ăn vạ chồng ( Nằm vạ ); một cô vợ trẻ khác chê chồng nhưng sợ ma đến nỗi phải...trọn đạo phu thê ( Ma đậu ); một bà chủ quán đã trở thành nạn nhân của lòng tham tiền như thế nào ( Cái ví ); một tên trộm rình mò, sợ hãi táng đởm một tên trộm khác ( Tên trộm ); một cảnh dân chài đi biển gặp dông bão và những ám ảnh huyền hoặc của họ về một thế giới hãi hùng chưa biết ( Chiều sương )...

Vũ Ngọc Phan trong cuốn sách chúng tôi đã dẫn có ý chê Bùi Hiển ở những truyện viết về đám viên chức tiểu tư sản theo ông là nhợt nhạt, thiếu bản sắc. Tôi lại thấy không hẳn như thế. Chẳng hạn ở truyện ngắn Cái dọc tẩu, tác giả cho ta thấy cái đời viên chức tỉnh nhỏ buồn chán đã dẫn mấy chàng thanh niên trải qua một đêm buông thả như thế nào. Khi cuộc vui đã tàn, ai nấy trở về và tìm cách thác cớ dối vợ. Nhưng họ không dối được lương tâm. Khi đã nằm yên trên giường cùng vợ con họ muốn quên đi bằng giấc ngủ. Cuộc vui trở lại trong giấc mơ nhưng đã biến dạng thành những hình ảnh thác loạn, sa đọa, hãi hùng mà chính nhân vật cũng chưa từng trải qua. Anh ta bàng hoàng tỉnh dậy và không thể ngủ được nữa. Nhân vật tự an ủi mình rằng tất cả chỉ là ác mộng. Nhưng giả định có sự can thiệp của vô thức thì biết đâu những hình ảnh ấy chẳng phải là hệ quả của những day dứt âm thầm trong tâm trí mà chính nhân vật đã không nhận ra? Hay đó là hiện thân những khuyến cáo của lương tri?

Các sáng tác của Bùi Hiển dù chất lượng có khác nhau nhưng tất cả dường như đều được lọc qua một cái nhìn điểm tĩnh, tinh tường, thấu hiểu. Vì thấu hiểu nên có thể cảm thông và diễn đạt bằng một lối viết kín đáo, hóm hỉnh và đôn hậu. Chính vì thế, đi vào cái thế giới ấy người ta thấy hiện lên thật sinh động hình ảnh những người dân miền biển vậm vạp, cục mịch mà hồn nhiên, tự nhiên, rất nhiều bản năng nhưng đúng như có người đã nhận xét, họ là sự kết tinh của một thiên nhiên khắc nghiệt mà hào phóng.

Những con người thô mộc, vậm vạp của miền đất ấy lại được nhà văn thể hiện bằng một vốn từ vựng giàu có đặc biệt là những từ thuộc địa phương xứ Nghệ: 

Đây là lời anh Đỏ nói với cô vợ nằm vạ: 

“ - Muốn tốt muốn lành thì dị (dậy)!

( Nằm vạ) 

Lời mụ Lập bà mẹ thằng Nam:

“ - Hắn giết con tui, ua làng nước ôi! Hắn giết chếch con tui rồi! Ua Xin ôi là Xin ôi! Ai lặt hộ con dao cho một thí để tui đi trình làng!  

(Thằng Xin)

Chị Đỏ nghe thấy tiếng cào tường, tiếp thứ tiếng “ khìn khịt” như “ thốt tự mũi” ra:

“- Nhà ai đây?

- Đỏ Câu

- Vô hông? 

- Có trong gí (giấy) đức Ngài phán bắt con mệ 

- Rứa ta làm liền đi! 

(Ma đậu)

Sau này, để tìm kiếm sự thông hiểu nhanh chóng của số đông độc giả, Bùi Hiển đã bỏ đi, thay các thổ âm xứ Nghệ của nhân vật bằng các từ phổ thông. Kết quả, một phần chất sống tự nhiên trong lời ăn tiếng nói của các nhân vật đã phần nào phôi pha.

Vào khoảng 1949 - 1950, Bùi Hiển hoạt động văn hoá tuyên truyền ở Bình Trị Thiên. Các truyện ngắn pha bút ký, ghi chép : "Ánh mắt", "Đánh trận giặc lúa", "Một cuộc hành quân" và "Người tù binh Pháp"... được viết trong thời kỳ này. Miền đất nhiều kỷ niệm ấy sẽ còn trở đi trở lại trong tâm trí nhà văn và đến với độc giả bởi các truyện ngắn, bút ký, hồi ký như: "Một câu chuyện trong chiến tranh", "Cắt tóc thề đi cứu nước", "Thừa thiên một thuở"...

Những sáng tác trên của Bùi Hiển ngày nay đọc lại nếu vẫn còn một sức thu hút riêng chính là bởi nhà văn, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, với bản tính trầm tĩnh, kín đáo, đã ít bị lung lạc bởi những ồn ào, sôi động và yêu cầu tuyên truyền của nhất thời để hướng tới cái đích mà mình theo đuổi đó là cố gắng diễn đạt cái sự thật thô mộc, giản dị cái chất sống thực.

Cái chất sống thực mà Bùi Hiển đem đến trong những sáng tác ấy thực ra không nhiều nhưng thường để một ấn tượng khó quên. Đó là chuyện bà con chạy Tây càn mà “ nhộn nhịp”, vui vui. Người ta lao xuống những cái “tròng” (xuồng nhỏ) chèo tới tấp như chèo đua. Có cả một bà nạ dòng không kịp mặc áo, vú vê thỗn thện, rướn người đẩy mái chèo. Lại có cả một chị áo dài trắng, nón mới trắng ngà, vẻ ung dung khuê các, duyên dáng, nhịp nhàng đưa đẩy đưa đẩy hai chiếc dầm bơi như múa. Đó là chuyện giữa đất Bình Trị Thiên khói lửa, vẫn có những cảnh họp chợ ồn ào, tự nhiên mặc kệ thỉnh thoảng một tràng súng bắn rê của địch. Có cô gái mặt rỗ hoa nhưng nước da trắng trẻo mua dầu bóng xõa tóc chải ngay giữa chợ. Cũng có những chuyện sau này mới thấy nhà văn đưa vào hồi ký. Đó là chuyện ta chặn đánh bọn địch đi nhận lương thực ở ga. Đơn vị không những bắt sống được mấy lính ngụy và một viên đội Pháp mà còn cướp được cả rượu vang, bánh mì, thịt hộp. Đồng bào mừng công, gánh xôi thịt đến. Mấy anh lính lê dương hàng binh được một bữa no say, thốt lên : “ Ah! Que la guerre est belle!” (Ôi chiến tranh mới đẹp làm sao!). Nhưng cũng có những chuyện gây ấn tượng thật dữ dội, mãnh liệt. Đó là chuyện một phụ nữ trẻ cưới chồng vào buổi trưa, buổi chiều bị moóc-chi-ê địch giết chết thê thảm. Người ta khiêng tử thi cô dâu vào nhà, đám cưới vẫn còn ba bình hoa tươi rói. Đó là chuyện mấy thanh niên học sinh Huế hăm hở, hăng hái gia nhập Vệ Quốc đoàn mang trong đầu bao ý tưởng hào hùng, lãng mạn. Nhưng rồi, mặt trận vỡ họ chạy lên chiến khu, ăn đói, mặc rét, ghẻ lở, ốm đau...Một anh đêm ngủ nằm chết còng queo. Một anh khác dao động, có lệnh hành quân, giả vờ xung phong rồi giữa đường bỏ trốn. Anh còn lại vào trận lóng ngóng thế nào suýt bị địch bóp cổ chết. Anh ta ngất đi, khi tỉnh lại còn trơ một mình, anh định vào làng xin cái ăn. Gặp một bà chủ nhà, bà ta xua đi. Sang một nhà khác, bà chủ nhà thứ hai chắp tay vái lia lịa, xin anh đi cho, kẻo địch kéo đến giết cả nhà. Anh ta uất quá bỏ đi, chỉ có một em bé gái trong đêm đi tìm anh, cho anh củ khoai nướng, thành kính hỏi về Việt Minh. Sáng hôm sau, khi anh chuẩn bị lần về quê làm ăn sinh sống thì cô bé đêm trước lại đến. Anh đuổi, nó không chịu đi. Đến ngã ba, quay lại nhìn, anh thấy ánh mắt đứa bé trìu mến vẫn dõi theo anh, chân anh vô tình vẫn bước về phía chiến khu, đầu gục rũ rượi như con gà trống vừa qua một cuộc đấu chọi gay go.

Một trong mấy sáng tác nói trên khi in trên tờ Thép Mới do Hoàng Trung Thông phụ trách đã bị một độc giả là nhà giáo gửi thư phê phán gay gắt. Sau này, khi in thành tập, Vũ Tú Nam nhận xét vẫn với một thái độ dè dặt : “ Trong truyện, cái lý của Bùi Hiển muốn khỏe nhưng cái tình của anh đôi lúc cứ trĩu xuống”.

Cái chất sống thực trong văn chương là cái giá trị tột cùng nhưng cũng vô cùng giản dị. Vậy mà thừa nhận, khẳng định nó mới khó làm sao?

Trở ra Chi hội Văn nghệ Liên khu Bốn, Bùi Hiển tiếp tục hoàn chỉnh "Đánh trận giặc lúa" và viết thêm truyện ngắn "Gặp gỡ". Thực ra, lúc bấy giờ tác giả bị cuốn vào cái không khí sáng tác sôi nổi của các bạn viết ( Chế Lan Viên viết "Kết nạp Đảng trên quê mẹ", Lưu Trọng Lư viết tiểu thuyết "Chiến khu Ba", Hoàng Trung Thông đang hì hục viết cho bằng được một truyện vừa về nông thôn... ) mà hăng lên, tác phẩm có cái chất khoẻ, sinh động, ấm hơi thở thực tế nhưng cả về bố cục lẫn xây dựng nhân vật thì chính Bùi Hiển sau này nhìn lại cũng tự thấy là “chưa được nhuần nhuyễn lắm”.

Món nợ với miền đất mà theo Bùi Hiển là để lại “ một ấn tượng đầm ấm xen lẫn hào hùng” ấy có lẽ đeo đẳng trong tâm trí của nhà văn. Bởi vậy, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa bùng nổ, Bùi Hiển liền có mặt trong các đoàn thâm nhập thực tế miền Trung. Ông đến với miền đất lửa, chia sẻ gian nan, vất vả cùng các đội thanh niên xung phong, các đơn vị bộ đội chiến đấu, các cơ sở sản xuất, trường học và cả sống chan hòa với những gia đình bình thường, những con người giản dị. Ông cố giấu mình, thầm lặng quan sát, không muốn mọi người biết mình là một nhà văn... 

Tìm kiếm những vẻ đẹp giản dị, sâu kín của con người có lẽ là hành trình không ngừng nghỉ ở Bùi Hiển từ thuở bắt đầu cầm bút cho mãi tới sau này. Đây có thể là lý do khiến ông, trong những năm chiến tranh kể cả ở những giai đoạn ác liệt nhất, về mặt cảm hứng, Bùi Hiển không mấy quan tâm tới việc cần phải diễn tả cái bối cảnh tàn khốc, nơi các ý thức hệ chạm trán nhau dữ dội, ông cũng không mặn mà lắm với những gì quá chói lóa ở con người trước những bước đi đầy mê hoặc của lịch sử mà chỉ chú trọng tới việc phát hiện cái chất thơ hồn nhiên của đời sống trong một bối cảnh phi thơ.

Và cứ thế, Bùi Hiển cho ra đời những truyện ngắn dẫu không gây những tiếng vang thật lớn trong dư luận thời bấy giờ nhưng in đậm cốt cách của riêng ông và giờ đây có thể gợi nhiều suy ngẫm về một lựa chọn, một bản lĩnh nghệ thuật của người cầm bút biết mình cần gì và phải làm gì ở thể loại truyện ngắn. Đó là chuyện về cô tự vệ Bích Hường can trường, dũng cảm nhưng bất ngờ tỏa sáng những giá trị nhân bản một cách thật hồn nhiên (Hai giọt nước mắt trong tiểu đội trưởng Bích Hường) là những nét đẹp giản dị, thầm kín ở các thế hệ con người Việt Nam mà chỉ trong một hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt nào đó mới lộ ra (Kỷ niệm về một đứa con đi xa), là sức vươn lên âm thầm mà mạnh mẽ của niềm khao khát sống trong một cô gái mù (Chiếc lá)…

Cái cốt cách riêng mà Bùi Hiển luôn giữ được khiến nó trở thành một bút lực, một bản sắc khó trộn lẫn trong suốt cả chặng đường dài sáng tạo dù ông viết không thật nhiều và hầu như chỉ thủy chung với thể loại truyện ngắn đó là luôn luôn cố gắng tái tạo cái chất sống thực của cuộc đời vào tác phẩm bằng sự lựa lọc kỹ càng, tỉ mỉ, thấu đáo và, vì cuộc đời vốn giản dị, tự nhiên có không ít những giọt nước mắt lẫn những nụ cười nên cần diễn đạt bằng cả chút tươi vui, hóm hỉnh nữa. Vì điều đó, ông sẵn sàng hy sinh tất cả những đam mê cách tân, đuổi theo cái lạ khác trong khi viết, mặc dù, với vốn căn bản tiếng Pháp, ông là người đã dịch các sáng tác hiện đại của văn chương Tây âu như: "Những truyện ngắn phương Đông" của Marguerite Youriénar, "Chuyện con mèo ú tim" của Marcel Aymé, "Bản di chúc Pháp" của Andrei Makine...Ông cũng đã từng chăm chỉ và nhẫn nại đọc các nhà văn thuộc phong trào tiểu thuyết mới như Nathalie Sarraute, Michel Butor, Alain Robbe Grillet...

Những năm gần đây, tuy đã cao tuổi, Bùi Hiển vẫn viết và hình như ngòi bút ông có những chuyển động? Đọc những truyện như "Cái bóng cọc", "Sai phạm cuối đời", "Chuyến xe thời gian"... thấy cái nhìn của tác giả vẫn giữ được tia ấm áp, nhuần nhị, hóm hỉnh như xưa nhưng cũng nhiều lúc trĩu xuống với những suy tư, trăn trở, cả những triết lí kín đáo, thâm trầm không dễ nhận ra.

Có phải cái chất sống thực mà ông luôn luôn đi tìm và gắng gỏi thể hiện ấy đã đến lúc kết thành lõi trầm?

Hà Nội 2005


Source: 
13-10-2020
Tags