Chân dung nhà giáo

GS. NGND Nguyễn Đình Chú - Một tâm hồn rất nhiều ánh lửa


14-07-2021

Trong một lần trò chuyện về những người Thầy của mình, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS. NGND) Nguyễn Đình Chú trăn trở, sắp sang tuổi 80, ông muốn tạ ơn và nghĩa của các Thầy nhưng một chữ viết ra, một lời nói về các Thầy nặng tựa Thái Sơn, ông không cho phép tự dễ dãi với chính bản thân mình. Cảm giác ấy cũng đến với tôi mỗi khi tôi nhớ về Thầy, một người Thầy luôn là biểu hiện thật đẹp của đức độ, trí tuệ, nhân cách và mãi mãi là một miền kí ức yêu thương vấn vương suốt cả đời tôi. 

Có phải thế chăng mà tôi không dám làm làm cái điều như nhiều người thường làm là viết về Thầy với đủ đầy những gì mình biết. Tôi chỉ muốn bộc bạch ra đây một và kỉ niệm nho nhỏ hằng nâng niu trong kho kí ức, đặng góp thêm một vài vật liệu đơn sơ nhưng nặng đầy ý nghĩa để cùng mọi người khắc tạc chân dung GS. NGND Nguyễn Đình Chú - Thầy Chú của tôi.

Từ bao năm nay, tôi thầm gọi Thầy là cha. Thầy là người cha thứ hai của tôi với đúng nghĩa của từ này, một người cha nghiêm mà thân, sâu sắc lẽ đời và ấm áp tình thương. Mỗi khi nghĩ đến Thầy, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về những năm học đại học rồi sau đại học ở lớp Văn 5C khóa 3 (1982- 1987), Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hình ảnh Thầy chủ nhiệm đề tài Hệ 5 năm đặc biệt, người trực tiếp giảng dạy cho lớp tôi phần văn học cận đại với các tác gia tiêu biểu như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu… và với riêng tôi là người hướng dẫn khoa học Luận văn tốt nghiệp đại học và Luận văn tốt nghiệp sau đại học. Dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tôi cảm xúc sướng vui rạo rực của chàng sinh viên năm thứ hai khi nhận được lại từ Thầy bài luận phân tích áng thơ Chợ Đồng của Nguyễn Khuyến với điểm 9/10 và lời phê “bài viết nhỏ xinh, dễ thương, ít nhiều bộc lộ năng lực văn chương”. Cũng mãi còn in dấu trong tôi giọng tâm tình nhỏ nhẹ và ánh mắt ấm áp của Thầy những buổi hai thầy trò ngồi trao đổi về công việc chung của lớp (tôi là lớp trưởng của lớp Văn 5C khóa 3) cũng như việc riêng giữa thầy hướng dẫn với sinh viên làm Luận văn tốt nghiệp. Tôi cũng làm sao quên được những ngày hè nóng bức của năm 1986 khi thầy trò chúng tôi cùng “đánh vật”- chữ dùng của Thầy - với luận văn tốt nghiệp đại học. Biết bao lần không phải do “cảo mực hơi may” mà “ngòi bút rít” mấy buổi liền không viết nổi một trang, tôi sợ không dám đến gặp thầy. Và thế là sau bao lần trò lảng tránh, thầy sang tận kí túc xá sinh viên tìm trò với lời nhắn đám bạn bè rằng anh Kha có làm luận văn tốt nghiệp nữa hay không thì nói với tôi một tiếng chứ đừng im ắng thế. Để rồi cuối cùng, trong buổi bảo vệ ở Hội đồng Khoa học chuyên ngành, luận văn của tôi được điểm 10 với đánh giá “tương đối xuất sắc” của Hội đồng và dòng nhận xét như một lời tâm sự của Thầy hướng dẫn: Tôi trân trọng và đánh giá cao Luận văn này.

Nhưng kỉ niệm ấm áp nhất mà dù đi đâu ở đâu, dù đang ngập tràn hạnh phúc hay đầy ắp âu lo, dù đang vui vầy bè bạn hay một mình trầm lắng suy tư tôi cũng không thể nào nguôi ngoai lại có cội nguồn ngoài công việc và văn chương. Ấy là tấm áo trấn thủ mà Thầy mang từ căn hộ ở Đồng Xa cho tôi mượn ngay sau giờ giảng bài trong một ngày đầu đông 1984, khi thấy tôi co ro trong bộ áo cánh mỏng vì chưa kịp về quê lấy quần áo ấm trước khi gió rét tràn về. Ấy là ruột tượng gạo bông thầy cô cho tôi vay để tạm dùng trong những ngày bố mẹ chưa gửi gạo từ quê ra (năm thứ 5, vì tôi là bộ đội xuất ngũ chuyển ngành về học nên thuộc diện cán bộ đi học, có tiêu chuẩn tem phiếu; tôi lại là thành viên Hội đồng sinh viên của Khoa Ngữ văn và của Trường nên được ở phòng xép cạnh cầu thang khu nhà A7 của sinh viên và được phép nấu ăn riêng). Cử chỉ thật dung dị của Thầy không những thêm cho tôi lời nhắc nhủ để gắng làm một con người sẵn sàng yêu thương, chia sẻ mà còn có ý nghĩa như một bàn tay nồng ấm dẫn tôi đến với đạo làm thầy để vững bước trên con đường sự nghiệp của một giáo viên dạy văn, dạy cho người biết làm người một cách hoàn toàn hơn.

Hơn cả những điều đã nói, GS.NGND Nguyễn Đình Chú trong tôi luôn là hình ảnh đích thực của người Thầy, một người Thầy mang đủ đầy, trọn vẹn ý nghĩa của mấy chữ “giáo diệc lạc hồ”. Với Thầy tôi, dạy học nhất là dạy học văn chương quả đúng là một niềm vui; với thế hệ chúng tôi và có lẽ cũng là với bao lứa sinh viên Văn khoa Sư phạm được thụ giáo Thầy và những người Thầy khác cùng thế hệ như Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Giáo sư Nguyễn Hải Hà, Giáo sư Đặng Thanh Lê, Giáo sư Đặng Anh Đào, Giáo sư Phùng Văn Tửu, Giáo sư Đỗ Hữu Châu, Giáo sư Nguyễn Hoành Khung… quả là “một may mắn lớn”. Tôi lại muốn mượn của Thầy mấy lời tri ân nhà triết học Trần Đức Thảo để nói về niềm vui sướng của riêng tôi khi được các Thầy dắt dìu, dạy dỗ, cung cấp cho những kiến thức thật là cơ bản trong cái bể học mênh mông của dân tộc và nhân loại. Lũ sinh viên lớp Văn 5C khóa 3 chúng tôi có những giây phút ngất ngây cùng áng thơ Đường trong những giờ giảng say mê như lên đồng của thầy Phi, thầy chủ nhiệm lớp 4 năm liền. Chúng tôi như được bay lên cùng đôi cánh lãng mạn cuồng phóng trong niềm vui náo nức được trở về quê hương, về với nhân gian yêu dấu của Lí Bạch trong Tảo phát bạch đế thành để rồi có lúc chia sẻ cùng trích tiên nỗi niềm cô đơn nơi cõi thế trong Nguyệt hạ độc chước với ảnh hình cử bôi yêu minh nguyệt. Và vừa mới đó, đang còn mê đắm ngắm nhìn họa phẩm tuyệt vời của Thánh thơ Đỗ Phủ trong Tuyệt cú thì đã quặn thắt yêu thương cùng trái tim lớn rớm máu đau thương và khát vọng vị tha vời vợi Ước có nhà vạn gian, che cho dân rét mừng trong tâm khảm nhà thơ của dân đen trong “Mao ốc vi thu phong sở phá ca” để rồi thắc thỏm nỗi niềm cảm thông, lo lắng cho người đến quên mình của thi nhân muôn đời trong “Hựu trình Ngô lang”. Và còn bao nhiêu niềm vinh hạnh khác khi chúng tôi được nghe những lời giảng khúc chiết, rành rọt mà hóm hỉnh của thấy Phùng Văn Tửu, tiếp xúc với những giờ giảng văn như buổi diễn thuyết hùng hồn, sôi nổi mà sâu lắng chất văn chương của thầy Nguyễn Hải Hà; đằm sâu với phong thái giảng dạy lãng mạn mang vẻ ngoài trầm mặc mà như giấu lửa ở bên trong của Thầy Nguyễn Hoành Khung… Không thể nào kể xiết hứng thú văn chương được khơi gợi để mãi dạt dào tuôn chảy trong tâm hồn chúng tôi từ những giờ dạy mê say của những thầy cô khác nữa, những chuyên gia đầu ngành của nghiên cứu và giảng dạy văn học ở Việt Nam như thầy Mạnh, cô Lê, cô Đào, thầy Châu…

Nhưng có lẽ đối với riêng tôi, ấn tượng sâu đậm nhất về những giờ giảng mang đến niềm hứng khởi văn chương mãi còn tươi nguyên trong tâm trí lại gần như hình thành đủ đầy, trọn vẹn từ những bài giảng lấp lánh ánh sáng của triết học, triết luận nhân sinh của Thầy tôi - GS.NGND Nguyễn Đình Chú. Buổi đầu nghe Thầy giảng bài, lòng yêu của chúng tôi có phần nghiêng về phong thái đĩnh đạc, hiền từ vừa nghiêm trang mô phạm lại vừa ân cần nhân hậu của thầy. Chúng tôi cũng có chung cảm giác rằng, lời giảng của Thầy không chau chuốt, kỹ năng diễn giảng không thật diệu nghệ, không ngay lập tức lôi cuốn người nghe. Nhưng không hiểu sao các giờ giảng như thế của Thầy vẫn có một thứ ma lực làm say mê toàn thể chúng tôi. Giảng cho chúng tôi về Nguyễn Khuyến, người ẩn sĩ nơi vườn Bùi chốn cũ Thầy chỉ cho chúng tôi thấy rằng sự cộng hưởng giữa tri thức uyên bác, khí tiết thẳng ngay, tâm hồn thanh cao và nỗi đau khôn nguôi xuất phát từ nhận thức về tình trạng tang thương của đất nước, về sự bất lực của bản thân trước thời cuộc đã làm thành phong cách trữ tình đằm thắm, trào phúng thâm thúy mang đến những đóng góp riêng của Tam Nguyên Yên Đổ cho văn học nước nhà trong tư cách một nhà thơ yêu nước lớn, thi sĩ của quê hương làng cảnh Việt Nam. Chúng tôi đã đọc đã nghe nhiều nhưng có lẽ chỉ nhờ Thầy mới hiểu rõ bi kịch tâm hồn Nguyễn Khuyến và hiệu năng lớn lao của bi kịch chủ thể trữ tình đối với sáng tạo nghệ thuật. Cùng một cách thức khơi mở như thế, Thầy làm cho chúng tôi như bị hút hồn vào tiếng gầm sôi sục của văn chương Phan Bội Châu để rồi hiểu rõ những cách tân cơ bản về nội dung tư tưởng trong cái vỏ hình thức gần như đã cũ mòn của văn chương trung đại và điều quan trọng hơn là tường minh ra được sức hấp dẫn đặc biệt của những dòng thơ, dòng văn viết bằng huyết lệ của người anh hùng ái quốc trên bước đường trường chinh văn dặm xả thân vì xã tắc sơn hà. Nhờ Thầy, Chúng tôi có thêm lý do chính đáng để thêm yêu thêm kính văn chương vị nghĩa của Sào Nam tiên sinh của những nghệ sĩ đồng thời, đồng chí với ông, những con người coi “ba tấc lưỡi mà gươm mà súng… một ngòi lông mà trống mà chiêng…” để cùng nhau phá cường quyền, xây nền dân chủ, đòi độc lập, tự cho dân nước. Với văn chương của Nguyễn Đình Chiểu lại càng như thế. Khi còn học phổ thông, phần lớn chúng tôi không mấy mặn mà với thơ văn Đồ Chiểu ngoại trừ niềm xúc động thật sự với những lời gan ruột đang thay lời non nước khóc thương những người con yêu của nước non bỏ mình vì nghĩa nước. Vậy mà, khi nghe thầy say sưa giảng giải, say sưa cắt nghĩa một cách hùng hồn rằng văn thơ Nguyễn Đình Chiểu không có cái đẹp của trăng thanh gió mát mà là vẻ đẹp của bông lúa chín mảy vàng, chúng tôi bỗng nhận ra bao nhiêu vẻ đẹp khuất lấp bên trong cái vỏ ngôn từ thô mộc của từng câu văn, lời thơ do nhà thơ mù yêu nước tạo tác, sinh thành. Nói cho thật công bằng, Thầy không chỉ truyền niềm mê say thơ văn Đồ Chiểu cho chúng mà còn cấp cho chúng tôi góc nhìn riêng để soi ngắm và chiêm ngưỡng, khám phá và say mê những vẻ đẹp lấp lánh của vì sao có ánh sáng khác thường trên bầu trời văn nghệ dân tộc. Và từ tất cả những gì Thầy mang đến trong bài giảng, chúng tôi biết cách yêu đến mê say cái hay cái đẹp trong văn chương của những hồn văn cao cả như ý tứ của cổ nhân: văn chương của những bậc lấy việc hành đạo cứu đời làm mục đích tất phải phong phú đẹp đẽ như chính cuộc đời; đó không phải là cái đẹp của bồn hoa chậu cảnh mà là vẻ đẹp bát ngát của đồng xanh ngàn mẫu biển bạc muôn trùng.

✵ ✵ ✵ ✵ ✵

Trò chuyện với chúng tôi và với nhiều người khác nữa, GS.NGND Nguyễn Đình Chú bao giờ cũng tự hào về những tháng ngày được làm trợ giảng của nhà triết học Trần Đức Thảo tại trường ĐHSP Văn khoa năm 1957. Thầy cũng tỏ bày sự tiếc nuối vì không được theo chân nối gót Thầy Thảo trên con đường nghiên cứu triết học và bộc bạch không ngờ mình lại có được danh vọng cùng với học hàm, học hiệu như ngày hôm nay để rồi khẳng định rằng, thành công này một phần là nhờ bản thân không ngừng tự phấn đấu nhưng quan trọng hơn cả là chịu ơn dạy dỗ, chỉ đường dẫn lối của các Thầy, những con người tiêu biểu cho văn hóa dân tộc mà cũng có phần cấu thành của chung nhân loại. Tôi muốn nối điêu những lời đẹp đẽ ấy để nói lên một điều đặc biệt quan trọng với bản thân về người Thầy của mình - GS.NGND Nguyễn Đình Chú: một tâm hồn rất nhiều ánh lửa. Lửa tâm hồn ấy sáng soi mỗi hành vi từ việc giảng bài trên lớp, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên, nghiên cứu sinh đến viết bài cho báo chí và cả những khi chuyện trò trao đổi về văn chương, về cuộc đời. Và có lẽ chính ánh lửa tâm hồn luôn lấp lánh ấy khiến Thầy trẻ hơn tuổi tác rất nhiều khi đã bước qua bát tuần khánh thọ. Đấy là cảm nhận của riêng tôi mỗi khi vân vi nghĩ về Thầy hay đấy là sự thật mà mọi người biết thầy, yêu Thầy đều cảm thấy.

 Hà Nội, những ngày hè đổ lửa 2010.

Nguyễn Duy Kha

 

Post by: admin
14-07-2021