Chân dung nhà giáo

Anh Thái Bình- nhớ mãi không quên!


17-07-2021

 

Cách đây cũng hơi lâu lâu, tôi có tâm tình với cháu Hồng Hà thử thưa với mẹ Trang nên làm cho bố cháu một tập sách lưu niệm… Trên kia có anh Thắng, dưới này có anh Phong, rồi các cô các bác,trong đó có chú sẽ góp một tay. Nay công việc cuối cùng đã được khởi động, tôi xin thực hiện lời hứa của mình.

…Khi thi hài của anh Bình đưa vào lò hỏa táng, cửa đóng lại quá nhanh, chị Trang quá xúc động ngã khuỵu trên vai tôi, kêu lên: “Ối giời ơi, anh Ba ơi!”, có lẽ quá bất ngờ trước giây phút thật sự vĩnh biệt người chồng đầy mến thương, lại diễn ra dứt khoát, chớp nhoáng như thế. Còn tôi cũng không cầm được nước mắt, vì từ đây đã mất đi người bạn của một thời gian khó “điếu thuốc cùng hút, ngụm chè chia đôi”!

Anh Bình lớn hơn tôi một tuổi, cùng tốt nghiệp đại học 1960, nhưng tôi mới ở nước ngoài về, song chưa cùng tổ bộ môn, cũng chưa được sinh hoạt chi bộ như anh, nhưng hai anh em dần thân nhau. Hồi ấy cán bộ giảng dạy chúng tôi nghèo lắm, mà có lẽ anh Bình nghèo nhất, Tôi còn nhớ hồ mới quen nhau, tôi thường ra vườn ổi rất sát trường (bây giờ cố nhớ mãi mà không biết xác định là chỗ nào), nơi có một túp lều tranh để anh Bình sớm tối đi về phụng dưỡng mẹ già và chăm sóc cô em gái.Tôi hay ra chơi, thỉnh thoảng được chuyện trò với bà cụ thích lắm, vì cũng để đỡ nhớ mẹ tôi đang một mình còm cõi ở quê Nam.Lúc chuẫn bị thành lập gia đình, tất nhiên anh Bình gặp nhiều khó khăn, nhưng anh còn nhiều bạn thân, chúng tôi cùng tay nhau chia xẻ được bớt phần nào. Ngày càng thân nhau, có lẽ phần nào còn do điều kiện khách quan, vì cùng sinh hoạt chi đoàn, có khi cùng làm nhiệm vụ “Cờ đỏ” (giữ gìn trật tự), rồi công tác tự vệ, công tác công đoàn, công tác sinh viên, công tác kiến thiết.v.v… Nhất là trong thời sơ tán mà phần đông chỉ đến giờ dạy mới có mặt, còn hai anh em tôi, thuộc trong số phải “định cư”với sinh viên hầu như trong suốt hai đợt ném bom của Johnson và Nikson, Ôi thôi, chúng tôi cùng chia nhau mọi việc “thượng vàng hạ cám”, “đầu chày đít thớt”. Rồi hòa binh và thống nhất đất nước đến, tránh được bom đạn, nhưng lại thêm nhiều khó khăn mới. Không kể chuyện kinh tế khủng hoảng, chỉ nói công việc của Tổ bộ môn Lý luận, Gần nửa Tổ về Nam, một số không ít đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, có lúc Tổ chỉ còn 4 người, anh Bình thì luôn được tín nhiệm làm công tác Đảng ủy, còn tôi thì công tác công đoàn khoa, nhưng hai anh em vẫn phối hợp chặt chẽ trong công việc của bộ môn.

Chúng tôi gắn bó trong công tác hơn hai mươi năm như vậy, nhưng rồi đến đầu những năm 80, anh Bình chuyển lên công tác ở Xuân hòa,ban đầu làm chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn, rồi được tín nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà nội II. Quan hệ thực tế của chúng tôi dĩ nhiên không còn được trực tiếp gắn bó như trước, nhưng tôi không bao giờ quên những kỷ niệm, những ấn tượng mà anh Bình đã để lại.

Trước hết, anh Bình hết lòng vì công việc vì bạn bè, mà thật sự “quên mình” theo nghĩa nghĩa đen hoàn toàn. Có một chuyện mà đến bây giờ vẫn không sao hiểu nỗi là hồi sơ tán anh bị chó dại cắn, anh em giục giã anh phải đi bệnh viện ngay. Nhưng anh thì cứ: “Ừ, ừ, để Bình sắp xếp công việc một tí đã”. Công việc công đoàn, rồi công tác Đảng ủy ở nơi sơ tán thì bận bịu thật. Riêng công việc giảng dạy thì tôi nói cứ để đấy cho mình, phải đi ngay đi, mà anh cứ vẫn thế. Đến khi con chó lăn đùng ra chết, anh em lo sốt vó, mà anh thì cứ cái điệp khúc: “Phải đi chứ, đi ngay thôi, nhưng để sắp xếp, mà các bác đừng lo quá, không sao đâu!”. Mà cuối cùng cũng không sao thật,anh em mừng quá,mới đùa tếu: “Chúng mình lo hơi bị ngược, đáng lẽ phải đi cấp cứu chú khuyển trước mới phải, vì chính nó mới bị nhiễm độc”. Còn suy nghĩ nghiêm túc thì như thế này, có lẽ anh Bình hơi khác người vì khí huyết, cốt nhục có cái gì đặc biệt lắm không sao hiểu nỗi. Nhưng có điều hiểu rất rõ là tính anh nó thế, ít khi lo nghĩ cho mình, ngay những việc tối thiểu, rất cần kíp, cũng cứ coi như không. Những ngày cuối đời nằm ở bệnh viện Hữu nghị, mà nếu tôi không nhầm thì đây là lần duy nhất trong đời anh.Vào thăm, hóa ra anh chưa làm y bạ ở đây bao giờ. Mà với cương vị Hiệu trưởng Đại học, thì ắt hẳn, anh sẽ được hưởng tiêu chuẩn loại A. Ấy thế mà khi nhập viện không có giấy cần thiết làm cho chị Trang và các cháu phải chạy đôn chạy đáo. Liên hệ với chuyện chó dại cắn thời sơ tán, thú thật tôi có hơi bực “Cái ông này làm sao ấy”, nhưng nhìn anh nằm đó, khó thở, mà vẫn thoáng chút tươi tỉnh, thì mình bực có bực một ít, nhưng thương lại càng thương hơn nhiều.

Đối với mình thì như thế, nhưng đối với bạn thì anh Bình vô cùng chu đáo. Xin kể một chuyện vặt vui vui. Lúc anh Bình lên làm Chủ nhiệm khoa ở ĐHSPHNII, cómời tôi lên dạy mấy giờ, tất nhiên là tôi lên ngay. Hồi ấy, Xuân hòa gian khổ lắm, nó vốn chẳng qua là cái dãy phố của cái gọi là “đô thị vệ tinh” bây giờ phải “tạm nhét” một trường đại học vào đấy! Điện nước phập phù, sáng dậy đi vệ sinh phải sắp hàng! Tôi có nghe kể lại tất cả, và nghĩ bụng gian khổ gì bằng hồi sơ tán, mà có gian khổ hơn càng hay, mình sẵn sàng lặp lại chuyện “đồng cam cộng khổ” với ông bạn vàng này một phen xem sao, rồi chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ chẳng khác gì hồi sơ tán. Không ngờ được mở màn bằng một chầu đón tiếp rất lịch sự mà độc đáo: Chén thịt chó! Chao ôi, khuyển nhục được thái ra lớp lớp đầy gợi cảm. Rượu ngon có thể sánh với của làng Vân, chén đũa sạch bong, từng lát củ riềng nép mình bên những đĩa lạc rang thơm phức.

Quan tâm bạn bè, anh Bình càng không bao giờ quên những đồng chí, đồng nghiệp đã hy sinh. Anh Lê Đăng Bảng, vốn là chủ nghiệm bộ môn Lý luận văn học, năm 1964 cùng với Nguyễn Đức Dũng (Từ Sơn) trong Khoa ta, về và vào Nam chiến đấu. Vì nhiễm bệnh, cuối năm 1968 Từ Sơn trở ra cho biết anh Bảng vào làm chủ bút Ngọn cờ khởi nghĩa của Thành ủy Sài gòn - Gia định, và đã hy sinh trong dịp Mậu thân, anh em trong Tổ và Khoa bàng hoàng. Riêng tôi và nhất là anh Bình cứ day dứt không biết hy sinh trong trường hợp nào, ở đâu, tóm lại là phải có giấy tờ xác nhận, để có thể còn làm lễ truy điệu chính thức. Anh Bình còn nói thêm là còn để sau này đất nước thống nhất, có thể thông tin về quê nhà anh Bảng. Nhưng toàn là những chuyện “lực bất tòng tâm” trong giai đoạn ấy. Đến sau 30/4/975, tôi chuẩn bị về quê, anh Bình liền nhắc lại chuyện này và hứa lo chuyện giấy tờ giới thiệu để tiện công việc liên hệ. Tôi bảo: “Bình yên tâm, mình cũng đã định bụng rồi, Bình chí là cùng tổ bộ môn, chứ mình với anh Bảng còn cùng thêm tổ tam tam chế (nhóm ba người) trong Đoàn vượt Trường sơn ra Bắc năm nào, nay bạn đã không thể cùng trở về, làm sao quên được? Nhưng bây giờ làm sao đáy bể mò kim đây, mình chưa hình dung ra được, chưa nên vội đặt vấn đề giấy giới thiệu, cứ im lặng dò tìm, nói trước bước không tới”. Quả vậy, tôi về quê Quảng ngãi, quá đau buồn với chuyện đau thương tang tóc của gia đình, nhưng rồi cũng phải nguôi dần trên đường tiếp tục Nam tiến thăm bà con ở Nha trang, Đà Lạt, Sài gòn. Trên đường đi tôi mới thật sự có thể và phải suy nghĩ chuyện anh Bảng, nhưng không biết thăm dò manh mối thế nào đây, chỉ đành mặc niệm: “Anh Bảng ơi, sống khôn thác thiêng, hãy đưa đường dẫn lối cho tôi!”. Mà dường như anh Bảng rất thiêng thật. Xe đến Bảo Lộc dừng lại nghỉ, tôi đang gà gật, mơ mơ màng, bỗng đâu mốt ý nghĩ vụt hiện trong đầu: “À nhỉ, chủ bút Ngọn cờ khởi nghĩa trước đây, thì bây giờ cứ đến Ban Tuyên huấn của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định mà hỏi thì ra ngay chứ gì! ”. Nhưng mà tức thật, giá mà nghe lời anh Bình, chuẩn bị được giấy giới thiệu, chứ bây giờ họ biết mình là ai đây! Nhưng rồi một sự suy luận lại vụt hiện: anh Bảng, ra đi từ ngành Giáo dục, vậy thì mình phải đến trước Bộ Giáo dục của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam. Thế là trời đất phù hộ thế nào lại gặp ngay chánh văn phòng Nguyến Đức Ảnh (vốn ở khoa Tâm lý cùng đi B một chuyến với anh Bảng). Mừng vui khôn xiết, anh Ảnh viết luôn giấy giới thiệu và điện báo trước đến Ban Tuyên huấn, Đồng chí Nguyễn(?)Xuân, trưởng ban Tuyên huấn niềm nở tiếp tôi mãi đến trưa. Anh nói rõ anh Bảng nổi bật những ưu điểm thế nào và cũng có khuyết điểm ra sao.. Về chuyện hy sinh thì sau Mậu Thân, Anh Bảng trên đường đi công tác về R (Trung ương cục ở Tây ninh) dày đặc biệt kích và ào ạt B52, không biết hy sinh vì đằng nào chờ thêm 6 tháng để xác minh, không có kết quả cụ thể, nhưng vẫn công nhận là liệt sĩ… Tôi không quên xin thêm một giấy chứng nhận để phòng khi có dịp sẽ báo cho gia đình anh Bảng ở Quảng Ngãi.

Tay nhận 2 giấy báo tử - liệt sĩ, rưng rưng nước mắt, anh Bình ôm chầm lấy tôi, vỗ nhẹ vào lưng: “Phục quá, phục quá!”. Tôi nói: “May là chính, trời đất phù hộ, mà anh Bảng cũng thiêng, lúc nào bí, thì đầu óc lai sáng lên lối thoát bất ngờ… Nhưng mình cũng có khuyết điểm là quá dè dặt không dám lấy giấy giới thiệu trước”. Ngẫm lại riêng tôi với anh Bảng cũng là tận lực tận tình rồi, nhưng anh Bình thì còn có phần khác. Sau đó không bao lâu, anh Bình lại nói nằm mơ thấy anh Bảng còn sống! Tôi nói: “Thế thì nhiệm vụ của hai ta sẽ cân đối nhau. Mình thì đi tìm manh mối chuyện hy sinh mà không mang theo giấy tờ gì, còn cậu sẽ đi xác minh chuyện phục sinh, nhớ phải mang theo giấy tờ đầy đủ nhé”. Bình cười xòa, nhưng chưa hết! Đầu những năm 80, đi dạy Campuchia về, anh Bình tuyên bố xanh rờn đã gặp được Lê Đăng Bảng y chang, chỉ đã cạo trọc đầu, trong sân một ngôi chùa ở Phnôm Pênh. Bình nhận ra, suýt chạy xáp tới, thì anh Bảng nheo nheo rồi trừng mắt, Bình phải tiếp tục theo hàng ngũ khách tham quan đi vào phía trong chùa, lúc quay ra, cố tìm lại không thấy nữa. Anh Bình nói rất thật thà mà nghiêm túc, và điều này có thể anh Bảng là trường hợp những “phản gián đơn tuyến” suốt đời phải mai danh ẩn tích! Nhưng nhiều thập kỷ đã trôi qua chả có thông tin gì thêm cả, càng củng cố ý nghĩ của tôi lúc ấy là do anh Bình quá thương tiếc bạn, biến thành một nỗi ám ảnh rồi tự tạo cho mình những ảo ảnh mà thôi.

Tình cảm thân thương của anh Bình còn lan ra đến những con vật nuôi. Một hôm trời rét căm căm, tôi ghé thăm, mới qua cửa hé thấy anh đang ngồi ở bàn nước, đầu đội mũ lông to tướng, mặc chiếc mang tô nỉ đen rộng thùng thình. Thấy tôi anh vội bước ra, nhưng sao bước châm chạp mà lom khom.Anh nói ngay: “Xin lỗi Ba, trời rét quá,mình đang phải ủ cho mấy thằng cháu”. Thế là một bầy chó con lóp ngóp trườn ra khỏi mang tô thật. À ra thế, cảm động mừng vui thật, nhưng không biết nói thêm thế nào đây, Anh Mạnh có lần nói: “Bình nó có tố chất của thánh nhân!” Hình như có phần đúng, nhưng đối với thánh nhân đích thực, thì anh Bình lại bày tỏ niềm kính mến rất con người,bình thường, giản dị. Sau khi Bác mất, hay có những cuộc họp bày tỏ niềm thương tiếc và quyết tâm noi gương Bác. Một hôm như thế, anh Bình cũng cùng giọng cùng lời như mọi người thôi, song bỗng khóc mếu máo nói: “Suốt đời Bác có gì cho mình đâu. Về già chỉ có mấy điếu thuốc, mà bon bác sĩ chết tiệt cũng cấm ông cụ! Hu hu!”. Anh em, kể cả tôi suýt bật cười, nhưng đố dám, cuộc họp sau đó cũng tan sớm, và có anh chọc: “Chắc là hôm nay họp hơi bị lâu, nó thèm thuốc quá rồi!”. Chính xác, tôi móc tui bao thuốc chạy theo anh Bình. Nhưng anh có vẻ không vui vì thấy anh em không thông cảm hết tâm trạng của minh, nhưng khi lửa đã bật lên, thuốc điếu đã chìa ra, thì anh miễn cưỡng châm hút, rồi kéo tôi lững thững ra bờ đê Quần Ngọc và nói: “Chứ Ba thấy mình nói không đúng à? Phải để cho ông cụ thỉnh thoảng thư giản phì phèo thoải mái như chúng minh thì ít nhiều gì cũng còn sống lâu hơn là cái chắc”, Tôi trả lời: “Quá đúng,… cho nên ta lại tiếp điếu nữa đi! Haha!”.

Anh Bình rất thông minh, mà hình ở đây, có vấn đề dòng dõi thế nào ấy. Không dám nói đến bậc đàn anh Thành Thế Vỹ, chỉ xin kể đến người em trai Thành Thế Yên Bái tốt nghiệp Ngữ Văn ở Liên Xô về. Giáo sư Nga sang giảng môn Toán mà PTS Toán ở Liên Xô về dịch cứ trục trặc ngắt ngứ, rồi phải rước anh Yên Bái đến dịch phăng phăng.Giả định trong tình huống tương tự, tôi tin rằng anh Bình cũng làm được như thế. Chỉ biết rằng, anh giảng bài,có thể chưa thật sâu, nhưng rất mạch lạc, rõ ràng, chặt chẽ, giọng nói đầy tâm huyết, dẫn chứng sinh động, khá hấp dẫn sinh viên. Đặc biệt trí nhớ của anh thì tuyệt vời, gặp lại sinh viên cũ, tôi thì chỉ nhớ tên đôi ba người, còn Bình thì nói vanh vách họ tên, khóa nào và có thể kể lại đôi ba kỷ niệm nho nhỏ vui vui giữa nhau. Còn về chuyện nghiên cứu, thì tôi nhớ một nhà bác học nối răng phát minh của ông ta, trí thông minh chỉ chiếm một phần trăm thôi, còn chủ yếu là do cần cù, kiên trì, nhẫn nại. Như thế thông minh thì có thừa, anh Bình cũng không hề thiếu cần cù và kiên nhẫn, nhưng đã dồn hết vào công việc chung là chính, phần nữa cho gia đình và nhất là bạn bè. Hết việc này đến việc kia, cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng, cho nên có khi phải hơi bị sa đà vào tổ tôm, tú lơ khơ là dễ hiểu và rất nên thông cảm. Và nói cho cùng người ta sinh ra ở đời, trên cơ sở làm tròn nghĩa vụ với xã hội và gia đình, cũng chỉ có thể biểu hiện mặt mạnh, ưu điểm nổi bật của mình ở một vài phương diện nào đó mà thôi, mặc dù không làm sao mà toàn diện toàn bích được, nhưng vẫn để lại ít nhiều bài học đáng quý. Tôi làm chủ nhiệm bô môn mấy chục năm xét riêng những chỗ được, đều là do ít nhiều học tập những vị tiền nhiệm. Trước hết là thầy Nguyễn Lương Ngọc, chỉ cân nhắc đến tên, không cần phải nói gì thêm. Tiếp theo là anh Trần Văn Bính thì hiền từ ôn hòa, anh Bảng thì hăng hái xông xáo. Còn anh Hạnh thì rất có công đưa việc giảng dạy và nghiên cứu của Tổ hòa chung vào dòng chảy Lý luận phê bình văn học bên ngoài.

Còn anh Thái Bình thì sống và làm việc đúng theo phương châm “Mình vì mọi người”, có thể xếp vào đội ngũ những người thật sự “Dĩ công vi thượng”, vốn liếng vô cùng quý báu của một thời mà sao nay đã trở nên xa vắng!

Phương Lựu

 

Post by: admin
17-07-2021