BÀI HỌC QUÝ TỪ NGƯỜI THẦY ĐÃ KHUẤT

Tôi không đọc báo Nhân Dân hằng ngày, mà báo Sài Gòn Giải Phóng thì có khi không đăng các cáo phó và tin buồn ở Hà Nội, nên Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc (1910-1994) qua đời một thời gian sau, đọc báo Văn Nghệ có đăng tin, ảnh và bài viết của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, tôi mới biết. Niềm thương tiếc, xót xa xen nỗi ân hận, ngậm ngùi. Một hình bóng thân yêu của một bậc hiền nhân đã lặng lẽ đi vào vĩnh viễn. Trong muôn vàn tưởng niệm về người thầy đáng kính ấy, tôi ghi lại sau đây một bài học quý từ đạo đức, nhân cách của thầy đã từng khắc đậm nét trong cuộc đời tôi, trong mối nhân duyên thầy trò đã hơn 40 năm, cho đến ngày kẻ còn người khuất...

Năm 1950, trường Đại học Quốc gia Việt Nam chia làm hai: Đại học Tổng Hợp ở lại trung tâm thành phố, Đại học Sư phạm chuyển ra ngoại ô Cầu Giấy, cây số 8 đường Hà Nội - Sơn Tây. Ở đó, Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương chuyển từ khu học xá về, giải thể và hòa nhập vào Trường Đại học Sư Phạm. Tôi là giáo viên của trường này được chuyển thành cán bộ giảng dạy của Khoa Văn Sử do Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc, người thầy cũ của tôi, làm chủ nhiệm, dưới quyền của Giáo sư Phạm Huy Thông, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường.

Một buổi sáng, tôi đang ngồi soạn bài trong phòng riêng ở khu nhà tập thể thì thầy Ngọc bước vào. Nét mặt thầy hiền từ và trang trọng. Phòng chật, tôi ngồi ở bàn làm việc còn thầy ngồi ghé vào giường của tôi đặt cạnh bàn, đặt mũ và cặp xuống giường. Ngày ấy, tôi mới 28 tuổi và thầy ở vào tuổi của cha tôi và đang là Thủ trưởng mới của tôi. Thầy đến thăm tôi tận nhà để “vận động” tôi tham gia tổ Bộ môn Phương pháp giảng dạy văn học do Giáo sư và nhà thơ Vũ Đình Liên phụ trách. Tôi gọi là “vận động” vì ngày ấy Trường Đại học Sư phạm mới thành lập, các bộ môn về khoa học sư phạm còn rất mới, phần lớn cán bộ giảng dạy là các sinh viên tốt nghiệp ưu tứ được giữ lại trường, chưa mấy ai kinh qua giáo dục phổ thông hay giảng dạy trung học. Hơn nữa, tâm lý chung của các giảng viên trẻ là thích đi vào các bộ môn “khoa học cơ bản” mà họ cho là có triển vọng hơn, còn các môn “khoa học sư phạm” thì tuy cần thiết đấy song chẳng qua chỉ là thứ “khoa học nghiệp vụ” thôi, giá trị dù sao cũng thấp hơn một bậc. Cuộc “vận động” của thầy Ngọc đối với tôi không gặp mấy trở ngại. Tôi vui vẻ nhận lời. Vì yêu nghề dạy học, yêu khoa học sư phạm cũng có, song cũng có phần cảm động trước thái độ ân cần và lý lẽ thiết tha của thầy. Có lẽ từ cuộc trò chuyện đó mà suốt cả cuộc đời về sau, thầy trò chúng tôi tương đắc. Riêng tôi, đối với công việc giáo dục, ngoài tình cảm ra, có nhiều điều tìm tòi, suy nghĩ. Có cái gì như ngẫu nhiên mà lại như do số phận xếp đặt: Khi thầy Ngọc kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục thì tôi là cán bộ nghiên cứu của Viện, khi tôi trở về làm cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không lâu thì Bộ lại điều thầy trở về làm Hiệu trưởng Đại học Sư Phạm Hà Nội. Đó là những năm tháng gian lao, hào hùng của cuộc kháng chiến cứu nước không bao giờ quên. Sau 1975, tôi lại được đặt vào nhiệm vụ y như thầy trước kia: làm Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, rồi làm Phân Viện trưởng Phân Viện Khoa học Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh. Ở cương vị công tác của mình, rất nhiều lần trước các quyết định khó khăn trong công tác, tôi thường tự hỏi: trong trường hợp này, nếu là thầy Ngọc, thầy sẽ xử lý như thế nào đây? Và tôi đã xử lí công việc theo cái mẫu mà tôi tưởng tượng ra là thầy Ngọc sẽ xử lý như thế. Và thường thường thì tôi thấy đó là các cách giải quyết hợp lý, hợp tình nhất, thuận lợi cho công việc lẫn con người. Mỗi lần gặp thầy, tôi kể chuyện ấy cho thầy nghe, thầy chỉ cười hiền và khuyến khích tôi: “Cảm ơn anh, song anh giải quyết sáng hơn tôi!”.

Một trong những điều tôi học được ở thầy là thái độ khiêm cung, trọng thị đối với con người, đối với học trò, đối với cán bộ, nhân viên bất cứ ai dưới quyền mình. Như tôi đã kể bên trên, khi trao nhiệm vụ cho tôi, thầy không gọi tôi lên văn phòng, mà đích thân đến tận nơi tôi làm việc, ân cần giải thích, thuyết phục, vận động, trân trọng ủy thác công việc với tất cả niềm yêu thương, tin cậy xuất phát từ tấm lòng công minh, vô tư của thầy đối với công việc chung, công việc của Nhân dân, của Cách mạng mà thầy xem như công việc thiết thân của chính mình. Trước thái độ như vậy, bất cứ ai ai có thiện chí, có lương tâm không bao giờ từ chối nhiệm vụ của mình khi được ủy thác, dù nhiệm vụ khó khăn đến mấy. Tôi mường tượng như phong cách ấy của thầy Ngọc cũng là phong cách của Bác Hồ, của cả một lớp cán bộ cách mạng ưu tú thời mở nước. Ngoài công việc dạy học, có một thời kỳ tôi làm công tác lãnh đạo, quản lý nhà trường. Tôi nghiệm ra rằng: không lần nào tôi học theo cách làm việc của thầy Ngọc mà tôi không gặp thuận lợi và thành công. Bởi vì bản thân tôi, tôi đã được thuyết phục, động viên cũng bởi một phong cách làm việc đầy tinh thần nhân ái như thế.

Trong bao nhiêu bài học thầy để lại cho thế hệ sau, tôi muốn trân trọng khắc ghi một bài học trên đây, mong nó có ích cho nhiều người hôm nay và mai đây.

Những năm tôi phụ trách Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, thầy Nguyễn Lương Ngọc đã về hưu, sống thanh bạch ở căn gác nghèo phố Châu Long, Hà Nội. Lần nào ra công tác ở Thủ đô, tôi cũng ghé thăm thầy. Tôi có ghi lại một lần đến thăm thầy thành bài thơ sau đây:

Căn gác nghèo thanh bạch

Con ghé lại thăm thầy

Đôi ghế bành cũ rách

Hai thầy trò cầm tay:

 - Thầy dạo này hơi yếu. Con về Nam lâu ngày...

Nụ cười như lửa ấm

Nét hiền không đổi thay

Tuổi già xích gần lại

Cảnh nghèo không ai hay

Thầy trước làm Hiệu trưởng

Con giờ Hiệu trưởng đây

Biết rằng đời đạm bạc

Con cũng xin theo thầy...

Bài thơ này tôi tặng cho thầy năm 1982, năm ấy, ngành Giáo dục được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Con người ta không ai sống mãi trên đời. Song những bậc hiền nhân như Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc tuy qua đời mà tấm gương sáng, bài học hay về đạo làm người vẫn sống mãi trong lòng và trong đời các thế hệ kế tiếp nhau thực hiện một sự nghiệp mà càng về sau càng tốt đẹp hơn, cao cả và rộng lớn thêm mãi mãi...

1994

PGS.NGND Trần Thanh Đạm


Source: 
04-03-2022
Tags