Chân dung nhà giáo

Rặng núi cao dòng sông lớn.


18-07-2021
 

Về con đường khoa học của ông, chúng tôi, những kẻ hậu sinh, chỉ biết đứng nhìn chiêm ngưỡng. Có một lần, đọc bài của Mạc Ngôn viết về tiểu thuyết, khi nhà văn ví thể loại tiểu thuyết luôn mang trong mình một trường lực mạnh mẽ, một khí chất lớn lao, như rặng núi cao, dòng sông lớn, như đại bàng tung cánh, tỏa bóng mênh mông, tôi nghĩ, Trần Đình Sử cũng là người mang một khí lực về khoa học tương tự. Ở ông, có một nội lực khoa học thật mạnh mẽ, thật xứng với tầm của những “rặng núi cao, dòng sông lớn”, và ảnh hưởng của ông cũng thật “tỏa bóng mênh mông”.

Nội lực đó, không chỉ thể hiện ở chỗ ông đã viết được rất nhiều sách báo trong 30 năm qua, mà còn vì những vấn đề khoa học ông đưa ra, đều mới mẻ, hấp dẫn do đã được áp dụng thành công. Dù ông có thể tiếp thu lí thuyết nào đó ở nước ngoài, nhưng việc ông vận dụng vào các hiện tượng văn học Việt Nam và đã giải thích những hiện tượng đó với một cái nhìn mới, và những kết luận mới là không phải dễ. Đã có khối người đọc được lí thuyết và giới thiệu lí thuyết Tây Tàu gì đó, nhưng vận dụng thành công nào có mấy ai?

Ngay cả thi pháp học. Thực sự ông đã biến lí thuyết của vô số người thành một hệ thống của riêng ông, với những khái niệm và thao tác cụ thể, có thể gọi là thi pháp Trần Đình Sử. Và lí thuyết đó đã trở thành cơn sốt khoa học ở Việt Nam trong suốt hơn một thập kỉ, vào những năm 90 của thế kỉ trước. Điều này đã khẳng định vị trí của ông trong ngành ngữ văn học nước nhà.

Ở bộ môn Lí luận văn học, khoa Ngữ văn ĐHSPHN, mọi hy vọng làm được một cái gì lớn, mang tầm cỡ quốc gia, như tổ chức HNKH, làm sách, thẩm định nội dung luận án Tiến sĩ, đều phải nhờ tới ông. Tôi nhớ, có lần tôi nói với các nghiên cứu sinh ở bộ môn: Nếu đề cương luận án đã được thông qua các GS Bùi Văn Ba, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Nghĩa Trọng thì coi như luận án sẽ ổn. Vì đó là các bậc đại sư đó rất có kinh nghiệm chuyên ngành. Không ai có thể hơn được họ để có ý kiến này khác. Trong số đó, bao giờ ý kiến của GS Trần Đình Sử cũng mang tính chất quyết định. Tôi biết, có những luận án, không cứ ở chuyên ngành Lí luận văn học, nghiên cứu sinh loay hoay mãi mà chưa ra, có vẻ bế tắc, nhưng được Trần Đình Sử mách vài chữ là trở nên thông suốt.

Bất kể vấn đề gì, chúng tôi, những người đi sau, cần đến trong chuyên môn, ông đều có thể giải thích và nói chuyện hàng giờ liền. Khi tôi làm luận án tiến sĩ, ông đã bày tôi rất nhiều, tôi ghi chép được đến ba cuốn vở. Có những ý kiến sắc sảo đến kinh ngạc. Có lần, ở văn phòng, ông nói về một nội dung mà tôi cần làm trong luận án một cách nhiệt tình, sôi nổi, cặn kẽ. Đến nỗi, chị Phạm Thu Yến lúc đó cũng đang làm việc gì đó gần đấy, hết buổi, chị nói với tôi, sướng nhé, được thầy bày cho cặn kẽ đến như thế. Đấy cũng là hạnh phúc được làm học trò của những người uyên bác và nhiệt tình như ông.

 

 

Chính ông là người khơi nguồn cho những nghiên cứu từ thi pháp học tới tự sự học suốt hơn hai mươi năm qua, không chỉ ở Khoa Ngữ văn ĐHSPHN mà còn ở cả nước. Các bài viết của ông là những nguồn kiến thức cập nhật, gợi ý cho chúng tôi trong nhiều nội dung giảng dạy đại học. Thỉnh thoảng tôi nói đùa, thầy cứ viết sách để chúng em dạy, nếu không có sách của các thầy thì bọn em chịu chết, không có cái gì để dạy đâu. Bởi trong hàng núi sách đến tay chúng tôi, đọc được cho ra vấn đề và lấy nó vừa làm cơ sở lí thuyết, vừa làm phương pháp thao tác nghiên cứu thật khó lắm thay. May mà bộ môn có những người như ông.

Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, nội lực của ông còn rất mạnh để có thể tham gia “chiến đấu” không mệt mỏi trên những lĩnh vực khác, từ việc chủ biên các loại sách giáo khoa phổ thông với bao nhiêu eo sèo, hệ lụy phức tạp, đến những cuộc tranh luận về học thuật. Về giáo dục phổ thông, ông nổi tiếng đến mức tôi thấy người ta đã dùng lời của ông để nhận định về nền giáo dục bất cập của chúng ta không những trong những văn bản về giáo dục mà còn trong cả truyện ngắn (!).

Về tranh luận trên báo chí, tính xem, ông đã “chiến đấu” với bao nhiêu người: từ Lê Ngọc Trà, Đào Thái Tôn, Trần Mạnh Hảo, Phan Trọng Luận, Đỗ Lai Thúy… qua các cuộc tranh tranh luận, từ thời văn học và phản ánh, lấy dân làm gốc, tính mơ hồ đa nghĩa, đến cỗ xe ngựa phê bình, dạy văn trong nhà trường, rồi các loại người đọc…

Có những thời kì ông phải đương đầu với rất nhiều ý kiến trái chiều, như đi giữa những luồng đạn bắn chéo cánh sẻ. Có những kẻ giấu mặt. Có người chỉ tóm được vài chữ của ông là ra sức chê bai, thí dụ một “nhà phê bình” nào đó khẳng định khái niệm tính mơ hồ mà ông sử dụng là không chuẩn. Nhưng ông vẫn chiến đấu tới cùng: tranh luận, biện giải, phân tích... Thỉnh thoảng, chắc cũng cáu quá vì bị lắm người xoi mói, chỉ trích, ông cáu với chúng tôi: các cô các cậu chẳng bênh tôi gì cả! Nhưng chúng tôi vốn là người ít xuất hiện trên báo chí, vả chăng, nhận thức mình còn hẹp, nên chẳng tham gia được, mong ông thứ lỗi. Và ông lại loay hoay chiến đấu với dư luận một mình, hiên ngang như cây tùng trong gió bão vậy.

Ở ông có lẽ không có sự thỏa hiệp với những ý nghĩ khoa học mang vẻ làm điệu, hoa mỹ mà hời hợt, không có thực chất. Đó cũng là nguyên nhân để ông luôn phải “chiến đấu” không mệt mỏi. Nhưng, chính trong những cuộc tranh luận đó, ông lại càng nổi bật như một chuyên gia về lí luận văn học sắc sảo với sở kiến rộng mênh mông không ai lường trước được.

Tôi còn nhớ, hồi ông mới về khoa, quãng đầu những năm 80 của thế kỉ trước, trong một buổi HNKH ở khoa, khi ông trình bày về một vấn đề khoa học gì đó, GS Nguyễn Đăng Mạnh có nói với chúng tôi: Tương lai, Trần Đình Sử sẽ là một người rất giỏi, không ai bằng, bởi tay này giỏi cả Tây lẫn Tàu.

Thời gian đã chứng minh được điều đó.

✵ ✵ ✵ ✵ ✵

Nhưng bên cạnh con người khoa học, ông còn là con người của đời thường với rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi thường hay đem ra kể cho nhau nghe.

Trần Đình Sử - người không chịu ngồi yên. Ông lúc nào cũng tất bật vì công việc, hết việc nọ đến việc kia. Ông bị ốm, sỏi thận, vừa mới thấy ông vào bệnh viện đã thấy mổ luôn. Ông không thể chịu chờ nào là uống thuốc, nào là uống các loại lá lẩu gì đó cho hòn sỏi bé lại. Ông mổ luôn cho chóng khỏi. Vừa thấy ông nằm bẹp, mặt tái nhợt ở bệnh viện, tuần sau đã thấy ông đi dự một cuộc bảo vệ luận án ở đâu đó.

Trần Đình Sử - người rất hồn nhiên. Có lần đi chơi với tổ, tận Lạng Sơn vào ngày 23 Tết với lý do: đi mua đào núi về bày Tết. Cả tổ hăm hở đi. Hoa đào rừng chẳng thấy đâu, chỉ thấy dọc đường bày bán hoa nhà trông xấu tệ. Chợ Đông Kinh mênh mông hàng hóa. Hỏi thầy mua được gì, ông khoe mỗi cái máy tính bấm bằng tay bé như hộp diêm (!). Cách đây ít lâu, chúng tôi có rủ ông đi Chùa Hương. Rồi bẵng đến mấy tháng không đi. Ông hỏi: Thế không đi Chùa Hương nữa à? Chúng tôi lại tổ chức. Hôm đi, ông rất vui, chụp ảnh và hát suốt dọc đường. Cuối cùng ông mới thổ lộ: Chưa đi Chùa Hương lần nào!

Để giữ được tấm lòng hồn nhiên ấy, người phải có tâm hồn trong sáng lắm. Kể chuyện gì thì kể, nhưng chúng tôi, những học trò của ông, đều mong ông mãi mang trong mình khí chất khoa học mạnh mẽ và nụ cười hồn nhiên bất chấp thời gian như vậy!

Lê Lưu Oanh

Post by: admin
18-07-2021