Chân dung nhà giáo

GIÁO SƯ NGUYỄN KHẮC PHI


14-07-2021

 

Lớp tôi là một trong những lớp SV hệ 5 năm đặc biệt của khoa văn đại học sư phạm I. Hồi đó, khoa văn thực hiện đề tài thí điểm hệ 5 năm đặc biệt (sau 5 năm, SV học hệ đặc biệt sẽ cùng nhận bằng tốt nghiệp Đại học và Sau đại học). GS. NGND Nguyễn Đình Chú – chủ nhiệm đề tài cùng các thầy cô trong khoa lúc đó đã cùng kỳ vọng và dành cho 3 lớp SV hệ đặc biệt này nhiều thuận lợi, quan tâm (sau này khoa văn có tuyển thêm hai lớp đặc biệt nữa). Chúng tôi vinh dự được học với những GS đầu ngành, những người thầy ưu tú, xuất sắc nhất. Đó là GS. Đỗ Hữu Châu, GS. Nguyễn Đình Chú, GS. Nguyễn Hải Hà, GS. Nguyễn Khắc Phi, GS. Phan Trọng Luận, GS. Nguyễn Đăng Mạnh, GS. Trần Đình Sử, GS. Nguyễn Hoành Khung, GS. Đặng Thanh Lê... Và chẳng cứ gì các lớp 5 năm, tất cả SV khoa văn chúng tôi đều được hưởng tất cả những gì thân thương ấm áp nhất từ các thầy. Để bây giờ, dù đi bất cứ nơi nào, nếu có gặp nhau, lại òa vỡ vui mừng và hãnh diện “khoa văn mình...”.

 

Thành thật mà nói, thì bên cạnh niềm tự hào, kiêu hãnh vì được là SV hệ đặc biệt, lớp chúng tôi cũng có chút “ấm ức”, ghen tỵ với hai lớp văn 5 đi trước, vì hầu hết các anh chị ấy đều được giữ lại trường, được ưu ái hơn lớp “con út” chúng tôi. Tốt nghiệp, chúng tôi hầu hết ai ở tỉnh nào thì về... tỉnh ấy, và tất nhiên, mang cả những “ấm ức” ấy đi cùng! Những năm mới ra trường, 10 thành viên của lớp, không ít thì nhiều, cũng đều nếm trải những long đong, vất vả. Một số ít ở lại Hà Nội, còn lại đứa dạy ở Nam Định, người về Phú Thọ, Bắc Giang, và trôi dạt vào tuốt phương Nam nắng gió, là tôi! Bây giờ nghĩ lại, bỗng thấy rưng rưng, cay xè khóe mắt, bởi trong những vất vả, long đong ấy của từng đứa, luôn có bên cạnh thầy chủ nhiệm của chúng tôi. Thời ấy, gian khổ khó khăn, thầy đạp xe mấy chục cây số về Bắc Giang dự đám cưới học trò của mình – anh lớp trưởng Nguyễn Duy Kha, rồi tất tả đạp xe cũng mấy chục cây số về động viên, thăm hỏi một đứa học trò khác – Nguyễn Thị Nương ở Hà Tây... Những năm đầu vào sống tại TP. HCM, tôi ít có dịp được gặp thầy, thầm ghen tỵ với lũ bạn ở ngoài Bắc và thực ra vẫn còn giữ một chút hờn dỗi trẻ con vì thời SV, tôi vốn không phải là đứa được thầy dành cho nhiều chú ý. Sau này, biết thầy thỉnh thoảng đi công tác ở Sài Gòn, tôi thường cố liên lạc, mong gặp thầy. Có lần, tôi mời được thầy đến nhà chơi và đã nhờ anh Vũ Trọng Thanh (cũng học lớp văn 5 hệ đặc biệt, trên tôi một khóa, lúc ấy là Phó tổng biên tập tạp chí Thế Giới Mới) đi đón thầy, phần vì sợ thầy vất vả, phần vì lo thầy không tìm được nhà mình giữa “mê hồn trận” những con hẻm ngoằn nghoèo, sâu hun hút của quận 4. Anh Vũ Trọng Thanh chưa kịp đón thầy, còn tôi và người bạn cùng lớp (TS. Nguyễn Thị Hồng Vân – mới từ Hà Nội vào công tác) vừa dừng xe, đã thấy thầy đứng trước cửa nhà mình. Hóa ra, thầy đi xe ôm đến, và rất nhanh chóng tìm đến đúng nhà tôi. Thầy chủ nhiệm của chúng tôi đấy, vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, giản dị như thế, sau chừng ấy năm!

 

Những ngày cuối tháng 10 này, tiết trời thành phố Hồ Chí Minh trở lạnh, như có gió heo may, gợi nhắc bao nhiêu kỷ niệm của những đứa con xa xứ. Tôi bỗng nhớ một chiều heo may như thế, cả lớp văn 5 chúng tôi, đến chúc mừng thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với bó cúc đại đóa vàng rực trên tay, và thầy chủ nhiệm của chúng tôi – GS. Nguyễn Khắc Phi xuất hiện cùng nụ cười rạng rỡ và ấm áp...!

 

Bây giờ, khi đã ở cái tuổi “ tri thiên mệnh” theo thước đo tuổi tác của người xưa, tôi vẫn còn vẹn nguyên cái cảm giác vừa sung sướng, vừa dào dạt nghĩa mỗi khi nhớ đến kỷ niệm mà người Thầy yêu quý đã khắc ghi vào một trong những trang đẹp nhất của đời tôi. Gần ba mươi năm qua, mỗi năm đến ngày trang trọng này của đời mình, vợ chồng tôi lại lần giở những kỉ vật năm xưa, cùng các con, các cháu bồi hồi ôn lại kí ức đẹp đẽ không thể phai nhòa qua năm tháng.

 

Hôm ấy là ngày cưới của chúng tôi, ngày Rằm tháng Sáu năm Bính Dần tức ngày 21 tháng 7 năm 1986. Năm đó, tôi vừa tuổi 26, nhưng ở làng quê khá cổ xưa của tỉnh Bắc Ninh như quê tôi bấy giờ, nhiều bạn nam nữ cùng lứa, cùng lớp phổ thông đã có con vào học cấp 2 (“lấy chàng từ thuở mười ba, đến năm mười tám thiếp đà năm con” mà). Vả lại bà nội tôi đã ngoài 80 đang mong chờ bế chắt nội. Vả lại, tôi là con trai cả trong nhà. Vả lại, người thôn nữ tôi thương đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm, về quê dạy Cấp 1 trường làng, bao chàng trai lại qua nhòm nhỏ mà các cụ dạy rồi cưới vợ phải cưới liền tay...vv và vv... Bấy nhiêu điều hợp lại đủ là lý do chính đáng dẫn đến một trong ba việc quan trọng nhất đời người đàn ông của tôi là cưới vợ sau khi đã tốt nghiệp đại học (tháng 6 năm 1986). Tuy tôi còn phải học tiếp năm thứ 5 ngay sau đó để hoàn tất chương trình Sau đại học theo Đề án thí điểm hệ 5 năm đặc biệt nhưng việc thành gia thất của tôi lúc bấy giờ cũng được các Thầy Cô tán đồng như lời của cố Giáo sư Đỗ Hữu Châu, Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn lúc bấy giờ: đại đăng khoa rồi thì tiểu đăng khoa cũng là thuận lý. Vượt qua cái cảm giác xấu hổ của anh học trò có vợ, tôi đánh bạo mời các Thầy Cô về quê dự đám cưới. Mời mà không dám nghĩ các Thầy Cô sẽ về vì xa xôi, trắc trở trăm bề, ngoài chuyến xe buýt người nêm như cối trôi trên con đường gập ghềnh bụi đỏ chỉ còn duy nhất là xe đạp mà tuổi tôi lúc bấy giờ mỗi lần bò được đến nhà là mặt méo, chân cong. Đã thế, hôm trước ngày cưới chúng tôi, tin bão gần lại được loan dồn dập trên đài. Đón các bạn cùng lớp cùng lứa về từ chiều hôm dựng rạp, lũ chúng tôi bảo nhau thế này thì chẳng mong đợi được đâu dù Thầy chủ nhiệm lớp khẳng định là thế nào cũng tới. Vậy mà, như là một giấc mơ. Thầy tươi cười hiện ra giữa hội hôn, trong tiếng reo mừng của đám học trò rồi hòa ngay vào không khí dân dã, quê mùa của làng thôn. Thế rồi, trong sự ngưỡng mộ của tất cả mọi người, Thầy làm chủ hôn cho Lễ cưới của chúng tôi; Thầy giới thiệu quan viên hai họ, điều khiển các nghi lễ thành hôn thuần thục như một người đã từng sống ở thôn làng xứ Kinh Bắc quê tôi từ lâu lắm. Vui nhất là khi thầy cầm cây ghita hát tặng cô dâu, chú rể bài hát tiếng Nga đầy chất trữ tình mà Thầy đã học trực tiếp từ người Nga trong thời gian thầy đi thực tập ở Liên Xô 3 năm trước đó.

 

Ngày cưới có thầy dự mà lại làm chủ hôn, tôi cảm động và sung sướng vô cùng. Nhưng có lẽ điều vợ chồng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là món quà cưới và lời chúc phúc nhận được từ Thầy. Thầy tặng vợ chồng tôi một bộ đồ sơ sinh bé gái, một bộ đồ sơ sinh bé trai có đủ cả từ giày tất đến quần áo và khăn mũ; riêng tặng vợ tôi chiếc khăn voan hiệu Bombay với lời chúc mãi là người vợ thảo hiền, dịu dàng đảm đang; riêng tặng tôi bộ đồ cạo râu made in USSR và bảo rằng để anh chồng luôn sửa mình cho tử tế. Trên một trang giấy sổ tay giờ đây đã ố vàng vì năm tháng, Thầy ghi tặng đôi vợ chồng mới một bài thơ mà chúng tôi thuộc làm lòng:

Đẹp thay tên Phương Thanh Phương là Thơm, Thanh: Xanh Chúc em xuân xanh mãi Tỏa hương thơm trong lành. *
Duy Kha “chỉ là anh”
Của em yêu Phương Thanh Nhưng cũng là anh lớn Của bao em học sinh!
*
Chúc mối tình Kha – Thanh Xanh tươi bền chặt mãi Như hoa lá ngày xuân Như cây đời vững chãi!
*
Chúc hạnh phúc Thanh – Kha Như biển trời bát ngát Mãi bay bổng ngân nga Như vần thơ điệu hát...

Bài thơ ứng tác theo kiểu thơ tặng, ngôn từ mộc mạc, giản dị mà sao với chúng tôi ý vị thật sâu xa, thấm thía. Chúng tôi mang theo suốt cuộc đời mình lời chúc phúc tốt đẹp nhất nhận được từ Thầy trong cái ngày thiêng liêng ấy và đã gắng sống xứng với những điều Thầy gửi gắm trong mỗi lời, mỗi chữ.

 

Sau lễ cưới của chúng tôi, thầy nghỉ lại quê tôi một buổi tối để trò chuyện về văn chương chữ nghĩa với ông thân sinh tôi, một người từng được mệnh danh là học giả nông dân. Từ buồng cưới, tôi nghe thấy hai cụ trò chuyện gần như suốt đêm và thỉnh thoảng lại thấy Thầy cất lên tràng cười sảng khoái vì phát hiện ra điều gì thú vị trong câu chuyện. Đêm Tân hôn của chúng tôi vì thế mà đầy ắp tiếng cười vui của người Thầy yêu quý.

Đúng là chuyện này là của riêng tôi. Nhưng tôi cứ muốn kể thật nhiều để nói lên một điều hệ trọng trong xiết bao hạnh phúc mà cuộc đời đã ân ưu dành tặng: được làm học trò của thầy Nguyễn Khắc Phi, một người thầy luôn luôn lan tỏa bầu khát vọng trữ tình cháy bỏng nơi tâm hồn. Tôi lại cứ muốn mượn lời chúc phúc của Thầy để mãi “khoe” với mọi người về Thầy tôi, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi:

“Như biển trời bát ngát

Mãi bay bổng ngân nga Như vần thơ điệu hát...”.

Có thân hình mảnh khảnh, nhưng thầy Phi lại là người giàu sức sống, ham thể thao và rất văn nghệ. Thầy chơi bóng bàn chả chịu nhường đám trẻ. Thầy hát cả nhạc Ta, nhạc Tàu, nhạc Tây và cả nhạc trẻ nữa.
Có lần, thầy đã thách chúng tôi hát đọ nhạc Trịnh với thầy. Mà thầy toàn chơi bài độc cả. Ví như, về Hà Nội, chúng tôi hát “Nhớ mùa thu Hà Nội”, thầy hát “Đoản khúc thu Hà Nội” bài rất ít người hát, chúng tôi hát “Hoa xuân ca”, thì thầy thích chơi “Đóa hoa vô thường” khó ơi là khó. Lần nào chiến thắng được bọn trẻ, thầy cũng có cái khoái thú rất hồn nhiên. Tôi thì rất thích cái khả năng nắm bắt những tình huống trữ tình cũng như trào phúng của cuộc đời, sau đó sáng tác thành thơ phú, câu đối để tặng nhau, để giễu nhau nữa, rất nhanh ở thầy. Khả năng này xuất phát từ chuyên môn, nhưng cũng xuất phát từ một hồn trẻ đầy tính văn nghệ của thầy. Kể cả khi còn ở khoa hay sau này ra ngoài Bộ, làm Tổng biên tập nhà xuất bản Giáo dục, tham gia Hội đồng Ngữ Văn, rồi làm tổng chủ biên sách giáo khoa, bận tối mắt tối mũi, mà thầy vẫn giữ được phong cách sống rất văn nghệ này. Có những bài thầy làm xuất thần. Nhớ hồi các cụ được suất đi Liên Xô (cũ) để trao đổi khoa học gì đó. Mọi người mới lao vào học tiếng Nga. Trưởng nhóm là cụ Bùi Văn Ba. Sau khi đi về, thầy Phi đã kể chuyện xướng hoạ thơ và đọc ngay bài của thầy giễu bạn rất hóm cho tôi nghe: Toán trưởng Bùi Văn Ba / Tấp tểnh học tiếng Nga /Đếch phải vì khoa học /Chỉ vì... Natasa. Viết về bạn như thế thì tài thật, quái thật, trẻ nữa. Vì thế thầy rất hoà đồng với đám sinh viên có máu văn nghệ. Đám kiêu binh hồi ấy bày ra đủ trò nghịch ngợm tinh quái. Người ta vẫn nói “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”. Nhưng quỉ ma có thấy bao giờ, nên nhất học trò thôi. Ngoài chuyện học hành nghiên cứu, chúng tôi chơi cũng dữ, tập tọng viết lách, rồi làm hịch, làm cáo. Những buổi “nửa đêm truyền hịch”, “rạng ngày bố cáo” cứ ầm ĩ đèn đuốc, náo loạn xô chậu dài dài trong kí túc A7. Bấy giờ đọc cáo hịch trở thành một hiện tượng trong đời sống kí túc xá sư phạm. Sinh viên cả trường đều khoái và thắc thỏm chờ đợi, vì hiếu kì cả vì ganh tị nữa. Ngại ầm ĩ, cũng có cán bộ không thích, muốn dẹp. Có cuộc đã bị dẹp khá thô bạo. Nhưng thầy Phi bao giờ cũng thuộc về phái “lờ” đi để đám sinh viên được dễ thở một chút. Có nhiều bài hịch bài cáo hay đáo để, bao khoá sau hãy còn truyền tụng, như “Cáo cử nhân đăng trường ứng thí”, “Cáo tú tài tựu trường”, “Hịch sống vệ sinh”... Cái sinh hoạt hịch cáo rất sinh viên này về sau thất truyền kể cũng tiếc. Hình như, thầy nào trò ấy, chúng tôi làm cả vè dựng chân dung các thầy nữa. Tếu táo, nghịch ngợm phát khiếp lên được. Bài vè ấy, có thầy biết thầy không. Nhưng nó đã được “bí mật lưu hành” trong khoá tôi hồi ấy. Sau này, khi đã ở lại khoa, tôi đã đọc cho một vài vị nghe. Có vị nghe xong không thấy nhắc gì đến mình thì nhẹ cả người. Có vị rất khoái chí vì chúng nó dành cho mình câu rất hóm, có vị nghe nhắc mình ở một câu không nhẹ lắm thì cáu: “bọn này láo thật”. Lại có vị, nghe mãi không thấy mình được nhắc trong bài vè cũng buồn. Thì ra, được đi vào bài vè của đám nhất quỉ nhì ma cũng tức là đã đi vào lòng chúng nó. Biết đâu, nhờ thế mà có người bất tử cũng nên. Tôi vẫn còn nhớ lõm bõm mấy đoạn

- Vừa dạy vừa hát: Là thầy Thế Cường
- Vừa dạy vừa “lườm”: Là thầy Trường Phát - Vừa dạy vừa quát: Là thầy Hoàng Dung

Chẳng biết thầy Phi đã được đứa nào trong khoá ấy đọc cho nghe bao giờ chưa. Còn tôi, thì chưa lần nào. Thực ra, ông là người rất dân chủ, ưu chuyện tếu táo, sẵn sàng tán gẫu ngang ngửa với học trò. Nghe bài vè, hẳn phải thú vị lắm. Bởi thầy sẽ thấy cái máu văn nghệ hài hóm đó là của các sư phụ như thầy truyền lại cho đám học trò chứ đâu. Vả lại, chân dung thầy cũng là những nét... đâu có tệ:
- Vừa dạy vừa kể: Thầy Nguyễn Hoàng Tuyên - Vừa dạy vừa khuyên: Thầy Nguyễn Đình Chú - Vừa dạy vừa dỗ: Là thầy Thái Bình
- Vừa dạy vừa rình: Thầy Dư họ Phạm
- Cười nhiều hơn giảng: thầy Dư họ Hoàng
- Chữ nghĩa ung oang: Thầy Nguyễn Văn Tiến - Miệng loe mắt liếng: Cô Thái Thu Lan
- Người bé tiếng vang: Cô Trịnh Thu Tiết
- Tụng ca Xô Viết: Thầy Nguyễn Hải Hà
- Giờ giấc nhất khoa: Thầy Phùng Văn Tửu
- Buồn thiu buồn thỉu: Thầy Đoàn Trọng Huy - Cực đoan ai bì: Thầy Nguyễn Đăng Mạnh

- Nói tướng nói thánh: Thầy Trần Thanh Xuân - Duyên ngẩm duyên ngầm: Thầy Trần Hữu Tá - Chân nho túc nhã: Thầy Nguyễn Khắc Phi...

 

Vâng, thầy Phi, thầy Khung và thầy Long vẫn được sinh viên các lứa bầu là những nhân vật có dáng nho nhã nhất khoa. Nhận xét này đã từng gây tranh cãi trong đám bạn bè vẫn tự coi là sành sỏi hồi ấy. Tôi nhất quyết, chữ nho nhã không nói được hết thầy Phi. Với thầy Phi, chữ nho nhã phải thêm chữ “dân dã”. Đám phản đối cho rằng, tôi chơi chữ, tôi thích tân kì. Nhưng chúng đâu hiểu được đó vừa là quan niệm của tôi về cái đẹp và cũng là những thực tế tôi biết về thầy Phi. Trong tâm trí tôi hồi ấy ông luôn hiện ra trong dáng còm còm mảnh mảnh trên chiếc phượng hoàng nữ với chiếc mũ lá khá rộng vành (hồi ấy khoa văn đội mũ lá hơi bị nhiều thì phải ?) kẽo kẹt đạp đi khắp nơi cùng với đám học trò. Cái tâm dành cho học trò của thầy thế, chẳng chân thành và dân dã là gì. Tôi nghĩ bất cứ sinh viên nào cũng ao ước có một thầy chủ nhiệm như thầy Phi. Nhiều đứa lớp trước đã từng ghen tị với tụi lớp sau khi được biết chuyện ông đã một mình nắng nôi đạp xe lên tận cầu Mai Lĩnh Hà Tây để thăm gia đình và động viên cái Nương, khi con bé vốn có năng lực đó gặp tai bay vạ gió trong cuộc thi tốt nghiệp cử nhân bốn năm và tiếp tục giữ lại lớp đặc biệt năm năm. Giờ Nguyễn Thị Nương đã thành một tiến sĩ và vừa mới được nhận về khoa Văn. Rồi chuyện thầy đạp xe lên tận Thuận Thành Hà Bắc để dự đám cưới tay Kha. Hôm ấy, trời mưa giông còn bay cả phông màn đám cưới. Nay thì Nguyễn Duy Kha cũng đã thành một trưởng phòng khảo thí của Cục Khảo Thí. Rồi ngày khai trương Trung tâm luyện viết chữ đẹp của Mai Thị Đông trên phố Trúc Khê nữa, dù rất bận thầy vẫn sắp xếp để có mặt cổ vũ. Đông chả phải học trò lớp thầy chủ nhiệm đã đành, mà nay cũng đâu phải là người công tác gần gũi, hoàn toàn chỉ là tình thầy nghĩa trò vun xới từ những năm xưa. Nhiệt tình như vậy ở một thầy giáo đại học thời nay chắc càng ngày càng vắng. Có không ít ông thầy khi học trò thành đạt thì dè dặt khẳng định, hà tiện lời khen, thậm chí, còn tìm cách hạ thấp xuống nữa, sợ trò kiêu cũng có mà sợ danh tiếng học trò át mất uy danh của mình cũng có. Trong khi đó, thầy Phi đã hoan hỉ viết những bài chào mừng thành công của học trò, như viết về các tác giả thực sự. Tôi đã đọc những bài ông viết về Phạm Hải Anh, về Nguyễn Thị Bích Hải, tôi nghĩ họ xứng đáng được như vậy. Về sau, đọc Tuyển tập Nguyễn Khắc Phi, tôi thấy những bài viết ấy vẫn được ông tuyển nguyên vẹn vào đó. Điều ấy chứng tỏ ông rất tâm đắc với những bộc lộc và đánh giá chân thành dành cho học trò.

 

Tuy không được ông chủ nhiệm, nhưng tôi cũng đã được ông dành cho những tình cảm mà không phải ai cũng có được may mắn đó. Hồi năm thứ hai, khi học phần Thơ Đường, là dịp đầu tiên tôi được gần gũi ông. Sau khi học được những đặc trưng thi pháp thơ Đường, tôi đã viết một bài tập nhỏ, phân tích chỉ hai câu thơ của Đỗ Phủ: Cửa son rượu thịt ôi / Ngoài đường xương chất đống. Tôi cố viết hết sức bút để xứng đáng với những gì ông vừa truyền thụ cho mình trên lớp. Cuối cùng, điểm tuy không thật cao, chỉ được chín thôi, nhưng tôi đã nâng niu bài viết cho đến tận bây giờ như một kỉ niệm sâu sắc, vì ông đã chấm rất kĩ lưỡng, đã chỉ ra đâu là sở trường, sở đoản trong lối tiếp cận văn chương của thằng sinh viên non choẹt là tôi lúc ấy. Những bài được chấm như thế là sự soi sáng, là sự khích lệ vô cùng quí báu, đôi khi là một cú hích quan trọng trong đường văn chương của một con người. Rồi ông còn khuyến khích tôi nên báo cáo trong câu lạc bộ Văn học Châu Á năm đó. Từ đấy trở đi, tôi được gần ông hơn. Và cũng tự tin lên nhiều hơn.

 

Đến khi học xong Cao học, khoa Văn giữ tôi lại ngoài này, tôi gặp rắc rối trong việc xin chuyển. Mà nếu không được chuyển ra thì đối với tôi mọi chuyện như là sụp đổ vậy. Vợ con tôi ở ngoài này, đại gia đình tôi ở ngoài này, khoaVăn này là nơi tôi đã gắnbó 6,7nămtrời, mọi dự định về công việc và sự nghiệp nữa đều gắn với nơi này. Nếu mình không ra được thì rồi đời mình sẽ ra sao ? Bài toán cuộc đời mình chắc sẽ bế tắc, không thể giải được mất. Nhất là hồi ấy việc thuyên chuyển khỏi đại học Quy Nhơn là cực kì khó khăn. Ông hiệu trưởng Lê Hoài Nam lại tỏ ra quí tôi và chỉ muốn tôi về lại trong đó làm nòng cốt lâu dài. Tôi đã vô cùng lo lắng và nơm nớp sợ việc lớn của mình khó mà thực hiện được. Thì chính thầy Phi đã viết thư vào thuyết phục ông Lê Hoài Nam cho tôi được chuyển ra. Có lẽ áp lực tâm lí quá nặng nề, nên khi cầm thư, tuy mừng và đầy hi vọng, nhưng chừng nào chưa được giải quyết, chưa biết kết quả, tôi vẫn không sao trút được nỗi lo đè nặng trong lòng. Cầm thư đến gặp, mà hồi hộp kinh khủng. May sao, ông hiệu trưởng nổi tiếng nguyên tắc ấy vốn là bạn thầy, đọc xong thư của thầy và thư thầy Mạnh nữa, đã thuận tình mà bàn với tổ chức giải quyết cho tôi ra. Không thể nói được cảm giác sung sướng đến thế nào cứ dào dạt lên trong tôi lúc ấy. Tôi còn nhớ, rời phòng hiệu trưởng, tôi đã ra bờ biển Quy Nhơn ngồi rất lâu. Một mình, nhìn những con sóng lang thang trôi dạt trên mặt biển kia, nhìn những lá phi lao gió thốc đi tung toả vô định, nhìn những cánh hải âu chao liệng trên không rồi tha tha thẩn thẩn cuối những chiếc thuyền đánh cá bỏ vắng trên bãi xa kia, mà nghĩ về may mắn của mình. Ngồi từ xế chiều, đến khi bóng đã dài và thẫm lại mới thôi. Về sau, mỗi khi ngoái lại ngày ấy, không lần nào tôi kìm nổi xuýt xoa: nếu không có bức thư giản dị mà đầy nhiệt tình của thầy và thư thầy Mạnh, thì sẽ ra sao! Còn ra sao nữa, chắc là tôi đã mắc kẹt đời mình ở Qui Nhơn, nơi không phải tôi không yêu, nhưng không phù hợp với hoàn cảnh của mình. Vâng, có thể nói, bức thư ấy đã tạo ra một bước ngoặt của đời tôi, dù đến nay tôi vẫn chưa làm được gì thật đáng kể.

 

Với bao thế hệ sinh viên, khoa Văn Sư Phạm I là một mái nhà ấm, một ngôi đền thiêng, mà cái tâm cái tài của những bậc thầy như thế là nền tảng nhân văn, nền móng khoa học bền vững, khiến nó vẫn giữ được vị thế trang trọng, vinh quang đến ngày nay. Nó là niềm tự hào khi được đắp bồi, nó là niềm lo âu khi không được chăm chút. Mỗi khi nghĩ đến sự vững bền của nó, hay lo âu bởi chợt thấy một nguy cơ mai một nào đó, bao giờ tôi cũng nghĩ đến thầy Phi và những bậc thầy mà mình có may mắn được học ở chốn này!

 

Chu Văn Sơn

 

 

Post by: admin
14-07-2021